Tiếp
Kiến Chung 08/6 của Đức Thánh Cha: Tuổi Già Tỏ Cho Chúng Ta Sự Dịu Dàng Của
Thiên Chúa
Photo:
Vatican Media
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 08/06/2022
Sáng
thứ Tư, ngày 08 tháng Sáu, đã có gần 20.000 tín hữu hành hương từ nhiều nơi đến
tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng
trường thánh Phêrô dưới trời nắng khá gay gắt.
Như
những lần trước đây, trước khi bắt đầu lúc 9 giờ, Đức Thánh cha đi xe mui trần
tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, trước khi lên bục cao ở thềm Đền
thờ để bắt đầu buổi tiếp kiến.
Sau khi
Đức Thánh cha làm dấu thánh giá, mọi người nghe đọc đoạn Tin mừng theo thánh
Gioan (3, 3-6), thuật lại lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thật tôi bảo
ông, nếu ai không sinh ra từ trên cao thì không thể thấy Nước Thiên Chúa”. Ông
Nicôđêmô nói với Ngài: “Làm sao một người có thể sinh ra khi đã già rồi? Phải
chăng họ lại vào lòng mẹ lần thứ hai để tái sinh?”. Chúa Giêsu đáp: “Thực, tôi
bảo thực, nếu một người không sinh ra bởi nước và Thánh Linh, thì không thể vào
Nước Chúa. Điều gì sinh ra bởi xác thịt thì là xác thịt, và điều gì sinh ra bởi
Thần Trí thì là Thần Trí”.
Bài giáo lý
Trong
bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già. Bài
thứ 13 này có tựa đề: “Ông Nicôđêmô: “Làm sao một người có thể sinh ra khi đã
già rồi” (Ga 3,4).
Mở đầu
bài giáo lý, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong
số những nhân vật cao niên nổi bật nhất trong các sách Tin mừng, có ông
Nicôđêmô, một trong các thủ lãnh của người Do thái - ông ta, vì muốn biết Chúa
Giêsu, đã âm thầm đến gặp Ngài lúc ban đêm (Xc Ga 3,1-21). Trong cuộc trao đổi
giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô, ta thấy nổi bật trọng tâm mạc khải của Chúa Giêsu
và sứ mạng cứu độ của Ngài, khi Ngài nói: “Thực vậy, Thiên Chúa đã yêu thương
trần thế đến độ ban Con duy nhất của Chúa, để bất cứ ai tin vào Người thì không
bị hư mất, nhưng được sống đời đời” (v.16).
Đức
Thánh cha giải thích: “Chúa nói với ông Nicôđêmô rằng để “thấy nước Thiên Chúa”
thì cần “sinh ra từ trên cao” (Xc v.3). Đây không phải là sự tái sinh khởi sự
lại từ đầu, lập lại việc chúng ta đến trần thế, với hy vọng sự đầu thai mới mở
ra cho chúng ta khả thể có một đời sống tốt đẹp hơn. Sự lập lại như vậy là vô
nghĩa. Trái lại, nó còn làm cho đời sống đã trải qua chẳng còn ý nghĩa, xóa bỏ
nó như là một kinh nghiệm thất bại, một giá trị bị lỗi thời, một sự trống rỗng
bị mất đi. Không phải như vậy! Cuộc sống này là quí giá trước mắt Thiên Chúa:
chúng ta là những thụ tạo được Chúa dịu dàng yêu thương. “Sự sinh ra từ trên
cao” làm cho chúng ta được vào nước Thiên Chúa, là một sự tái sinh trong Thánh
Linh, một hành trình tiến qua nước để tiến đến đất hứa là một công trình tạo
dựng được hòa giải, nhờ tình thương của Thiên Chúa.
Ông
Nicôđêmô đã hiểu lầm sự sinh ra như thế và nại đến tuổi già như một bằng chứng
cho thấy sự tái sinh như vậy là điều không thể được: con người trở nên già nua
là điều không thể tránh được: giấc mơ một tuổi trẻ vĩnh cửu xa rời mãi mãi, sự
hao mòn, mất đi, là điều xảy ra với bất kỳ sự sinh ra nào trong thời gian. Làm
sao có thể tưởng được được một vận mệnh có hình thức là một sự sinh ra?
Đức
Thánh cha nhận xét: “Vấn nạn của ông Nicôđêmô rất là hữu ích đối với chúng ta.
Thực vậy, chúng ta có thể đảo lộn lại dưới ánh sáng Lời Chúa, trong sự khám phá
một sứ mạng riêng của tuổi già. Quả thế, trở nên già không phải là một chướng
ngại cản trở sự sinh ra từ trên cao mà Chúa Giêsu nói tới, nhưng trở thành thời
điểm thuận tiện để soi sáng nó, giải tỏa nó khỏi sự mơ hồ về một niềm hy vọng
không còn nữa. Thời đại và nền văn hóa của chúng ta cho thấy một xu hướng đáng
lo, khi coi việc sinh ra của một người con như là một vấn đề sản xuất và tạo
nên một con người về mặt sinh học, rồi nuôi dưỡng huyền thoại một tuổi trẻ vĩnh
cửu như thể là một ám ảnh - tuyệt vọng - về một thân thể không bị hư nát”. Tại
sao tuổi già bị coi rẻ bằng nhiều cách? Vì nó mang sự hiển nhiên không thể phủ
nhận về sự từ bỏ huyền thoại vừa nói, muốn làm cho chúng ta trở lại lòng mẹ để
tái sinh trong một thân xác luôn trẻ trung.
Kỹ
thuật để cho mình bị thu hút vì huyền thoại này bằng nhiều cách: trong khi chờ
đợi đánh bại sự chết, chúng ta có thể giữ cho thân xác được sống bằng y khoa và
theo thể thức thẩm mỹ, làm chậm lại, che giấu, loại bỏ tuổi già. Dĩ nhiên, hạnh
phúc là một chuyện, nuôi dưỡng huyền thoại là chuyện khác. Nhưng chúng ta không
thể phủ nhận rằng sự lẫn lộn giữa hai khía cạnh đang tạo nên một thứ nhầm lẫn
về tinh thần.
Sự sống
trong thân xác phải chết là một “sự bất toàn” rất đẹp: như một vài tác phẩm
nghệ thuật: chính vì chưa được hoàn tất nên nó có một sức thu hút đặc biệt. Vì
cuộc sống trần thế này là “sự dẫn nhập vào”, một sự khởi đầu, chứ không phải là
sự viên mãn: chúng ta đến trần thế như vậy, như những con người thực sự, mãi
mãi. Nhưng sự sống trong thân xác là một không gian và một thời gian quá nhỏ,
không thể giữ nguyên vẹn và làm viên mãn phần quí giá nhất của cuộc sống chúng
ta trong thời gian của thế giới. Đức tin, qua đó chúng ta đón nhận lời loan báo
của Tin mừng Nước Thiên Chúa chúng ta phải tiến đến, có một công hiệu đầu tiên
ngoại thường, như Chúa Giêsu đã nói, đức tin ấy giúp chúng ta “nhìn” thấy nước
Thiên Chúa. Chúng ta có thể nhìn thấy thực sự nhiều dấu chỉ gần đúng về sự viên
mãn đối với những gì mà trong cuộc sống của chúng ta có mang dấu chỉ về sự vĩnh
cửu của Thiên Chúa.
Những
dấu chỉ đó là dấu chỉ về tình thương theo Tin mừng, được Chúa Giêsu soi sáng
bằng nhiều cách. Và nếu chúng ta có thể thấy những dấu chỉ ấy, thì cũng có thể
“bước vào” trong Nước Chúa, nhờ Chúa Thánh Linh qua nước tái sinh.
Và Đức
Thánh cha kết luận rằng: “Tuổi già là thân phận được ban cho nhiều người trong
chúng ta, trong đó phép lạ của sự tái sinh từ trên cao có thể được đón nhận
trong nội tâm và trở nên đáng tin cậy đối với cộng đoàn con người: nó không
thông truyền thái độ nhớ nhung sự sinh ra trong thời gian, nhưng là lòng yêu
mến đối với mục đích chung kết. Trong viễn tượng ấy, tuổi già có một vẻ đẹp duy
nhất: chúng ta tiến bước, hướng về Vĩnh Cửu. Không ai có thể trở lại lòng mẹ và
cũng không thể đi vào những gì thay thế lòng mẹ về mặt kỹ thuật và tiêu thụ.
Thật là buồn nếu điều đó trở thành điều có thể. Người già tiến bước về đằng
trước, hướng về mục tiêu, về trời cao của Thiên Chúa. Vì thế, tuổi già là một
thời kỳ đặc biệt để giải thoát tương lai khỏi ảo ảnh kỹ thuật sống còn về mặt
sinh học và nhờ máy móc tự động, nhưng nhất là vì nó mở ra cho sự dịu dàng của
cung lòng sáng tạo và tái tạo của Thiên Chúa. Thánh Linh giúp chúng ta nêu cao
sứ mạng của tuổi già về mặt tinh thần và văn hóa, hòa giải chúng ta với sự sinh
ra từ trên cao.
Chào thăm và kêu gọi
Bài
huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các thông dịch viên lần
lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức
Thánh cha.
Bằng
tiếng Anh, ngài nhắc đến các tín hữu đến từ Anh quốc, Philippines và Mỹ. Đặc
biệt, Đức Thánh cha chào thăm đông đảo các học sinh sinh viên hiện diện trong buổi
tiếp kiến. Ngài nói rằng tôi cầu xin niềm vui và an bình của Chúa Giêsu Kitô
trên anh chị em.
Với các
tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các linh mục thuộc giáo phận
Wloclawek, đến Roma nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục. Ngài cũng nhắc
đến ngày 08 tháng Sáu này là lễ kính thánh Hoàng hậu Edvige, tông đồ của nước
Lituani và là người sáng lập Đại học Jagellonica ở Cracovia. Trong lễ phong
thánh cho thánh nữ, thánh Gioan Phaolô II đã nhắc lại rằng nhờ hoạt động của
thánh nữ Edvige, Ba Lan được hiệp nhất với nước Lituani và với miền Rus. Đức
Thánh cha nói: “Tôi phó thác anh chị em cho sự chuyển cầu của thánh nữ, như
thánh nữ, cầu nguyện dưới chân thánh giá cho hòa bình tại Âu châu”.
Khi
chào thăm bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến các thành viên Tổng tu nghị của
dòng Đức Mẹ Cát Minh và khuyến khích các chị luôn tiến bước vui tươi trên những
con đường của Chúa. Ngài cũng chào thăm nhiều nhóm khác nhau.
Và sau
cùng như thường lệ, Đức Thánh cha chào những người già, các bệnh nhân, người
trẻ và các đôi tân hôn, đồng thời nhắc nhở rằng Chúa nhật tới đây, chúng ta
mừng lễ kính Chúa Ba Ngôi. Đức Thánh cha nói: “Tôi nhắn nhủ tất cả mọi người ý
thức về sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong đời sống chúng ta, nhờ phép Rửa
tội, được sự nâng đỡ để chu toàn thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh?”
Buổi
tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.