Huấn
Dụ Của Đức Thánh Cha Tại Lễ Hội Các Gia Đình Thế Giới
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 23/06/2022
Đức
Thánh cha Phanxicô khích lệ các bạn trẻ lãnh nhận bí tích hôn phối, các gia
đình sẵn sàng chấp nhận thánh giá trong đời sống hôn nhân, tha thứ cho nhau, có
tinh thần đón tiếp và tiến tới tình huynh đệ đại đồng.
https://www.youtube.com/watch?v=5InaKKdkB14
(12phut)
Đó là
năm điểm chính ngài đề cập đến, trong bài huấn dụ vào cuối Lễ hội các gia đình
thế giới, tiến hành tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, từ 6 giờ
đến 8 giờ, tối thứ Tư ngày 22 tháng Sáu năm 2022, trong khuôn khổ Đại hội kỳ X
các gia đình Công giáo thế giới, đang diễn ra tại Roma cho đến Chúa nhật 26
tháng Sáu tới đây, với sự tham dự trực diện của khoảng 2.000 đại biểu chính
thức từ các nước trên thế giới và hàng triệu người khác ở các nơi tham dự trực
tuyến.
Chủ đề
đại hội lần này là: “Tình yêu gia đình: ơn gọi và con đường nên thánh”.
Trong
lễ hội, có phần trình diễn văn nghệ cùng với chứng từ của năm đôi hôn nhân:
1. Bắt đầu là anh chị Luigi và Serena, nhờ
sự nâng đỡ của gia đình và cộng đoàn, nhất là sự hỗ trợ của ơn Chúa, anh chị đã
quyết định xin rửa tội cho các con cái. Đi từ chứng từ đó, Đức Thánh cha đưa ra
nhận định:
“Chúng
ta có thể nói khi một người nam và người nữ yêu nhau, Thiên Chúa tặng họ một
món quà, đó là hôn phối. Một món quà tuyệt vời, mang trong đó một sức mạnh của
tình yêu Thiên Chúa: mạnh mẽ, lâu bền, chung thủy, có khả năng phục hồi sau mỗi
thất bại hoặc yếu đuối. Hôn nhân không phải là một thủ tục cần phải trải qua.
Người ta không kết hôn để trở thành người Công giáo chỉ có “nhãn hiệu”, để tuân
theo một qui luật, hoặc vì Giáo hội dạy như vậy; ta kết hôn vì muốn đặt hôn
phối trên tình yêu của Chúa Kitô, vững chắc như đá tảng. Trong hôn nhân, Chúa
Kitô hiến mình cho chúng ta như anh chị em đã có sức mạnh hiến thân cho nhau.
Vì thế, hãy can đảm lên, cuộc sống gia đình không phải là một sứ mạng bất khả!
Với ơn của bí tích, Thiên Chúa làm cho sứ mạng này thành một cuộc du hành tuyệt
vời cần thực hiện chung với Chúa, không bao giờ một mình. Gia đình không phải
là một lý tưởng đẹp không thể đạt tới trong thực tế. Thiên Chúa bảo đảm sự hiện
diện của Ngài trong hôn nhân và gia đình, không phải chỉ trong ngày thành hôn
nhưng trong suốt cuộc đời. Chính Chúa nâng đỡ anh chị em mỗi ngày trên hành
trình của anh chị em”.
2. Chấp nhận thánh giá
Chứng
từ thứ hai được Đức Thánh cha đề cập đến là của anh chị Roberto và Maria
Anselma, có con gái là Chiara bị bệnh và qua đời, một thánh giá lớn cho gia
đình, nhưng anh chị đã không để biến cố đau thương này phá hủy gia đình và
không để nó loại trừ sự thanh thản và an bình trong tâm hồn. Anh chị kể: “Sự
thanh thản của Chiara đã mở cho chúng con cánh cửa sổ hướng về vĩnh cửu”.
Đức
Thánh cha nhận xét: “Nhìn thấy cách thức Chiara đã sống thử thách bệnh tật đã
giúp anh chị hướng nhìn lên cao và không để mình ở lại như tù nhân của đau khổ,
trái lại mở ra cho anh chị em một cái gì lớn hơn, đó là những ý định mầu nhiệm
của Thiên Chúa, vĩnh cửu, Trời Cao”.
Đức
Thánh cha cám ơn chứng từ của anh chị Roberto và Maria Anselma, và ngài nói
thêm rằng: “Trong con tim của Chiara, sự thật về thánh giá đã đi vào như một
hồng ân: một cuộc sống trao cho gia đình, cho Giáo hội và toàn thế giới. Chúng
ta luôn cần những tấm gương lớn để nhìn tới: Ước gì Chiara là một gợi hứng cho
chúng ta trên con đường nên thánh, và xin Chúa nâng đỡ, làm cho mọi thánh giá
mà các gia đình đang vác được trở nên phong phú”.
3. Hướng về tha thứ
Ông bà
Paul và Germaine đã kể lại cho Đức Thánh cha và mọi người về cuộc khủng hoảng
gia đình, với tất cả các nguyên nhân: thiếu thành thật, không chung thủy, lạm
dụng tiền bạc, chạy theo thần tượng quyền bính và sự nghiệp, oán hận gia tăng
và cứng lòng.
Đức
Thánh cha nói: “Khi nghe ông bà kể, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều sống kinh
nghiệm đau thương, thử thách trước những tình trạng tương tự của các gia đình
bị chia rẽ. Nhìn thấy một gia đình bị tan rã là một thảm trạng không thể để
chúng ta dửng dưng. Nụ cười của đôi vợ chồng tan biến, con cái hoang mang, sự
thanh thản không còn nữa. Và nhiều lần ta không biết phải làm sao”.
“Vì
thế, câu chuyện của ông bà thông truyền hy vọng. Ông Paul đã nói rằng chính
trong lúc đen tối vì khủng hoảng, Chúa đã đáp ứng ước muốn sâu xa nhất trong
con tim của ông và đã cứu vãn hôn nhân của ông.... Thiên Chúa nhìn thấy những
gì trong tâm hồn. Và nhờ sự quan phòng của Chúa, ông bà đã gặp một nhóm giáo
dân chuyên giúp đỡ các gia đình. Và nhờ đó khởi đầu một hành trình xích lại gần
nhau và chữa lành mối quan hệ của ông bà. Ông bà bắt đầu nói chuyện lại với
nhau, cởi mở chân thành, nhìn nhận lỗi lầm và cùng cầu nguyện với các cặp khác.
Tất cả đã được tới sự hòa giải và tha thứ”.
Đức
Thánh cha nói thêm rằng “sự tha thứ chữa lành mọi vết thương, đó là một hồng ân
từ ơn thánh mà Chúa Kitô đổ tràn trên các cặp hôn phối và toàn gia đình, khi họ
để Chúa tác động và khi họ chạy đến cùng Chúa. Thật là đẹp vì anh chị đã cử hành
lễ tha thứ với các con cái, lập lại những lời hứa hôn trong thánh lễ.
4. Tiến đến là sự đón tiếp
Chứng
từ thứ tư được Iryna và Sofia người Ucraina trình bày. Họ kể lại cuộc sống bị
đảo lộn vì chiến tranh tại Ucraina và đã được các gia đình nhà thương, các bác
sĩ, giúp đỡ với tâm tình nhân đạo.
Đức
Thánh cha nói: “Chiến tranh đã đặt các con trước thái độ sống chết mặc bay và
sự tàn bạo của con người, nhưng các con cũng đã gặp những người đầy tình người.
Điều tệ nhất và điều tốt nhất của con người. Điều quan trọng là chúng ta đừng
chỉ để ý những điều xấu, nhưng biết đề cao điều tốt nhất, bao nhiêu điều tốt mà
con người có thể làm và tái khởi hành từ đó.
Đức
Thánh cha cũng cám ơn ông bà Pietro và Erika, với lòng quảng đại, đã đón tiếp
Iryna và Sofia trong gia đình vốn đã đông con. Ông bà cho biết mình làm như vậy
vì lòng biết ơn Chúa và với tinh thần đức tin, như một ơn Chúa gọi. Erika nói
rằng đón tiếp chính là một “đoàn sủng” của các gia đình, nhất là những gia đình
đông con!
5. Tiến tới tình huynh đệ
Chứng
từ chót được Đức Thánh cha nhắc đến và bình luận tại Lễ hội các gia đình thế
giới, là của chị Zakia. Chị và anh Luca đã cùng chia sẻ những lý tưởng cao cả
và kể rằng: “Chúng con đã đặt gia đình chúng con trên tình yêu chân thực, trong
sự tôn trọng, liên đới và đối thoại giữa các nền văn hóa của chúng con”. Và
không điều gì trong đó bị mất đi, kể cả sau cái chết bi thảm của Luca. Không
những thế, tấm gương và gia sản tinh thần của anh Luca vẫn còn sinh động và nói
với lương tâm của nhiều người, và cả tổ chức mà Zakia đã thành lập, tiếp tục sứ
mạng của Luca.
Đức
Thánh cha nhận xét rằng: “Không những là vợ chồng với nhau, anh chị đã sống như
anh chị em trong nhân loại, anh chị em trong những kinh nghiệm tôn giáo khác
nhau, trong sự dấn thân xã hội... Tấm gương về tình huynh đệ, như trường hợp
Luca và Zakia, mang lại cho chúng ta hy vọng và làm cho chúng ta tín thác nhìn
thế giới chúng ta đang bị xâu xé vì chia rẽ và hận thù. Xin cám ơn vì tấm gương
về tình huynh đệ!”. (Rei 22-6-2022)