Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh cha: Tuổi Già Là Lúc Khám Phá Sức Mạnh Trong Sự Yếu Đuối

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 23/06/2022

https://www.youtube.com/watch?v=2AxSvI9mqDQ&t=7s (12phut)

Lúc gần 9 giờ sáng, thứ Tư, ngày 22 tháng Sáu năm 2022, đã có gần 15.000 tín hữu hành hương từ nhiều nơi đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Như thường lệ, Đức Thánh cha dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, đặc biệt ngài để cho một số em bé người Ucraina lên ngồi cùng xe với ngài.

Tại quảng trường, có hai khu vực được dành cho các sinh viên sĩ quan Học viện quan thuế và trường sĩ quan ở thành phố Modena, kỳ cựu nhất của quân đội Ý.

Tại bục cao, sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá và lời chào phụng vụ, là phần tôn vinh Lời Chúa. Trước đây là các giáo sĩ, nay phần lớn những người đọc sách thánh tại buổi tiếp kiến là giáo dân nhân viên tại Vatican. Mọi người nghe đọc đoạn Tin mừng theo thánh Gioan đoạn 21 (21,17-18):

“[Chúa Giêsu] nói lần thứ ba với Phêrô: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?”. Phêrô buồn vì lần thứ ba Thầy hỏi “Con có yêu mến Thầy không?” và ông thưa: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa”. Chúa Giêsu đáp: “Hãy chăm sóc các chiên của Thầy. Thực, Thầy bảo thực với con: khi con còn trẻ, con tự mặc y phục một mình và đi nơi nào con muốn; nhưng khi con già, con sẽ giơ tay ra và người khác sẽ mặc y phục cho con và đưa con đi đến nơi con không muốn”.

Bài giáo lý

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già. Bài thứ mười lăm này có tựa đề: “Phêrô và Gioan”.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

 Trong hành trình giáo lý của chúng ta về tuổi già, hôm nay chúng ta suy niệm về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu phục sinh và ông Phêrô, vào cuối sách Tin mừng theo thánh Gioan (21,15-23). Đó là một cuộc đối thoại cảm động, qua đó ta thấy tất cả tình thương của Chúa Giêsu đối với các môn đệ của Ngài, và cả tình người cao cả trong tương quan của Ngài với họ, đặc biệt với ông Phêrô: một tương quan dịu dàng, nhưng không buồn tẻ, trực tiếp, tự do và cởi mở. Một tương quan trong sự thật. Và thế là, Tin mừng theo thánh Gioan, với linh đạo cao độ, kết thúc với một câu hỏi và một sự bày tỏ yêu thương cảm động giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô, liên kết với nhau một cách rất tự nhiên, qua cuộc trao đổi giữa hai vị. Thánh sử Tin mừng cho chúng ta thấy mình làm chứng cho sự thật qua các sự kiện (Xc Ga 21,24). Chính trong các sự kiện mà ta cần tìm kiếm sự thật.

Ta có thể tự hỏi: chúng ta có khả năng bảo tồn mức độ tương quan mật thiết của Chúa Giêsu với các môn đệ, theo cách thức cởi mở, thẳng thắn, trực tiếp và thực sự có tình người như vậy hay không? Hay trái lại, rất nhiều khi chúng ta bị cám dỗ khép kín chứng tá Tin mừng trong cái vỏ của một thứ mạc khải bọc đường, mà chúng ta chỉ tôn kính trong dịp này hay dịp kia mà thôi hay không? Thái độ này, có vẻ là tôn trọng, nhưng trong thực tế làm cho chúng ta xa lìa Chúa Giêsu đích thực, và thậm chí còn trở nên dịp cho một hành trình đức tin rất trừu tượng, rất qui vào mình, rất trần tục.

Trong cuộc thảo luận giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô, chúng ta thấy có hai đoạn liên quan đặc biệt đến tuổi già và sự kéo dài của thời gian: thời kỳ làm chứng, thời gian của cuộc sống. Đoạn thứ nhất là lời cảnh giác của Chúa Giêsu với ông Phêrô: “Khi con còn trẻ, thì con tự lập, nhưng khi con già thì không còn làm chủ bản thân và cuộc sống của con nữa. Và chứng tá của con cũng sẽ đi kèm sự yếu đuối ấy.

Thánh sử Tin mừng thêm phần bình luận của mình, giải thích rằng Chúa Giêsu ám chỉ tới chứng tá tột cùng, chứng tá tử đạo và cái chết. Nhưng chúng ta có thể hiểu một cách tổng quát hơn ý nghĩa của lời cảnh giác này: việc theo Chúa của con phải học cách để cho mình được giáo huấn và nhào nặn bằng sự mong manh của mình, sự bất lực, sự lệ thuộc của con đối với người khác, thậm chí cả trong việc mặc y phục, và bước đi. Nhưng “con hãy theo Thày” (v.19). Sự khôn ngoan trong việc theo Chúa phải tìm được con đường để ở lại trong sự tuyên xưng đức tin - “Lạy Chúa, Chúa biết rõ con yêu mến Chúa” (vv.15.16.17) - cả trong những tình trạng bị giới hạn vì sức yếu và tuổi già.

Cuộc trao đổi này giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô chứa đựng một giáo huấn quí giá cho tất cả các môn đệ, tất cả các tín hữu. Và cả đối vời mọi người già. Học hỏi từ sự mong manh yếu đuối của chúng ta để biểu lộ sự nhất quán trong cuộc sống chứng tá của chúng ta qua những hoàn cảnh của cuộc sống, phần lớn được phó thác cho người khác, phần lớn lệ thuộc sáng kiến của người khác.

Nhưng một lần nữa chúng ta phải tự hỏi: phải chăng chúng ta có một linh đạo thực sự có khả năng giải thích thời kỳ dài và nhiều người cũng gặp phải, tuổi già kéo dài, qua đó sự yếu sức của chúng ta khiến chúng ta tùy thuộc sự săn sóc của người khác, hơn là do khả năng tự lập của chúng ta? Làm thế nào để tiếp tục trung thành với sự theo Chúa như trước đây, tới tình yêu đã hứa, với sự công chính mà chúng ta tìm kiếm khi chúng ta còn trẻ, còn giữ sáng kiến, nay chúng ta yếu ớt và lệ thuộc, không còn giữ vai chính trong cuộc sống của chúng ta nữa?

Chắc chắn thời kỳ mới này cũng là một thời kỳ thử thách. Chúng ta bắt đầu từ sự cám dỗ - rất thường với con người, một điều chắc chắn, nhưng cũng rất nhiều cạm bẫy, - đó là cám dỗ muốn bảo tồn vai chính của chúng ta. “Còn người ấy?” Phêrô hỏi như thế khi thấy môn đệ Chúa yêu quí đang đi theo họ (xc vv. 20-21). Phải chăng người ấy phải đi theo của tôi? Phải chăng người ấy sẽ chiếm chỗ của tôi? Anh ta sẽ sống lâu hơn tôi và chiếm chỗ của tôi? Câu trả lời của Chúa Giêsu thật là thẳng thắn và thậm chí có vẻ cứng rắn: “Điều đó có hệ gì đến con? Con hãy theo Thầy”.

Thật là đẹp, những người già không nên ghen tương với những người trẻ chiếm đường của mình, sợ họ chiếm chỗ của mình, sống lâu hơn mình. Vinh dự của người già về lòng trung thành với tình yêu đã thề hứa, lòng trung thành với niềm tin vốn có, cả trong những hoàn cảnh làm cho họ đến gần tình trạng cuối đời, đó là điều những thế hệ đến sau cần ngưỡng mộ và biết ơn đối với Chúa.

Thậm chí tình trạng không thể hoạt động được nữa, với sự chiêm niệm cảm động và say mê lắng nghe Lời Chúa - như bà Maria, chị ông Lazzaro, - sẽ trở thành điều tốt nhất trong cuộc sống của người già. Và phần ấy sẽ không bao giờ bị tước đoạt khỏi họ (Xc Lc 10,24)

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của ngài.

Khi chào các tín hữu hành hương người Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng hôm nay bắt đầu cuộc gặp gỡ kỳ X các gia đình Công giáo thế giới. Tôi cầu chúc tất cả các gia đình Ba Lan, trong tình thương yêu nhau, tìm lại được sự ổn định và ơn gọi nên thánh. Tôi phó thác họ cho Đức Mẹ Maria Nữ Vương Ba Lan. Đặc biệt tôi cầu nguyện cho các gia đình đang sống trong khó khăn nào đó, để mỗi ngày họ cảm nghiệm được sự hiện diện và lòng thương xót của Chúa.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm nhiều phái đoàn từ các giáo xứ, Quân trường Modena và trường các sĩ quan thuế.

Và sau cùng, như thường lệ, Đức Thánh cha nghĩ đến những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nhắc đến lễ kính trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu và lễ kính Khiết Tâm Đức Mẹ mà Giáo hội sắp cử hành trong những ngày tới đây, các lễ này nhắc nhớ chúng ta cần phải đáp lại tình yêu thương xót của Chúa Kitô và mời gọi chúng ta hãy tín thác nơi sự chuyển cầu của Mẹ Chúa Kitô.

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 6, 2022