Bài
Giảng Thánh Lễ Tại Sân Vận Động Commonwealth Ở Edmonton
Thứ Ba,
26/7/2022, ngày thứ hai trong chuyến tông du 6 ngày của Đức Thánh Cha đến Canada.
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính Thánh Gioakim và Thánh Anna tại Sân vận động
Commonwealth ở Edmonton cách đó gần 5 km.
Hôm nay
chúng ta mừng lễ ông bà ngoại của Chúa Giêsu. Chúa muốn chúng ta gặp gỡ nhau
đông đảo vào dịp rất quý báu đối với anh chị em cũng như đối với tôi.
Chính tại nhà của hai thánh Gioakim và Anna, trẻ Giêsu đã biết những
người họ hàng lớn tuổi của mình và cảm nhận được sự gần gũi, tình yêu dịu dàng
và khôn ngoan của ông bà. Chúng ta cũng hãy nghĩ về ông bà của chúng ta và suy
tư về hai khía cạnh quan trọng.
Thứ
nhất: chúng ta là những người con của một lịch sử cần được giữ gìn.
Chúng ta không phải là những cá nhân biệt lập, những hòn đảo. Không có ai bước
vào thế giới này mà không có sự liên kết với người khác. Nguồn gốc của chúng
ta, tình yêu đã chờ đợi chúng ta và chào đón chúng ta bước vào thế giới, môi
trường gia đình mà chúng ta lớn lên, là một phần của lịch sử duy nhất đã đi
trước và trao ban cuộc sống cho chúng ta. Chúng ta không chọn lịch sử đó nhưng
đón nhận nó như một ân ban; và lịch sử là một món quà mà chúng ta được kêu gọi
để trân trọng. Bởi vì, như Sách Huấn ca đã nhắc nhở, chúng ta là “dòng dõi” của
những người đi trước, là “gia tài quý báu” của họ (Hc 44,11). Một gia tài
quý báu, ngoài kỳ tích hoặc quyền hạn của một số người, trí thông minh hoặc sự
sáng tạo của những người khác trong bài hát hoặc thơ ca, đều tập trung vào sự
công bình, trung thành với Chúa và ý muốn của Người. Đây là điều họ đã truyền
lại cho chúng ta. Để thực sự đón nhận chúng ta là ai và chúng ta quý giá như
thế nào, chúng ta cần phải tiếp nhận những người mà nhờ họ chúng ta hiện hữu.
Họ là những người không chỉ nghĩ về bản thân nhưng còn truyền lại cho chúng ta
kho báu cuộc sống. Chúng ta có mặt ở đây là nhờ cha mẹ chúng ta, nhưng chúng ta
cũng cám ơn ông bà, những người đã cho chúng ta trải nghiệm rằng chúng ta được
chào đón trên thế giới. Thường ông bà yêu thương chúng ta vô điều kiện và
không mong nhận lại bất cứ điều gì. Ông bà nắm tay chúng ta khi chúng ta sợ
hãi, trấn an trong đêm tối, khuyến khích chúng ta trong ánh sáng ban ngày khi chúng
ta phải đối diện với các quyết định quan trọng của cuộc sống. Nhờ ông bà, chúng
ta đã nhận được sự âu yếm từ lịch sử đi trước chúng ta: chúng ta đã học được
rằng lòng tốt, sự dịu dàng và trí tuệ là những cội rễ vững chắc của con người.
Trong nhà của ông bà, nhiều người trong chúng ta được hít thở hương thơm của
Tin Mừng, sức mạnh của một đức tin làm chúng ta cảm thấy như ở nhà. Nhờ ông bà,
chúng ta đã khám phá ra một loại đức tin “quen thuộc”. Bởi vì đức tin về cơ bản
được thông truyền qua tình cảm và sự khuyến khích, chăm sóc và gần gũi.
Đây là
lịch sử của chúng ta, lịch sử mà chúng ta là người thừa kế vì thế chúng ta được
mời gọi gìn giữ. Ông bà đã để lại trong chúng ta dấu ấn duy nhất về cách sống
của họ, cho chúng ta phẩm giá, lòng tin tưởng vào bản thân và người khác. Họ đã
ban tặng cho chúng ta một điều gì đó không bao giờ có thể lấy đi được, đồng
thời đã cho phép chúng ta trở thành những con người độc nhất, nguyên bản và tự
do. Từ ông bà, chúng ta học được rằng tình yêu không bao giờ là một sự ép buộc,
không bao giờ tước đoạt tự do nội tâm của người khác. Đây là cách Thánh Gioakim
và Thánh Anna yêu thương Đức Maria; và đó cũng là cách Mẹ Maria đã yêu Chúa
Giêsu, bằng một tình yêu không bao giờ làm nghẹt thở hay giữ lại cho riêng
mình, nhưng đồng hành trong việc thực hiện sứ vụ đã đến trong thế giới. Chúng
ta hãy cố gắng học điều này với tư cách là cá nhân và với tư cách là Giáo hội.
Mong sao chúng ta học cách không bao giờ tạo sức ép lên lương tâm người
khác, đừng bao giờ hạn chế tự do của những người xung quanh chúng ta, và trên
hết không bao giờ thiếu tình yêu và sự tôn trọng đối với những người đã đi
trước và đang được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Vì họ là những kho tàng quý
giá lưu giữ một lịch sử vĩ đại hơn chính họ.
Sách
Huấn ca cũng cho chúng ta biết rằng việc gìn giữ lịch sử đã cho chúng ta cuộc
sống không có nghĩa là che khuất “vinh quang” của tổ tiên chúng ta. Chúng ta
không được đánh mất ký ức ủa họ, cũng như không quên lịch sử đã sinh ra cuộc
sống chúng ta. Chúng ta phải luôn nhớ đến đôi bàn tay âu yếm đã ôm chúng ta
trong vòng tay của họ, bởi vì chính trong lịch sử này, chúng ta tìm thấy niềm
an ủi trong những lúc nản lòng, một ánh sáng dẫn đường cho chúng ta và khuyến
khích chúng ta can đảm đối diện với những thách đố cuộc sống. Tuy nhiên trân
trọng ký ức của họ cũng có nghĩa là luôn quay trở lại ngôi trường đó, nơi lần
đầu tiên chúng ta học bài học tình thương. Điều đó có nghĩa là, khi đối diện
với những lựa chọn hàng ngày, chúng ta hãy tự hỏi mình rằng những người già
khôn ngoan mà chúng ta từng biết và ông bà chúng ta sẽ khuyên chúng ta điều gì?
Anh chị
em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: liệu con cháu chúng ta có khả năng bảo vệ kho
tàng mà chúng ta đã được thừa hưởng này không? Chúng ta có nhớ những lời dạy
tốt đẹp mà chúng ta đã lãnh nhận không? Chúng ta có nói chuyện với những người
lớn tuổi và dành thời gian lắng nghe họ không? Và trong những ngôi nhà ngày
càng được trang bị hiện đại, đầy đủ và tiện dụng, chúng ta có biết dành một
không gian xứng đáng để lưu giữ những ký ức của họ, một vị trí đặc biệt, qua
những bức ảnh, vật dụng quý giá cho phép chúng ta nghi nhớ trong cầu
nguyện những người đi trước chúng ta không? Chúng ta có biết giữ gìn Kinh Thánh
và chuỗi hạt Mân Côi của tổ tiên không? Trong lớp sương mù của sự lãng quên che
mờ thời kỳ hỗn loạn của chúng ta, điều cần thiết là phải vun trồng cội nguồn
của chúng ta, cầu nguyện cho và với các bậc tiền nhân, dành thời gian để ghi
nhớ và bảo vệ di sản của họ. Đây là cách một cây gia đình phát triển, đây là
cách tương lai được xây dựng.
Bâu giờ
chúng ta nghĩ đến điều quan trọng thứ hai. Ngoài việc là những
người con của một lịch sử cần được giữ gìn, chúng ta còn là những người thợ của
một lịch sử cần được xây dựng. Mỗi người chúng ta có thể nhận ra mình là
ai, được đánh dấu bằng cả ánh sáng và bóng tối, và bằng tình yêu mà chúng ta đã
nhận được hay không. Đây là điều bí ẩn của cuộc sống con người: tất cả chúng ta
đều là con của ai đó, được ai đó sinh ra và thành hình, nhưng khi chúng ta trở
thành người lớn, chúng ta cũng được kêu gọi trao ban sự sống, trở thành cha, mẹ
và ông bà của người khác. Vì vậy, nhìn về con người của chúng ta ngày hôm nay,
chúng ta muốn làm gì cho bản thân? Ông bà đi trước, những người cao tuổi mơ
ước, hy vọng và hy sinh vì chúng ta, hỏi chúng ta một câu hỏi cơ bản: các con
muốn xây dựng một xã hội như thế nào? Chúng ta đã nhận được rất nhiều từ bàn
tay của những người đi trước. Đến lượt chúng ta, chúng ta muốn để lại điều gì
cho những người đến sau? Một đức tin sống động hay "Nước hoa hồng"?
Một xã hội được thành lập dựa trên lợi nhuận của các cá nhân hay dựa trên tình
huynh đệ? Một thế giới hòa bình hay chiến tranh? Một thụ tạo bị tàn phá hay một
ngôi nhà tiếp tục được chào đón?
Chúng
ta không được quên rằng nhựa mang lại sự sống đi từ rễ đến cành, đến lá, đến
hoa, rồi đến quả của cây. Truyền thống đích thực được thể hiện theo chiều dọc
này: từ dưới lên. Chúng ta cẩn thận để không rơi vào bức tranh biếm họa của
truyền thống, nó không di chuyển theo chiều dọc - từ rễ đến quả - mà theo hàng
ngang - tiến và lùi. Truyền thống hình thành theo cách này chỉ dẫn chúng ta đến
loại “văn hóa lạc hậu” nơi ẩn náu ích kỷ, đơn giản là nuôi dưỡng hiện tại, nhốt
nó trong não trạng với lý luận “Chúng tôi luôn làm theo cách này".
Trong
bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng các ông có
phúc vì được thấy và được nghe điều mà nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính
mong mỏi mà không được (Mt 13, 16-17). Trên thực tế, nhiều người đã tin
vào lời hứa của Thiên Chúa về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, đã dọn đường cho
Người và đã loan báo sự xuất hiện của Người. Tuy nhiên, giờ đây, Đấng Cứu Thế
đã đến, những ai có thể nhìn thấy và nghe thấy Người được kêu gọi để chào đón
và loan báo về Người.
Anh chị
em thân mến, điều này cũng áp dụng cho chúng ta. Những người đi trước đã truyền
cho chúng ta một niềm đam mê, một sức mạnh và một khao khát, một ngọn lửa mà
chúng ta muốn nhóm lại. Vấn đề không phải là bảo quản tro, nhưng là thắp lại
ngọn lửa mà họ đã nhóm lên. Ông bà và những người lớn tuổi của chúng ta mong
muốn thấy một thế giới công bằng, huynh đệ và liên đới hơn và họ đã chiến đấu
để mang lại cho chúng ta một tương lai. Giờ đây, chúng ta không để họ thất
vọng. Được những người là cội nguồn hỗ trợ, bây giờ đến lượt chúng ta sinh hoa
kết trái. Chúng ta là những cành phải nở hoa và gieo rắc những hạt giống mới
vào lịch sử. Vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình một số câu hỏi cụ thể. Là một phần
của lịch sử cứu độ, dưới ánh sáng của những người đi trước và yêu thương tôi,
bây giờ tôi phải làm gì? Tôi có một vai trò duy nhất và không thể thay thế
trong lịch sử, nhưng tôi sẽ để lại dấn ấn gì? Tôi đang truyền lại điều gì cho
những người sẽ đến sau tôi? Tôi đang cống hiến gì cho bản thân? Thường chúng ta
đo lường cuộc sống dựa trên thu nhập, loại nghề nghiệp, mức độ thành công và
cách người khác nhận xét về chúng ta. Nhưng đây không phải là tiêu chí mang lại
sự sống. Câu hỏi thực sự là: tôi có đang tạo ra sự sống không? Tôi có đang mở
ra cho lịch sử một tình yêu mới mà trước đây chưa có không? Tôi có đang loan
báo Tin Mừng trong khu phố của tôi không? Tôi có đang tự do phục vụ người khác
như cách mà những người đi trước đã làm cho tôi không? Tôi đang làm gì cho Giáo
hội, thành phố và xã hội? Thật dễ dàng để chỉ trích, nhưng Chúa không muốn
chúng ta chỉ là những người chỉ trích hệ thống, hoặc khép kín và "lạc
hậu". Đúng hơn Chúa muốn chúng ta trở thành những người thợ của
một lịch sử mới, những người dệt nên hy vọng, những người xây dựng tương lai,
kiến tạo hòa bình.
Xin
Thánh Gioakim và Anna cầu bầu cho chúng ta. Xin hai Đấng giúp chúng ta biết
trân trọng lịch sử đã cho chúng ta sự sống, và về phần mình, chúng ta xây dựng
một lịch sử sự sống. Xin Thánh Gioakim và Anna nhắc nhở chúng ta về bổn phận
tinh thần của chúng ta trong việc kính trọng ông bà và những người lớn tuổi,
quý trọng sự hiện diện của họ để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Một tương
lai nơi người già không bị gạt sang một bên vì “từ quan điểm thực tế họ không
còn cần thiết nữa”. Một tương lai không đo giá trị của con người chỉ bằng những
gì họ tạo ra. Một tương lai không thờ ơ với nhu cầu cần được lắng nghe và quan
tâm của người già. Một tương lai mà lịch sử bạo lực và gạt ra bên lề mà các anh
chị em bản địa của chúng ta phải chịu đựng sẽ không bao giờ lặp lại. Tương
lai đó là có thể, nếu với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta không cắt đứt mối
dây liên kết giữa chúng ta với những người đi trước và nuôi dưỡng cuộc đối
thoại với những người sẽ đến sau chúng ta. Già trẻ, ông bà và con cháu cùng
nhau chúng ta tiến về phía trước, và cùng nhau chúng ta hãy ước mơ.