28-7-2022
Đức Thánh Cha Cử Hành Thánh Lễ Tại Québec – (Bài Giảng)
G. Trần Đức
Anh, O.P. | RVA 29/07/2022
Trong
thánh lễ sáng thứ Năm, ngày 28 tháng Bảy vừa qua, tại Đền thánh quốc gia
Sainte-Anne-de-Beaupré, ở Québec, Canada, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các
tín hữu noi gương các môn đệ trên đường làng Emmaus, tiến từ “thất bại đến hy
vọng”, nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh qua Thánh Thể”.
https://www.youtube.com/watch?v=MHfT3EuXHjI
(13phut vie)
Đền thánh Anna
Sau khi
nghỉ đêm tại Tòa Tổng giám mục Québec, lúc 8 giờ 40 phút sáng, ngày 28 tháng
Bảy, Đức Thánh cha đã ngài đến Đền thánh quốc gia Sainte-Anne-de-Beaupré, cách
Tòa Tổng giám mục 35 cây số. Khi tiến vào khu vực Đền thánh, ngài chuyển qua xe
Papamobile, tiến qua các lối đi để chào thăm đông đảo các tín hữu, rất phấn
khởi vui mừng: 10.000 người ở khu vực trước Vương cung thánh đường, rồi ngài
tiến vào bên trong nhà thờ, nơi có 1.600 tín hữu và khách mời, trong đó cũng có
bà Toàn quyền và Thủ tướng Canada. Đa số chỗ được dành cho các thổ dân. Ngoài
ra, có 5.000 người khác tụ tập ở Công viên Lãnh Địa Sainte-Anne (Domaine de
Sainte-Anne) là nơi cắm trại, cách đó không xa, để tham dự thánh lễ qua những
màn hình khổng lồ.
Đền
thánh Anna de Beaupré là nơi hành hương cổ kính nhất ở Bắc Mỹ, mỗi năm thu hút
gần một triệu tín hữu đến kính viếng. Nhà thờ dâng kính thánh Anna bổn mạng của
tỉnh Québec. Thánh đường đầu tiên được xây cất tại đây hồi năm 1658 để đón nhận
tượng thánh Anna làm phép lạ, về sau được nới rộng và trùng tu nhiều lần. Năm
1922, nhà thờ bị hỏa hoạn, nhưng sau đó được tái thiết và được chính thức thánh
hiến hồi năm 1976.
Đền
thánh có một số nhà nguyện, một chặng đàng thánh giá và đặc biệt có Thang
Thánh, bản sao Thang Thánh ở Roma, gồm 28 bậc, trong dinh quan Philato, nơi
Chúa Giêsu đã leo lên bao lơn để quan chỉ cho đám đông dân chúng thấy, nhưng họ
gào lên đòi đóng đinh Người. Bản sao Thang Thánh được Đức Giáo hoàng Lêô XIII
tặng cho Đền thánh Anna hồi năm 1892, cùng với một thánh tích thánh Anna.
Thánh lễ
Tại Đền
thánh, lúc 10 giờ sáng, giờ địa phương, Đức Thánh cha đã chủ sự thánh lễ, bằng
tiếng Pháp và Latinh, để cầu nguyện cho sự hòa giải. Đồng tế với Đức Thánh cha,
có gần 80 hồng y và giám mục, trong đó có Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu,
Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Toronto, đông đảo linh mục đến từ nhiều nơi ở
Canada.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong
bài giảng, Đức Thánh cha diễn giải cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với hai môn đệ
trên đường làng Emmaus, buồn sầu, tượng trưng hành trình của bản thân mỗi người
và của Giáo hội, với bao nhiêu giấc mơ bị sụp đổ, những hy vọng và mong đợi của
chúng ta đụng phải những mong manh yếu đuối, cảm thấy thất bại và thất vọng, và
nhiều khi chúng ta trở thành tù nhân của mặc cảm thất bại, khiến chúng ta tê
liệt. Tin mừng loan báo cho chúng ta rằng chính trong lúc ấy, chúng ta không lẻ
loi: Chúa đến gặp chúng ta, ở cạnh và đồng hành với chúng ta trên cùng con
đường, trong sự kín đáo của một người lữ hành tử tế muốn tái mở mắt và tâm hồn
chúng ta, làm cho tâm hồn chúng ta tái nồng nhiệt. Đức Thánh cha nói: “Khi thất
bại nhường chỗ cho cuộc gặp gỡ với Chúa, thì sự sống tái nảy sinh trong hy vọng
và chúng ta có thể hòa giải với bản thân, với anh chị em và với Thiên Chúa”.
Những
tổn thương gây ra cho các thổ dân
Trong
số những thất bại mà Giáo hội gặp phải, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến tình
trạng thương tổn đã gây ra cho các anh chị em thổ dân tại Canada và nói: “Cả
chúng ta, đứng trước gương mù về sự ác và Thân Mình Chúa Kitô bị thương nơi
thân thể các anh chị em thổ dân của chúng ta, chúng ta rơi vào tình trạng cay
đắng và cảm thấy gánh nặng của thất bại. Xin anh chị em cho phép tôi hiệp ý với
bao nhiêu tín hữu hành hương đã leo lên “thang thánh” gợi lại thang Chúa Giêsu
đã leo lên trong dinh quan Philato; và đồng hành với anh chị em trong tư cách
là Giáo hội trong những câu hỏi nảy sinh từ tâm hồn đầy đau khổ: tại sao tất cả
những điều đó đã xảy ra? Làm sao điều đó đã có thể xảy ra trong cộng đoàn của
những người theo Chúa Giêsu?”
Không
trốn chạy
“Nhưng
ở đây, chúng ta phải chú ý tới cám dỗ tẩu thoát, là điều cũng đã xảy ra nơi hai
môn đệ trong Tin mừng, đó là thụt lùi lại đằng sau, chạy thoát khỏi nơi đã xảy
ra những sự kiện đau thương, loại bỏ chúng, tìm kiếm một nơi yên hàn như
Emmaus, để khỏi nghĩ đến những điều đó nữa. Không có gì tệ hại hơn điều này là:
đứng trước những thất bại trong cuộc sống, ta tìm cách chạy trốn về đằng trước
để khỏi đương đầu với chúng....”
Chúa
đến gặp chúng ta
“Trái
lại, Tin mừng tỏ cho chúng ta thấy chính trong tình trạng thất vọng và đau
thương, khi chúng ta ngỡ ngàng cảm nghiệm bạo lực của sự ác và xấu hổ vì tội
lỗi... đó là lúc Chúa đến gặp và đồng hành với chúng ta. Trên đường làng
Emmaus, Chúa đồng hành kín đáo và chia sẻ những bước đi cam chịu của hai môn đệ
buồn sầu. Ngài không nói những lời khích lệ trống trống hoặc an ủi dễ dàng,
nhưng tỏ lộ qua Kinh thánh mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài, soi sáng
lịch sử và biến cố họ đã trải qua. Qua đó, Chúa mở mắt cho họ để có một cái
nhìn mới về sự việc. Cả chúng ta chia sẻ Thánh Thể trong Vương cung Thánh đường
này, chúng ta cũng có thể đọc lại nhiều biến cố của lịch sử.
Can đảm
bắt đầu lại
“Trên
cùng thửa đất này đã có ba đền thờ trước đây; đã có những người không trốn chạy
trước những khó khăn, nhưng đã tái mơ ước mặc dù những lỗi lầm của bản thân và
những người khác; họ đã không để mình bị hỏa hoạn tàn phá cách đây trăm năm, và
với can đảm cùng với tinh thần sáng tạo, họ đã xây dựng thánh đường này. Và với
những anh chị em đang dự lễ gần Cánh đồng Abraham, họ có cũng có thể cảm nghiệm
tâm hồn của những người đã không để mình bị oán ghét của chiến tranh, tàn phá
và đau thương bắt giữ làm con tin, nhưng biết tái đề ra một dự án xây dựng
thành phố và đất nước.
Trong
Thánh Thể
Đức
Thánh cha cũng nhận xét rằng: “Trước các môn đệ làng Emmaus, Chúa Giêsu đã bẻ
bánh, mở mắt và tỏ cho họ một lần nữa Thiên Chúa của Tình Thương hiến mạng sống
vì bạn hữu của Người, giúp họ tái lên đường trong vui tươi, bắt đầu lại và tiến
từ thất bại đến hy vọng. Anh chị em thân mến, Chúa cũng muốn làm như vậy đối
với mỗi người chúng ta, và với Giáo hội của Ngài. ...”
Và trong
phần kết luận, Đức Thánh cha dâng lên Chúa Giêsu lời khẩn nguyện: “Lạy Chúa
Giêsu là đường đi, là sức mạnh và là an ủi của chúng con, chúng con hướng về
Chúa như những môn đệ làng Emmaus: “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con, vì trời
đã xế chiều” (lc 24,29). Xin ở lại với chúng con khi hy vọng suy tàn và bóng
đêm của thất vọng phủ xuống. Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với chúng con, vì với
Chúa, hướng đi của hành trình đổi bước và từ những cái vòng luẩn quẩn mất tin
tưởng nảy sinh sự kinh ngạc của niềm vui. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con vì
với Chúa, đêm đen của đau khổ biến thành bình minh rạng ngời của sự sống. Chúng
con chỉ thưa: xin ở lại với chúng con, lạy Chúa, vì nếu Chúa đi cạnh chúng con
thì thất bại mở ra hy vọng một cuộc sống mới. Amen”.
Cuối
thánh lễ, Đức Hồng y Gérard Cyprien Lacroix, Tổng giám mục giáo phận Québec sở
tại đã cám ơn Đức Thánh cha.
Bấy giờ
là quá 11 giờ 30. Đức Thánh cha trở về Tòa Tổng giám mục Québec để dùng bữa
trưa và nghỉ ngơi.