03/8/2022 Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Chuyến Viếng Thăm Canada Là Một Cuộc Hành Hương Thống Hối - (Huấn Dụ)

Photo: Vatican News

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 03/08/2022

Sau một tháng tạm ngưng, sáng thứ Tư ngày 03 tháng Tám, Đức Thánh cha Phanxicô đã mở lại các buổi tiếp kiến chung, lúc gần 9 giờ sáng. Buổi tiếp kiến diễn ra tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, có máy điều hòa không khí, tránh cái nắng gắt ở Quảng trường bên ngoài. Hiện diện tại đây trong dịp này, có khoảng 6.000 tín hữu hành hương từ các nơi, ngồi chật hội trường.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến mở đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, với bài đọc theo Tin mừng thánh Luca đoạn 24 (13-15):

“Trong cùng ngày ấy, hai môn đệ trong số họ đi trên đường làng Emmaus, cách Jerusalem khoảng 11 cây số. Họ trao đổi với nhau về tất cả những gì đã xảy ra. Trong khi họ nói chuyện và thảo luận với nhau, Chúa Giêsu đích thân đến gần và cùng đi với họ”.

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha đã gác lại loạt bài về tuổi già để nói về chuyến tông du ngài mới thực hiện tại Canada, từ ngày 24 đến 30 tháng Bảy vừa qua.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy tư về cuộc tông du tôi đã thực hiện trong những ngày qua tại Canada. Đây là một chuyến viếng thăm khác với những chuyến đi khác. Thực vậy, lý do chính là để gặp gỡ các thổ dân bản địa để bày tỏ với họ sự gần gũi và nỗi đau buồn, cũng như để xin lỗi vì sự ác mà các Kitô hữu đã gây ra cho họ, trong đó có nhiều tín hữu Công giáo, trong quá khứ đã cộng tác vào những chính sách cưỡng bách đồng hóa và khai hóa của các chính phủ thời đó.

Đồng hành với các thổ dân

Theo chiều hướng đó, tại Canada một hành trình đã được khởi sự để viết lên một trang mới, một trang quan trọng trên con đường mà từ lâu Giáo hội đang thực hiện cùng với các thổ dân. Thực vậy, khẩu hiệu chuyến viếng thăm là “Đồng hành”. Một hành trình hòa giải và chữa lành, đòi phải nhận thức về lịch sử, lắng nghe những người sống sót, ý thức và nhất là hoán cải, thay đổi não trạng. Từ sự đào sâu đó, người ta thấy một đàng, một số người nam nữ của Giáo hội đã thuộc vào số những người quyết liệt và can đảm ủng hộ phẩm giá của các dân bản địa, bênh vực họ và góp phần vào việc nhìn nhận ngôn ngữ và văn hóa của họ, nhưng đàng khác, rất tiếc cũng không thiếu những người đã tham gia vào các chương trình mà ngày nay chúng ta hiểu là không thể chấp nhận được và trái ngược với Tin mừng.

Cuộc hành hương thống hối

Vì vậy, đó là một cuộc hành hương thống hối. Đã có nhiều lúc vui mừng, nhưng cảm thức và sắc thái chung vẫn là suy tư, thống hối và hòa giải. Cách đây bốn tháng, tôi đã gặp gỡ tại Vatican các nhóm khác nhau, đại diện các dân tộc bản địa của Canada. Nhưng ước muốn của tôi, cũng như của họ, là có thể gặp gỡ nhau tại đó, nơi những vùng các tiền nhân của họ đã sống. Và Chúa đã cho phép điều đó diễn ra: Người là Đấng chúng tôi cảm tạ trước tiên.

Giai đoạn thứ nhất: Tưởng niệm

Có ba giai đoạn chính trong cuộc hành hương: trước tiên tại Edmonton, ở miền tây. Thứ hai là ở Québec ở miền đông. Giai đoạn thứ ba ở miền bắc, tại Iqaluit. Cuộc gặp gỡ đầu tiên diễn ra tại Maskwacis - “Đồi gấu” - trong đó có sự hiện diện của các thủ lãnh và thành phần của các nhóm thổ dân chính là: Các dân tộc đầu tiên, người lai và người Inuit. Cùng nhau chúng tôi đã tưởng niệm: nhớ lại lịch sử ngàn năm của các dân tộc này, trong sự hòa hợp với lãnh thổ của họ, và ký ức đau thương về những đàn áp họ đã chịu, cả trong các trường nội trú, do chính sách đồng hóa văn hóa. Được những tiếng trống tháp tùng, chúng tôi đã dành khoảng trống cho thinh lặng và cầu nguyện, để từ ký ức có thể tái khởi sự một hành trình mới, không còn những người thống trị và bị trị, nhưng chỉ có anh chị em với nhau.

Giai đoạn thứ hai: Hòa giải

Sau phần nhớ lại, giai đoạn thứ hai trong hành trình của chúng tôi là hòa giải. Đó không phải là một thỏa hiệp giữa chúng tôi - nếu như thế thì là một ảo tưởng, một sự dàn cảnh - nhưng là để cho mình được hòa giải, nhờ Chúa Kitô là an bình của chúng ta (Xc Ep 2,14).

Chúng tôi đã lấy điểm tham chiếu là hình ảnh một cây, trung tâm trong cuộc sống và trong biểu tượng của các thổ dân; cây, với ý nghĩa mới mẻ và đầy đủ được biểu lộ trong thập giá của Chúa Kitô, qua đó Thiên Chúa đã hòa giải mọi sự (Xc Lo 1,20). Trên cây thập giá, đau khổ biến thành tình thương, sự chết biến thành sự sống, thất vọng thành hy vọng, bỏ rơi biến thành hiệp thông, xa cách thành hiệp nhất. Các cộng đoàn thổ dân đã đón nhận và hấp thụ Tin mừng đang giúp chúng ta phục hồi chiều kích vũ trụ của mầu nhiệm Kitô giáo, đặc biệt là Thập giá và Thánh Thể. Quanh trung tâm này, cộng đoàn, Giáo hội, được hình thành, và được kêu gọi trở thành một cái lều cởi mở, rộng rãi, hiếu khách, lều hòa giải và an bình.

Giai đoạn thứ ba: Chữa lành

Ký ức, hòa giải và do đó chữa lành. Chúng tôi đã thực hiện bước thứ ba này của cuộc hành trình bên bờ hồ thánh Anna, chính ngày lễ kính thánh Gioakim và Anna. Đối với Chúa Giêsu, hồ là một môi trường quen thuộc: nơi hồ Galilea, Ngài đã sống phần lớn cuộc đời công khai, cùng với các môn đệ đầu tiên, tất cả đều là ngư phủ; tại đó, Chúa đã rao giảng và chữa lành bao nhiêu bệnh nhân (Xc Mc 3,7-12). Tất cả chúng ta đều có thể kín múc từ nơi Chúa Kitô, là nguồn nước hằng sống, ơn thánh chữa lành các vết thương của chúng ta: chúng tôi đã mang đến Chúa, Đấng là hiện thân sự gần gũi, những chấn thương và bạo hành mà các thổ dân tại Canada đã phải chịu; chúng tôi đã mang những vết thương của tất cả những người nghèo và những người bị loại trừ khỏi các xã hội chúng ta; cả những vết thương của các cộng đoàn Kitô, luôn cần được Chúa chữa lành.

Từ hành trình ký ức, hòa giải và chữa lành ấy nảy sinh niềm hy vọng cho Giáo hội, tại Canada và các nơi trên thế giới. Các môn đệ Emmaus, sau khi bước đi với Chúa Giêsu phục sinh: với Người và nhờ Người, đã tiến từ thất bại đến hy vọng (Xc Lc 24,13-35). Bao nhiêu lần trong lịch sử, các môn đệ của Chúa Kitô đã trải qua con đường Emmaus! Bao nhiêu lần, sau khi cảm nghiệm khổ đau vì tội lỗi của mình, các tín hữu Kitô đã tìm lại hy vọng nhờ lòng trung tín của chúa! Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, luôn đi cạnh những bước chân mệt mỏi và buồn sầu của chúng ta, an ủi chúng ta bằng Lời của Người và hiến thân cho chúng ta, như Bánh sự sống mới mẻ và vĩnh cửu.

Hai cuộc gặp gỡ Giáo hội địa phương và chính quyền

Như tôi đã nói lúc đầu, sự đồng hành với các thổ dân chính là cái trục chính của cuộc tông du này. Tháp nhập vào đó, có hai cuộc gặp gỡ với Giáo hội địa phương và với chính quyền Canada, mà tôi muốn tái bày tỏ lòng biết ơn chân thành vì sự rất sẵn sàng và đón tiếp nồng nhiệt đã dành cho tôi và các cộng sự viên của tôi.

Với chính quyền

Trước chính quyền, các thủ lãnh thổ dân và ngoại giao đoàn, tôi đã tái khẳng định ý chí thực sự của Tòa Thánh và các cộng đoàn Công giáo địa phương trong việc thăng tiến những nền văn hóa nguyên thủy, với những hành trình tâm linh thích hợp và quan tâm tới những phong tục và ngôn ngữ của các dân tộc này. Đồng thời tôi đã nêu rõ não trạng thực dân hóa vẫn còn ngày nay dưới nhiều hình thức thực dân ý thức hệ, đang đe dọa các truyền thống, lịch sử và các liên hệ tôn giáo của các dân tộc, san bằng những khác biệt, chỉ tập trung vào hiện tại và thường lơ là những nghĩa vụ đối với những người yếu thế và mong manh nhất.

Với Giáo hội

Vì thế, vấn đề ở đây là phục hồi một sự quân bình lành mạnh, một sự hòa hợp giữa sự tân tiến và các nền văn hóa của tiền nhân, giữa sự tục hóa và các giá trị tinh thần. Và điều này trực tiếp đặt câu hỏi cho sứ mạng của Giáo hội, được sai đi khắp thế gian để làm chứng và “gieo vãi” một tình huynh đệ đại đồng biết tôn trọng và thăng tiến chiều kích địa phương với nhiều phong phú (Xc Thông điệp Fratelli tutti, 142-153). “Trong thực tế, một sự cởi mở lành mạnh không bao giờ tương phản với căn tính [...]. Thế giới tăng trưởng và được làm đầy với vẻ đẹp mới nhờ những tổng hợp kế tiếp nhau được diễn ra giữa các nền văn hóa cởi mở, không bị áp đặt về văn hóa” (Ibid. 148). Theo nghĩa đó, tôi đã khuyến khích các mục tử, những người thánh hiến và giáo dân trong Giáo hội tại Canada tiếp tục theo vết thánh Phanxicô de Laval, Giám mục tiên khởi ở Québec: phục vụ Tin mừng và người nghèo, để trở thành những người xây dựng hòa bình.

Gặp gỡ tại Iqaluit

Và trong dấu chỉ hy vọng, đã diễn ra cuộc gặp gỡ cuối cùng tại miền đất của người Inuit, với những người trẻ và người già. Tại Canada cũng vây, người trẻ và người già là một dấu chỉ thời đại: người trẻ và người già đối thoại với nhau để đồng hành trong lịch sử giữa ký ức và ngôn sứ. Ước gì lòng can đảm và hoạt động hiền hòa của các thổ dân Canada trở thành mẫu gương cho mọi dân tộc bản địa đừng khép kín vào mình, nhưng cống hiến phần đóng góp không thể thiếu được cho một nhân loại huynh đệ hơn, biết yêu mến thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa.

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.

Khi chào bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu hành hương đến từ Mỹ. Ngài cầu chúc niềm vui và bình an của Chúa Giêsu Kitô được đổ tràn trên họ và thân nhân họ.

Khi chào các tín hữu hành hương người Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc đến bao nhiêu tín hữu nước này đang hành hương đi bộ đến Đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora, và các trung tâm Thánh Mẫu khác và nói: “Tôi xin anh chị em hãy dâng những vất vả cơ cực trong hành trình để cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đặc biệt tại Ucraina. Đức Thánh cha chào thăm các nữ tu dòng thánh Elisabeth đang trải qua thời kỳ canh tân tinh thần ở Roma này: nhiều người trong số các nữ tu dòng này đang làm việc tại Ucraina: Xin Mẹ Thiên Chúa xin được những thiên ân cho các nữ tu và những người mà các chị đang giúp đỡ”.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các nữ tu dòng Nữ Tông Đồ Thánh Tâm, vừa kết thúc Tổng Tu nghị. Ngài khích lệ các chị phục vụ Thiên Chúa và anh chị em trong vui tươi.

Và sau cùng, như thường lệ, Đức Thánh cha nghĩ đến những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nhắn nhủ mọi người hãy luôn trung thành với các xác tín Kitô của mình, khi nói: “Chỉ có Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng soi chiếu cho mỗi người và là sự nâng đỡ không lay chuyển giữa những khó khăn của cuộc sống.

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 8, 2022