Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Sự Khôn Ngoan Của Tuổi Già Liên Kết Các Thế Hệ Lại Với Nhau

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 25/08/2022

Sáng thứ Tư, 24 tháng Tám năm 2022, như thường lệ, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung 5.000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Ngài nhắc đến chiến tranh từ sáu tháng nay tại Ucraina và tái lên án sự tàn ác của chiến tranh, trong đó các trẻ em và những người vô tội, và cả con gái của một triết gia người Nga bị chết trong xe bị gắn bom ở Mascơva, qua đó Đức Thánh cha tái kêu gọi hòa bình.

Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá, và lời chào phụng vụ, là phần tôn vinh Lời Chúa, với bài đọc trích từ đoạn 8 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma (cc. 22-24):

“Thực vậy, chúng ta biết rằng toàn thể thụ tạo rên siết và quằn quại như sắp sinh nở cho đến ngày nay. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong”.

Bài giáo lý

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già. Bài thứ 18 này là bài cuối cùng và có đề tài là: “Những đau đớn trong công trình sáng tạo. Lịch sử việc tạo dựng như mầu nhiệm thai nghén”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Mẹ Maria về trời báo trước vận mệnh chúng ta

“Chúng ta mới mừng lễ lên trời của Mẹ Chúa Giêsu. Mầu nhiệm này soi sáng sự viên mãn của ơn thánh đã nhào nặn vận mạng của Mẹ Maria và cũng soi sáng vận mệnh của chúng ta. Với hình ảnh Đức Trinh Nữ được đưa về trời, tôi muốn kết thúc chu kỳ các bài giáo lý về tuổi già. Tại Tây phương, chúng ta chiêm ngắm Đấng được cất lên cao, có ánh sáng vinh hiển bao quanh; còn tại đông phương, Mẹ được trình bày đang nằm ngủ, được các tông đồ bao quanh cầu nguyện, trong khi Chúa Phục sinh ẵm Mẹ lên như một hài nhi”.

“Thần học luôn suy tư về tương quan giữa sự đưa lên trời này với cái chết của Mẹ mà tín lý không xác định. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng hơn, đó là giải thích rõ tương quan của mầu nhiệm này với sự phục sinh của Chúa Con, mở đường cho tất cả chúng ta được sinh vào sự sống. Việc Thiên Chúa tái liên kết Mẹ Maria với Chúa Kitô phục sinh không phải chỉ là vượt lên trên sự hư nát thông thường của thể xác, nhưng báo trước việc đón nhận sự sống của Thiên Chúa vào trong thân xác. Thực vậy, việc làm ấy báo trước sự sống lại của chúng ta, vì theo đức tin Kitô, Chúa Phục Sinh là trưởng tử của nhiều anh chị em.

“Sinh ra lần thứ hai”

Theo lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô, chúng ta có thể nói rằng cũng phần nào giống như sự sinh ra lần thứ hai (Xc Ga 3,3-8). Nếu sự sinh ra đầu tiên là sinh ra trên trái đất, thì sự sinh ra thứ hai là sinh vào trời. Không phải tình cờ mà thánh Phaolô tông đồ, trong đoạn văn đọc đầu buổi tiếp kiến này, nói về sự đau đớn khi sinh con (Xc Rm 8,22). Như vừa ra khỏi lòng mẹ, chúng ta vẫn luôn là chúng ta, cùng là con người đã ở trước đó trong lòng mẹ, cũng vậy, sau khi chết chúng ta sinh vào trời, vào không gian của Thiên Chúa, và vẫn là chúng ta, những người đã từng bước đi trên trái đất. Giống như đã xảy ra với Chúa Giêsu: Đấng Phục Sinh vẫn luôn là Chúa Giêsu: Ngài không mất đi nhân tính, những gì đã sống, và cả thể xác của Ngài, vì không có như thế thì không còn là Ngài nữa.

Kinh nghiệm của các tông đồ

Đức Thánh cha giải thích thêm rằng: “Kinh nghiệm của các môn đệ nói với chúng ta điều đó: Chúa hiện ra với các ông trong 40 ngày, sau khi sống lại. Chúa tỏ các vết thương đã chịu cuộc khổ nạn của Ngài; nhưng đó không còn là những vết bầm vì các cực hình đau đớn đã chịu, nhưng nay là bằng chứng không thể xóa nhòa về tình thương của Ngài trung tín đến cùng. Chúa Giêsu sống lại với thân xác của Ngài đang sống trong tình thân mật của Ba Ngôi Thiên Chúa! Và trong thân xác ấy không mất ký ức, không bỏ qua lịch sử của mình, không xóa bỏ những tương quan Ngài đã sống trên trái đất. Với các bạn hữu, Chúa hứa: “Khi Thầy ra đi và dọn cho chỗ cho các con, Thầy sẽ trở lại để mang các con theo Thầy, để nơi Thầy ở thì các con cũng ở với Thầy” (Ga 14,3).

Sự sống lại của thân xác chúng ta

Đấng Phục Sinh đang sống trong thế giới của Thiên Chúa, nơi có chỗ cho tất cả mọi người, nơi trời mới được hình thành và được kiến tạo thành đô thiên quốc, nơi ở vĩnh viễn của con người. Chúng ta không thể tưởng tượng được sự hiển dung thân xác hay chết của chúng ta, nhưng chúng ta chắc chắn rằng thân xác ấy vẫn duy trì những vóc dáng có thể nhận ra và giúp chúng ta duy trì nhân tính trên trời của Thiên Chúa. Cho phép chúng ta tham gia, với một cảm xúc tuyệt vời, hạnh phúc dồi dào vô biên về tác động sáng tạo của Thiên Chúa, chúng ta đích thân sống tất cả những cuộc phiêu lưu vô tận của tác động ấy.

Khi nói về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu mô tả đó như một bữa tiệc cưới, như một lễ hội với các bạn hữu, như việc hoàn hảo hóa căn nhà hoặc những ngạc nhiên làm cho mùa gặt được phong phú hơn sự gieo vãi. Sự nghiêm túc tuân theo những lời Tin mừng về Nước Chúa làm cho chúng ta nhạy cảm tận hưởng tình thương năng động và sáng tạo của Thiên Chúa, và đồng thời làm cho chúng ta hòa hợp với mục tiêu chưa từng có của cuộc sống mà chúng ta gieo vãi. Trong tuổi già của chúng ta, hỡi những bạn đồng lứa thân thương, tầm quan trọng của những chi tiết cấu thành cuộc sống - một cái vuốt ve, một nụ cười, một cử chỉ, một công việc được quí chuộng, một sự ngạc nhiên bất ngờ, một sự vui vẻ hiếu khách, một tương quan trung tín - trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta càng thấy rõ điều thiết yếu trong cuộc sống, trong thời kỳ gần giã từ, mà chúng ta coi là quí giá. Sự khôn ngoan của tuổi già là nơi chúng ta cưu mang, soi sáng đời sống của các trẻ em, người trẻ, người lớn, toàn thể cộng đoàn. Toàn thể cuộc sống chúng ta trở nên như một hạt giống phải bị chôn vùi dưới lòng đất để nảy sinh hoa trái. Ta sẽ sinh ra cùng với toàn thể phần còn lại của thế giới. Không phải là không đau đớn, không oằn oại, nhưng thế nào cũng sẽ sinh ra (Xc Ga 16,21-23). Và sự sống của thân xác phục sinh sẽ sinh động hàng trăm, hàng ngàn lần hơn điều chúng ta đã nếm hưởng trên trần thế này (Xc Mc 10.28-31).

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Không phải tình cờ mà Chúa Phục sinh, trong khi chờ đợi các môn đệ bên bờ hồ, Ngài nướng cá (Xc Ga 21,9) và tặng cho họ. Cử chỉ yêu thương ân cần này làm cho chúng ta trực giác được điều gì đang chờ đợi chúng ta, khi chúng ta sang bên kia bờ. Đúng vậy, anh chị em thân mến, đặc biệt những anh chị em cao niên, điều tốt đẹp nhất của cuộc sống vẫn còn là điều chúng ta sẽ thấy. Xin Mẹ của Chúa và cũng là Mẹ chúng ta, Đấng đã lên thiên đàng trước chúng ta, trả lại cho chúng ta sự hồi hộp chờ đợi.”

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.

Bằng tiếng Pháp, ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Liban và Burkina Faso, đồng thời nhắc nhở mọi người rằng ngày mai 25 tháng Tám là lễ kính thánh Louis, Vua Nước Pháp, người chồng gương mẫu, người cha và là nhà chính trị: ước gì tấm gương của thánh nhân nâng đỡ chứng tá của anh chị em.

Đặc biệt khi chào bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha gửi lời thăm các em học sinh đang chuẩn bị năm học mới và nhận xét rằng: “Nhiều người trong các em ấy có thể học hành được là những “balô đeo lưng đầy những nụ cười” được Caritas Ba Lan gửi giúp, các balô này cũng được phát cho các trẻ em tị nạn đến từ Ucraina. Anh chị em hãy tiếp tục chia sẻ với những người túng thiếu, chứng tỏ tình liên đới với họ.

Bằng tiếng Ý, trong lời chào các tín hữu hành hương, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các nữ tu Bác Ái của Mẹ Maria đang nhóm Tổng tu nghị, các chủng sinh tham gia cuộc gặp gỡ mùa hè theo chương trình đào tạo. Ngài nói: “Tôi khuyến khích tất cả hãy sống ơn gọi như một việc phục vụ khiêm tốn và vui tươi phụng sự Thiên Chúa và anh chị em mình.”

Và sau cùng, như thường lệ, Đức Thánh cha nghĩ đến những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nói: “Ước gì gương của thánh Bartolomeo tông đồ chúng ta tưởng niệm hôm nay giúp anh chị em nhìn lên

Chúa Kitô với lòng tín thác. Người là ánh sáng trong những khó khăn, là nâng đỡ trong thử thách và là vị hướng đạo trong mọi lúc của cuộc đời.”

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 8, 2022