Bài
Giảng Của ĐTC Tại Kazakhstan ngày 15 tháng Chín, 2022: Lễ Suy tôn Thánh Giá
Nur-Sultan,
14/09/2022
Hồng
Thủy - Vatican News
Thập
giá là giá xử tử, nhưng hôm nay chúng ta cử hành lễ Suy tôn Thánh giá của Chúa Kitô,
bởi vì trên cây gỗ đó, Chúa Giêsu đã tự mình gánh lấy tội lỗi của chúng ta và
sự dữ của thế gian, và đánh bại chúng bằng tình yêu của Người. Vì thế, chúng ta
tôn vinh Thánh giá. Lời Chúa mà chúng ta đã nghe nói với chúng ta về điều đó,
bằng cách cho thấy sự đối nghịch, một bên là những con rắn cắn chết và một bên
là con rắn cứu sống. Chúng ta hãy suy tư về hai hình ảnh này.
Trước
hết là những con rắn cắn. Chúng tấn công người dân, những người đã vô số lần
phạm tội lẩm bẩm, phàn nàn. Lầm bầm chống lại Thiên Chúa không chỉ có nghĩa là
phản đối Người; cách sâu xa hơn, điều đó có nghĩa là trong lòng người dân
Israel đã không còn sự tin cậy vào Thiên Chúa, vào lời hứa của Người. Thật vậy,
dân Chúa đang đi trong sa mạc, hướng về miền đất hứa và họ mệt mỏi, không thể
chịu nổi cuộc hành trình (x. Ds 21,4). Và rồi họ trở nên nản lòng, mất hy vọng,
và đến một lúc nào đó, họ dường như quên lời hứa của Thiên Chúa. Họ thậm chí
không còn đủ sức để tin rằng chính Thiên Chúa đang hướng dẫn họ đến một vùng
đất trù phú và tươi tốt.
Không
phải ngẫu nhiên mà khi lòng tin cậy vào Thiên Chúa vơi đi thì dân chúng lại bị
rắn cắn chết. Nó nhắc chúng ta nhớ đến con rắn đầu tiên được đề cập trong Kinh
Thánh, trong sách Sáng thế, kẻ cám dỗ đã đầu độc trái tim của con người để
khiến họ nghi ngờ Thiên Chúa. Ma quỷ, dưới hình dạng một con rắn, đã lừa dối
ông Ađam và bà Evà và khiến họ mất tin tưởng bằng cách thuyết phục họ rằng
Thiên Chúa không tốt lành, nhưng ghen tị với tự do và hạnh phúc của họ. Và bây
giờ, trong sa mạc, những con rắn trở lại; lần này là những con "rắn
lửa" (câu 6). Nó có nghĩa là tội nguyên tổ quay trở lại: dân Israel nghi
ngờ Thiên Chúa, không tin cậy Người, họ phàn nàn và nổi loạn chống lại Đấng đã
ban cho họ sự sống và vì vậy họ gặp phải sự chết. Đây là kết quả của những trái
tim ngờ vực!
Anh chị
em thân mến, phần đầu tiên của tường thuật này yêu cầu chúng ta quan sát kỹ
những khoảnh khắc trong lịch sử cá nhân và cộng đồng của chúng ta, những lúc mà
sự tin tưởng vào Thiên Chúa và niềm tin giữa chúng ta bị mất đi. Đã bao lần, vì
thất vọng và thiếu kiên nhẫn, chúng ta đã héo mòn trong sa mạc của chính mình,
đánh mất mục tiêu của cuộc hành trình! Ngay cả trong đất nước vĩ đại này cũng
có sa mạc, trong khi mang đến một phong cảnh tuyệt đẹp, nó nói với chúng ta về
sự mệt mỏi, sự khô khan mà đôi khi chúng ta mang trong lòng. Đó là những giây
phút mệt mỏi và thử thách, khi mà chúng ta không còn đủ sức để nhìn lên cao,
hướng về Thiên Chúa; đó là những tình huống trong đời sống cá nhân, Giáo hội và
xã hội, trong đó chúng ta bị con rắn của sự ngờ vực cắn, bị
nhiễm độc thất vọng và tuyệt vọng, của sự bi quan và cam chịu, và bị đóng kín
trong cái tôi của mình, mất đi tất cả sự nhiệt thành.
Nhưng
trong lịch sử của vùng đất này còn có những vết cắn đau đớn khác: Tôi nghĩ về
những con rắn hung hãn của bạo lực, cuộc đàn áp của chủ nghĩa vô thần, sự bách
hại tôn giáo, và về một hành trình khó khăn khi quyền tự do của con người bị đe
dọa và nhân phẩm của họ bị xúc phạm. Thật tốt cho chúng ta khi gìn giữ ký ức về
những đau khổ đó và không cần xoá khỏi ký ức những khoảnh khắc đen tối; nếu
không, chúng ta có thể tin rằng chúng là những điều đã qua và nghĩ rằng hành
trình của điều thiện hảo được vạch ra một lần cho mãi mãi. Không. Hòa bình
không bao giờ đạt được một lần cho mãi mãi; giống như sự phát triển toàn diện,
công bằng xã hội và sự chung sống hài hòa của các dân tộc và truyền thống tôn
giáo khác nhau, nó phải đạt được lại mỗi ngày. Và để Kazakhstan có thể phát
triển hơn nữa "trong tình huynh đệ, đối thoại và hiểu biết [...] để xây dựng
những nhịp cầu cộng tác liên đới với các dân tộc, các quốc gia và các nền văn
hóa khác" (THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn trong nghi lễ chào đón,
ngày 22 tháng 9 năm 2001), cần có sự dấn thân của mọi người. Tuy thế, trước đó,
chúng ta cần phải canh tân niềm tin vào Chúa: ngước nhìn lên, nhìn vào Người và
học hỏi từ tình yêu phổ quát và bị đóng đinh của Người.
Và vì
vậy chúng ta đến với hình ảnh thứ hai: con rắn cứu sống. Khi dân
chúng đang chết vì bị rắn lửa cắn, Thiên Chúa nghe thấy lời cầu bầu của ông Môsê
và nói với ông: "Ngươi hãy đúc một con rắn và treo nó trên một cây cột.
Nếu ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21,8). Và quả thật,
“hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được sống” (câu 9). Tuy nhiên,
chúng ta có thể hỏi: Tại sao Thiên Chúa không tiêu diệt những con rắn độc đó
cách đơn giản thay vì đưa ra những chỉ dẫn chi tiết này cho ông Môsê? Cách hành
động của Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta thấy cách Người đối phó với sự ác,
tội lỗi và sự ngờ vực của cuộc chiến thiêng liêng mạnh mẽ kéo dài suốt lịch sử,
Thiên Chúa không hủy diệt những thứ thấp hèn và vô giá trị mà con người chọn
theo đuổi. Rắn độc không biến mất; chúng luôn ở đó, nằm chờ, sẵn sàng cắn. Điều
gì đã thay đổi sau đó, Thiên Chúa làm gì?
Chúa
Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn
trong sa mạc, Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người
thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15). Đây là sự thay đổi mang tính quyết định:
con rắn cứu sống đã đến giữa chúng ta. Chúa Giêsu, đã được giương cao trên cây
Thánh giá, không cho phép những con rắn độc tấn công để giết chết chúng ta.
Đứng trước sự khốn cùng của chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta một chân trời
mới: nếu chúng ta luôn nhìn vào Chúa Giêsu, thì nọc độc của sự dữ không còn có
thể chiến thắng chúng ta nữa, vì trên Thánh giá Người đã mang lấy trên mình nọc
độc của tội lỗi và sự chết, và đè bẹp sức mạnh hủy diệt của chúng. Đó là cách
Chúa Cha đáp lại sự dữ lây lan trên thế giới: Người đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu,
Đấng đến gần chúng ta theo cách mà chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng
được. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người
thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5,21). Đó là sự vĩ đại vô
biên của lòng thương xót của Thiên Chúa: Chúa Giêsu “mang lấy tội lỗi” vì chúng
ta. Chúng ta có thể nói, trên Thánh giá, Chúa Giêsu “đã trở thành một con rắn”,
để khi chiêm ngắm Người, chúng ta có thể chống lại những vết cắn độc của những
con rắn độc ác tấn công chúng ta.
Thưa
anh chị em, đây là con đường, con đường dẫn đến ơn cứu độ của chúng ta, sự tái
sinh và sự phục sinh của chúng ta: chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Từ
đỉnh cao của Thánh giá, chúng ta có thể nhìn cuộc sống của chúng ta và lịch sử
của các dân tộc của chúng ta theo một cách nhìn mới. Vì từ Thánh giá của Chúa
Kitô, chúng ta học được tình yêu thương, chứ không phải sự thù hận; lòng trắc
ẩn, chứ không phải sự thờ ơ; lòng tha thứ chứ không phải sự báo thù. Vòng tay
dang rộng của Chúa Giêsu là vòng tay của tình yêu dịu dàng mà Thiên Chúa muốn
ôm choàng chúng ta. Chúng cho chúng ta thấy tình yêu huynh đệ mà chúng ta được
kêu gọi để dành cho nhau và cho mọi người. Chúng chỉ cho chúng ta con đường,
con đường của Kitô giáo. Đó không phải là con đường của áp đặt và cưỡng bức, của
quyền lực và địa vị; nó không bao giờ đưa Thánh giá của Chúa Kitô lên để chống
lại anh chị em của chúng ta, những người mà Chúa đã dâng hiến mạng sống cho họ!
Con đường của Chúa Giêsu, con đường cứu độ thì khác: đó là con đường của một
tình yêu nhưng không, khiêm nhường và phổ quát, không có những từ như “nếu”,
“và” hay “nhưng”.
Đúng,
bởi vì trên cây gỗ của Thánh giá, Đức Kitô đã loại bỏ nọc độc khỏi con rắn sự
dữ. Là một Kitô hữu có nghĩa là sống không có nọc độc: không cắn xé
lẫn nhau, không phàn nàn, đổ lỗi và nhiều chuyện, không gieo rắc điều ác, không
làm ô nhiễm trái đất bằng tội lỗi và sự không tin tưởng, những điều nảy sinh từ
ma quỷ. Thưa anh chị em, chúng ta đã được tái sinh từ cạnh sườn bị đâm thủng
của Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thánh giá. Xin cho chúng ta được giải thoát
khỏi nọc độc của sự chết (xem Kn 1,14), và hãy cầu nguyện để nhờ ân sủng của
Thiên Chúa, chúng ta có thể trở nên những Kitô hữu trọn vẹn hơn bao giờ hết:
những chứng nhân vui tươi của sự sống mới, của tình yêu và hòa bình.
Vào
cuối thánh lễ ở Nur-Sultan, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho tất cả các
khu vực đang bị chiến tranh trên thế giới, bao gồm cả Ucraina, và kêu gọi đối
thoại trên con đường hướng tới hòa bình, và mời gọi mọi người cùng hỗ trợ những
người đang đau khổ.
Sau khi
cảm ơn Giáo hội địa phương đã chuẩn bị cho Thánh lễ và chuyến viếng thăm của
ngài, cũng như bày tỏ lòng biết ơn chính quyền Kazakhstan và chào các lãnh đạo
tôn giáo và mọi người hiện diện trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha mời gọi kết hợp
thiêng liêng với đền thánh địa cuốc gia Nữ vương Hòa bình ở Oziornoje trong
Ngày lễ Suy tôn Thánh Giá được cử hành trọng thể vào ngày 14 tháng 9.
Lòng
biết ơn trở thành lời cầu xin hoà bình
Ngài
nhắc lại rằng các từ "Biết ơn người dân Kazakhstan" và "Hòa bình
cho nhân loại" được khắc trên cây thánh giá lớn tại Thánh địa Quốc gia.
Được
truyền cảm hứng từ những lời đó, Đức Thánh Cha nói rằng “lòng biết ơn Chúa về
dân thánh của Chúa sống trong đất nước vĩ đại này, kết nối với lòng biết ơn vì
cam sự dấn thân thúc đẩy đối thoại, trở thành lời cầu xin cho hòa bình, hòa
bình mà thế giới của chúng ta vô cùng khao khát”.
Cầu
nguyện cho các vùng bị xâu xé bởi chiến tranh
Đức
Thánh Cha không quên nghĩ đến nhiều nơi đang bị chiến tranh tàn phá, đặc biệt
là đất nước Ucraina thân yêu. Từ đó ngài nhắn nhủ: “Chúng ta đừng quen với
chiến tranh, đừng cam chịu sự tất yếu của nó. Chúng ta hãy giúp đỡ những người
đau khổ và cố gắng không mệt mỏi để mọi người thực sự cố gắng đạt được hòa bình”.
Khẳng
định rằng “Lối thoát duy nhất là hòa bình và cách duy nhất để đạt được điều đó
là đối thoại”, Đức Thánh Cha mời gọi tiếp tục cầu nguyện để thế giới sẽ học
cách xây dựng hòa bình, cũng bằng cách hạn chế chạy đua vũ trang và bằng cách
chuyển những chi phí chiến tranh khổng lồ thành hỗ trợ cụ thể cho người dân.
Ngài kết thúc với lời “Cảm ơn tất cả những người tin tưởng vào điều này, cảm ơn
anh chị em và tất cả những người là sứ giả của hòa bình và thống nhất!”