Kinh Truyền Tin Với Đức Thánh Cha, Ngày 18-9: Hãy Luôn Tinh Khôn Và Sáng Tạo Theo Tin Mừng

Photo: Vatican News

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 18/09/2022

Trưa Chúa nhật, 18 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Truyền tin với hơn 5.000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài cám ơn Chúa về chuyến viếng thăm mới đây tại Kazakhstan và cho biết sẽ nói về cuộc viếng thăm này trong buổi Tiếp kiến chung, sáng thứ Tư tới đây (21 tháng Chín). Đức Thánh cha cũng lên tiếng kêu gọi đối thoại để chấm dứt chiến tranh giữa Armeni và Azerbaijan. Ngài cũng cầu nguyện và liên đới với dân chúng tại miền Marche, trung Ý bị lụt nặng nề.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha trình bày suy niệm về bài Tin mừng về người quản lý bất trung nhưng khôn khéo.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Dụ ngôn bài Tin mừng phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta (Xc Lc 16,1-13) có vẻ hơi khó hiểu đối với chúng ta. Chúa Giêsu kể lại một chuyện tham ô: một người quản lý bất lương, biển lận và khi bị chủ khám phá, ông ta hành động một cách gian xảo, đi từ tình trạng đó. Chúng ta tự hỏi: sự gian xảo ấy hệ tại điều gì và Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta?

Ý nghĩa dụ ngôn

Qua câu chuyện, chúng ta thấy rằng người quản lý này bị lâm vào tình trạng khó khăn vì đã lợi dụng của cải của chủ; nay phải trả lẽ và sẽ bị mất việc. Nhưng ông ta không chịu thua, không cam chịu số phận và không muốn trở thành nạn nhân. Trái lại, ông hành động một cách gian xảo, tìm kiếm một giải pháp. Ông ta là người biến báo.

Chúa Giêsu lấy điểm này trong câu chuyện để gửi đến chúng ta một sự thách thức. Ngài nói: “Con cái thế gian này tinh ranh hơn là con cái ánh sáng” (v.8). Nghĩa là, người bước trong tối tăm, theo một số tiêu chuẩn thế gian, biết cách biến báo giữa những khó khăn, hành động tinh khôn hơn những người khác; trái lại các môn đệ của Chúa Giêsu, nghĩa là chúng ta nhiều khi ngái ngủ, hoặc ngây ngô, không biết đề ra sáng kiến để tìm ra những lối thoái trong những khó khăn (Xc E.G. 24). Tôi nghĩ đến những lúc khủng hoảng cá nhân, xã hội, và cả Giáo hội nữa: nhiều khi chúng ta để cho mình bị nản chí đè bẹp, hoặc rơi vào thái độ than vãn và coi mình là nạn nhân. Trái lại, Chúa Giêsu nói, chúng ta cũng có thể là những người tinh khôn theo Tin mừng, tỉnh thức và chú tâm để phân định thực tại, có óc sáng tạo để tìm ra những giải pháp tốt cho chúng ta và cho tha nhân.

Bài học từ dụ ngôn

Nhưng cũng có một giáo huấn khác Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta. Thực vậy, sự gian xảo của người quản lý hệ tại điều gì? Ông quyết định bớt nợ cho các con nợ, và nhờ đó ông biến họ thành bạn hữu của ông, có thể giúp đỡ ông khi bị chủ sa thải. Trước đây, ông ta tích trữ của cải cho bản thân mình, nay ông dùng chúng để tạo nên bạn hữu có thể giúp đỡ ông trong tương lai. Vì thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta một bài học về việc sử dụng của cải: “Các con hãy tìm kiếm bạn với sự giàu sang bất chính, vì khi của cải này không còn nữa thì họ sẽ đón nhận các con trong nơi vĩnh cửu” (v.9). Nghĩa là để được hưởng sự sống đời, không cần tích trữ của cải trần thế này, nhưng điều đáng kể là đức bác ái chúng ta sống trong những tương quan huynh đệ. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi: đừng dùng của cải thế gian này cho các con mà thôi, cho sự ích kỷ của các con, nhưng hãy sử dụng chúng để tạo nên bạn hữu, để tìm kiếm những quan hệ tốt, để hành động trong tình bác ái, để thăng tiến tình huynh đệ và chăm sóc những người yếu thế nhất.

Áp dụng vào cuộc sống

Và Đức Thánh cha nói rằng: “Anh chị em thân mến, cả trong thế giới ngày nay cũng có những vụ tham ô, như Tin mừng kể lại, những lối cư xử bất chính, chính trị gian xảo, ích kỷ chi phối những chọn lựa của mỗi cá nhân và các tổ chức, và bao nhiêu tình trạng đen tối. Nhưng các Kitô hữu chúng ta không được nản chí, và càng tệ hơn nếu cứ bỏ qua, dửng dưng. Trái lại, chúng ta được kêu gọi có tinh thần sáng tạo trong việc làm điều thiện, với sự khôn ngoan và tinh khôn của Tin mừng, dùng những của cải trần thế này, không những của cải vật chất, nhưng tất cả những hồng ân chúng ta nhận được từ Chúa, không phải để làm giàu cho bản thân, nhưng để sinh ra tình yêu thương huynh đệ và tình bạn xã hội.”

Và Đức Thánh cha kết luận: “Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria rất thánh, xin Mẹ giúp chúng ta được như Mẹ, có tinh thần thanh bần và giàu lòng bác ái đối với nhau.”

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha dâng lời cảm tạ Chúa vì chuyến tông du ngài mới thực hiện, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Chín vừa qua, tại Cộng hòa Kazakhstan, nhân dịp Hội nghị kỳ VII các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới, và cho biết sẽ nói về cuộc viếng thăm này trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư, ngày 21 tháng Chín.

Đức Thánh cha cũng bày tỏ đau buồn vì cuộc chiến tranh tái bùng nổ giữa Azerbaijan và Cộng hòa Armeni ở vùng Nagorno Karabakh. Ngài nói: Tôi bày tỏ sự gần gũi tinh thần với các gia đình nạn nhân và kêu gọi các phe hãy tôn trọng cuộc đình chiến, để đạt tới hòa bình. Chúng ta đừng quên rằng hòa bình là điều có thể, khi tiếng súng im đi và bắt đầu đối thoại. Và chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho nhân dân Ucraina chịu đau khổ và cho hòa bình tại những nơi đang bị đẫm máu vì chiến tranh.

Ngài cầu nguyện cho nhân dân miền Marche, trung Ý bị lụt vì mưa lũ nặng và đất lở, làm cho hơn mười người thiệt mạng và thiệt hại nặng nề về vật chất. Đức Thánh cha nói: “tôi cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng và thân nhân họ, cho những người bị thương và những ai bị thiệt hại nặng nề. Xin Chúa ban sức mạnh cho các cộng đoàn ấy”.

Sau cùng, Đức Thánh cha thân ái chào thăm các đoàn tín hữu hành hương từ nhiều nơi ở Ý và các nước khác. Ngài chúc mọi người một Chúa nhật an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2022