Kinh
Truyền Tin 16-10 Với Đức Thánh Cha: Cầu Nguyện Là Phương Dược Hâm Nóng Đức Tin
Và Tái Tạo Linh Hồn
Photo:
Vatican Media
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 16/10/2022
Trưa
Chúa nhật, 16 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Truyền
tin với khoảng 10.000 tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô. Đức Thánh cha loan
báo quyết định sẽ tiến hành Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới vào tháng Mười
năm tới, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và
sứ mạng”, qua hai khóa: khóa thứ nhất vào tháng Mười năm tới, và khóa thứ hai
vào tháng Mười năm sau đó, 2024.
Huấn dụ
của Đức Thánh cha
Trong
bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha trình bày suy niệm bài Tin
mừng về theo thánh Luca về sự cầu nguyện liên tục.
Đức
Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin
mừng phụng vụ hôm nay kết luận với một câu hỏi lo âu của Chúa Giêsu: “Khi Con
Người trở lại có còn thấy đức tin trên trái đất nữa không? (Lc 18,8). Như thể
Ngài nói rằng: Khi tôi đến vào cuối lịch sử, - nhưng chúng ta cũng có thể nói
là bây giờ, trong lúc này của cuộc sống - tôi có thể thấy một chút niềm tin nơi
anh chị em, trong thế giới của anh chị em hay không? Đó là một câu hỏi nghiêm
trọng. Chúng ta hãy tưởng tượng Chúa đến ngày hôm nay trên trái đất: rất tiếc
Chúa sẽ thấy bao nhiêu chiến tranh, nghèo đói và chênh lệch, và đồng thời Ngài
cũng thấy những thành tựu to lớn của kỹ thuật, các phương tiện tối tân và dân
chúng ngày càng chạy, không bao giờ dừng lại; Nhưng Chúa có thấy ai dành thời
giờ và lòng quý mến, đặt Chúa ở vị trí thứ nhất hay không? Và nhất là chúng ta
hãy tự hỏi: Chúa sẽ thấy gì nơi tôi, trong cuộc sống, trong tâm hồn tôi? đâu là
những ưu tiên Ngài sẽ thấy?
Lo lắng
nhiều điều không cần thiết
Đức
Thánh cha nhận xét rằng: “Thường thường chúng ta chú tâm vào bao nhiêu điều
khẩn cấp nhưng không cần thiết, chúng ta bận tâm và lo nhiều việc, trong thực
tế là phụ thuộc; và nhiều khi vô tình, chúng ta lơ là với những điều quan trọng
và để cho tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa trở nên nguội lạnh. Ngày hôm
nay Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta một phương dược để hâm nóng đức tin nguội
lạnh. Đó là kinh nguyện, điều tái tạo linh hồn. Nhưng cần có một kinh nguyện
liên lỉ. Nếu chúng ta phải theo đuổi một việc chữa trị để khỏe mạnh hơn, thì
điều quan trọng là phải thi hành kỹ lưỡng phương thức đó, dùng thuốc đúng cách
và đúng lúc, đều đặn và thường xuyên. Tóm lại là trong cuộc sống cần điều đó.
Chúng ta hãy nghĩ đến một cây chúng ta giữ trong nhà: chúng ta phải chăm sóc
nó, không để nó bị khô héo, và không để nó không được nước tuần này qua tuần
khác! Phương chi đối với kinh nguyện: ta không thể chỉ sống trong những lúc
hăng say hoặc thỉnh thoảng trong những cuộc gặp gỡ khẩn trương, để rồi sau đó
đi vào trạng thái “tiềm sinh”. Đức tin của chúng ta sẽ bị khô héo. Cần có nước
hằng ngày của kinh nguyện, cần có một thời gian dành cho Thiên Chúa, để Chúa có
thể đi vào trong thời giờ của chúng ta; cần có những lúc liên lỷ trong đó chúng
ta cởi mở tâm hồn cho Chúa, để Chúa có thể đổ vào trong chúng ta mỗi ngày tình
thương, an bình, vui tươi, sức mạnh, hy vọng; nghĩa là nuôi dưỡng đức tin của
chúng ta”.
Cần
luôn cầu nguyện
Vì thế,
ngày hôm nay Chúa Giêsu nói với “các môn đệ của Ngài, nói với tất cả chứ không
phải với vài người, về sự cần thiết phải luôn cầu nguyện, không bao giờ mỏi
mệt” (v.1). Nhưng có thể có người nêu vấn nạn: “Làm sao tôi làm được điều đó?
Tôi không sống trong một tu viện, không có nhiều giờ để cầu nguyện!”. Một
phương thức thực hành thiêng liêng khôn ngoan có thể giúp đỡ chúng ta, cho dù
ngày nay có phần bị quên lãng, phương thức này được những người đi trước, nhất
là các bà nội ngoại biết rõ, đó là những lời nguyện tự phát. Tên của phương
pháp này có vẻ cũ, nhưng nội dung cốt yếu vẫn tốt. Đó là những lời cầu nguyện
rất ngắn, dễ nhớ chúng ta có thể lập lại thường xuyên trong ngày, trong khi làm
những việc khác, để được kết hiệp với Chúa. Chúng ta hãy nêu vài ví dụ: vừa khi
thức dậy, chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa và dâng ngày hôm nay
cho Chúa”, rồi trước khi làm việc, chúng ta có thể lập lại: “Lạy Chúa Thánh
Thần, xin hãy đến”! ; và giữa việc này sang việc kia, chúng ta có thể cầu
nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác và yêu mến Chúa”.
Gắn bó
với Chúa
“Bao
nhiêu lần chúng ta gửi những sứ điệp ngắn tới những người chúng ta thương mến!
Chúng ta cũng hãy làm như thế với Chúa, để con tim luôn được gắn bó với Chúa.
Và chúng ta đừng quên đọc những câu trả lời của Chúa. Chúng ta tìm được chúng ở
trong sách Tin mừng, nên luôn giữ sách này bên mình, vừa tầm tay và mở ra mỗi
ngày, để nhận được một Lời Sự Sống được gửi đến chúng ta.
Và Đức
Thánh cha kết luận rằng: “Xin Đức Trinh Nữ Maria, trung thành trong sự lắng
nghe, dạy chúng con nghệ thuật luôn cầu nguyện, không bao giờ mệt mỏi.
Chào
thăm và kêu gọi
Sau khi
đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha thông báo quyết định của
ngài kéo dài Thượng Hội đồng Giám mục tháng Mười năm tới thành hai khóa: Khóa
thứ nhất từ ngày 04 đến ngày 29 tháng Mười năm tới, 2023, và khóa thứ hai vào
tháng Mười năm 2024. Ngài hy vọng quyết định này sẽ giúp hiểu sự đồng hành, hay
hiệp hành như một yếu tố cấu thành Giáo hội, cũng như giúp mỗi người sống đặc
tính này như một hành trình anh chị em với nhau, làm chứng về niềm vui Tin
mừng.
Đức
Thánh cha cũng nhắc đến lễ phong chân phước hôm Chúa nhật, 16 tháng Mười vừa
qua, cho hai linh mục bị Đức quốc xã sát hại hồi tháng Chín năm 1943: cha sở
Giuseppe Bernardi, 45 tuổi và cha phó Mario Ghibaudo 23 tuổi của xứ Boves, bắc
Ý. Hai vị bị giết trong lúc gần gũi với dân Chúa, không bỏ chạy đi nơi khác.
Sau
cùng, Đức Thánh cha đưa tin thứ Ba, ngày 18 tháng Mười này Tổ chức Trợ giúp các
Giáo hội đau khổ cổ võ sáng kiến một triệu trẻ em đọc kinh Mân côi cầu nguyện
cho hòa bình thế giới. Ngài cám ơn các em tham gia sáng kiến này và mời gọi các
tín hữu hiệp ý cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina và các dân nước khác.
Đức
Thánh cha thân ái chào thăm các đoàn tín hữu hành hương từ nhiều nơi ở Ý và các
nước khác. Ngài chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng
quên cầu nguyện cho ngài.