Ngày 30 Tháng10:  Kinh Truyền Tin Với Đức Thánh Cha: Thiên Chúa Nhìn Chúng Ta Và Ban Lại Phẩm Giá Cho Chúng Ta

Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự kinh Truyền tin | Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 30/10/2022

Trưa Chúa nhật, 30 tháng Mười năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Truyền tin với hơn 30.000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Nhiều người đứng tại đường Hòa Giải bên ngoài. Đức Thánh cha kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố bằng xe bom ở Mogadiscio, Somalia, và Hán Thành, thủ đô Hàn Quốc.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Luca, thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông Giakêu, người thu thuế.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Hôm nay, trong phụng vụ, bài Tin mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu, thủ lãnh những người thu thuế ở thành Giêricô (Lc 19,1-10). Nơi trung tâm tình thuật, có động từ “tìm kiếm”. Ông Giakêu “tìm cách xem Chúa Giêsu là ai” (v.3) và Chúa Giêsu, sau khi gặp ông, đã nói rằng: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu thoát những gì đã bị mất” (v.10). Chúng ta hãy dừng lại nơi hai cái nhìn tìm nhau: cái nhìn của ông Giakêu tìm Chúa Giêsu và cái nhìn của Chúa Giêsu tìm ông Giakêu.

Ông Giakêu

Cái nhìn của Giakêu. Ông là một người thu thuế, nghĩa là một trong những Do thái thu thuế cho những người Rôma đô hộ và lợi dụng vị thế của mình. Vì thế, ông Giakêu giàu có, bị mọi người oán ghét và chỉ tay như kẻ tội lỗi. Văn bản nói rằng “ông ta nhỏ người” (v.3), với chi tiết này có lẽ văn bản ám chỉ đến sự thấp hèn nội tâm, cuộc sống tầm thường, thiếu lương thiện của ông và với cái nhìn luôn hướng hạ. Nhưng ông Giakêu muốn nhìn thấy Chúa Giêsu. Tin mừng kể lại: “Ông chạy về đằng trước, và để thấy được Chúa, ông leo lên một cây sung, vì Người đi qua đó” (v.4)

Ông Giakêu, trong sự thấp hèn của mình, cảm thấy cần tìm một cái nhìn khác, cái nhìn của Chúa Kitô. Ông chưa biết Người, nhưng chờ đợi một người giải thoát ông khỏi thân phận của ông, làm cho ông ra khỏi đầm lầy ông đang ở trong đó. Đây là điều cơ bản: ông Giakêu dạy chúng ta rằng, trong cuộc sống, không bao giờ mất hết mọi sự. Luôn luôn chúng ta có thể ước muốn bắt đầu lại, tái khởi hành, hoán cải.

Cái nhìn của Chúa Giêsu

Điều quyết định theo nghĩa này là khía cạnh thứ hai, tức là cái nhìn của Chúa Giêsu. Ngài được Chúa Cha sai xuống để tìm kiếm những người hư mất; và khi đến thành Giêricô, Ngài tiến qua gần cây nơi có ông Giakêu. Tin mừng thuật lại rằng: “Chúa Giêsu ngước mắt lên và nói với ông: “Giakêu, hãy xuống ngay, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (v.5). Đó là một hình ảnh rất đẹp, vì nếu Chúa Giêsu phải ngước mắt lên, điều này có nghĩa là Ngài nhìn ông Giakêu từ dưới hướng lên. Đây chính là lịch sử cứu độ: Thiên Chúa không nhìn chúng ta từ trên cao xuống để hạ nhục và phán xét chúng ta; trái lại, Ngài hạ mình xuống đến độ rửa chân cho chúng ta, nhìn chúng ta từ dưới để trả lại phẩm giá cho chúng ta. Thế là sự giao nhau của hai cái nhìn giữa ông Giakêu và Chúa Giêsu dường như tóm tắt toàn thể lịch sự cứu độ: nhân loại với những lầm than của mình tìm kiếm ơn cứu độ, nhưng trước tiên Thiên Chúa, với lượng từ bi, tìm kiếm thụ tạo của Ngài để cứu vớt.

Áp dụng thực hành

Và Đức Thánh cha nhắn nhủ: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhớ điều này: cái nhìn của Thiên Chúa không bao giờ dừng lại nơi quá khứ đầy lỗi lầm của chúng ta, nhưng với lòng tín thác vô biên, Ngài nhìn đến những gì mà chúng ta có thể trở thành. Và nếu đôi khi chúng ta cảm thấy mình là những người thấp kém, không xứng với những thách đố của cuộc sống và nhất là đối với Tin mừng, nếu chúng ta cảm thấy mình bị vây bủa trong các vấn đề và trong tội lỗi, thì Chúa Giêsu luôn yêu thương nhìn chúng ta: cũng như với Giakêu, Chúa đến gặp chúng ta, kêu gọi đích danh chúng ta và nếu chúng ta đón nhận Ngài, thì Ngài đến nhà chúng ta. Vậy, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta nhìn mình thế nào? Chúng ta có cảm thấy bất xứng và cam chịu, hoặc chính tại đó, khi chúng ta cảm thấy mình đi xuống, chúng ta có tìm cách gặp Chúa Giêsu hay không? Và rồi: chúng ta có cái nhìn nào đối với những người đã lầm lỗi và cố gắng trỗi dậy từ bụi bặm những sai lỗi của họ? Phải chăng đó là một cái nhìn từ trên cao, phán xét, khinh rẻ và loại trừ? Nhưng các Kitô hữu chúng ta phải có cái nhìn của Chúa Kitô, cảm thông đón nhận, tìm kiếm những ai lạc mất, với lòng cảm thương. Và đó cũng phải luôn luôn là cái nhìn của Giáo hội.

Và Đức Thánh cha kết luận: “Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, mà Chúa đã nhìn đến sự khiêm hạ của Mẹ, và cầu xin Mẹ ơn được một cái nhìn mới về bản thân và tha nhân.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha mời gọi mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố, tối thứ Bảy, ngày 29 tháng Mười vừa qua, tại trụ sở bộ giáo dục ở thủ đô Mogadiscio của Somalia bên Phi châu, làm cho 100 người chết và 300 người bị thương, theo tin sơ khởi; và rồi vụ chen lấn trong dịp lễ Halloween, hôm 29 tháng Mười tại Hán Thành, thủ đô Hàn Quốc, 150 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến lễ phong chân phước, sáng thứ Bảy, ngày 29 tháng Mười vừa qua, tại thành phố Medellín, Colombia cho nữ tu Maria Berenice Duque Hencker, sáng lập Dòng Nữ thừa sai Đa Minh Truyền tin, người đã dấn thân săn sóc người nghèo, các trẻ em và phụ nữ.

Sau hết, Đức Thánh cha không quên kêu gọi cầu nguyện cho nhân dân Ucraina tiếp tục chịu chiến tranh đau thương và ngài chào thăm các đoàn tín hữu hành hương từ nhiều nơi ở Ý và các nước khác.

Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2022