Ngày
16 tháng 11 Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Nhiều Khi Chúng Ta Chỉ Biết Xin
Ơn Mà Không Thực Sự Quan Tâm Tới Chúa
Photo:
Vatican Media
G. Trần Đức
Anh, O.P. | RVA 16/11/2022
Sáng
thứ Tư, ngày 16 tháng Mười Một, khoảng 9 giờ thiếu 15 phút, Đức Thánh cha
Phanxicô bắt đầu chương trình tiếp kiến chung gần 20.000 tín hữu hành hương tại
Quảng trường thánh Phêrô, dưới bầu trời u ám. Ngài dùng xe mui trần tiến qua
các lối đi ở quảng trường, chào thăm mọi người, đặc biệt có những em bé được
các nhân viên an ninh bế lên cho ngài để ngài chúc lành.
Lên tới
thềm đền thờ, Đức Thánh cha bắt đầu buổi tiếp kiến với lời chào phụng vụ và 8
giáo dân và nữ tu, là nhân viên các cơ quan ở Vatican lần lượt đọc một đoạn
ngắn trích từ Thánh vịnh thứ 30 (7-9.12):
“Lạy
Chúa, vì yêu thương, Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng
khi Ngài vừa ẩn mặt đi, con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.
Lạy
Chúa, con kêu lên Ngài, năn nỉ với Ngài là Chúa của con...
Khúc ai
ca Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng”.
Bài giáo lý
Trong bài
giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục đề tài về sự phân định và bài thứ 8
ngày có tựa đề: “Tại sao chúng ta đau buồn?”
Đức
Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng
ta trở lại các bài giáo lý về đề tài phân định. Chúng ta đã thấy điều quan
trọng là đọc những gì xảy ra trong tâm hồn chúng ta, để không đưa ra những
quyết định vội vã, theo cảm xúc nhất thời, để rồi phải hối hận khi đã quá trễ.
Khía cạnh tích cực của buồn sầu
Theo
nghĩa đó, cả tình trạng tinh thần mà chúng ta gọi là đau buồn cũng có thể là cơ
hội để tăng trưởng. Thực vậy, nếu không có một chút bất mãn, sự sầu muộn hữu
ích, một khả năng lành mạnh sống giữa cô đơn, ở với chính mình mà không chạy
trốn, thì chúng ta mãi mãi sẽ chỉ ở trên bề mặt của sự việc và không bao giờ tiếp
xúc với trung tâm cuộc sống của chúng ta. Sự buồn sầu tạo nên một sự “đánh động
tâm hồn”, giữ cho tâm hồn tỉnh thức, tạo điều kiện dễ dàng cho sự cảnh giác và
khiêm tốn, bảo vệ chúng ta khỏi làn gió hay thay đổi. Đó là những điều kiện
không thể thiếu để tiến bộ trong đời sống, và vì thế cả trong đời sống thiêng
liêng nữa. Một sự thanh thản hoàn toàn không chút “tâm tình nào”, như thể được
khử trùng”, khi trở thành tiêu chuẩn chọn lựa và cư xử, thì nó làm cho chúng ta
trở nên “vô nhân đạo”, dửng dưng đối với đau khổ của những người khác và không
có khả năng đón nhận đau khổ của chúng ta. “Sự thanh thản hoàn toàn” như thế
không thể đạt được bằng con đường dửng dưng, lãnh đạm. Đối với nhiều vị thánh
nam nữ, trạng thái băn khoăn là một thúc đẩy quyết định để tạo nên một khúc
quanh trong cuộc đời của các vị. Chẳng hạn, đó là trường hợp thánh Augustinô
thành Ippona, thánh Edith Stein, Giuseppe Benedetto Cottolengo, và Charles de
Foucauld. Những chọn lựa quan trọng có một giá mà đời sống phải trả, một giá
vừa tầm tay của mọi người. Nói khác đi, những quyết định quan trọng không đến
từ cuộc xổ số, nó có một giá mà chúng ta phải trả.
Buồn sầu là cơ hội tăng trưởng
Sự buồn
sầu cũng là một lời mời gọi hãy có thái độ vô vị lợi, không hành động luôn luôn
để được mãn nguyện về cảm xúc. Buồn sầu mang lại cho chúng ta cơ hội tăng
trưởng, bắt đầu một tương quan trưởng thành hơn, đẹp hơn, với Chúa và với những
người thân yêu, một tương quan không thu hẹp vào sự trao đổi cho đi và nhận.
Chúng ta hãy nghĩ đến thời thơ ấu của chúng ta. Còn nhỏ, chúng ta thường tìm
cha mẹ để được cái gì đó, như một đồ chơi, được tiền để mua kem, một phép làm
cái gì đó... Và như thế chúng ta tìm cha mẹ không phải vì cha mẹ, nhưng vì một
lợi lộc nào đó. Tuy nhiên, món quà quý nhất là chính cha mẹ, và điều này chúng
ta chỉ hiểu được khi chúng ta dần dần lớn lên.
Buồn sầu giúp tránh vụ lợi
Cả kinh
nguyện của chúng ta nhiều khi cũng thuộc loại như vậy, đó là những lời cầu xin
ơn dâng lên Chúa, không thực sự quan tâm tới Chúa. Tin mừng nhận xét rằng Chúa
Giêsu thường được dân chúng xúm quanh. Họ tìm kiếm Ngài để được một cái gì đó,
được chữa lành, trợ giúp vật chất, nhưng không phải để được ở với Ngài. Chúa
được đám đông bao quanh, nhưng Ngài cô độc. Một số vị thánh, và cả một số nghệ
sĩ, đã suy tư về tình trạng này của Chúa Giêsu. Có thể là lạ lùng, siêu thực,
khi hỏi Chúa: Thầy có khỏe không”. Nhưng thực ra đó là một cách thức rất đẹp để
đi vào trong một tương quan đích thực, chân thành, có tình người, quan tâm sự
đau khổ của Ngài, cả khi với sự cô đơn của Ngài, với Chúa, Đấng muốn chia sẻ
đến cùng cuộc sống với chúng ta.
Điều
làm cho chúng ta được thiện ích là học cách ở với Chúa, không có mục đích khác,
đúng như xảy ra với chúng ta với những người mà chúng ta quý mến, chúng ta muốn
biết họ ngày càng nhiều hơn, vì thật là đẹp khi ở với họ.
Mục đích đời sống thiêng liêng
Anh chị
em, đời sống thiêng liêng là một kỹ năng chúng ta tùy ý sử dụng, không phải là
một chương trình để được “thoải mái” nội tâm, tùy thuộc chúng ta sắp xếp. Không
phải vậy! Đời sống thiêng liêng là tương quan với Thiên Chúa Hằng Sống, không
thể thu hẹp vào những quan niệm của chúng ta. Vì thế, sự buồn sầu là câu trả
lời rõ ràng nhất cho vấn nạn cho rằng cảm nghiệm về Thiên Chúa chỉ là một hình
thức tự kỷ ám thị, một thứ phóng dội những ước muốn của chúng ta. Giả sử sự
thật là như thế thì chúng ta sẽ luôn là người đề ra kế hoạch, luôn hạnh phúc và
hài lòng như một đĩa hát lập lại cùng một nhạc điệu. Trong thực tế, ai cầu
nguyện thì ý thức rằng kết quả là những điều không lường trước được: những kinh
nghiệm và bước đi của Thánh Linh đã thường làm cho chúng ta phấn khởi, ngày hôm
nay thật là lạ, chúng không khơi lên nơi chúng ta hứng khởi nào. Và cũng vậy,
bất ngờ các kinh nghiệm, những gặp gỡ và những gì chúng ta đọc trước đây mà
chẳng bao giờ để ý, hoặc muốn tránh chúng, như kinh nghiệm về thánh giá, thì
bây giờ chúng mang lại một an bình bất ngờ.
Vì thế,
đứng trước những khó khăn, chúng ta đừng bao giờ nản chí, nhưng đương đầu với
thử thách một cách quyết liệt, với ơn Chúa phù trợ vốn không bao giờ thiếu cho
chúng ta. Và nếu chúng ta cảm thấy trong nội tâm một tiếng nói liên lý muốn lôi
kéo chúng ta ra khỏi kinh nguyện, chúng ta hãy cố gắng vạch trần nó như tiếng
nói của tên cám dỗ và không để nó ảnh hưởng: chúng ta chỉ cần hành động ngược lại
điều nó xúi giục chúng ta!
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài
huấn giáo của Đức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài
giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương.
Khi
chào bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Anh
quốc, Đan Mạch, Hòa Lan, Indonesia, Canada và Mỹ.
Bằng
tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc đến các thành viên tổ chức Soar, và các nghệ
sĩ Ba Lan, Ucraina, Israel và các nước khác, tham dự lễ hội Các Thánh Vịnh của
Vua Đavít, đến Roma để trình diễn buổi hòa nhạc “Các thánh vịnh hòa bình và
thương xót”, và Đức Thánh cha nói rằng: “Tôi cầu mong các buổi trình diễn nghệ
thuật và tâm linh này giúp thăng tiến các quyết tâm và dự án tình huynh đệ và
hòa hợp”.
Bằng
tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào các nữ tu Tiểu Tông Đồ cứu chuộc, đang
nhóm Tổng tu nghị của dòng, các nữ tu thuộc Hiệp hội các Bề trên Thượng cấp ở
Ý, cộng đoàn chủng viện Leoniano ở thành phố Anagni và một số giám mục miền
Lazio. Ngài nói: “Tôi khích lệ tất cả hãy can đảm tiến bước, củng cố các quyết
tâm trung thành với Chúa và Giáo hội.
Đức
Thánh cha nói thêm rằng: “Tôi dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân vô tội của
vụ khủng bố xảy ra những ngày qua tại Istanbul. Chúng ta cũng không ngừng cầu
nguyện cho Ucraina tang thương: xin Chúa ban cho người Ucraina ơn an ủi, can
đảm trong thử thách và hy vọng hòa bình. Tôi đau lòng khi hay biết những đau
khổ và lo âu vì những cuộc tấn công mới đây bằng các tên lửa vào Ucraina, gây
ra chết chóc và thiệt hại cho nhiều hạ tầng cơ cấu dân sự”.
Và sau
cùng, như thường lệ, Đức Thánh cha nhắc đến những người cao niên, các bệnh
nhân, người trẻ và các đôi tân hôn hiện diện tại buổi tiếp kiến, đồng thời nhắc
nhở rằng: “Theo gương thánh Margarita xứ Scotland và thánh Gertrude mà hôm nay
chúng ta kính nhớ, anh chị em hãy luôn tìm kiếm nơi Chúa Giêsu ánh sáng và sự
nâng đỡ cho những chọn lựa của anh chị em trong hằng ngày”.
Buổi
tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.