23-11 Tiếp Kiến
Chung Của Đức Thánh Cha: Sự An Ủi Thiêng Liêng Là Một Hồng Ân Lớn Lao Đối Với
Đời Sống Thiêng Liêng
Đức Thánh cha Phanxicô | Vatican Media
G. Trần Đức
Anh, O.P. | RVA 23/11/2022
Sáng thứ Tư, ngày 23 tháng Mười
Một năm 2022, lúc 8 giờ 40 phút, Đức Thánh cha Phanxicô bắt đầu chương trình
buổi tiếp kiến các tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.
Theo thói quen, Đức Thánh cha cho 5 em bé lên xe mui trần
đi chung với ngài, tiến qua các lối đi để chào thăm khoảng gần 10.000 tín hữu
tại đây, trước khi lên bục cao trên thềm đền thờ để bắt đầu buổi tiếp kiến, với
phần tôn vinh Lời Chúa.
Bài giáo lý
Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục đề tài
về sự phân định và bài thứ chín này có tựa đề: Việc phân định sự an ủi.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Sau khi cứu xét vài khía cạnh của sự buồn sầu, hôm nay
chúng ta bàn về sự an ủi, một yếu tố quan trọng khác để phân định, và được coi
là điều hiển nhiên, vì có thể có những hiểu lầm.
Ý nghĩa sự an ủi thiêng liêng
Sự an ủi thiêng liêng là gì? đó là một cảm nghiệm sâu xa
về niềm vui nội tâm, giúp ta thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự; sự
an ủi củng cố niềm tin và hy vọng, và cả khả năng làm điều thiện. Người được an
ủi không đầu hàng trước những khó khăn, vì cảm nghiệm một an bình mạnh mẽ hơn
thử thách. Vì thế, đó là một hồng ân lớn đối với đời sống thiêng liêng và đời
sống nói chung.
An ủi là một chuyển động nội tâm, đụng chạm tới sự sâu
thẳm của chính chúng ta. Nó không hào nhoáng, nhưng dịu dàng, tinh tế, như một
giọt nước trên miếng bọt biển (Xc Thánh Ignatio Loyola, Linh Thao, 335): ta cảm
thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa bao phủ, luôn tôn trọng tự do của con
người. An ủi không bao giờ là ồn ào, không tìm cách cưỡng bách ý chí của chúng
ta, và cũng chẳng phải một sự phấn khởi chóng qua: trái lại, như chúng ta đã
thấy, cả đau đớn - ví dụ đau đớn vì tội lỗi của mình - có thể trở thành động
lực an ủi.
Kinh nghiệm của các thánh
Chúng ta hãy nghĩ đến kinh nghiệm của thánh Augustino, khi
ngài nói với mẹ ngài là thánh Monica về vẻ đẹp của cuộc sống đời đời; hoặc niềm
vui tuyệt hảo của thánh Phanxicô - gắn liền với tình trạng rất cam go phải
chịu; và chúng ta hãy nghĩ đến bao nhiêu vị thánh nam nữ đã biết thực hiện
những điều vĩ đại, không phải vì các vị coi mình là tài giỏi và có khả năng, nhưng
vì đã được sự dịu dàng của tình yêu Chúa mang lại an bình. Đó là niềm an bình
mà thánh Ignatio cảm thấy, khi đọc truyện các thánh. Đó là an bình mà thánh
Edith Stein cảm thấy, sau khi hoán cải; một năm sau khi được rửa tội, thánh nữ
viết: “Trong khi tôi chiều theo tâm tình ấy, dần dần một sự sống mới bắt đầu
làm cho tôi đầy tràn và không hề có sự căng thẳng nào nơi ý chí của tôi, thúc
đẩy tôi thực hiện những điều mới. Dòng sinh lực này trào ra từ một hoạt động và
một sức mạnh không phải là của tôi, và hoạt động trong tôi và không tạo cho tôi
một bạo lực nào” (Tâm lý và khoa học tinh thần, Città Nuova, 1996, 116).
Những đặc tính của sự an ủi
Sự an ủi liên hệ trước tiên tới niềm hy vọng, hướng về
tương lai, trong khi trong khi tiến bước, giúp đưa ra những sáng kiến cho đến
nay luôn bị hoãn lại, hoặc không hề tưởng tượng ra, như phép rửa tội đối với
Edith Stein.
An ủi tinh thần không phải là điều có thể “điều khiển”
được, không được hoạch định tùy ý, đó là một hồng ân của Chúa Thánh Linh, giúp
ta sống thân mật tới Thiên Chúa, như thể xóa bỏ khoảng cách đối với Ngài. Thánh
nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, khi viếng Đền thờ Thánh Giá Jerusalem ở Roma, năm 14
tuổi, đã tìm cách động chạm đến đinh sắt được tôn kính tại đền thờ, một trong
những đinh đã được dùng để đóng đanh Chúa Giêsu. Têrêsa cảm thấy sự táo bạo như
thể được tình thương và lòng tín thác đưa đẩy, rồi thánh nữ viết: “Tôi thực sự
là rất táo bạo. Nhưng Chúa thấy tận thẳm sâu tâm hồn. Chúa biết rằng ý hướng
của tôi là tinh tuyền [...]. Tôi đã hành động như một trẻ em tưởng rằng mọi sự
đều được phép và coi những kho tàng của Cha như của mình” (Thủ bản tự thuật,
183). Một thiếu nữ 14 tuổi cho chúng ta một mô tả tuyệt vời về sự an ủi tinh
thần: ta cảm thấy một cảm thức dịu dàng đối với Thiên Chúa, làm cho chúng ta
táo bạo trong ước muốn tham dự chính cuộc sống của Chúa, làm điều Chúa muốn, vì
chúng ta cảm thấy thân mật với Ngài, cảm thấy nhà của Ngài là nhà của chúng ta,
chúng ta cảm thấy được đón nhận, yêu thương và bồi bổ. Với sự an ủi này, ta
không đầu hàng trước những khó khăn: thực vậy, với cùng sự táo bạo ấy, Têrêsa
xin Đức Giáo hoàng cho phép được gia nhập dòng kín Cát Minh, mặc dù còn quá trẻ
và sẽ được nhận lời.
Cảnh giác đối với an ủi giả tạo
Nhưng cũng có những an ủi giả tạo. Trong đời sống thiêng
liêng xảy ra cái gì đó tương tự với những gì do con người tạo ra: có những điều
là nguyên bản và những điều là bản sao. Nếu sự an ủi chân chính giống như một
giọt nước trên miếng bọt biển, ngọt ngào và thân mật, thì an ủi giả tạo ồn ào
hơn và hào nhoáng, như lửa rơm không bền, làm cho ta co cụm vào mình và không
quan tâm đến những người khác. Sau cùng, an ủi giả tạo để lại cho chúng ta sự
trống rỗng, xa cách trung tâm cuộc sống của chúng ta.
Vì thế ta phải phân định, cả khi ta cảm thấy được an ủi.
Vì sự an ủi giả tạo có thể trở nên nguy hiểm, nếu chúng ta tìm kiếm nó như thể
tự nó là mục đích, tìm kiếm nó như thể bị ám ảnh, quên Chúa. Như thánh Bênađô
đã nói, người ta tìm kiếm những an ủi của Chúa chứ không tìm Chúa. Đó là hoạt
động của trẻ em, như chúng ta đã nói tuần trước, chúng tìm kiếm cha mẹ chỉ được
những điều này điều kia chứ không vì chính cha mẹ. Cả chúng ta cũng gặp nguy cơ
sống tương quan với Thiên Chúa như những đứa trẻ, biến Chúa thành một đối tượng
để sử dụng, để tiêu thụ, mà lạc mất món quà đẹp nhất là chính Chúa.
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài huấn giáo của Đức Thánh cha, buổi tiếp kiến được
nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến
các nhóm hành hương.
Khi chào bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh cha nhắc nhở
các tín hữu: Chúa nhật tới là bắt đầu Mùa vọng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp
chúng ta luôn giữ ngọn đèn đức tin được luôn cháy sáng trong cuộc sống của
chúng ta và luôn được chuẩn bị để đón nhận cuộc viếng thăm của Chúa, làm cho
chúng ta tràn đầy an bình và vui tươi.
Bằng tiếng Bồ Đào Nha và Brazil, Đức Thánh cha nói rằng
Chúa nhật vừa qua, tại các giáo phận có cử hành Ngày Quốc tế Giới trẻ, với ý
tưởng hướng về Ngày Quốc tế Giới trẻ cấp hoàn vũ sẽ tiến hành tại Lisboa vào
năm tới. Niềm vui được gặp lại nhau và ý muốn cùng nhau trở thành những dấu chỉ
cơ bản cho thế giới ngày nay, đang bị phân hóa, xâu xé vì những cuộc xung đột
và chiến tranh. Xin Đức Mẹ bảo tồn ước muốn hiệp thông và an bình của chúng ta.
Khi chào thăm các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha cám ơn Giáo
hội tại nước này vì trong những ngày qua đã hiệp với các Kitô hữu bị bách hại
trên thế giới tham gia sáng kiến “Tuần lễ Đỏ” và cầu nguyện cho họ, đặc biệt
tại Đền thánh Đức Mẹ Jasna Góra. Xin Mẹ Thiên Chúa ban cho họ được tự do trọn
vẹn và ơn an ủi trong đau khổ.
Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến dân chúng
tại đảo Java bên Indonesia bị động đất nặng làm cho hàng trăm người chết. Ngài
bày tỏ sự gần gũi với nhân dân yêu quý và cầu nguyện cho những người chết và bị
thương.
Đức Thánh cha cũng nói đến lễ phong chân phước hôm Chúa
nhật, 20 tháng Mười Một vừa qua, tại Uganda cho cha Giuseppe Ambrosoli, Thừa
sai dòng thánh Comboni, linh mục và bác sĩ, qua đời tại Uganda sau 31 năm tận
tụy phục vụ các bệnh nhân. Ước gì chứng tá đặc biệt của cha giúp mỗi người
chúng ta trở thành dấu chỉ một Giáo hội “đi ra ngoài”.
Đức Thánh cha chào thăm các cầu thủ bóng đá, những người
ủng hộ và khán giả từ nhiều đại lục, đang theo dõi các trận đấu trong giải vô
địch bóng đá thế giới đang diễn ra ở Qatar. Ngài nói “Ước gì biến cố quan trọng
này là cơ hội gặp gỡ, hòa hợp giữa các dân nước, giúp thăng tiến tình huynh đệ
và hòa bình giữa các dân tộc.
Và sau cùng, như thường lệ, Đức Thánh cha nhắc đến những
người cao niên, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn hiện diện tại buổi
tiếp kiến, đồng thời nhắc nhở về Mùa vọng sắp bắt đầu từ Chúa nhật tới để chuẩn
bị lễ Giáng sinh. Ngài nói: “Tôi cầu chúc mỗi người trong anh chị em cởi mở tâm
hồn cho Chúa: xin anh chị em hãy cởi mở tâm hồn để dọn đường cho Đấng đến để
làm cho mỗi yếu đuối phàm nhân của chúng ta được tràn đầy ánh sáng nhờ sự hiện
diện của Ngài”.
Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh cha kết thúc với kinh
Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.
Đức Thánh cha Phanxicô tái kêu
gọi cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đặc biệt tại Ucraina.
Đây là lần thứ 100 Đức Thánh cha lên tiếng kêu gọi hòa
bình cho Ucraina, từ sau khi nước này bị Nga tấn công, xâm chiếm và tiếp tục
pháo kích, kể từ ngày 24 tháng Hai năm nay.
Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng hôm ngày 23
tháng Mười Một vừa qua, trước sự hiện diện của gần 10.000 tín hữu tại Quảng
trường thánh Phêrô, Đức Thánh cha nói:
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới và sự
chấm dứt mọi cuộc xung đột, với ý nghĩ đặc biệt đối với những đau khổ kinh
khủng của nhân dân Ucraina yêu quý bị mọi tang thương. Về vấn đề này, thứ Bảy
tới đây là kỷ niệm cuộc diệt chủng kinh khủng Holodomor, diệt chủng bằng nạn
đói năm 1932-1933, do Stalin tạo ra ở Ucraina. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các
nạn nhân cuộc diệt chủng này và cầu cho những người Ucraina yêu quý, các trẻ em,
phụ nữ, người già, trẻ em, ngày nay đang chịu tử đạo vì cuộc tấn công”.
Đức Thánh cha cũng nói rằng: “Ước gì Ngày Thế giới về đánh
cá, cử hành hôm 21 tháng Mười Một vừa qua, giúp tạo điều kiện dễ dàng cho sự
bền vững trong ngành đánh cá và nuôi cá, qua sự tôn trọng các quyền của giới
ngư dân, qua công việc của họ, họ góp phần vào an ninh lương thực, dinh dưỡng
và giảm bớt nạn nghèo đói trên thế giới”. (Sala stampa 23-11-2022)