Tiếp
Kiến Chung (30/11): Làm Thế Nào Để Biết Đâu Là An Ủi Thật
Trong
bài giáo lý sáng thứ Tư 30/11, tiếp tục loạt bài về phân định, Đức Thánh Cha
chỉ dẫn để nhận biết đâu là an ủi thật và đâu là an ủi giả tạo. Đồng thời, ngài
khuyến khích các tín hữu làm phút hồi tâm mỗi ngày.
Văn Yên, SJ –
Vatican News 30 tháng mười một 2022
Sáng
30/11, trước buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư hằng tuần, Đức Thánh Cha đã đi xe
mui trần quanh quảng trường thánh Phêrô để chào thăm các tín hữu như thường lệ.
Roma sang cuối thu và trời bắt đầu rất lạnh nên dù 9 giờ nhưng dường như vẫn
chưa đủ sáng.
Hôm nay
Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về phân định với chủ đề “sự an ủi đích
thực”. Bài Sách Thánh được đọc bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trước khi Đức
Thánh Cha diễn giải bài giáo lý được trích từ thư của thánh Phaolô tông đồ gởi
tín hữu Philípphê 1,9-11: Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến
của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác
siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh
tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm.
Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức
Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.
Bài
giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị
em thân mến, chào anh chị em!
Tiếp
tục suy tư về sự phân định, và đặc biệt về kinh nghiệm thiêng liêng được gọi là
“sự an ủi” mà chúng ta đã nói vào thứ Tư tuần trước, chúng ta tự hỏi: làm thế
nào chúng ta có thể nhận ra sự an ủi thực sự? Đó là một câu hỏi rất quan trọng
để có sự phân định tốt, để không bị lừa dối trong việc tìm kiếm điều thiện đích
thực của chúng ta.
Chúng
ta có thể tìm thấy một số tiêu chí trong một bước Linh Thao của Thánh Inhaxiô
Loyola. Ngài nói: “Nếu từ khởi đầu, ở giữa, và kết thúc đều tốt, hướng hẳn về
đường lành, là dấu hiệu của thần lành. Nhưng nếu diễn biến của tư tưởng đưa ta
tới điều xấu hoặc lo ra, hay không được tốt như điều trước đó linh hồn đã định
làm, hoặc làm giảm sút, khiến ta lo lắng, bối rối, mất sự bình an, yên tĩnh đã
có từ trước, đó là dấu hiệu rõ ràng điều ấy bởi thần dữ” (LT 333). Có những an
ủi thật nhưng cũng có những an ủi không thật. Do đó, cần phải hiểu hành trình
của an ủi: nó đến thế nào và dẫn chúng ta đi đâu? Nếu nó dẫn chúng ta đến điều
tệ hơn, đến điều không tốt lành, thì an ủi đó không thật, có thể nói rằng nó là
giả dối.
Tiêu
chí: khởi đầu, ở giữa, và kết thúc
Những
chỉ dẫn trên đây thật quý giá, cần dừng lại đôi chút với những nhận xét ngắn
gọn. “Từ đầu hướng về điều lành”, như thánh Inhaxiô nói về sự an ủi
thật, có nghĩa là gì? Chẳng hạn, tôi có ý nghĩ cầu nguyện, và tôi nhận thấy
rằng ý nghĩ ấy đi kèm với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, nó mời gọi thực hiện
những cử chỉ quảng đại, bác ái: đó là một khởi đầu tốt. Ngược
lại, có thể ý nghĩ cầu nguyện đó nảy sinh từ việc trốn tránh một công việc hoặc
một nhiệm vụ đã được giao phó cho tôi: mỗi khi tôi phải rửa chén bát hoặc lau
nhà, tôi lại rất muốn đi cầu nguyện! Điều này có thể xảy ra trong các tu viện
chăng? Cầu nguyện không phải là một sự trốn tránh bổn phận của chính mình, trái
lại, nó là một sự trợ giúp để đạt được điều tốt lành mà chúng ta được mời gọi
thực hiện, ở đây và bây giờ. Đây là điều nói về khởi đầu.
Kế đến
là ở giữa: Thánh Inhaxiô nói là “khởi đầu, ở giữa và kết thúc phải
đều tốt.” Sau khởi đầu, ở giữa là điều đến sau đó, điều gì đến
sau tư tưởng đó. Vẫn với ví dụ trước, nếu tôi bắt đầu cầu nguyện và, giống như
người Pha-ri-sêu đã làm trong dụ ngôn (x. Lc 18:9-14), tôi có khuynh hướng tự
mãn và khinh thường người khác, thậm chí với một trái tim bực bội và chua chát,
thì đây là những dấu hiệu cho thấy thần dữ đã sử dụng suy nghĩ đó như một chìa
khóa để thâm nhập vào trái tim tôi và truyền cảm xúc của nó vào tôi. Nếu tôi đi
cầu nguyện và tâm trí tôi lại nghĩ như người Pha-ri-sêu nổi tiếng kia: “Con cảm
ơn Chúa, bởi vì con cầu nguyện, con không giống như người khác, họ không tìm
kiếm Chúa, không cầu nguyện…”, thì việc cầu nguyện này kết thúc tệ hại. Sự an
ủi về việc cầu nguyện này chỉ là làm màu trước Chúa. Và “ở giữa” chỗ này không
ổn.
Và sau
đó là kết thúc, trong cả tiến trình “khởi đầu, ở giữa, kết thúc.”
Kết thúc là một khía cạnh mà chúng ta đã bắt gặp, đó là: suy nghĩ này đưa tôi
đến đâu? Ví dụ, ở đây có thể xảy ra trường hợp tôi làm việc chăm chỉ vì một
công việc tốt đẹp và xứng đáng, nhưng điều này khiến tôi ngừng cầu nguyện vì
bận bịu nhiều việc, hoặc tôi thấy mình ngày càng hung hăng và xấu xa, tôi tin
rằng mọi thứ đều phụ thuộc vào tôi, cho đến khi tôi mất niềm tin vào Chúa. Đây
là dấu hiệu có hành động của thần dữ. Tôi bước vào cầu nguyện, và trong cầu
nguyện tôi thấy mình toàn năng, mọi sự phải được đặt dưới bàn tay của tôi, bởi
vì tôi là người duy nhất có thể làm cho công việc chạy được. Rõ ràng là không
có thần lành ở đây. Nghĩa là, xem xét kỹ lưỡng nguyên cả tiến trình cảm nhận
của chúng ta, tiến trình an ủi khi tôi muốn làm một điều gì đó. Xem xét khởi
đầu, ở giữa và kết thúc thế nào?
Nhận ra
dấu vết của thần dữ
Chúng
ta biết cách thế của kẻ thù, - khi nói về kẻ thù nghĩa là nói về ma quỷ, và
phải biết là ma quỷ tồn tại. Cách thế của nó là xuất hiện một cách tinh vi, trá
hình: nó bắt đầu từ những gì chúng ta yêu quý nhất rồi lôi kéo chúng ta về phía
nó, từ từ từng chút một: ma quỷ xâm nhập cách bí mật, không để lại dấu vết. Và
theo thời gian, sự dịu dàng trở thành sự cứng cỏi: ý nghĩ đó tiết lộ cho thấy
bộ mặt thực sự của nó.
Từ đây
có thể thấy tầm quan trọng của việc kiểm chứng sự kiên nhẫn nhưng không thể
thiếu này về nguồn gốc và sự thật của những tư tưởng của mình. Đây là một lời
mời gọi học từ những kinh nghiệm, từ những gì xảy ra với chúng ta, để không lặp
lại những sai lầm cũ. Càng hiểu rõ về bản thân, chúng ta càng nhận thức được
thần dữ xâm nhập từ đâu, “mật khẩu” của nó là gì, cửa vào trái tim chúng ta, là
những điểm yếu dễ thâm nhập chúng ta nhất, để sau này chú ý đến chúng. Mỗi người
chúng ta có những điểm yếu hơn trong tính cách của chúng ta. Tại đó, thần dữ sẽ
đi vào và dẫn chúng ta đi vào con đường không chính trực, hay làm chúng ta lạc
xa con đường chính trực. Ta đi cầu nguyện nhưng nó lại dẫn ta ra khỏi việc cầu
nguyện.
Làm phút
hồi tâm mỗi ngày
Các ví
dụ ở trên có thể được nhân lên nếu muốn, phản ánh ngày sống của chúng ta. Đây
là lý do tại sao chúng ta phải xét mình hằng ngày, một việc rất quan trọng:
Trước khi kết thúc một ngày, hãy dừng lại một chút. Không phải dừng lại để đọc
báo nhưng là nhìn xem điều gì xảy ra trong trái tim tôi. Trái tim tôi có chú
tâm không? Có lớn lên không? Có con đường nào tôi trải qua mà tôi không ý thức
không? Hãy xem điều gì xảy ra trong trái tim. Việc xét mình này rất quan trọng,
đó là sự cố gắng quý giá để đọc lại kinh nghiệm từ một điểm nhìn cụ thể. Nhận
ra điều gì đang xảy ra là rất quan trọng, đó là dấu hiệu cho thấy ơn Chúa đang
hoạt động trong chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong tự do và ý thức. Chúng ta
không đơn độc nhưng có Chúa Thánh Thần ở với chúng ta.
Sự an
ủi đích thực là một loại xác nhận rằng chúng ta đang làm điều Thiên Chúa muốn
nơi chúng ta, rằng chúng ta đang đi trên con đường của Người, tức là trên con
đường của sự sống, của niềm vui, của bình an. Thật vậy, sự phân định không chỉ
tập trung vào điều tốt hay điều tốt nhất có thể, mà còn vào điều tốt
cho tôi ở đây và lúc này: Tôi được mời gọi lớn lên về điều này, trong khi
đặt giới hạn cho những đề xuất khác, dù hấp dẫn nhưng không thực tế, để không
để bị lừa dối trong việc tìm kiếm điều tốt thực sự.
Cuối
cùng, Đức Thánh Cha lặp lại chỉ dẫn về xét mình hằng ngày, hay còn gọi là phút
hồi tâm, để xem trái tim tôi hôm nay thế nào: “tôi tức giận…, tôi không làm
điều này điều kia…” Nhưng quan trọng là tìm ra gốc rễ của những điều sai này.
Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu học cách đọc cuốn sách con tim mình để
xem điều gì xảy ra trong ngày. Ngài nói rằng “hãy làm phút hồi tâm, chỉ cần hai
phút thôi, tôi bảo đảm rằng nó sẽ làm cho chúng ta tốt hơn.”