Đức
Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI Qua Đời
G. Trần Đức
Anh, O.P. | RVA 31/12/2022
“Tôi
đau buồn thông báo rằng Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã qua đời lúc 9 giờ
34 phút, sáng nay, ngày 31 tháng Mười Hai năm 2022, tại Đan viện Mẹ Giáo hội
tại Vatican”.
Trên
đây là tuyên bố của ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh. Ông cho
biết thêm rằng: “Các thông tin chi tiết sẽ được thông báo cụ thể sau. Sáng thứ
Hai, mùng 02 tháng Giêng năm 2023, thi hài Đức nguyên Giáo hoàng sẽ được quàn
tại Đền thờ thánh Phêrô để các tin hữu có thể viếng”.
Trong
cuộc gặp gỡ giới báo chí lúc giữa trưa, ông Bruni cho biết thêm rằng lễ an táng
Đức nguyên Giáo hoàng sẽ được cử hành sáng thứ Năm, ngày 05 tháng Giêng năm
2023 tới đây, lúc 9 giờ 30, tại Quảng trường thánh Phêrô và do Đức Thánh cha
Phanxicô cử hành. Ông cũng nói rằng Đức Biển Đức đã để lại những chỉ dẫn rõ
ràng về hậu sự của ngài, đặc biệt là lễ an táng đơn sơ. Người ta cũng được biết
Đức nguyên Giáo hoàng đã chịu phép Xức dầu hôm thứ Tư, 28 tháng Mười Hai trước
đó.
Tin Đức
Biển Đức XVI qua đời gây ngỡ ngàng cho mọi người, vì trong thông cáo công bố
lúc 3 giờ chiều, ngày 30 tháng Mười Hai, ông Matteo Bruni cho biết: “Đêm thứ
Năm 29 tháng Mười Hai, Đức nguyên Giáo hoàng đã ngủ ngon. Người cũng tham dự
thánh lễ trong phòng. Tình trạng của người vẫn như trước đó”.
Đức
Biển Đức XVI thọ gần 96 tuổi, được bầu làm Giáo hoàng ngày 19 tháng Tư năm
2005, khi được 78 tuổi, kế nhiệm thánh Gioan Phaolô II, và từ nhiệm ngày 11
tháng Hai năm 2013, sau 7 năm 315 ngày cai quản Giáo hội.
Vài nét tiểu sử
Đức
Biển Đức XVI tục danh tên là Joseph Ratzinger, sinh ngày 16 tháng Tư năm 1927,
tại làng Martktl am Inn, miền Bavaria, nam Đức, gần biên giới Áo và thuộc giáo
phận Passau. Thân phụ ngài là một hiến binh. Ngài có một người anh linh mục là
Đức ông Georg Ratzinger, qua đời cách đây 2 năm, thọ 96 tuổi, nguyên là Giám
đốc ca đoàn nhà thờ chính tòa giáo phận Regensburg, và có một người chị tên là
Maria, qua đời năm 1991.
Thầy
Joseph Ratzinger được chịu chức linh mục năm 1951 cùng với anh ruột, và năm
1957 đậu Tiến sĩ Thần học tại Đại học Munich. Tiếp đến, cha lần lượt dạy thần
học tín lý và thần học cơ bản tại đại học Freising (1958-1959), Đại học Bonn
(1959-69), Muenster (1963-66), và tại Tuebingen (1966 đến 1969). Năm 1969, cha
Ratzinger được bổ nhiệm làm giáo sư tín lý và lịch sử tín lý tại Đại học
Regensburg, và cũng làm Phó Viện trưởng tại đây cho đến năm 1977.
Trong
thời Công đồng chung Vatican II, cha Ratzinger làm cố vấn thần học cho Đức Hồng
y Joseph Frings, Tổng giám mục Giáo phận Koeln, tham dự Công đồng. Cha cũng giữ
một vai trò có ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận giữa các tham dự viên người
Đức tại Công đồng và có tiếng là một “thần học gia cấp tiến”.
Sau
Công đồng, cha Ratzinger xuất bản nhiều tác phẩm, trong đó có cuốn “Dẫn vào
Kitô giáo”, “Tín lý và mạc khải”, “Thế mạt luật”. Năm 1969, cha được bổ nhiệm
làm thành viên Ủy ban Thần học quốc tế.
Năm
1977, Đức Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm cha Joseph Ratzinger làm Tổng giám mục
Munich, giáo phận lớn thứ ba tại Đức. Một năm sau, 1978, ngài được thăng Hồng
y.
Năm
1982, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời Đức Hồng y Ratzinger về Roma làm Tổng
trưởng Bộ Giáo lý đức tin, chức vụ ngài đảm trách cho đến khi được bầu làm Giáo
hoàng. Cơ quan này có nhiệm vụ bảo vệ và thăng tiến giáo lý tinh tuyền của Giáo
hội. Đây cũng là Bộ quan trọng nhất tại Tòa Thánh sau Phủ Quốc Vụ khanh. Với
nhiệm vụ này, ba lần mỗi tháng, vào những buổi chiều thứ Sáu, Đức Hồng y
Ratzinger gặp Đức Thánh cha Gioan Phaolô II để tường trình và trao đổi về những
vấn đề lớn của Giáo hội về phương diện đạo lý.
Đức
Hồng y Ratzinger nhiều lần lên tiếng vạch rõ những hướng đi sai trái của các
nhà thần học đối lập, thần học giải phóng mác xít, những lạm dụng trong sứ vụ
của giáo dân, đồng tính luyến ái, những trào lưu cổ võ truyền chức linh mục cho
nữ giới, trào lưu nữ quyền cực đoan, kể cả nơi một số nữ tu, nạn phá thai, nam
nữ sống chung trước khi kết hôn, những lạm dụng trong việc cải tổ phụng vụ và
cả nhạc Rock dùng trong nhà thờ nữa.
Trong
nhiệm vụ bảo vệ đạo lý tinh tuyền của Giáo hội, và nhiều khi phải dùng biện
pháp kỷ luật đối với các nhà thần học cố tình duy trì đạo lý sai trái, Đức Hồng
y Ratzinger thường bị dư luận coi là “đại pháp tòa điều tra”. Nhưng hơn một lần
trong các cuộc phỏng vấn, ngài bác bỏ nhãn hiệu như thế.
Đức
Hồng y Ratzinger cũng thường phê bình bệnh bàn giấy lan tràn trong Giáo hội và
sự sản xuất ồ ạt các văn kiện, phúc trình, các cuộc hội họp quá nhiều. Một lần,
khi được hỏi: “Phải chăng Tòa Thánh sẽ hoạt động tốt đẹp hơn nếu đặt trụ sở tại
Đức?”, Đức Hồng y Ratzinger nói: “Như thế sẽ thật là một thảm họa, vì Giáo hội
sẽ trở thành một cơ cấu có tổ chức thái quá. Các thánh là những người có tinh
thần sáng tạo, chứ không phải là những công chức bàn giấy!”.
Tháng
Mười Một năm 2002, Đức Hồng y Ratzinger được bầu làm Niên trưởng Hồng y đoàn,
sau khi Đức Hồng y Bernardin Gantin từ chức và trở về quê hương Benin của ngài
bên Phi Châu.
Đức
Hồng y Joseph Ratzinger đã đắc cử trong mật nghị “chớp nhoáng”, chỉ 24 tiếng
đồng hồ sau khi khai mạc, và trong lần bỏ phiếu thứ Tư, chiều ngày 19 tháng Tư
năm 2005.
Nghỉ hưu
Trong
gần 10 năm từ sau khi từ nhiệm, Đức nguyên Giáo hoàng cư ngụ tại Đan viện Mẹ
Giáo hội ở Nội thành Vatican. Gọi là đan viện vì ngôi nhà này, trong những năm
trước đó, được Đức Gioan Phaolô II chọn làm nơi các nữ tu chiêm niệm, từ các
dòng khác nhau, lần lượt đến đây sống và cầu nguyện cho Giáo hội, cho sứ vụ của
Đức Giáo hoàng.
Sau khi
từ nhiệm, Đức Biển Đức XVI đã chọn Đan viện này làm nơi cư ngụ, và Đan viện
được biến cải để thích hợp hơn với tình trạng sức khỏe của ngài.
Trợ giúp ngài trong đời sống
thường nhật, có vị bí thư riêng là Đức Tổng giám mục Georg Gänswein, và có bốn
chị giáo dân thánh hiến “Memores Domini” (tưởng nhớ Chúa) thuộc Phong trào Hiệp
thông và giải phóng. Ngoài ra, có một thầy y tá thuộc sở y tế của Vatican
thường vẫn đến Đan viện Mẹ Giáo hội nơi Đức Biển Đức cư ngụ để săn sóc ngài.
Săn sóc ngài về y tế, có giáo sư bác sĩ Patrizio Polisca, 69 tuổi, người đã từ
lâu săn sóc sức khỏe của ngài khi còn làm Giáo hoàng.