Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Đức Biển Đức XVI Là Một Tôn Sư Về Huấn Giáo

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 04/01/2023

Sáng thứ Tư, mùng 04 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã mở cuộc tiếp kiến chung đầu tiên trong năm mới 2023, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Đức Thánh cha tiếp kiến chung khoảng 6.000 tín hữu hành hương ngồi kín hội trường.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người lắng nghe vài câu từ Thánh vịnh thứ 119 (105.129-130.165): “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước. Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay, nên hồn con tuân giữ. Giải thích lời Ngài đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường. Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào”.

Bài giáo lý

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha nhắc đến Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, trước khi bắt đầu bài thứ 14 và cũng là bài cuối cùng trong loạt bài về sự phân định.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trước khi bắt đầu bài giáo lý này, tôi muốn chúng ta hiệp ý với những người ở gần đây, đang kính viếng Đức Biển Đức XVI và tôi nghĩ đến người, là một tôn sư về huấn giáo. Tư tưởng sâu sắc và lịch sử của người không phải là tự tham chiếu, nhưng là thuộc về Giáo hội, vì người luôn muốn đồng hành với chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và sống lại, Đấng Hằng Sống và là Chúa, là mục đích mà Đức Giáo hoàng Biển Đức đã dẫn chúng ta tới, cầm tay chúng ta. Xin người giúp chúng ta tái khám phá trong Chúa Kitô niềm vui tin tưởng và niềm hy vọng được sống.

Đồng hành tâm linh

Rồi Đức Thánh cha nói tiếp: Với bài giáo lý này, chúng ta kết thúc loạt bài về đề tài phân định, và chúng ta kết thúc phần nói về những trợ lực có thể và phải hỗ trợ sự phân định. Một trong những hỗ trợ ấy là sự đồng hành tâm linh, vốn là điều quan trọng trước tiên để biết mình, như chúng ta đã thấy như một điều kiện không thể thiếu để phân định.

Giá trị của giòn mỏng, yếu đuối

Ơn Chúa trong chúng ta luôn làm việc trên bản tính của chúng ta. Nghĩ đến một dụ ngôn trong Tin mừng, chúng ta có thể ví ơn thánh như hạt giống tốt và thiên nhiên như thửa đất (Xc Mc 4.3-9). Điều quan trọng trước tiên là biết mình, không sợ chia sẻ những khía cạnh giòn mỏng nhất, qua đó chúng ta khám phá thấy mình nhạy cảm nhất, yếu đuối hoặc sợ bị phán xét, phê bình. Trong thực tế, sự mong manh yếu đuối là sự phong phú đích thực của chúng ta và chúng ta phải học cách tôn trọng và đón nhận chúng, vì khi những yếu đuối được dâng lên Thiên Chúa, nó làm cho chúng ta có khả năng dịu dàng, thương xót, yêu mến. Nó làm cho chúng ta nhân từ hơn. Không phải tình cờ mà cám dỗ đầu tiên trong ba cám dỗ Chúa Giêsu gặp phải trong hoang địa - cám dỗ về cơn đói - nó tìm cách cướp mất sự giòn mỏng của chúng ta, trình bày nó như một sự ác phải loại bỏ, một cản trở để trở nên như Thiên Chúa. Nhưng trái lại, yếu đuối là một kho tàng quí giá nhất của chúng ta: thực vậy, Thiên Chúa, để làm cho chúng ta trở nên giống Ngài, đã muốn chia sẻ đến cùng sự mong manh yếu đuối của chúng ta.

Đồng hành giúp vượt thắng hiểu lầm

Việc đồng hành tâm linh, nếu ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, giúp vạch rõ những hiểu lầm mơ hồ nặng nề trong việc cứu xét bản thân và trong tương quan với Chúa. Tin mừng trình bày những ví dụ khác nhau các cuộc đối thoại làm sáng tỏ và giải thoát do Chúa Giêsu thực hiện. Ví dụ, chúng ta nghĩ đến người phụ nữ xứ Samaria, ông Giakêu, người phụ nữ tội lỗi, ông Nicôđêmô, các môn đệ Emmaus. Những người ấy đã có một cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu. Họ không sợ cởi mở tâm hồn, trình bày những yếu đuối và bất xứng của mình. Qua cách thức đó, sự chia sẻ bản thân của họ trở thành kinh nghiệm cứu độ, tha thứ được đón nhận nhưng không.

Tỏ lộ thực trạng của mình

Kể lại trước một người khác điều chúng ta đã sống hoặc đang tìm kiếm giúp đỡ trước tiên làm sáng tỏ nơi chính mình, mang ra ánh sáng bao nhiêu tư tưởng, và thường chúng làm cho chúng ta lo âu với những điệp khúc như: “Tôi đã sai lầm mọi sự, tôi chẳng có giá trị gì, không ai hiểu tôi, tôi sẽ không bao giờ thành công, tôi thế nào cũng bị thất bại”, v.v. Đó là những tư tưởng sai lầm và độc hại, mà sự đối chiếu với những người khác, giúp vạch trần chúng, và nhờ đó chúng ta cảm thấy được Chúa yêu thương và quý chuộng như thực trạng của chúng ta, có khả năng làm những điều tốt cho Chúa. Chúng ta ngạc nhiên khám phá thấy những cách thức khác nhau nhìn sự việc, những dấu hiệu tốt đẹp vẫn luôn hiện diện trong chúng ta.

Vai trò người đồng hành

Người đồng hành không thay thế Chúa, không làm công việc thay thế người được đồng hành, nhưng đi cạnh, khích lệ người ấy đọc điều xảy ra trong tâm hồn họ, là nơi tuyệt hảo, tại đó Chúa nói. Sự đồng hành có thể mang lại thành quả nếu, đàng này hay đàng khác, diễn ra kinh nghiệm về tình con thảo và tình huynh đệ thiêng liêng. Chúng ta khám phá mình là Con Thiên Chúa trong lúc chúng ta thấy mình là anh chị em với nhau, con cùng một Cha. Vì thế điều tối quan trọng là được tháp nhập vào trong một cộng đoàn đang tiến bước. Chúng ta không đến với Chúa một mình. Như trong trình thuật Tin mừng về người bất toại, thường chúng ta được nâng đỡ và chữa trị nhờ đức tin của một người khác (Xc Mc 2,1-5); nhiều lần khác, chúng ta đón nhận công tác đó để giúp đỡ một anh chị em. Nếu không có kinh nghiệm về tình con thảo và huynh đệ thì sự đồng hành có thể theo đuổi những mong đợi không thực, mơ hồ, một hình thức lệ thuộc làm cho con người ở trong tình trạng ấu trĩ.

Gương của Mẹ Maria

Đức Trinh Nữ Maria là thầy về sự phân định: Người nói ít, lắng nghe nhiều và cẩn giữ trong tâm hồn (Xc Lc 2,19). Vài lần Mẹ nói đều để lại dấu hiệu. Trong Tin mừng theo thánh Gioan, có một câu rất ngắn của Mẹ Maria cũng là một mệnh lệnh cho các tín hữu Kitô thuộc mọi thời đại: “Các anh hãy làm điều mà Người nói với các anh” (Xc 2,5). Làm điều Chúa Giêsu nói với chúng ta. Mẹ Maria biết rằng Chúa nói với tâm hồn của mỗi người và yêu cầu diễn tả lời nói ấy bằng hành động và những chọn lựa. Mẹ đã biết làm điều đó hơn mọi người khác, và thực vậy Mẹ hiện diện trong những lúc cơ bản của đời sống Chúa Giêsu, đặc biệt trong giờ tột cùng khi Chúa sinh thì trên thánh giá.

Và Đức Thánh cha kết luận: Anh chị em thân mến, sự phân định là một nghệ thuật, một nghệ thuật ta có thể học và có những quy luật riêng. Nếu được học đúng, nó giúp sống kinh nghiệm thiêng liêng ngày càng đẹp đẽ và có trật tự. Nhất là sự phân định là một hồng ân của Chúa, cần luôn cầu xin, không bao giờ tự phụ mình là chuyên gia và tự mãn.

Tiếng Chúa ta luôn có thể nhận ra, có một lối duy nhất, một tiếng nói an bình, khích lệ và trấn an trong những khó khăn. Tin mừng luôn nhắc nhở điều đó: “Đừng sợ”, sứ thần nói với Mẹ Maria (Lc 1,30); “đừng sợ”, Chúa Giêsu nói với Phêrô (Lc 5,10); “Các bà đừng sợ!” thiên thần nói với các phụ nữ sáng ngày Phục Sinh (Mt 28,5); “Đừng sợ!”, Chúa cũng lập lại cho chúng ta điều đó: nếu chúng ta tín thác nơi Lời Chúa, chúng ta sống cuộc sống tốt đẹp và giúp đỡ những người khác. Như Thánh vịnh nói, Lời Chúa là đèn soi bước chúng ta và là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta”. (Xc Tv 119,105)

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Đức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương.

Khi chào bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha nhắc đến các nhóm tín hữu hành hương từ Israel và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc họ năm mới đầy an vui.

Với các tín hữu nói tiếng Ý, ngài chào thăm các tham dự viên Hội nghị của Hiệp hội các nhà giáo Công giáo, và khích lệ họ dấn thân huấn luyện các học sinh trong sự dịu dàng. Các em cần nhìn thấy nơi các thầy cô những chứng nhân về sự thật, niềm hy vọng và sự dịu hiền.

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc đến những người trẻ, người cao niên và các đôi tân hôn. Ngài nói: “ngày kia, mùng 06 tháng Giêng, chúng ta mừng lễ trọng Chúa Hiển Linh; như các Đạo sĩ, với tâm hồn cởi mở, anh chị em hãy tìm kiếm Chúa Kitô là ánh sáng và là Đấng Cứu Độ nhân loại. Tôi nhắm nhủ mọi người hãy kiên trì trong sự gần gũi và liên đới với nhân dân Ucraina đau thương, đang chịu bao đau khổ, cầu xin ơn hòa bình cho họ.”

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2023