Đức Thánh Cha Dâng Lễ Chúa Chịu Phép Rửa Và Rửa Tội Cho 13 Em Bé

Sáng Chúa Nhật 8/1, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh Lễ tại Nhà nguyện Sistine và rửa tội cho 13 em bé, là con của các nhân viên làm việc tại Toà Thánh.

https://www.youtube.com/watch?v=VSvKeM5JAtE (16phut vie)

Văn Yên, SJ – Vatican News 08 tháng một 2023

Tại Việt Nam, Lễ Hiển Linh được dời vào Chúa Nhật và lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa được dời vào thứ Hai, trong khi tại Roma, Lễ Hiển Linh được cử hành chính ngày thứ Sáu và hôm nay Chúa Nhật 8/1 là Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Nhà nguyện Sistine nổi tiếng với các bức vẽ của Michelangelo về Công trình Tạo Dựng trên trần nhà nguyện và bức Ngày phán xét cuối cùng phía sau cung thánh.

Nhà nguyện Sistine là nơi diễn ra các mật nghị hồng y bầu giáo hoàng. Đây được coi là nơi linh thiêng và vượt thời gian, nơi Chúa Thánh Thần soi sáng cho các hồng y để bầu chọn người kế vị thánh Phêrô.

Truyền thống rửa tội cho trẻ sơ sinh trong Nhà nguyện Sistine có từ thời thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bắt đầu vào năm 1981. Trong 40 năm qua, hàng trăm trẻ em, là con của các nhân viên Vatican đã được các Đức Giáo Hoàng rửa tội tại nơi linh thiêng và đẹp nhất của nội thành Vatican.

Lúc đầu, chỉ có các trẻ sơ sinh là con của các Vệ binh Thuỵ Sĩ được rửa tội nơi đây, nhưng sau mở rộng ra cho cả các em là con của nhân viên của Vatican.

Đức Thánh Cha đã có một bài giảng ứng khẩu

Các bậc cha mẹ thân mến, cảm ơn anh chị em đã đưa con cái đến đây, để cho con cái gia nhập Giáo hội. Và hôm nay là một ngày tốt lành. Vì chúng ta quên mất ngày rửa tội của mình là khi nào… Nó giống như một ngày sinh nhật, bởi vì Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta được tái sinh trong đời sống Kitô hữu. Đây là lý do tại sao tôi khuyên anh chị em nên dạy cho con cái mình về ngày Rửa tội, giống như ngày sinh nhật mới: để hàng năm chúng nhớ và cảm tạ Chúa vì hồng ân được trở thành Kitô hữu. Và đây là một nhiệm vụ mà tôi khuyên anh chị em nên làm.

Sau đó, hãy suy nghĩ một chút rằng những đứa con mà anh chị em mang đến hôm nay bắt đầu một con đường, nhưng chính anh chị em và cha mẹ đỡ đầu có giúp chúng tiếp tục con đường đó hay không. Chúng ta được dạy cầu nguyện khi còn nhỏ. Khi còn nhỏ, chúng học cách cầu nguyện, ít nhất là cầu nguyện thế này bằng tay, bằng cử chỉ... Khi còn nhỏ, chúng học cách cầu nguyện, bởi vì lời cầu nguyện sẽ mang lại cho chúng sức mạnh trong suốt cuộc đời: để cảm ơn Chúa, và trong thời điểm tồi tệ, để tìm thấy sức mạnh. Đó là điều đầu tiên anh chị em phải làm: cầu nguyện. Và cũng hãy cầu nguyện với Đức Mẹ là Mẹ: Mẹ là Mẹ của chúng ta. Người ta nói rằng khi ai đó giận Chúa, hay xa cách, Đức Mẹ luôn ở bên cạnh để dọn đường cho người ấy đến với Chúa. Có câu nói thế này: Chúa luôn ở gần chúng ta, nhưng Đức Mẹ là người mẹ, và mẹ luôn gần hơn cha. Luôn luôn là như vậy. Tại sao: bởi vì nó là như vậy. Các bà mẹ là như vậy, và điều đó thật tuyệt.

Hãy giúp cho các bé học làm Kitô hữu. Bây giờ thì tất cả chúng đều im lặng, rất tốt… nhưng có thể một bé nào đó khởi động khóc… Khi các bé tạo thành bản giao hưởng, thì có thể tất cả bồng ra phía sau. Cứ để cho chúng khóc. Có thể chúng khóc vì đói: hãy cho chúng bú. Với tất cả sự tự do. Điều quan trọng hôm nay là một ngày lễ, ngày lễ bắt đầu một cuộc hành trình Kitô hữu tốt đẹp, trong đó anh chị em sẽ giúp cho con cái mình tiến bước. Có thể có bé bị quá chật chội và nóng bức: hãy để cho các bé cảm thấy thoải mái, để chúng đều cảm thấy thoải mái. Và chúng ta mừng sự khởi đầu của cuộc hành trình với chúng. Và đến phiên anh chị em giúp cho chúng bước tới, bởi vì tôi kết thúc ở đây nhưng anh chị em thì cả đời! Và cảm ơn anh chị em vì quyết định này để đưa chúng đến với phép rửa.

Trưa Chúa Nhật, ngày 8/1, sau khi chủ sự Lễ Chúa Giêsu Chịu phép rửa tại Nhà nguyện Sistine, Đức Thánh Cha đã đến cửa sổ Điện Tông Toà đề cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu. Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh tập trung vào ý nghĩa của việc Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước để chia sẻ thân phận mong manh của con người.

https://www.youtube.com/watch?v=9zqEBJBG65g (7phut vie)

Vatican News

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa chịu phép rửa và Tin Mừng trình bày cho chúng ta một khung cảnh đáng kinh ngạc: đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng sau cuộc đời ẩn dật ở Nazareth; đến bờ sông Giođan để được Gioan làm phép rửa (Mt 3,13-17). Đó là một nghi lễ mà mọi người ăn năn sám hối và dấn thân vào việc hoán cải; một bài thánh ca phụng vụ nói rằng những người đi chịu phép rửa với “linh hồn trần và đôi chân trần”, nghĩa là với sự khiêm nhường và tấm lòng trong sáng. Nhưng, khi thấy Chúa Giêsu đứng giữa những người tội lỗi, người ta kinh ngạc và tự hỏi: tại sao Người, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa vô tội, lại chọn làm như thế? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong những lời mà Chúa Giêsu nói với Gioan: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. (c. 15). Giữ trọn đức công chính: Điều đó có nghĩa là gì?

Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta sự công chính, công lý của Thiên Chúa, mà Người đã đến để mang lại cho thế giới. Chúng ta thường có một ý niệm hẹp về công lý và nghĩ rằng công lý có nghĩa là: ai làm sai thì phải trả và như vậy là thỏa đáng cho cái sai mình đã làm. Nhưng công lý của Chúa, như Kinh Thánh dạy, lớn hơn nhiều: mục đích của nó không phải là kết án kẻ có tội, mà là cứu rỗi và tái sinh người ấy, làm cho họ trở nên công chính. Đó là một công lý xuất phát từ tình yêu, từ tận đáy sâu của lòng trắc ẩn và thương xót vốn là trái tim của chính Thiên Chúa, là Cha, Đấng cảm thương khi chúng ta bị sự dữ đè bẹp và làm chúng ta ngã quỵ dưới sức nặng của tội lỗi và những yếu đuối. Do đó, công lý của Thiên Chúa không muốn đưa ra những hình phạt và trừng phạt, nhưng, như thánh Tông đồ Phaolô khẳng định, hệ ở chỗ làm cho chúng ta, con cái của Người, trở nên công chính (x. Rm 3,22-31), giải thoát chúng ta khỏi cạm bẫy của sự dữ, chữa lành chúng ta, và lại nâng chúng ta dậy. Thêm nữa, chúng ta cũng hiểu rằng, bên bờ sông Giođan, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta ý nghĩa sứ mạng của Người: Người đến để thực thi công lý của Thiên Chúa, tức là để cứu những người tội lỗi; Người đến để gánh trên vai mình tội lỗi của thế gian và Người bước xuống dòng nước sâu của sự chết, để cứu chúng ta và không để chúng ta chết đuối. Người cho chúng ta thấy công lý đích thực của Thiên Chúa là lòng thương xót cứu độ. Chúng ta sợ nghĩ đến Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, nhưng Thiên Chúa thực sự là Đấng thương xót, bởi vì công lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót cứu độ, là tình yêu chia sẻ thân phận con người, đến gần, cảm thông nỗi đau của chúng ta, đi vào bóng tối của chúng ta để mang chúng ta lại với ánh sáng.

Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI khẳng định “Thiên Chúa đã muốn cứu độ chúng ta bằng cách tự mình xuống tận đáy vực thẳm của sự chết, để mọi người, kể cả những người đã sa ngã đến mức không còn thấy nước trời, tìm được bàn tay của Chúa để bấu víu và trỗi dậy từ bóng tối để nhìn thấy lại ánh sáng mà vì đó họ được tạo dựng” (Bài giảng, ngày 13 tháng 1 năm 2008).

Anh chị em thân mến, cả chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, cũng được mời gọi thực thi công lý theo cách này, trong các mối tương quan với người khác, trong Giáo hội, trong xã hội: không phải với sự hà khắc của những người phán xét và lên án bằng cách phân chia người ta thành người tốt và kẻ xấu, nhưng với lòng thương xót của những người đón nhận, khi chia sẻ những vết thương và sự mong manh của anh chị em mình, để nâng họ dậy. Tôi có thể nói như thế này: không phải phân chia nhưng là chia sẻ. Không chia rẽ, mà hãy chia sẻ. Hãy làm như Chúa Giêsu: hãy chia sẻ, hãy mang gánh nặng cho nhau, hãy nhìn nhau với lòng trắc ẩn, hãy giúp đỡ nhau. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi là người gây chia rẽ hay người chia sẻ?

Và giờ đây chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, đã sinh ra Chúa Giêsu, Đấng dìm mình trong sự mỏng dòn của chúng ta để chúng ta có lại được sự sống.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến việc ngài vừa rửa tội tại nhà nguyện Sistine cho một số em bé là con của các nhân viên của Toà Thánh. Và hôm nay là Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Đức Thánh Cha cũng gởi lời chào đến tất cả các em bé hôm nay được chịu phép rửa. Ngài cũng mời gọi mọi người nhớ đến và mừng ngày rửa tội của mình.

----

Đức Thánh Cha cũng mời gọi mọi người cầu nguyện cho những anh chị em Ucraina. Giáng Sinh này họ sống trong chiến tranh, không ánh sáng, không sưởi ấm, họ chịu nhiều đau khổ. Đặc biệt, ngài nhắc đến các bà mẹ của những người lính nằm xuống, các bà mẹ mất con, cả các bà mẹ Ucraina lẫn các bà mẹ Nga. Đây là giá trả quá đắt của chiến tranh. Xin cầu nguyện cho các bà mẹ.

Cuối cùng Đức Thánh Cha xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2023