Chúa Thánh Thần Hoạt Động Trong Thế Giới, Trong Giáo Hội Và Trong Trái Tim

Lúc 10h sáng Chúa Nhật 28/5, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với khoảng 5.000 tín hữu tại Đền thờ thánh Phêrô. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần tại ba nơi: trong thế giới, trong Giáo hội và trong trái tim chúng ta.

https://www.youtube.com/watch?v=OPgTt92419g (84phut KTO)

Vatican News 28 tháng năm 2023

Bài giảng của Đức Thánh Cha cho Thánh Lễ Chúa Thánh Thần

Lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động. Chúng ta thấy Người hành động trong ba thời điểm: trong thế giới mà Người đã tạo dựngtrong Giáo hội và trong trái tim của chúng ta .

1. Trên hết, trong thế giới mà Người đã tạo dựng, trong công trình sáng tạo. Ngay từ đầu, Chúa Thánh Thần đã hoạt động: “Lạy Chúa, sinh khí của Ngài, xin gửi tới, và mọi loài được dựng nên”, chúng ta đã cầu nguyện như thế trong Thánh Vịnh (104,30). Thực tế, Người là creator Spiritus - Thần khí sáng tạo (cfr S. Agostino, In Ps., XXXII,2,2): đây là cách Giáo Hội đã kêu cầu Người trong nhiều thế kỷ. Nhưng, chúng ta có thể tự hỏi, Thần Khí làm gì trong việc tạo dựng thế giới? Nếu mọi sự đều bắt nguồn từ Chúa Cha, nếu mọi sự được tạo thành nhờ Chúa Con, thì vai trò cụ thể của Thần Khí là gì? Một Giáo Phụ vĩ đại của Giáo Hội, Thánh Basilio, đã viết: “Nếu bạn cố loại trừ Thần Khí ra khỏi công trình tạo dựng, thì mọi sự đều trộn lẫn và sự sống của chúng xuất hiện cách hỗn độn, vô trật tự” ( Spir ., XVI,38). Đây là vai trò của Thần Khí: chính là Đấng, ngay từ đầu và mọi lúc, đã làm cho các thực tại được tạo dựng chuyển từ hỗn độn sang trật tự, từ phân tán sang liên kết, từ rối ren sang hài hòa. Chúng ta luôn luôn thấy cách thức hoạt động này trong Giáo hội. Tóm lại, Người mang đến cho thế giới sự hài hòa; do đó Người “điều khiển dòng thời gian và canh tân bộ mặt trái đất” (Gaudium et spes , 26; Tv 104,30). Hãy canh tân trái đất, nhưng hãy cẩn thận: không phải bằng cách thay đổi thực tại, nhưng bằng cách làm cho nó được trở nên hài hòa; đây là phong cách của Thần Khí vì chính Người là sự hài hòa: Ipse harmonia est (cf. St. Basil , In Ps. 29,1), như một Giáo phụ đã nói.

Ngày nay trên thế giới có quá nhiều bất hòa, quá nhiều chia rẽ. Tất cả chúng ta đều được kết nối nhưng chúng ta lại thấy mình bị rạn nứt trong tương quan với nhau, bị mê hoặc bởi sự thờ ơ và bị áp bức bởi sự cô đơn. Quá nhiều chiến tranh, quá nhiều xung đột: dường như sự dữ mà con người có thể gây ra là không thể tưởng tượng được! Nhưng, trên thực tế, kẻ thúc đẩy sự thù địch của chúng ta là thần dữ, tinh thần chia rẽ, tức ma quỷ, tên của nó thực sự có nghĩa là "kẻ chia rẽ". Vâng, đi trước và vượt trên sự dữ cũng như sự đổ vỡ của chúng ta, có một ác thần “lừa dối cả trái đất” (Ap. 12.9). Hắn ưa thích đối kháng, bất công, vu khống, đó là niềm vui của hắn. Và, đối mặt với sự xấu xa của sự bất hòa, thì những nỗ lực của chúng ta để xây dựng sự hòa hợp là không đủ. Như thế, ở cao điểm của Lễ Vượt Qua, cao điểm của ơn cứu độ, Chúa Giêsu đã tuôn đổ Thần Khí tốt lành của Người trên thế giới thụ tạo để kháng cự thần dữ. Thần Khí tốt lành ấy là Chúa Thánh Thần, Đấng chống lại tinh thần chia rẽ vì Người là sự hài hòa, là Thần Khí hiệp nhất vốn đem lại bình an. Mỗi ngày chúng ta hãy kêu cầu Người xuống trên trên thế giới của chúng ta, trên cuộc sống chúng ta và trước mọi chia rẽ!

2. Ngoài việc tạo dựng, chúng ta còn thấy Chúa Thánh Thần làm việc trong Giáo Hội, bắt đầu từ ngày Lễ Ngũ Tuần. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng từ đầu Chúa Thánh Thần không khởi xướng Giáo hội bằng cách truyền đạt các chỉ dẫn rõ ràng và các quy tắc phổ quát cho cộng đoàn, nhưng Người hiện xuống trên từng Tông đồ: mỗi người nhận được những đặc ân và đặc sủng khác nhau. Tất cả sự đa dạng của những ân huệ khác nhau này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn, nhưng Chúa Thánh Thần, giống như trong cuộc sáng tạo, thích tạo ra sự hài hòa thực sự bắt đầu từ sự đa dạng. Sự hài hòa của Thần khí không phải là một mệnh lệnh được áp đặt và chấp thuận, không; trong Giáo hội có một trật tự "được tổ chức theo sự đa dạng của các ân tứ của Chúa Thánh Thần" (St. Basil , Spir., XVI,39). Thật vậy, vào Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới nhiều hình lưỡi lửa: Người ban cho mỗi người khả năng nói các ngôn ngữ khác (x. Cv 2,4) và nghe được ngôn ngữ của mình từ môi miệng của kẻ khác (x. Cv 2,6.11). Vì vậy, Chúa Thánh Thần không tạo ra một ngôn ngữ giống nhau cho mọi người, Người không xóa bỏ những khác biệt, không cào bằng những nền văn hóa đặc thù, nhưng Người làm hài hòa mọi thứ mà không đánh đồng, không rập khuôn. Đây là điều khiến chúng ta bây giờ phải suy nghĩ, đó là: sự cám dỗ của “chủ nghĩa đi lùi” thì tìm cách đồng nhất hóa mọi thứ chỉ theo các nguyên tắc bề ngoài mà không phải thực chất bên trong. Hãy tập trung vào khía cạnh này, rằng hoạt động của Thần khí không bắt đầu từ một dự án có cấu trúc, như chúng ta thường làm, điều thường khiến chúng ta mê lạc trong các chương trình hay hoạch định của mình; không, Chúa Thánh Thần khởi sự bằng cách ban tràn những ân huệ nhưng không và dồi dào, không thể dự đoán cũng chẳng thể phóng đại. Thật vậy, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, bản văn Kinh Thánh nhấn mạnh, "mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần" (Cv 2:4). Tất cả được lấp đầy, đây là cách cuộc sống của Giáo hội bắt đầu: không phải từ một kế hoạch rõ ràng và chính xác, nhưng từ việc cảm nghiệm cùng một tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa như vậy đó, Người mời gọi chúng ta nếm trải sự ngỡ ngàng bởi tình yêu Thiên Chúa cũng như bởi những ân huệ của Người hiện diện nơi những người khác. Như Thánh Phaolô đã nói với chúng ta: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí […] Vì tất cả chúng ta đã chịu phép rửa bởi một Thánh Thần để thành một thân thể ” (1 Cr 12,4.13). Nhìn mọi anh chị em trong đức tin như một phần của cùng một thân thể mà tôi thuộc về: đây là cái nhìn hài hòa của Thần Khí, đây là con đường mà Người chỉ cho chúng ta!

Và Thượng Hội đồng đang diễn ra là - và phải là - một cuộc hành trình theo Thần Khí: không phải là một nghị viện để đòi quyền và nhu cầu theo chương trình nghị sự của thế giới, không phải là cơ hội để thả mình trôi theo chiều gió cuốn đi, mà là cơ hội để trở nên mềm dẻo với hơi thở của Thần Khí. Bởi vì, trong biển cả của lịch sử, Giáo hội chỉ dong buồm với Chúa Thánh Thần, là “linh hồn của Giáo hội” (Thánh Phaolô VI , Diễn từ tại Hồng y đoàn nhân dịp mừng bổn mạng, 21 tháng 6 năm 1976 ), là trái tim của tính hiệp hành, là động cơ của sứ mạng truyền giáo. Không có Chúa Thánh Thần, Giáo Hội trơ trơ vô hồn, đức tin chỉ là học thuyết, luân lý chỉ là bổn phận, chăm sóc mục vụ chỉ là công việc. Thỉnh thoảng chúng ta nghe nói rằng những nhà tư tưởng, các thần học gia đưa ra cho chúng ta những giáo thuyết lạnh lùng, như thể toán học, bởi vì thiếu Thần Khí. Thay vào đó, với Chúa Thánh Thần, đức tin là sự sống, tình yêu của Chúa chinh phục được chúng ta, và niềm hy vọng của chúng ta được tái sinh. Chúng ta hãy đặt Chúa Thánh Thần trở lại trung tâm của Giáo hội, nếu không lòng chúng ta sẽ không bừng cháy lửa yêu mến Chúa Giêsu, thay vào đó lại yêu chuộng chính bản thân mình. Chúng ta hãy đặt Chúa Thánh Thần ở đầu và ở trung tâm của các công việc trong tiến trình Thượng Hội Đồng. Bởi vì “Ngày nay, Giáo hội cần Chúa Thánh Thần hơn hết! Vì vậy, chúng ta hãy thưa với Người mỗi ngày: Lạy Chúa, xin hãy đến!” (x. Id. , Buổi tiếp kiến chung , 29 tháng 11 năm 1972). Và chúng ta cùng nhau bước đi, bởi vì Chúa Thánh Thần, như trong Lễ Ngũ Tuần, thích ngự xuống khi “mọi người đang ở cùng nhau” (x. Cv 2:1). Phải, để tỏ mình ra cho thế giới, Người đã chọn thời điểm và địa điểm mà mọi người ở bên nhau . Do đó, Dân Chúa, để được tràn đầy Thần Khí, phải cùng nhau bước đi, làm nên một Giáo hội Hiệp hành. Sự hòa hợp trong Giáo Hội được canh tân như thế này: cùng nhau bước đi với Chúa Thánh Thần ở trung tâm. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xây dựng sự hài hòa trong Giáo hội!

3. Cuối cùng, Thánh Thần tạo nên sự hài hòa trong con tim chúng ta. Chúng ta thấy điều đó trong Tin Mừng, nơi Chúa Giêsu, vào chiều Phục Sinh, thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20:22). Người ban Thánh Thần với một mục đích cụ thể: tha tội, nghĩa là giao hòa các tâm hồn, làm hòa hợp những con tim bị dày xéo bởi sự dữ, tan nát bởi những vết thương, bị xâu xé bởi cảm giác tội lỗi. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới khôi phục lại sự hài hòa trong tâm hồn, bởi vì chính Người là Đấng tạo ra “sự thân mật với Thiên Chúa” ( St. Basil , Spir . , XIX,49). Nếu chúng ta muốn sự hài hòa, chúng ta hãy tìm kiếm Người, chứ không phải mưu cầu những thứ lấp đầy thế gian. Chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần mỗi ngày, hãy bắt đầu mỗi ngày bằng việc cầu nguyện với Người, hãy trở nên ngoan ngoãn với Người!

Và hôm nay, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có ngoan ngoãn trước sự hài hòa của Thần Khí không? Hay tôi theo đuổi những dự án của tôi, những ý tưởng của tôi mà không để cho mình được uốn nắn, không để Chúa Thánh Thần thay đổi tôi? Cách thức sống đức tin của tôi có ngoan nguỳ trước Thần Khí không, hay cứng đầu? Nhất quyết dính chặt vào chữ nghĩa, vào cái gọi là giáo điều với những cách thức lạnh lùng trong cuộc sống. Tôi có vội vàng phán xét, chỉ tay và đóng sầm cửa vào mặt người khác, coi mình là nạn nhân của mọi người và mọi thứ không? Hay tôi chào đón sức mạnh sáng tạo hài hòa của Chúa Thánh Thần, “ân sủng hiệp nhất” mà Người đã thổi vào thế giới, và ơn tha thứ của Người vốn mang lại bình an? Sự tha thứ tạo không gian cho Chúa Thánh Thần. Và đến lượt tôi, tôi có tha thứ, thúc đẩy hòa giải và tạo ra sự hiệp thông không hay hay tôi luôn soi mói, chỉ nhìn thấy những khó khăn để ngồi lê đôi mách, để chia rẽ, để phá hoại? Khi thế giới bị chia rẽ, khi Giáo hội trở nên phân cực, khi cõi lòng bị chia rẽ, chúng ta đừng lãng phí thời gian chỉ trích người khác và tức giận với chính mình, nhưng chúng ta hãy nài xin Chúa Thánh Thần. Người có khả năng giải quyết những điều này.

Lạy Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Chúa Giêsu và của Chúa Cha, nguồn hài hòa vô tận, chúng con phó thác thế giới cho Ngài, chúng con xin dâng hiến Giáo Hội và trái tim của chúng con cho Ngài. Xin hãy đến, hỡi Thần khí Sáng tạo, sự hòa hợp của nhân loại, xin hãy canh tân bộ mặt trái đất. Xin hãy đến hỡi Đấng là “Ân huệ của mọi ân huệ”, hòa hợp của Giáo hội, xin cho chúng con được hiệp nhất trong Ngài. Xin hãy đến hỡi Thần Khí của ơn tha thứ, sự hài hòa của trái tim, xin biến đổi chúng con theo ý Chúa, qua trung gian Mẹ Maria.

Sau khi dâng Thánh Lễ Chúa Thánh Thần, lúc 12 giờ trưa, Chúa Nhật 28/5, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nói đến hoa trái của Thánh Thần là làm cho các môn đệ mạnh dạn, mở toang cánh cửa.

Vatican News 28 tháng năm 2023

https://www.youtube.com/watch?v=Fo1WodCXa6k (5phut vie)

Bài huấn dụ trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Tin Mừng đưa chúng ta đến Phòng Tiệc Ly, nơi các tông đồ đã trú ẩn sau khi Chúa Giêsu chịu chết (Ga 20:19-23). Vào chiều Phục Sinh, Đấng Phục Sinh hiện diện trong chính hoàn cảnh sợ hãi và đau khổ đó, và thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (c. 22). Như vậy, với ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu muốn giải thoát các môn đệ khỏi nỗi sợ hãi giam hãm họ trong nhà, để họ có thể ra đi trở thành chứng nhân và loan báo Tin Mừng. Vì thế, chúng ta hãy dừng lại suy tư đôi chút về điều này: Thần Khí giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi.

Các môn đệ đã đóng cửa lại, Tin Mừng nói, “vì sợ hãi” (c. 19). Cái chết của Chúa Giêsu đã làm họ tan nát, những giấc mơ của họ đã vỡ vụn, những hy vọng của họ đã tan biến. Và họ nhốt mình trong nhà. Không chỉ là trong căn phòng, mà còn bên trong trái tim. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: bị nhốt mình bên trong. Đã bao nhiêu lần chúng ta tự nhốt mình bên trong chính mình? Đã bao nhiêu lần, vì một hoàn cảnh khó khăn nào đó, một vấn đề cá nhân hay gia đình nào đó, nỗi đau khổ đang ghi dấu chúng ta hay sự dữ mà chúng ta hít thở quanh mình, chúng ta có nguy cơ dần dần rơi vào tình trạng mất hy vọng và thiếu can đảm để tiến tới? Điều này xảy ra nhiều lần. Và rồi, giống như các tông đồ, chúng ta tự nhốt mình, nhốt mình trong mê cung của những lo toan.

Anh chị em thân mến, việc “tự nhốt mình” này xảy ra khi, trong những tình huống khó khăn nhất, chúng ta để cho nỗi sợ hãi lấn át và tạo nên “tiếng vang dội” bên trong chúng ta. Do đó, nguyên nhân là sự sợ hãi: sợ không làm được, sợ đơn độc đối mặt với những trận chiến hàng ngày, sợ mạo hiểm và sau đó thất vọng, lựa chọn sai lầm. Nỗi sợ hãi làm tê liệt, bất động. Và nó làm cô lập: chúng ta hãy nghĩ đến nỗi sợ hãi của người khác, của những người ngoại quốc, của những người khác biệt, của những người suy nghĩ khác. Và thậm chí có thể có sự sợ hãi Chúa: rằng Người sẽ trừng phạt tôi, rằng Người nổi giận với tôi... Nếu chúng ta nhường chỗ cho những nỗi sợ hãi sai lầm này, những cánh cửa sẽ đóng lại: những cánh cửa của trái tim, của xã hội, và cả những cánh cửa của Giáo hội! Ở đâu có sự sợ hãi, ở đó cửa đóng lại. Và điều đó không tốt.

Tuy nhiên, Tin Mừng đưa ra cho chúng ta phương thuốc của Đấng Phục Sinh: Chúa Thánh Thần. Người giải phóng khỏi nhà tù của sự sợ hãi. Khi lãnh nhận Thần Khí, các tông đồ - chúng ta mừng lễ hôm nay - rời phòng tiệc ly và đi vào thế giới để tha tội và loan báo tin mừng. Nhờ Người, nỗi sợ hãi được khắc phục và các cánh cửa mở ra. Bởi vì đây là điều mà Thần Khí làm: Người làm cho chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa và vì thế tình yêu của Người xua tan sợ hãi, soi sáng con đường, an ủi và nâng đỡ trong nghịch cảnh. Vì thế, trước những nỗi sợ hãi và đóng cửa, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta, cho Giáo hội và cho toàn thế giới: để một Lễ Hiện Xuống mới có thể xua đuổi những nỗi sợ hãi đang tấn công chúng ta và thắp lại ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa.

Xin Đức Maria Rất Thánh, Đấng đầu tiên được đầy tràn Thánh Thần, chuyển cầu cho chúng ta.

----

Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người dân sống ở biên giới giữa Myanmar và Bangladesh, bị ảnh hưởng nặng nề bởi một cơn bão: ảnh hưởng đến hơn tám trăm nghìn người, ngoài ra còn có nhiều người Rohingya đang sống trong những điều kiện bấp bênh. Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với những người bị ảnh hưởng và ngài cũng kêu gọi những người có trách nhiệm tạo điều kiện để những người bị ảnh hưởng có thể tiếp cận được viện trợ nhân đạo, đồng thời ngài cũng kêu gọi tinh thần liên đới của con người và giáo hội để giúp đỡ những anh chị em này.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại và mời gọi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng sắp tới về hiệp hành vào Thứ Tư tới, 31/5, tại các đền thánh Đức Mẹ trên khắp thế giới. “Chúng ta xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với giai đoạn quan trọng này của Thượng hội đồng với sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ”.

Cuối cùng, ngài chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2023