Kinh Truyền Tin Với Đức Thánh Cha: Khi Làm Dấu Thánh Giá, Hãy Nhớ Thiên Chúa Ba Ngôi Yêu Thương Chúng Ta Dường Nào!

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 04/06/2023

Trưa Chúa nhật, ngày 04 tháng Sáu năm 2023, đã có gần 20.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô. Trong phần chào thăm, Đức Thánh cha chia buồn với các nạn nhân hai xe lửa đụng nhau ở Ấn Độ, hôm 02 tháng Sáu vừa qua, tại nạn nặng nhất từ 25 năm nay tại nước này.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã diễn giải bài Tin mừng về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô (Ga 3,16-18), là bài Tin mừng cho Đại lễ Chúa Ba Ngôi của phụng vụ Năm A.

Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Hôm nay, Đại lễ Chúa Ba Ngôi. Bài Tin mừng trích từ cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô (Xc Ga 3,16-18). Nicôđêmô là thành viên Hội đồng công tọa, say mê mầu nhiệm Thiên Chúa: ông nhìn thấy Chúa Giêsu là một bậc thầy thần linh và ông kín đáo đến nói chuyện với Ngài. Chúa Giêsu lắng nghe ông và hiểu rằng ông là một người đang tìm kiếm, và trước tiên, Ngài làm ông ngạc nhiên khi trả lời ông rằng để vào Nước Thiên Chúa, cần phải tái sinh; rồi Chúa tỏ cho ông trọng tâm của mầu nhiệm và nói rằng Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến độ đã sai Con của Người xuống trần thế. Vì thế, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nói với chúng ta về Chúa Cha và về tình thương vô biên của Người.

Tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con

Cha và Con. Đó là một hình ảnh quen thuộc, nếu chúng ta suy nghĩ về điều này, hình ảnh ấy sẽ thay đổi sự tưởng tượng của chúng ta về Thiên Chúa. Thực vậy, chính hạn từ “Thiên Chúa” cũng đã gợi cho chúng ta một thực tại ngoại thường, uy nghiêm, xa cách, trái lại, khi nghe nói về một người Cha và một người Con, chúng ta nghĩ đến gia đình. Đúng vậy, chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa như thế, qua hình ảnh một gia đình quây quần quanh một bàn ăn, nơi mà ta chia sẻ cuộc sống. Vả lại, hình ảnh bàn ăn, đồng thời cũng là một bàn thờ, là biểu tượng qua đó người ta diễn tả Chúa Ba Ngôi. Đó là một hình ảnh nói với chúng ta về một Thiên Chúa hiệp thông.

Nhưng đó không phải chỉ là một hình ảnh, nhưng là thực tại! Thực tại vì Chúa Thánh Linh, Thần Trí mà Chúa Cha phú vào trong tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Giêsu (Xc Gl 4,6), làm cho chúng ta nếm hưởng, vui hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa: một sự hiện diện gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Chúa Thánh Linh xử với chúng ta như Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô: Ngài dẫn chúng ta vào mầu nhiệm tái sinh, tỏ cho chúng ta tâm hồn Chúa Cha và làm cho chúng ta được tham phần vào chính cuộc sống của Thiên Chúa.

Chúa mời gọi chúng ta cùng đồng bàn

“Chúng ta có thể nói lời mời gọi của Chúa gửi đến chúng ta là ngồi cùng bàn với Thiên Chúa để chia sẻ tình thương của Người. Đây là điều xảy ra trong mỗi thánh lễ, nơi bàn tiệc Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu hiến mình cho Chúa Cha và tự hiến vì chúng ta. Đúng vậy, anh chị em, Thiên Chúa chúng ta là tình hiệp thông yêu thương: Chúa Giêsu mạc khải điều đó cho chúng ta. Và anh chị em biết làm sao chúng ta có thể nhớ điều đó hay không? Thưa, với một cử chỉ đơn sơ mà chúng ta vẫn học từ hồi còn nhỏ: đó là dấu Thánh Giá. Khi làm dấu Thánh Giá trên thân mình, chúng ta nhớ Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường nào, đến độ hiến mạng sống mình vì chúng ta; và chúng ta tự nhủ rằng tình thương của Chúa bao trùm chúng ta hoàn toàn, từ trên xuống, từ trái sang phải, như một vòng tay không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Và đồng thời chúng ta quyết tâm làm chứng về Thiên Chúa là tình thương, kiến tạo tình hiệp thông nhân danh Chúa.

Làm chứng về tình thương của Chúa

Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Vậy ngày hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có làm chứng về Thiên Chúa-Tình thương hay không? Hoặc Thiên Chúa-Tình Thương có trở thành một ý niệm, một điều gì chúng ta đã nghe, nhưng không thúc đẩy và không tạo nên sức sống nhiều hơn hay không? Nếu Thiên Chúa là tình thương, thì các cộng đoàn chúng ta có làm chứng về điều đó hay không? Các cộng đoàn có biết yêu thương? Có là những gia đình hay không? Chúng ta có luôn mở cửa, có biết đón nhận mọi người, tất cả mọi người, như anh chị em hay không? Chúng ta có trao tặng cho tất cả mọi người lương thực tha thứ của Thiên Chúa và rượu hoan lạc của Tin mừng hay không? Ta có thở hít không khí gia đình hay chúng ta giống như một văn phòng, hoặc một nơi chỉ dành cho những người được tuyển chọn hay không?

Và Đức Thánh cha kết luận: “Xin Mẹ Maria giúp chúng ta sống trong Giáo hội như một gia đình, trong đó người ta yêu thương nhau như trong gia đình, để tôn vinh Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần.”

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha bày tỏ sự gần gũi và liên đới với các nạn nhân và gia đình họ, vụ hai xe lửa đụng nhau hôm 02 tháng Sáu vừa qua tại Bahanaga, thuộc huyện Balasore, đông nam Ấn Độ, làm cho 261 người chết, và hàng trăm người khác bị thương. Đức Thánh cha cầu nguyện cho linh hồn những người quá cố.

Ngài cũng gửi lời chào thăm nhiều đoàn tín hữu hành hương hiện diện tại buổi đọc kinh, đặc biệt một đoàn gần một trăm hiến binh của Ý, và đề cao sự đóng góp của họ cho an ninh trật tự và giúp đỡ dân chúng. Đức Thánh cha không quên mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh, đặc biệt tại Ucraina đau thương.

Sau cùng, Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 6, 2023