Kinh
Truyền Tin Với Đức Thánh Cha: Khi Lắng Nghe Nhau, Chúng Ta Sẽ Tránh Được Những
Xung Đột
Photo:
Vatican Media
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 02/07/2023
Trong tháng Bảy này, Đức Thánh cha Phanxicô ngưng
mọi cuộc tiếp kiến, chung cũng như riêng, nhưng ngài vẫn giữ nguyên những cuộc
gặp gỡ với các tín hữu hành hương vào những buổi trưa Chúa nhật, qua buổi đọc
kinh Truyền tin tại Quảng trường thánh Phêrô.
Hàng
ngàn tín hữu đã hiện diện tại buổi đọc kinh trưa Chúa nhật, ngày 02 tháng Bảy
vừa qua. Trời nắng nên có nhiều tín hữu đứng dưới bóng rợp của các hàng cột.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Như
thường lệ, trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã giải thích bài Tin mừng trong
thánh lễ Chúa nhật thứ XIII Thường niên năm A, trong đó Chúa Giêsu nói về việc
đón tiếp các ngôn sứ.
Đức
Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong
bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ai đón tiếp một ngôn sứ vì là ngôn sứ,
thì sẽ được phần thưởng của ngôn sứ” (Mt 10,41). Chúa nói về ngôn sứ, nhưng
ngôn sứ là ai? Có người tưởng tượng đó là một thứ thầy pháp tiên đoán tương
lai; đây là một ý tưởng mê tín và tín hữu Kitô không tin những thứ mê tín, như
ma thuật, bói bài, tử vi hoặc những thứ tương tự. Những người khác thì mô tả
ngôn sứ chỉ là một nhân vật quá khứ, hiện hữu trước thời Chúa Kitô để tiên báo
sự giáng lâm của Ngài. Nhưng chính Chúa Giêsu hôm nay nói về sự cần phải đón
tiếp các ngôn sứ; vì thế các ngôn sứ vẫn còn hiện hữu, nhưng họ là ai?
Ngôn sứ
là mỗi Kitô hữu
“Anh
chị em, ngôn sứ là mỗi người chúng ta: thực thế, nhờ phép rửa, tất cả chúng ta
đã lãnh nhận hồng ân và sứ mạng ngôn sứ (Xc Sách Giáo Lý CG, 1268). Ngôn sứ là
người, do bí tích rửa tội, giúp đỡ những người khác đọc hiện tại dưới tác động
của Chúa Thánh Linh, hiểu những dự phóng của Thiên Chúa và đáp lại. Nói khác
đi, ngôn sứ là người chỉ dẫn cho những người khác Chúa Giêsu, làm chứng về
Chúa, giúp sống ngày hôm nay và xây dựng ngày mai theo các ý định của Chúa. Vì
thế, tất cả chúng ta đều là ngôn sứ, chứng nhân của Chúa Giêsu, “để sức mạnh
của Tin mừng chiếu tỏa rạng ngời trong đời sống thường nhật, gia đình và xã
hội” (LG 35). Ngôn sứ là một dấu chỉ sống động mà chúng ta chỉ cho người khác,
một phản ảnh ánh sáng của Chúa Kitô trên con đường của các anh em. Vậy chúng ta
có thể tự hỏi: tôi là người đã được chọn là ngôn sứ trong bí tích rửa tội, vậy
tôi có nói, và nhất là tôi có sống như chứng nhân của Chúa Giêsu hay không? Tôi
có mang một chút ánh sáng của Chúa trong đời sống người nào không? Tôi có kiểm
chứng về điều đó hay không? Tôi tự hỏi: chứng tá của tôi, lời ngôn sứ của tôi
thế nào?
Tiếp
đón nhau như ngôn sứ
Đức
Thánh cha nói thêm rằng: “Trong Tin mừng, Chúa cũng yêu cầu đón tiếp các ngôn
sứ; vì thế điều quan trọng là chúng ta đón tiếp nhau như những anh chị em, như
những người mang một sứ điệp của Thiên Chúa, mỗi người theo bậc sống và ơn gọi
của mình, và thi hành điều đó tại nơi chúng ta đang sống: trong gia đình, giáo
xứ, trong các cộng đoàn tu trì, trong các môi trường khác của Giáo hội, và xã
hội. Chúa Thánh Linh đã ban phát các ơn ngôn sứ trong dân thánh của Thiên Chúa:
vì thế nên lắng nghe mọi người. Ví dụ, khi cần đưa ra một quyết định quan trọng,
trước tiên nên cầu nguyện, khẩn cầu Chúa Thánh Linh, rồi lắng nghe, đối thoại,
trong niềm tín thác mà mỗi người, cả những người bé nhỏ nhất, có điều quan
trọng để nói, một ơn ngôn sứ để chia sẻ. Như thế, ta tìm kiếm sự thật và phổ
biến một bầu không khí lắng nghe Thiên Chúa và anh chị em, trong đó mỗi người
chỉ cảm thấy được đón nhận nếu họ nói điều làm cho chúng ta hài lòng, nhưng họ
cảm thấy được đón nhận và được đề cao giá trị như những hồng ân như con người
của họ.
Lợi ích
của thái độ lắng nghe
Chúng ta
hãy nghĩ đến bao nhiêu xung đột, ta có thể tránh và giải quyết như thế, bằng
cách đặt mình lắng nghe những người khác với ước muốn chân thành cảm thông
nhau! Vậy sau cùng chúng ta hãy tự hỏi: tôi có biết đón nhận các anh chị em như
những hồng ân ngôn sứ hay không? Tôi có tin là tôi cần họ hay không? Tôi có
lắng nghe họ trong sự tôn trọng, với ước muốn học hỏi hay không? vì mỗi người
chúng ta đều cần học những người khác.
Và Đức
Thánh cha kết luận rằng: Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương các ngôn sứ, xin giúp chúng
con nhìn thấy và đón nhận điều tốt lành mà Chúa Thánh Linh đã gieo vãi nơi
những người khác”.
Chào thăm và kêu gọi
Sau khi
đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha nhắc nhở các tín hữu,
tuy đang ở trong thời kỳ nghỉ hè, nhưng đừng quên cầu nguyện cho hòa bình, cho
các nạn nhân và dân chúng đang chịu đau khổ vì chiến tranh, đặc biệt tại
Ucraina, nhưng cũng có bao nhiêu cuộc chiến đang xảy ra trên thế giới.
Đức
Thánh cha cũng chào thăm và nêu đích danh nhiều nhóm đến dự buổi tiếp kiến này.
Sau hết,
Đức Thánh cha chúc mọi người ngày Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên
cầu nguyện cho ngài.