Kinh
Truyền Tin Với Đức Thánh Cha: Tình Yêu Của Thiên Chúa Là Nhưng Không Và Vô Điều
Kiện
Photo:
Vatican Media
Trưa
Chúa nhật, ngày 24 tháng Chín năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc
kinh Truyền tin tại Quảng trường thánh Phêrô, với khoảng 30.000 tín hữu hành
hương. Trong phần chào thăm sau khi đọc kinh, Đức Thánh cha nhắc nhở mọi người
về Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn, cử hành Chúa nhật này, và tái cổ võ việc đón
tiếp, hội nhập và thăng tiến di dân.
G. Trần
Đức Anh, O.P. | RVA | September 24, 2023
Huấn từ
của Đức Thánh cha
Như
thường lệ, trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã giải thích về bài Tin mừng đọc
trong thánh lễ Chúa nhật thứ XXV thường niên năm A, về ông chủ trả lương đồng đều
cho các thợ công nhật.
Đức
Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin
mừng phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta một dụ ngôn gây ngạc nhiên: ông
chủ vườn nho ra đi từ sáng sớm cho đến chiều để gọi một số thợ làm việc, nhưng
sau cùng ông trả cho tất cả đều như nhau, cả những người chỉ làm việc một giờ
đồng hồ (Xc. Mt 20,1-16). Đó có vẻ là điều bất công, nhưng dụ ngôn này không
được đọc theo những tiêu chuẩn lương bổng; đúng hơn, nó muốn tỏ cho chúng ta
những tiêu chuẩn của Thiên Chúa, Người không tính toán theo công trạng chúng
ta, nhưng yêu thương chúng ta như con cái.
Hai
hoạt động của Chúa
Chúng
ta hãy dừng lại nơi hai hoạt động của Chúa từ trình thuật này. Trước tiên,
Thiên Chúa đi ra mỗi giờ để kêu gọi chúng ta; tiếp đến Người trả cho tất cả như
nhau.
Chúa
kêu gọi mỗi người
Trước
tiên, Thiên Chúa là Đấng ra ngoài mỗi giờ để kêu gọi chúng ta. Dụ ngôn nói rằng
ông chủ “đi ra lúc sáng sớm để lấy công nhân làm việc trong vườn nho của ông”
(v.1), nhưng rồi ông tiếp tục đi ra vào những giờ khác nhau trong ngày cho đến
hoàng hôn, để tìm những người mà chưa ai thuê mướn làm việc. Như thế, chúng ta
hiểu rằng trong dụ ngôn, không phải chỉ có con người là công nhân, là người làm
việc, nhưng nhất là Thiên Chúa, Đấng luôn đi ra mỗi ngày, không mệt mỏi. Thiên
Chúa là thế: Người không đợi những cố gắng của chúng ta để đến gặp chúng ta,
không xem xét để đánh giá các công trạng trước khi tìm kiếm chúng ta. Ngài
không đầu hàng nếu chúng ta chậm trả lời Người; trái lại, chính Chúa đưa ra
sáng kiến và trong Chúa Giêsu, Người “đi ra” hướng về chúng ta, để biểu lộ tình
thương của Người. Và Chúa tìm kiếm chúng ta mỗi giờ trong ngày, như thánh
Gregorio Cả, những giờ ấy tượng trưng nhưng giai đoạn và mùa khác nhau trong
cuộc đời chúng ta cho đến tuổi già (Xc. Omelie sul Vangelo, 19). Đối với tâm
hồn Chúa không bao giờ quá trễ, Chúa tìm kiếm chúng ta và luôn chờ đợi chúng
ta.
Chúa
“trả công” cho mỗi người bằng tình thương
Hành
động thứ hai: Chính vì trái tim quảng đại như thế nên Thiên Chúa trả cho tất cả
mọi người cùng một “đồng tiền”, là tình thương của Người. Đó là ý nghĩa cuối
cùng của dụ ngôn: những người thợ vào giờ cuối cùng cũng được trả như những
người đầu tiên, vì trong thực tế, công lý của Thiên Chúa là công lý cao hơn.
Công lý của loài người là “trả cho mỗi người theo công trạng của họ”. Nhưng
Thiên Chúa không đo lường tình thương theo cán cân những lợi tức của những ta,
những thành tựu hay thất bại của chúng ta: Thiên Chúa yêu thương chúng ta và
thế là đủ rồi. Chúa yêu chúng ta vì chúng ta là con cái và Chúa làm như thế với
một tình yêu vô điều kiện và nhưng không.
Tránh
tính toán với Chúa
Đức
Thánh cha nhắn nhủ rằng: Anh chị em thân mến, nhiều khi chúng ta gặp nguy cơ có
một tương quan buôn bán với Thiên Chúa, để ý tài khéo của chúng ta hơn là lòng
quảng đại của ơn thánh Chúa. Nhiều khi, cả trong tư cách là Giáo hội, thay vì
mở rộng vòng tay cho tất cả mọi người, chúng ta có thể cảm thấy mình thuộc hạng
nhất, và phán xét những người ở xa khác, mà không nghĩ rằng Thiên Chúa cũng yêu
thương họ với tình yêu giống như yêu chúng ta. Và cả trong các tương quan của
chúng ta, vốn là cơ cấu của xã hội, công lý mà chúng ta thực hành nhiều khi
không ra khỏi được cái khung toan tính và chúng ta hạn chế theo những gì chúng
ta nhận lãnh, không dám làm cái gì hơn, không đánh cuộc về hiệu năng của điều
thiện thực hành nhưng không và của tình yêu trao tặng với con tim quảng đại.
Chúng ta hãy tự hỏi: tôi là Kitô hữu, tôi có đi ra tìm đến người khác không? Và
tôi có quảng đại đối với tất cả mọi người, biết cho đi nhiều hơn sự cảm thông
và tha thứ, như Chúa Giêsu đã dạy tôi không?
Xin Mẹ
giúp chúng ta hoán cải, đi theo mẫu mực của Thiên Chúa, mẫu mực tình yêu không
giới hạn.
Chào
thăm và kêu gọi
Sau khi
đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nhắc nhở về Ngày Thế
giới Di dân và Tị nạn lần thứ 109, năm nay có chủ đề là: “tự do chọn lựa di cư
hay ở lại”, để nói rằng di cư phải là một chọn lựa tự do, và không bao giờ là
một chọn lựa duy nhất có thể. Thực vậy, quyền di cư ngày nay đối với nhiều
người trở thành một điều bó buộc, trong khi phải có quyền không di cư để ở lại
quê hương của mình. Điều cần thiết là mỗi người nam nữ phải được bảo đảm có thể
sống một cuộc sống xứng đáng, trong xã hội nơi họ cư ngụ. Rất tiếc là lầm than,
chiến tranh và khủng hoảng khí hậu bó buộc bao nhiêu người phải trốn chạy. Vì
thế, tất cả chúng ta được kêu gọi kiến tạo những cộng đoàn sẵn sàng và cởi mở
đón tiếp, thăng tiến, đồng hành và hội nhập những người đến gõ cửa chúng ta”.
Thách
đố này ở trọng tâm các cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải, diễn ra trong những ngày qua
ở Marseille mà tôi đã tham dự phiên họp kết thúc, hôm thứ Bảy, ngày 23 tháng
Chín vừa qua, khi đến thành phố ấy là ngã tư của các dân tộc văn hóa.
Đức
Thánh cha không quên mời gọi các tín hữu tham gia buổi canh thức đại kết, vào
chiều tối thứ Bảy, ngày 30 tháng Chín tới đây, tại Quảng trường thánh Phêrô để
cầu nguyện cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI, sẽ tiến hành từ
ngày 04 đến ngày 29 tháng Mười sắp tới.
Trong
lời chào thăm các nhóm tín hữu hành hương, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các
chủng sinh thuộc Chủng viện Mater Ecclesiae, Mẹ Giáo hội, ở Tổng giáo phận
Koeln, bên Đức và thuộc Con đường Tân Dự tòng.
Sau
cùng, Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin mọi
người đừng quên cầu nguyện cho ngài.