Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Tôi Đã Nhận Thấy Lòng Hăng Say, Phấn Khởi Về Tương Lai Tại Marseille

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 27 tháng Chín năm 2023, có khoảng hơn 30.000 tín hữu hành hương đến tham dự buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA | September 27, 2023

Đầu buổi tiếp kiến, như thường lệ, mọi người đã nghe đọc một đoạn Sách thánh, trích từ Tin mừng theo thánh Matthêu, đoạn 4 (12-26):

“[Chúa Giêsu] rút lui về miền Galilea, giã từ Nazareth, đến Capharnaum, một thành ven biển hồ Galilea, thuộc lãnh thổ Zabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: “Này đất Zabulon và Nephtali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giordan, hỡi Galilea, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tạm gác lại loạt bài về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”, để nói về chuyến tông du mới đây của ngài tại thành Marseille bên Pháp, nhân dịp kết thúc “Các cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải”.

Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cuối tuần qua, tôi đã tới Marseille để tham dự buổi kết thúc “Những cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải”, với sự can dự của các giám mục và các vị thị trưởng vùng Địa Trung Hải, cùng với nhiều người trẻ, để cái nhìn mở rộng hướng về tương lai. Thực vậy, biến cố Marseille mang tựa đề: “Bức tranh khảm hy vọng”. Đó là giấc mơ, là thách đố: làm sao để Địa Trung Hải phục hồi ơn gọi của mình, là một phòng thí nghiệm văn minh và hòa bình.

Vai trò của Địa Trung Hải

Địa Trung Hải là chiếc nôi của nền văn minh, và một chiếc nôi sự sống! Một điều không thể chấp nhận được, đó là nó lại trở thành một cái mộ, và cũng không thể là nơi xung đột. Không, Địa Trung Hải là điều hoàn toàn trái ngược với sự đụng độ giữa các nền văn minh, chiến tranh, nạn buôn người. Nó hoàn toàn ngược lại: Địa Trung Hải làm cho Phi châu, Á châu, Âu châu đả thông với nhau; bắc và nam, đông và tây phương; con người và các nền văn hóa, các dân tộc, các ngôn ngữ, các triết lý và tôn giáo. Chắc chắn biển luôn luôn là một vực thẳm cần vượt qua, và cũng có thể trở nên nguy hiểm. Nhưng nước của nó gìn giữ những kho tàng sự sống, những sóng gió của nó đẩy đưa các tàu thuyền thuộc mọi loại: đó là nơi gặp gỡ chứ không phải là nơi đụng độ, nơi sự sống chứ không phải chết chóc.

Từ bờ phía đông, cách đây 2.000 năm, Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô khởi hành, để loan báo cho mọi dân tộc rằng chúng ta là con của một Cha duy nhất, và chúng ta được kêu gọi sống như anh chị em với nhau; tình thương của Thiên Chúa lớn hơn những ích kỷ và khép kín của chúng ta, và với sự giúp đỡ của lòng Chúa thương xót, con người có thể sống chung với nhau trong công chính và hòa bình.

Sự cộng tác giữa các thế hệ

Điều này dĩ nhiên không xảy ra một cách ma thuật và không được thực hiện một lần cho tất cả. Nó là thành quả, trong đó mỗi thế hệ được kêu gọi đi một đoạn, đọc những dấu chỉ thời đại trong đó họ sống. Chúng ta sống trong thời điểm lịch sử này, trong đó những cuộc cưỡng bách di cư cũng trở thành một dấu chỉ thời đại. Đó là dấu chỉ kêu gọi tất cả chúng ta hãy thực hiện một chọn lựa cơ bản: chọn lựa giữa thái độ dửng dưng và tình huynh đệ.

Một bước tiến trong một hành trình đã bắt đầu trong “Các cuộc trao đổi Địa Trung Hải”, do ông Thị trưởng Giorgio La Pira, ở Firenze, tổ chức vào cuối thập niên 1950 của thế kỷ XX. Một bước tiến ngày nay để trả lời cho lời kêu gọi do thánh Phaolô VI đưa ra trong thông điệp “Phát triển các dân tộc”, thăng tiến “một thế giới nhân bản hơn cho mọi người, một thế giới trong đó tất cả đều có cái gì để cho và nhận, và sự phát triển của người khác không trở thành một chướng ngại cho sự phát triển của những người khác” (n.44).

Kết quả của cuộc gặp gỡ ở Marseille

Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Từ biến cố ở Marseille điều gì đã xuất phát?” Thưa, xuất phát từ đó một cái nhìn về Địa Trung Hải mà tôi định nghĩa một cách đơn sơ là “nhân bản”, không ý thức hệ, không chiến lược, không tránh né gây phật ý và cũng không bị lạm dụng. Không phải vậy, thế giới ấy là nhân bản, nghĩa là có khả năng đưa mọi sự về giá trị nguyên thủy của con người và phẩm giá bất khả xâm phạm của họ. Và đồng thời xuất phát từ Địa Trung Hải một cái nhìn hy vọng. Điều này mỗi lần đều gây ngạc nhiên: khi nghe những chứng nhân đã trải qua những tình trạng vô nhân đạo hoặc đã chia sẻ những tình trạng ấy, chính từ họ, bạn nhận được “một sự tuyên xưng hy vọng”, khi ấy bạn đứng trước công trình của Thiên Chúa. Và bạn nhận thấy rằng công trình này luôn tiến qua tình huynh đệ: qua những đôi mắt, đôi tay, chân, tâm hồn của những người nam nữ, trong những vai trò trách nhiệm liên hệ về Giáo hội và dân sự, đang tìm cách xây dựng những tương quan huynh đệ và thân hữu xã hội.

Kiến tạo hy vọng

Đức Thánh cha giải thích thêm rằng: Anh chị em thân mến, niềm hy vọng này không thể và không được tan biến, không phải vậy! Trái lại, nó phải được tổ chức, cụ thể hóa trong những hoạt động dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là làm việc để con người, với phẩm giá trọn vẹn, có thể chọn xuất cư hoặc không xuất cư. Đó là đề tài Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn mới được cử hành hôm 24 tháng Chín. Trước tiên, tất cả chúng ta phải dấn thân để mỗi người có thể sống trong hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong chính đất nước nguyên quán của mình. Điều này đòi phải hoán cải cá nhân, liên đới xã hội và dấn thân cụ thể từ phía các chính phủ cấp địa phương và ở lại quê hương. Đó là chuẩn bị những cơ cấu để an ninh được bảo đảm cho họ trong hành trình, cũng như được đón nhận và hội nhập nơi họ đi tới.

Cho giới trẻ

Nhưng có một khía cạnh bổ túc: cần mang lại hy vọng cho các xã hội Âu châu chúng ta, đặc biệt cho các thế hệ trẻ. Thực vậy, làm sao chúng ta có thể đón nhận những người khác, nếu chúng ta không có một chân trời mở rộng đối với tương lai? Từ những người trẻ nghèo hy vọng, khép kín trong riêng tư, bận tâm xử lý tình trạng bấp bênh của mình, làm sao họ có thể cởi mở đối với sự gặp gỡ và chia sẻ? Các xã hội bệnh hoạn của chúng ta, vì cá nhân chủ nghĩa, duy tiêu thụ và những thú tiêu khiển trống rỗng, cần cởi mở, cần mang lại dưỡng khí cho linh hồn và tinh thần, và khi ấy có thể đọc cuộc khủng hoảng như một cơ hội và đương đầu với nó một cách tích cực. Ví dụ, chúng ta nghĩ đến mùa đông dân số đang xảy ra tại một số xã hội Âu châu: tình trạng đó sẽ không thể được khắc phục bằng cách đưa người di dân tới, nhưng khi các con cái của chúng ta tìm lại được niềm hy vọng nơi tương lai, và sẽ có khả năng nhìn thấy nó phản ánh nơi các khuôn mặt của anh chị em đến từ xa.

Và Đức Thánh cha kết luận: “Âu châu đang cần tìm lại hăng say và phấn khởi, và tại Marseille, tôi có thể nói rằng tôi đã thấy những điều đó: nơi vị mục tử, Đức Hồng y Aveline, các linh mục và những người thánh hiến dấn thân trong bác ái, giáo dục, trong dân Chúa đã chứng tỏ lòng nhiệt thành trong thánh lễ tại Sân vận động Vélodrome. Tôi cám ơn họ và Tổng thống Pháp, qua sự hiện diện của ông, đã chứng tỏ sự quan tâm của toàn nước Pháp đối với biến cố Marseille.

Xin Đức Mẹ mà dân Marseille tôn kính với tước hiệu Đức Mẹ Canh Giữ, đồng hành với các dân tộc Địa Trung Hải để miền này trở thành điều mà nó luôn được kêu gọi trở thành, đó là một bức tranh khảm các nền văn minh và hy vọng”.

Chào thăm và mời gọi

Bài huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau, cùng với lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Khi chào các tín hữu tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắc lại rằng Âu châu đang cần tìm lại niềm hăng say phấn khởi mà tôi đã thấy ở Marseille, nơi vị mục tử, các linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều tín hữu dấn thân trong bác ái và giáo dục.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã cử hành Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn, với chủ đề là: “Tự do chọn lựa di cư hay ở lại”. Anh chị em hãy nhớ đến những người anh chị em Ucraina buộc lòng phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh, và họ tìm kiếm trợ giúp, nơi lánh nạn và lòng từ nhân của đất nước anh em. Anh chị em hãy biểu lộ cho họ sự tiếp đón theo tinh thần Tin mừng.

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc đến những người trẻ, bệnh nhân và người cao niên cũng như các đôi tân hôn, đồng thời nói rằng: “Hôm nay là lễ thánh Vinh Sơn Phaolô, nhắc nhớ chúng ta về vị trí trung tâm của tình yêu tha nhân. Tôi nhắn nhủ mỗi người hãy vun trồng thái độ quan tâm đối với tha nhân và cởi mở đối với những người đang cần anh chị em”.

Buổi Tiếp kiến chung được kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2023