Tiếp
Kiến Chung (ngày 18-10) Của Đức Thánh Cha: Thánh Charles de Foucauld, Con Tim
Bác Ái Trong Cuộc Sống Âm Thầm
Photo:
Vatican Media
Sáng
thứ Tư, ngày 18 tháng Mười năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã Tiếp kiến chung
hơn 20.000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô, trong số này cũng
có khoảng 100 tín hữu Công giáo từ Việt Nam và từ Mỹ.
https://www.youtube.com/watch?v=lK1kU57W8iU
(12phut vie)
G. Trần
Đức Anh, O.P. | RVA | October 18, 2023
Đầu
buổi tiếp kiến, mọi người đã nghe đọc vài câu trong Tin mừng theo thánh Luca
(Lc 23,32-34), bằng tám ngôn ngữ khác nhau:
“Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nazareth (với thánh Giuse và Mẹ
Maria) và tùng phục các ngài. Mẹ Người cẩn giữ tất cả những điều đó trong tâm
hồn. Chúa Giêsu càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ân phúc trước Thiên Chúa
và loài người”.
Bài huấn giáo
Trong
phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “sự hăng say loan
báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ hai mươi ba này có
tựa đề: “Thánh Charles de Foucauld, con tim bác ái trong cuộc sống âm thầm”.
Đức
Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng
ta tiếp tục cuộc gặp gỡ với một số chứng nhân đầy lòng nhiệt thành trong việc
loan báo Tin mừng. Hôm nay, tôi muốn nói với anh chị em về một người đã để Chúa
Giêsu và những anh chị em nghèo khổ nhất làm cho say mê trong cuộc sống. Tôi
muốn nói đến thánh Charles de Foucauld, “đi từ kinh nghiệm nồng nhiệt về Thiên
Chúa, đã thực hiện một hành trình biến đổi đến độ cảm thấy mình là anh em của
tất cả mọi người” (Fratelli tutti, 286).
Bí quyết của thánh Charles
Đâu là
bí quyết cuộc sống của thánh nhân? Sau khi trải qua tuổi trẻ xa Chúa, không tin
tưởng gì ngoài việc tìm kiếm lạc thú tháo thứ, Charles de Foucauld đã tâm sự
với một người bạn không tín ngưỡng, mà sau khi hoán cải, đã đón nhận ơn tha thứ
của Thiên Chúa trong phép giải tội, đã cho người bạn ấy biết lý do tại sao mình
sống. Người viết: “Tôi đã say mê Đức Giêsu thành Nazareth”. Qua đó, anh Charles
nhắc nhở chúng ta rằng bước đầu tiên để loan báo Tin mừng là có Chúa Giêsu ở
trọng tâm con tim, “là say mê Chúa”. Nếu điều đó không xảy ra thì khó lòng
chúng ta thành công trong việc tỏ Chúa qua cuộc sống. Trái lại, chúng ta có
nguy cơ nói về chính chúng ta, về nhóm của ta, về một luân lý, hoặc tệ hơn nữa
về một mớ các luật lệ, chứ không nói về Chúa Giêsu, về tình yêu, lòng thương
xót của Chúa. Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi có Chúa Giêsu ở trọng tâm con tim,
tôi có say mê Chúa hay không?
Anh
Charles say mê Chúa đến độ đi từ sự thu hút vì Chúa Giêsu đến sự noi gương
Chúa. Được cha giải tội khuyên bảo, anh Charles đã đến Thánh địa, viếng thăm
các nơi Chúa đã sống để bước đi tại nơi Thầy đã đi qua. Đặc biệt, tại Nazareth,
thánh nhân hiểu là phải học nơi trường của Chúa Kitô. Sống một tương quan mật
thiết với Chúa, trải qua nhiều giờ đọc các Tin mừng và cảm thấy mình là một
người em bé nhỏ của Chúa. Và khi nhận biết Chúa Giêsu, nảy sinh nơi anh Charles
ước muốn làm cho Chúa được người khác biết đến. Trong bài bình luận về trình
thuật cuộc viếng thăm của Đức Mẹ nơi bà Elisabeth, anh Charles để Chúa nói: “Ta
đã hiến thân cho thế giới; hãy mang Ta cho thế giới”. Đồng ý, nhưng làm thế
nào? Như Mẹ Maria trong mầu nhiệm viếng thăm: “trong thinh lặng, bằng gương
lành, bằng cuộc sống”. Bằng cuộc sống, vì trọn cuộc sống của chúng ta, như anh
Charles đã viết, phải gióng lên Tin mừng”.
Gióng lên Tin mừng
Vì thế,
anh Charles quyết định đến sống ở những miền xa xăm để gióng lên Tin mừng trong
thinh lặng, sống trong tinh thần Nazareth, trong thanh bần và ẩn dật. Anh đến
sa mạc Sahara, giữa những người không Kitô, và tại đó, có một người bạn và anh
em, mang sự dịu hiền của Chúa Giêsu - Thánh Thể. Anh Charles để Chúa Giêsu hành
động trong thầm lặng, với xác tín rằng “đời sống Thánh Thể” loan báo Tin mừng.
Thực vậy, anh tin rằng Chúa Kitô là người đầu tiên loan báo Tin mừng. Và thế là
anh cầu nguyện nơi chân Chúa Giêsu, trước Nhà Tạm, hàng chục giờ mỗi ngày, xác
tín rằng sức mạnh loan báo Tin mừng là ở tại đó, và cảm thấy chính Chúa Giêsu
mang anh đến gần bao nhiêu anh chị em xa gần. Còn chúng ta, - tôi tự hỏi, - chúng
ta có tin nơi sức mạnh của Thánh Thể hay không? Việc chúng ta đến với những
người khác, việc phục vụ của chúng ta có tìm thấy tại đó, trong việc thờ lạy
Thánh Thể khởi sự và hoàn tất hay không?
Kitô hữu là tông đồ
“Mỗi
Kitô hữu là một tông đồ”. Anh Charles đã viết như thế cho một người bạn giáo
dân, và nhắc nhở cho người ấy rằng “cạnh các linh mục, cần có những giáo dân
nhìn thấy điều mà linh mục không thấy. Họ loan báo Tin mừng qua sự gần gũi bác
ái, với lòng từ nhân đối với mọi người, một lòng quý mến luôn sẵn sàng hiến
thân”. Anh Charles, qua cách thức đó, đi trước thời đại Công đồng chung Vatican
II, trực giác được tầm quan trọng của giáo dân và hiểu rằng việc loan báo Tin
mừng thuộc về toàn thể Dân Chúa. Nhưng làm sao chúng ta có thể gia tăng sự tham
gia ấy? Thưa, giống như anh Charles đã làm: nghĩa là quỳ gối và đón nhận hoạt
động của Thánh Linh, Đấng luôn khơi lên những cách thức mới để làm cho can dự,
gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại, luôn luôn trong sự cộng tác và tín nhiệm, hiệp
thông với Giáo hội và với các mục tử.
Ngôn sứ thời nay
Thánh
Charles de Foucauld, là nhân vật ngôn sứ cho thời đại chúng ta ngày nay, đã làm
chứng về vẻ đẹp của việc thông truyền Tin mừng, qua việc tông đồ dịu dàng:
thánh nhân, cảm thấy mình là người anh em đại đồng, đón nhận tất cả, tỏ cho
chúng ta sức mạnh loan báo Tin mừng của sự dịu dàng. Người muốn rằng bất kỳ ai
người gặp đều thấy qua sự tốt lành của anh lòng từ nhân của Chúa Giêsu. Thực
vậy, anh nói mình là “người phục vụ một người tốt lành hơn tôi nhiều”. Sống
lòng từ nhân của Chúa Giêsu đưa thánh nhân lập những mối liên hệ huynh đệ và
thân hữu với những người nghèo, với những người Tuareg, những người xa lạ với
tâm thức của anh. Dần dần, những mối liên hệ ấy sinh ra tình huynh đệ, bao gồm,
đề cao giá trị văn hóa của người khác. Lòng từ nhân đơn sơ và đòi những người
đơn sơ không sợ trao tặng một nụ cười. Anh Charles nói về vấn đề này rằng “nụ
cười làm cho người ở cạnh trở nên vui tính, làm con người xích lại gần, giúp họ
hiểu nhau hơn, làm cho người có tính tình u tối trở nên vui tươi: đó là một
việc bác ái”. Vậy, chúng ta hãy tự hỏi xem mình có mang tâm hồn và cho tha nhân
niềm vui Kitô, không phải chỉ là một sự vui vẻ, nhưng là đức bác ái trong tâm
hồn. Niềm vui là nhiệt kế đo sức nóng của việc loan báo Chúa Giêsu chúng ta
thực hiện, Chúa là Tin mừng cho tất cả mọi người”.
Chào thăm và mời gọi
Bài
huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc
các ngôn ngữ khác nhau, như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập và Ba Lan
cùng với lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.
Với các
tín hữu nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt chào các nhóm học sinh và giáo
dân đến từ Thụy Sĩ, Côte d’Ivoire bên Phi châu, từ Pháp và Maroc, trong đó cũng
có một phái đoàn của Học viện Thần học đại kết ở Al Mowafaqa, được Đức Hồng y
Cristobal Lopez Romero, người Tây Ban Nha, Dòng Don Bosco, hiện là Tổng giám
mục Giáo phận Rabat bên Maroc, và bà Mục sư Karen Smith, người Mỹ, Chủ tịch Hội
đồng Giáo hội Tin lành ở Maroc hướng dẫn.
Khi
chào bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha chào các nhóm đến từ Ailen, Na Uy, Việt Nam,
Canada, Mỹ, Indonesia, Malaysia và Philippines. Ngài cũng nhắc đến các sinh
viên trẻ đang tham dự cuộc Hội luận quốc tế ở Roma về hòa bình, các linh mục ở
Mỹ đang tham dự khóa bồi dưỡng ở Học viện Bắc Mỹ. Ngài cầu chúc tất cả được
niềm vui và an bình của Chúa Giêsu Kitô.
Riêng
với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc đến kỷ niệm 45 năm Đức Hồng y Karol
Wojtila được bầu làm Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài nói: “Dưới triều đại của
người, vang dội lời kêu gọi hãy mở toang các cánh cửa cho Chúa Kitô. Điều này
đã mang lại thành quả với các cuộc hoán cải bản thân cũng như những thay đổi xã
hội tại nhiều nước, cho đến bấy giờ vẫn khép kín đối với Chúa Kitô. Noi theo
gương của vị thánh Giáo hoàng này, anh chị em hãy tiếp tục công cuộc tái truyền
giảng Tin mừng do người khởi xướng.”
Sau
cùng bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm và nhắc đến nhiều nhóm khác nhau và
ngài không quên nhắc đến các bạn trẻ, bệnh nhân và các đôi tân hôn đồng thời,
đồng thời nói rằng: “Hôm nay là lễ thánh Luca, Tin mừng của ngài nhắc nhở chúng
ta rằng sứ mạng của Giáo Hội chỉ có thể thực hiện nếu chúng ta kết hiệp
mật thiết với Chúa, trong kinh nguyện, và hoàn toàn đặt mình trong tay Chúa. Và
xin anh chị em vui lòng tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đặc biệt là
tại Ucraina đau thương.”
Buổi
Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.