B. ĐẠO CÔNG GIÁO ĐÒI LỘI NGƯỢC DÒNG

 

 

1. Thế gian sẽ ghen ghét bắt bớ các con.

 

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã an ủi các môn đệ, chỉ vẽ tường tận kế hoạch cứu thế được nối dài qua tay các ngài, và khích lệ tất cả mạnh dạn đi theo bước chân ngài đã đi. Trọng đại hơn cả là sau đó, Chúa đã sai Thánh Thần xuống để soi sáng và tăng cường sức mạnh cho từng người.

 

Chương trình rao giảng Tin Mừng từ đó lan rộng tới mọi hang cùng ngõ hẻm của thế gian. Bảy Nhiệm Tích được trao gửi như bảy máng thông ơn giúp người đời lãnh nhận phúc lộc từ trời, cũng như để họ đứng vững trước sự tấn công của địch thù quỷ ma.

 

Chúa Thánh Thần thường xuyên đóng vai trò hướng dẫn tâm trí các tìn hữu để có một cái nhìn chính xác về tương quan của họ với Thiên Chúa, về ý nghĩa Ơn Cứu Chuộc trong đời họ, về tầm hiểu biết sâu xa đối với Đức Kitô là Thầy và họ là môn đệ. Sự hiểu biết này đòi hỏi liên tục noi gương Ngài, Đấng đã tới để xả thân phục vụ chứ không mong được kẻ khác phục vụ mình, nhất là lại còn hiến mạng sống mình đền tội thế nhân.

 

Điều nghịch lý và gây tình trạng khó hiểu ở đây là ta càng theo chân Chúa để tìm cách cứu vớt trần gian thì ta càng gặp sự chống đối và ác cảm. Chúa đã đến với dân riêng, với thân nhân, với bằng hữu của chính Ngài, nhưng họ đã phủ nhận và xua đuổi Chúa. Để rồi hôm nay, hiểu lời Chúa tiên báo rằng môn đệ sẽ không trọng hơn Thầy, ta sẽ sẵn sàng để đi vào cùng con đường đầy chông gai thù hận Chúa đã đi xưa.

 

Ta rao giảng lòng khiêm tốn nhường nhịn ư ? Người đời sẽ chê bai ta là khờ khạo không thực tế. Nếu ta sống và kêu gọi sống cuộc đời quên mình, vác thánh giá mà bước vào con đường khổ nạn mong tiếp tay với Chúa trong kế hoạch Cứu Chuộc, trần gian sẽ đối kháng, bởi họ luôn tìm lối sống an nhàn dễ dãi và chỉ mong xây đắp cuộc hạnh phúc vật chất ngay tại thế giới này. Đôi lúc hăng say mà quảng bá lời Phúc Âm “Nếu con bị vả nơi má này, hãy đưa cả má kia cho người ta vả nữa”, ta sẽ bị lên án là mắc bệnh thần kinh !

 

Đấy, sự khác biệt giữa chủ trương của thế nhân và đường lối của Chúa Kitô là như thế. Tránh sao khỏi chuyện xung khắc va chạm ! Một khi ta muốn trung thành với Vị Thầy Chí Thánh, ta phải chấp nhận cái kết quả đối kháng phiền toái trên đây.

 

Ngày Chúa Giêsu đặt chân lên đỉnh đồi để giảng vế Tám Mối Phúc Thật, Chúa cũng đã hoàn toàn ý thức về những khó khăn liên hệ tới giáo thuyết của Ngài. Người đời luôn lao đầu đi kiếm tìm của cải bạc vàng mà Chúa lại kêu gọi tinh thần nghèo khó thanh bần. Trần gian đêm ngày tranh chấp đòi cho được quyền lợi tối đa mà Chúa cứ đòi họ phải nhường nhịn an hòa. Nhân loại lúc nào cũng ngại khổ, sợ khó, mà Chúa chỉ hứa chúc phúc cho những ai biết hy sinh vì Nước Trời… Nhất nhất Hội Thánh đều vẽ ra một cảnh trái cựa tương phản đến tận gốc rễ.

 

Phải rồi, Chúa đã cắt nghĩa thật rõ cho các môn đệ : Trần gian sẽ ghét bỏ các con vì các con không thuộc và chẳng muốn thuộc về họ. Đặc biệt hơn nữa là họ không chấp nhận Thầy và đường lối của Thầy. Thành ra Chúa đã phải nói thẳng ra một sự thật đau lòng, gây bàng hoàng lo sợ cho những kẻ yếu bóng vía : “Thầy sẽ sai các con ra đi, như chiên bước vào giữa bầy sói dữ. Họ sẽ trục xuất các con ra khỏi hội đường. Họ sẽ hành hạ và giết chết các con, đang khi tưởng mình phục vụ Thiên Chúa. Các con sẽ phải than vãn khóc lóc, giữa lúc trần gian hoan hỷ vui mừng…”

 

Lịch sử Giáo Hội Công Giáo đã minh chứng lời loan báo của Chúa được thực hiện từng chữ từng câu. Các tông đồ của Chúa đã lần lượt bị người đời bắt bớ hành hạ rồi đem hành hình. Riêng Gioan tuy không chịu tử vì đạo, nhưng cuối đời đã ôm ấp muôn vàn hy sinh cay đắng. Cách riêng với Phaolô, người được Chúa tuyển chọn làm Tông Đồ Dân Ngoại, đã triền miên đón nhận khổ đau vì Danh Chúa cho tới ngày gục chết dưới lưỡi gươm oan nghiệt tại giáo đô La Mã.

 

Nối tiếp bước đường của các ngài, hàng ngàn hàng vạn Kitô hữu đã can đảm đi theo tiếng Chúa gọi và chấp nhận bao trận cuồng phong bão tố của ghét ghen, kỳ thị, bắt bớ, tra tấn và hành hình. Ngay trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, các tín hữu trong đế quốc Rôma đã phải chịu nhục nhằn ròng rã ba thế kỷ, với bao nhiêu trăm ngàn sinh mạng phải hy sinh ngã gục. Để rồi ta có những Cêcilia, Agatha, Lucia, Lôrensô, Ignatiô, Antiochia, Polycarpô… như những bông hoa đầu mùa thượng tiến lên Tòa Chúa, tiếp sau của lễ toàn thiêu của các thánh Tông Đồ.

 

Việc thế gian ghen ghét bắt bớ con cái Chúa còn thường xuyên tiếp diễn với thời gian, qua nhiều hình thức khác nhau, lúc thăng lúc trầm, khi âm thầm lúc ồn ào hung dữ. Tới khi Đạo Thánh được truyền qua miền Viễn Đông để hạt giống Phúc Âm được gieo vãi trên đất nước Việt Nam, câu chuyện bách hại tôn giáo lại được thực hiện tương tự như thời đầu của Hội Thánh : Cũng gần ba trăm năm tang tóc u buồn, với hơn một trăm ngàn nạn nhân bỏ mình vì Đức Tin cao cả.

 

Với sự kiện bao nhiêu sinh linh đổ máu đào ra vì Danh Chúa, Công Đồng Vatican II, nơi bản Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, đã tuyên bố : “Ngay từ đầu, một số tín hữu đã được kêu gọi làm chứng cho tình yêu tột đỉnh trước mặt mọi người, cách riêng những kẻ bách hại mình. Do đó, qua việc đổ máu mình ra, người đồ đệ trở nên giống Thầy của mình, Đấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu chuộc thế gian, được Giáo Hội coi như một hồng ân tuyệt vời và một bằng chứng cao cả của tình yêu. Và tuy rằng hồng ân ấy được ban cho một số ít người, nhưng tất cả phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt mọi người, và đi theo Ngài qua con đường thánh giá giữa những cơn bách hại hàng ngày xảy ra cho Giáo Hội”.

 

Thế nghĩa là cho đến tận thế, Giáo Hội Công Giáo vẫn ý thức và trung thành với lập trường cố hữu ban đầu. Như người Mẹ nhân lành, Giáo Hội đêm ngày nhắn nhủ đàn con phải hiểu và chấp nhận lời dặn dò của Đấng Sáng Lập Đạo Mới.

 

Cái khổ đau, cái nhục nhằn, cái chống đối ta chịu vì Chúa ở đây thực sự đã được Ngài ấn định cho tất cả những ai muốn chấp nhận Ơn Cứu Chuộc và quyết tâm đi theo bước Ngài đi. Do đó thánh Phaolô mới tuyên bố với tín hữu Côrinthô trong lá thơ thứ hai gửi họ rằng ngài chỉ là kẻ thừa hành của Chúa trong việc nhẫn nại chịu đựng mọi thử thách, thiếu thốn và cơ cực : đòn vọt, giam cầm, loạn lạc, nhọc nhằn, khinh chê và xua đuổi.

 

Hiểu được thế, ta sẽ không quá sợ hãi bỡ ngỡ. Niềm tin yêu sẽ là động lực thúc đẩy mọi cố gắng trong đời phục vụ theo chân Chúa của ta.

 

2. Ôm ấp Thánh Giá Chúa gửi.

 

Câu chuyện Giáo Hội khích lệ ta lội ngược dòng vì Danh Chúa bắt nguồn từ lời mời gọi của chính Chúa Giêsu : “Ai muốn theo Ta, hãy cố hy sinh bản thân mà vác Thánh Giá hằng ngày để can đảm theo vết bước của Ta”.

 

Đây là điều kiện căn bản thường nhật cho mọi Kitô hữu, dẫu không phải đối diện với chuyện cấm cách bách hại để tới chỗ phải đổ máu đào ra vì Chúa như các Vị Tử Đạo. Ở đây, can đảm ôm ấp Thánh Giá phải là một thói quen, một thái độ, một nhân đức bao trùm và thấm nhập vào mọi tâm tư và sinh hoạt của từng người.

 

Thật ra Chúa không nghiêm khắc đòi hỏi ta phải đêm ngày đi kiếm tìm để cung cấp cho mình càng nhiều Thánh Giá càng tốt. Điều chính yêu ở đây là mỗi khi gặp phải điều buồn bực trái ý, ta hãy vì Chúa mà đón nhận, ít ra là để đền tội lỗi riêng mình cũng như để góp phần nhỏ với Chúa trong kế hoạch dùng khổ đau và sự chết của Ngài mà cứu chuộc trần gian.

 

Như thế, thái độ can đảm và quảng đại đón nhận này sẽ trở thành chuyện cơm bữa hằng ngày của người Kitô hữu, khởi sự với những điều trái ý nhỏ mọn nhất cho tới những tai ương hoạn nạn to lớn nhất trong đời. Làm như thế, theo các nhà tu đức học, ta còn có cơ hội tạo công nghiệp để đáng Chúa thưởng, tùy theo mức độ lòng mến Chúa của từng tâm hồn khi đón nhận khổ đau. Mẫu gương đặc biệt của Nữ Thánh Têrêsa Hài Đồng sống có ít năm ngắn ngủi trong tu viện, xem chừng chẳng có tai ương đáng kể nào để phải khốn đốn, mà Chị Thánh đã lập được công nghiệp vĩ đại về đường thiêng liêng nhờ ôm ấp và thánh hóa những điều trái ý và khó chịu bé nhỏ hằng ngày.

 

Dĩ nhiên, trước mắt người đời, cái thái độ “mềm yếu nhu mì” nói trên cơ hồ khó được chấp nhận. Họ luôn đòi vùng lên để chạy trốn điều khó chịu hầu đạt cho bằng được ý riêng của mình, và như thế mới là anh hùng hảo hán. Họ nhìn vào cách sống của các Kitô hữu chân chính với con mắt khinh bỉ và thương hại, nghĩ rằng theo Chúa kiểu đó chẳng khác chi chọn lối sống điên khùng, bởi đã bị “Ngài Giêsu” tẩy não ! Chả làm sao họ hiểu được rằng hạt lúa thối đi sẽ là hạt lúa hứa hẹn những bông lúa mới tốt tươi, cũng như sẵn sàng chấp nhận cái chết với Chúa là bắt đầu sống lại với Ngài.

 

Chúa xuống trần gian không nhằm tiêu diệt khổ đau. Ngài cũng không mong cắt nghĩa tại sao có đau khổ hay biện minh cho nó. Trước sau, Chúa chỉ làm gương nhận lãnh nỗi đớn đau tột đỉnh cùng với cuộc Tử Nạn trên Thánh Giá, để rồi biến cải, rồi chuyển hóa nỗi đau thương đó thành nguồn hoan lạc Phục Sinh và giá cứu độ cho cả nhân loại.

 

Kể từ dịp đó, Chúa liên lỉ mời gọi ta theo vết bước Ngài đã đi để tiếp tay với Ngài. Bóng Thánh Giá trên đồi Canvê xưa một lần đã bị nhạo cười là bóng hình, là tượng trưng cho sự rồ dại lớn lao nhất, bây giờ vẫn còn tiếp tục bị khinh bỉ chê bai. Theo Chúa, ta không thể muốn tìm tránh cái tình trạng hẩm hiu bất hạnh này trước mặt trần thế.

 

Ngặt một nổi, như Kinh Thánh thường bảo ta, Chúa lại thích gửi khổ đau thánh giá cho những thành phần được Chúa tin cậy mến thương. Thành ngữ “người lành chịu khổ” đã từng là đề mục bàn cãi sâu rộng nơi sách Cựu Ước : Một Abel chăn chiên hiền lành, một Giuse ngoan ngoãn bị bán qua Ai Cập, một Gióp đạo đức bị đủ mọi thứ tai ương… Tất cả đã hùng hồn chứng minh nẻo đi nhiệm lạ của Thiên Chúa, để rồi câu chuyện được đưa tới chỗ cao điểm khi chính Con Một của Ngài đã nhập thể đóng vai Con Chiên Thánh vô tội bị điệu đi xén lông và tế lễ.

 

Ta theo Chúa, ta muốn góp phần hy sinh, muốn hăm hở vác thánh giá theo Ngài, nhưng ta không được quyền chọn lựa loại thánh giá vừa ý ta. Trái lại, phải sẵn sàng đưa vai ra vác mọi cây gỗ tạo thương đau, dẫu nặng dẫu nhẹ, dẫu xù xì hay trơn tru, dẫu dài hay ngắn. Vì thế, tác giả Louis Evely đã viết rằng người Kitô hữu nào cũng có thể nên thánh, nhưng chỉ có thể trở thành vị thánh mà mình không muốn. Nói khác đi, ta không được quyền theo ý riêng để chọn loại thánh giá mình ưa thích trên đường đi tìm Chúa, nhưng phải đón nhận ý Chúa ở mỗi trường hợp, mỗi hoàn cảnh.

 

Với việc đi tìm Chúa, tuy ta không bị luật buộc tạo thánh giá cho mình vác, nhưng một khi thật sự mến Chúa và muốn góp phần với Ngài, ta sẽ thấy sướng vui khi tình nguyện nhận lãnh những phiền toái cho đời mình, khi hy sinh chối từ những thú vui trần tục, khi hãm mình xa lánh những điều mơ ước tự nhiên của xác thân.

 

Theo Chúa, Ta cũng cần học hy sinh trong âm thầm, học vác thánh giá với sự hiện diện của Chúa và chính ta thôi, thay vì hãnh diện vác cây thánh giá vàng son đi đầu cuộc rước trọng thể. Đức Giám Mục Nguyễn văn Thuận có phân biệt 3 hạng người : Hạng hy sinh không muốn ai biết ; Hạng hy sinh mà muốn mọi người biết ; hạng không hy sinh nhưng lại muốn khoe để ai cũng biết mình hy sinh ! Dĩ nhiên, chỉ có loại người thứ nhất mới đi vào kế hoạch của Chúa.

 

Ta không bắt chước đám người Thanh Giáo (Puritan) xưa cố gắng mua Thiên Đàng bằng cái giá đau khổ đời này, nhưng tiên vàn ta muốn chia sẻ cái… dại khờ Chúa đã chọn xưa khi quyết định chịu nạn và chết để đem Ơn Cứu Chuộc cho trần gian. Hơn nữa, ta cố hiểu Lời Chúa tuyên bố “khổ đau hiện diện để làm vinh danh Chúa trên trời”, qua hai lần Chúa làm phép lạ trong Phúc Âm, một lần để chữa người mù từ bẩm sinh và một lần cho Lagiarô sống lại.

 

Phanxicô thánh Assisi đã thấy rõ giá trị của nhưng thánh giá ta tình nguyện vác vì Chúa, để rồi ngài tận tình đem ra thực hành trong lối sống dòng mới thành lập. Có lần, vừa đi công tác tông đồ với thầy bạn là Lêô, thánh nhân lên tiếng bàn luận về đường tu đức và niềm vui siêu nhiên. Thấy ngài nói hay quá, thầy Lêô chất vấn :

 

- Vậy trong thực hành, nếu từ nay mình năng mời người nghèo khó khổ đau tới bố thí và ủi an thì đã có niềm vui ý nghĩa chưa ?

- Chưa đâu. Mình phải chịu khó vất vả đi tìm họ để đỡ nâng mọi mặt nữa.

- Nếu mình cố làm thế, đã đủ lý do để trọn vui chưa ?

- Chưa đâu. Mình cần thấy họ nhận ơn mà vô ơn, để rồi chửi mắng lại mình nữa cơ.

- Vậy thêm chi tiết đó có cho phép mình vui thật chưa ?

- Vẫn chưa đâu, chỉ vui thật khi họ chửi mắng mình thậm tệ xong, họ kéo bè bạn tới hành hung đánh đập mình bị nhiều thương tích, rồi bỏ mặc mình dở sống dở chết giữa chốn đồng hoang, nhưng mình luôn tươi cười vì được có cơ hội chịu đựng với Chúa !

 

Cũng trong đường hướng ôm ấp thánh giá đó, thánh Têrêsa Avila đã cố tìm được bí quyết hạnh phúc người theo Chúa, sau bao ngày mò mẫm công phu, để rồi mỉm cười tâm sự với Chúa : “Đường lối Chúa cư xử với các bằng hữu Ngài ‘khó thương’ như thế, chả trách được con số bạn tâm giao của Ngài lúc nào cũng xem ra quá ít ỏi !”

 

Phải rồi, đường về trời vinh quang với Chúa đêm ngày luôn được trải với gai góc sỏi đá khó đi. Chỉ có những ai thấu hiểu được tâm tình của Chúa mới dám can đảm lên đường. Mà thành phần bền lòng vững chí cho tới giây phút cuối đời cũng không lấy chi làm khả quan khích lệ.

 

Để bù lại, Chúa hứa ban ơn yên ủi đặc biệt cho những ai trung thành với Ngài trên đường khổ giá. Như cách diễn tả của Phaolô, nhờ vui lòng mang trong mình những thương tích khổ nạn của Đức Kitô, mà chúng ta sẽ gặp được sự sống của Ngài biểu lộ trong chính thân thể mình, để rồi, dẫu bề ngoài xem chừng tiều tụy mỏi mòn, nhưng bên trong sẽ luôn giữ vẻ tươi vui mới mẻ.

 

Đương nhiên, tâm trạng dại khờ vì Chúa đây, sau một thời gian tạm bợ đầy dẫy gian nan, sẽ được đáp đền với vinh quang cao cả trong Nước đầy hạnh phúc vĩnh cửu.

 

3. Được nhưng không, hãy cho nhưng không.

 

Trước hết ta hãy tự xét mình xem Chúa đã cho ta những gì kể từ lúc bước chân vào đời ? Làm sao chối bỏ được những tặng phẩm kết xù, từ đời sống với xác và hồn kết liên cho ta sự hiện hữu đầy giá trị giữa vũ trụ ; rồi là ơn quan phòng chăm sóc ; rồi tới bao ơn huệ vật chất cùng tinh thần tính đến ngày hôm nay, tích cực cũng như tiêu cực, những ơn huệ mà, suy cho kỹ, con  người kém cõi tầm thường của ta không bao giờ đáng lãnh nhận. đặc biệt hơn nữa là những ơn phúc thiêng liêng ta thụ hưởng qua trung gian Giáo Hội, cách riêng từ phép MìnhThánh Chúa thường xuyên bổ sức linh hồn ta, cũng như từ phép Xá Giải để ta được Chúa thứ tha trọn vẹn mọi tội lỗi mỗi lần ta đến để hướng dẫn đi vào nẻo đường khôn ngoan công chính. Rồi là ơn chở che bênh vực ta thoát khỏi những mưu chước và tấn công của địch thù là quỷ ma.

 

Và như thế, ta được mời gọi san sẻ lại với tha nhân những điều đã được nhưng không từ bàn tay từ ái của Chúa. Chúa đòi ta san sẻ và cho đi theo cung cách Chúa đã làm cho chính chúng ta, không tính toán, không giới hạn, không đắn đo.

 

Yếu tố hệ trọng nhất, cao cả nhất mà ta phải cho đi nhưng không ở đây là tình thương yêu thật chân thành. Ta cho tình yêu đó cho Chúa, Ngài sẽ thánh hóa để làm thành căn bản của món quà đổi trao phúc lộc này, cũng như trở nên bằng chứng ta đã đi vào đường của Chúa. Dịp hiện ra với Nữ Thánh Magarita Maria, Chúa Giêsu đã yêu cầu bà cho Chúa trọn con tim. Đương nhiên, ngài không chỉ muốn giữ lại con tim và tình yêu đó cho mình ngài, nhưng sau đó Thánh Nữ sẽ nhân danh Chúa mà dùng tình thương siêu nhiên đó để chăm sóc lo lắng cho tha nhân.

 

Một khi chương trình “cho đi” được khởi sự với cái bảo chứng yêu thương làm nền tảng đó, người Kitô hữu sẽ biết sau đó phải làm gì. Trái tim sẽ tự động truyền mệnh lệnh cho trí óc đem ra thi hành những gì nơi tha nhân. với một tình thương cao vượt và không biên giới đó, ta sẽ nhìn ra mọi người là hình ảnh Chúa, là thành phần của Đại Gia Đình Thiêng Liêng, là anh em bằng hữu chân thật của chính mình.

 

Thế là, thay vì chỉ nghĩ tới bản thân, ta sẽ dấn thân trong cuộc sống tông đồ theo ý nghĩa đích thực : song song với việc lo lắng cho lợi ích của linh hồn mình, ta cũng sẽ đồng thời lưu tâm giúp đỡ và khích lệ các linh hồn khác được tăng triển trong thánh ân của Chúa.

 

Bước tiên phong là tìm cho bằng được kho tàng Nước Trời vô giá được che giấu đâu đó, để rồi sắp xếp bán mọi thứ mình có mong mua bằng được mảnh đất chứa đụng kho tàng này. Với niềm tin vững chắc chìa khóa kho báu trong tay, ta sẽ luôn dễ dàng nâng tâm hồn lên trời với Chúa và dành nhiều thời gian làm việc cho vườn nho thiêng liêng.Một lần nữa, người đời sẽ lại cười chê ta là dại dột, là ảo tưởng, vì ta cứ đặt giá trị cuộc sống ở mãi tận … đâu đâu !

 

Không luôn dễ để ta vượt lên khỏi những lời chê cười liên tục đó, nhưng một khi đã nhìn ra hướng đi xác đáng của đời Kitô hữu, ta sẽ biết cố gắng chiến thắng tất cả. Để ghi tên gia nhập nhóm thợ làm vườn nho Nước Trời, ta phải hiểu rằng đây chẳng những chỉ là một lời mời gọi muốn đáp lại hay không tùy ý, nhưng quả thật nó còn là một sứ mạng căn bản của đời mình, nếu ta muốn là kẻ theo Chúa đúng nghĩa.

 

Đây là ý nghĩa cao cả của sứ mạng Tông Đồ Giáo Dân. Mỗi cá nhân, sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, phải biết tham gia vào những công tác mưu phần ích thiêng liêng cho người đồng loại, bởi vì theo Chúa là phải tiếp tay với Ngài để loan truyền ơn cứu rỗi cho tất cả, không trừ một ai. Đã đành ta có phận sự lo lắng cho mình cũng như gia đình mình, nhưng đồng thời ta cũng phải nghĩ đến tha nhân để dành ra ít thời giờ mà giúp đỡ họ, nhất là những phần tử hẩm hiu xấu số, đặc biệt những kẻ chưa được ánh sáng đức tin chiếu soi cho.

 

Ta sẽ vất vả hơn, sẽ bận bịu hơn, sẽ thiệt thòi hơn. Đúng lắm ! Nhưng đạo Công Giáo là thế, đòi ta sống như thế. Dụ ngôn nén bạc trong Phúc Âm đòi ta phải sinh lợi cho Nước Chúa và tha nhân, chứ không được phép giữ khư khư cho riêng mình, như kiểu người chôn vùi nén bạc trong lòng đất. Hai chữ phục vụ phải luôn luôn có trên môi và ăn sâu vào trái tim ta để rồi được đưa ra thực hành, theo mẫu mực của chính Đấng đã tới “để phục vụ chứ không nhằm được phục vụ”. Mà muốn phục vụ thì phải biết ra khỏi cái tôi ích kỷ và lười biếng của mình, đống thời phải gánh chịu mất mát thiệt hại nơi chính con người của chúng ta.

 

Đọc chuyện vị bác sĩ danh tiếng Albert Schweitzer, ta được biết như sau : sau một thời gian ngắn được bổ nhiệm làm giáo sư đại học Strasbourg, một hôm Schweitzer ghé chơi nhà một người bạn thân, người này lên tiếng hỏi :

- Trong đời ông bây giờ ông còn mơ ước chi nữa không ?

- Hết rồi.

- Sao thế ?

- Tôi đang sung sướng với cái ghế giáo sư, lại thoải mái với chương trình viết văn đang thành công, cùng với cái thú học và chơi phong cầm.

 

Chỉ hai hôm sau, Schweitzer lại tới nhà bạn và lên tiếng thanh minh :

- Này ông bạn, tôi buộc lòng sắp phải từ giã cả ba điều tôi yêu thích hôm nọ mới nói tới.

- Sao thế ?

- vì tôi vừa đọc thấy đoạn Phúc Âm kể chuyện anh phú hộ và chàng Lazarô nghèo khổ. Tôi đang là anh nhà giàu, còn đám dân khốn đốn đang ở các thuộc địa phi Châu đang là những chàng Lazarô của tôi. Tôi nhất quyết nay mai sẽ ra đi…

 

Quả thật, sau đó vị bác sĩ đầy từ tâm đã bỏ tất cả để lên đường phục vụ. Ông đã dâng cả cuộc đời còn lại cho tha nhân.

 

Với mẫu gương của Albert Schweitzer, ta cũng phải học mở mắt ra để nhận được bóng dáng những Lazarô khác ở gần chỗ mình. Hãy cùng với một Vinhsơn Phaolô hay một Mẹ Têrêsa mà lắng nghe tiếng Chúa gọi mời ta từng phút giây. Bảo rằng việc phục vụ kiểu đó chỉ là dành cho các linh mục, tu sĩ thì quả là một sai lầm lớn lao. Chúa đòi mỗi người phải tùy hoàn cảnh và khả năng hiện có trong bậc sống mà phục vụ, mà hiến dâng, mà cho đi.

 

Bao nhiêu tấm gương hào hùng trong Giáo Hội chẳng những đã tạo nên những vị thánh mẫu mực của lòng bác ái vị tha, mà còn ghi vào lòng thế nhân những hình ảnh đáng kính tôn cảm phục khó phai : Cha Maximilien Kolbe hy sinh chết thay cho người bạn tù trong trại giam Quốc Xã của Thế Chiến thứ II ; Linh mục Damien ai cũng biết đến như vị tông đồ số một của nhóm người cùi hủi nơi đảo Molokai giữa Thái Bình Dương ; Tu sĩ Junipero Serra xả thân truyền giáo và mở mang dân trí cho đám người da đỏ Mỹ Châu thuộc cùng California. Các ngài đã hiểu sâu xa Lời Chúa đòi “được nhưng không thì hãy cho nhưng không”, cho không còn giữ lại chút gì của riêng mình.

 

Điều Chúa thực hiện được ở các ngài, Chúa cũng đang chờ mong để thực hiện ở chúng ta.


Trở về trang Mục Lục