A. NHỮNG ÁNG MÂY ĐEN THỜI ĐẠI

 

1. Ảnh hưởng từ những giáo phái tự do cấp tiến.

 

Vào khoảng thế kỷ thứ X, Giáo Hội Công giáo đã khổ đau vì câu chuyện “một nhà phân rẽ”, do các anh em Chính Thống tự tách ra đi theo con đường phượng thờ khác biệt.

 

Nhưng rồi phải đợi tới thế kỷ thứ XVI, người ta mới thấy niềm đau này lên tới tột đỉnh, khi Luther khởi xướng phong trào cải cách theo chiều hướng vô cùng tai hại : Ông đã mở màn cho một chuỗi hầu như vô tận, những nhóm Kitô hữu muốn sống đạo theo ý riêng. Từ hai ngã rẽ Tin Lành và Anh giáo, người ta đã đếm được có tới mấy ngàn giáo phái khác nhau. Các nhóm ly khai này cố gắng tự biện minh bằng cách đổ cho việc Chúa Thánh Thần linh ứng : Ngài soi sáng cho nhân loại hiểu Thánh Kinh qua nhiều cách khác nhau. Thế là họ được tự do cắt nghĩa Lời Chúa theo phương thức riêng của mình, bao nhiêu điều răn bảo vệ tín lý cũng như luân lý trong Giáo Hội Công giáo từ ngàn xưa đều bị đảo lộn thay đổi.

 

Điều đáng sợ hơn cả, mà chẳng may lại có sức hấp dẫn thu hút mạnh mẽ đối với người đời, là họ dựa vào câu nói của thánh Phaolô “ “Ơn cứu rỗi nhờ vào đức tin”, để tạo căn bản cho cuộc sống đạo cấp tiến của mình. Khi cắt nghĩa lệch lạc lời nói đó, họ ngang nhiên tuyên bố rằng chỉ cần có “lòng tin vào Chúa là đủ”, còn sau đó muốn làm chi thì   làm ! Những truyền thống cao đẹp của Giáo Hội sơ khai, những thực hành về phụng vụ, những tiêu chuẩn về việc lãnh nhận các phép Bí Tích giờ đây trở thành vô nghĩa với họ.

 

Kết quả cụ thể là họ quan niệm hết sức lệch lạc về tội lỗi, về hỏa ngục và luyện ngục. Họ chối bỏ giá trị đích thực của những việc lành phúc đức trong đời sống người Kitô hữu. Tất cả phát sinh từ căn gốc sâu xa trong tâm tư họ, đó là điều mơ ước được giữ đạo thoải mái theo ý riêng.

 

Thế là trong sinh hoạt hàng ngày, người ta buông thả theo những khuynh hướng tự   nhiên : Tự do luyến ái và hành lạc giữa nam nữ, ràng buộc hôn nhân lỏng lẻo, tha hồ thực hành ngừa thai với phá thai. Chuyện ly dị xảy ra như cơm bữa khắp nơi, chuyện thay vợ đổi chồng dễ dàng như thay áo.

 

Những ràng buộc luân lý từ lâu nay bị họ coi như lỗi thời cổ hủ. Mọi điều luật trong Hội Thánh được xếp loại như những chuyện bày đặt rườm rà do hàng giáo phẩm. Đặc biệt khi nhắc đến những chữ thập giá, hy sinh, người ta ngần ngại, thoái thác, viện cớ Chúa muốn cho nhân loại sống trong hạnh phúc thanh thản…

 

Thế là trong cái khung cảnh dễ dãi nhàn hạ đó, bao nhiêu giáo phái Tin Lành phát triển ào ạt. Họ hãnh diện vì mình thuộc những thành phần tôn giáo cải cách. Họ đã đánh trúng vào tâm lý “ham dễ ngại khó” của quần chúng để rồi thu hút cuốn lôi. Bao cá nhân cũng như gia đình nhẹ dạ đã rủ nhau gia nhập, để rồi chung nhau tậu mãi nhà thờ, thuê mướn mục sư. Họ tới nơi thờ phượng Chúa chỉ mong mỏi được thưởng thức những bài giảng hùng hồn hấp dẫn, được nghe những ca đoàn trình diễn cho thật êm tai, với những ca khúc hợp thời trang nhất, cung điệu lôi cuốn nhất. Sau đó là những trao đổi quan điểm xã hội, những cái bắt tay, những hình thức hội họp liên hoan. Phần thinh lặng cầu nguyện lòng bên lòng với Chúa, phần nghiêm chỉnh đón nhận ơn thiêng qua các Bí Tích thì hoàn toàn bị coi nhẹ hay quên lãng.

 

Cái hình thức giữ đạo trưởng giả nhung lụa ấy, đã dần dà gây ảnh hưởng qua một số không ít người Công giáo, nhất là tại các quốc gia Tây phương, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Rồi nữa, sau khi Công Đồng Vaticanô 2 tuyên ngôn về tự do tôn giáo, cũng như có thái độ thật cởi mở đối với các tôn giáo bạn, nhất là khi cho phép giáo dân nghĩ rằng, không phải chỉ có người theo Công giáo Rôma mới được cứu rỗi, nhiều người đã mượn đà và mượn cớ để đi thật xa, rồi vay mượn những lối sống dễ dãi của các tổ chức tôn giáo khác để thực hành.

 

Thế là bắt đầu có phong trào “Đạo tại tâm” : thôi thì hết tình tôn thờ kính mến Chúa trong lòng mình là đủ rồi, cần chi phải khoe khoang bày tỏ ra bên ngoài ! Thôi thì cứ ăn ngay ở lành, không trộm cướp giết người, không lừa gạt gian dối là xong, đâu cần bày vẽ thêm những thứ lỉnh kỉnh rườm rà, chỉ tổ tăng thêm tâm tư giả hình tai hại!

 

Và rồi còn nhiều chiêu bài với bình phong khác người ta lần lượt đem ra để bào chữa cho mình. Họ quên rằng Chúa đã công khai tuyên bố : “Đường lên trời thì chật hẹp nhỏ bé, với sỏi đá chồng chất và gai chông vây bọc” ! Bây giờ họ muốn lái xa Cadillac với xa lộ Hoa Kỳ thênh thang 4, 5 lanes!

 

Họ đã không hiểu rằng dẫu Chúa xuống trần chịu chết để cứu chuộc ta, nhưng rồi sau đó Chúa đòi ta thi hành những giới lệnh cần thiết để đáng hưởng phúc trường sinh, đặc biệt là phải “bỏ mình đi và vác thánh giá hàng ngày theo Chúa”. Họ đâu có được quyền cứ thong dong… ngồi mát ăn bát vàng !

 

Bây giờ là lúc ta phải hết sức cảnh giác. Nhiều bạn bè sẽ rỉ vào tai ta những luận điệu sai lạc đầy quyến rũ như trên. Hãy vững tâm hồn để xa tránh kẻo hiểu lầm ý nghĩa đạo “Chúa xuống làm người”, mà rồi “đưa người lên làm Chúa”.

 

Hãy khiêm tốn xin với Đấng Cứu Chuộc ta cho ta thâm tín đường lối của Ngài và gìn giữ ta trong chân lý ngàn đời của Ngài, dầu lối đi này có đòi hỏi mồ hôi, nước mắt hay ngay cả máu đào nữa.

 

2. Hậu quả do những gương xấu và khuyết điểm trong Giáo Hội.

 

Trong số 12 Tông đồ được chính Chúa Giêsu tuyển chọn, một ông đã bán đứng Chúa cho địch thủ, một ông thì sợ hãi chối Ngài tới ba lần. Còn lại 10 ông kia thì chạy tán loạn khi Thầy mình bị bắt. Cho đến lúc Chúa gục đầu chết trên thập giá, chỉ có một mình Gioan âm thầm đứng ở một góc nào đó…

 

Đâu còn gương xấu nào lớn hơn nữa trong Giáo Hội ? Mà lại xảy ra ngay thời gian Chúa muốn phú trao Hội Thánh Ngài mới thành lập cho 12 vị chủ chốt hàng đầu !

 

Nếu chỉ vì gương xấu mà tín hữu Chúa nản lòng bỏ đạo hết thì ngày nay đâu còn Giáo Hội !

 

Người ta phải hiểu rằng, sau khi về trời lại trong ngày lễ Thăng Thiên, Chúa muốn tiếp tục nhờ bàn tay con người giúp con người để gặp được Tin Mừng và Ân Sủng siêu nhiên. Ngài dư biết đã là con người thì ai cũng có yếu đuối khiếm khuyết, kể cả những đấng bậc thay mặt Chúa hướng dẫn đoàn chiên.

 

Thành ra ta phải nắm cho thật vững vấn đề, để phân biệt cho rõ đâu là chỗ đúng nơi sai.

 

Hầu hết những nhóm cải cách ly khai đều dựa vào vài gương xấu hay lầm lỡ trong Giáo Hội để xóa bỏ cả những điều căn bản hệ trọng, và rồi chế biến ra những điều mới thuận lợi thích hợp cho bản thân mình.

 

Lịch sử đã chứng kiến, dựa vào một số việc làm thiếu khôn ngoan hoặc không thánh thiện bởi một vài Giáo hoàng, người ta đã chối bỏ cả lời tuyên bố công khai của chính Chúa về việc trao quyền tối thượng trong Giáo Hội cho thánh Phêrô và các người kế vị.

 

Cũng thế, qua một ít gương xấu của Giám mục, linh mục hoặc tu sĩ, người ta đã từng nhao nhao đứng lên đòi đổi thay toàn bộ cơ chế và đường lối của Hội Thánh.

 

Nào có ai muốn gương xấu đâu ! Nhưng đôi khi gương xấu có tác dụng giúp ta vững mạnh trong niềm cậy tin vào bàn tay Chúa quan phòng. Và ở đây, ta có thể nói được rằng, gương xấu sẽ thử thách và chứng minh cuộc sống đạo trưởng thành của từng người chúng ta.

 

Ta giữ đạo là vì Chúa chứ nào phải vì ai khác, kể cả những đấng bậc lãnh đạo trong Hội Thánh !

 

Đức Giáo Hoàng Gioan 23, lúc còn là một thanh niên chưa vào chủng viện, đã một lần nghe mấy người thay nhau chê bai đạo Chúa vì có nhiều gương xấu, nhiều tổ chức giả hình, với những chia rẽ và bè phái… cậu Roncalli đã phải lên tiếng :

 

        - Vâng, quý vị nói chẳng sai vào đâu. Đạo Chúa gồm thật nhiều phần tử hư đốn. Nhưng quý vị có cho phép tôi hỏi một điều này không ?

 

        - Anh cứ hỏi.

 

        - Quý vị có thấy nơi Chúa có điều gì sai, dở và đáng trách móc không ?

 

        - Chúa thì có chỗ nào để ai chê trách được !

 

        - Thế thì xin quý vị cứ tin vào Chúa và lời Ngài dạy. Tại sao lại phải ngã lòng chán nản và toan bỏ đạo.

 

Nghe vậy, mọi người xấu hổ vì thua lẽ rồi lẳng lặng bỏ đi.

 

Là con người ai chả có những lúc chán chường vì gương xấu, giống như đám người trong câu chuyện cậu bé Roncalli kia. Điều hệ trọng là ta phải biết kiên trí nhẫn nại trước những sự kiện đó.

 

Trong kinh Tin Kính ta đọc : Tôi tin Giáo Hội Công giáo, duy nhất, thánh thiện và tông truyền. Riêng hai chữ thánh thiện, ta phải hiểu rằng lúc nào trong Hội Thánh cũng có ơn thánh hóa của Chúa, dư thừa ơn để chúng ta nên thánh theo Chúa. Nó hoàn toàn không có nghĩa rằng mọi phần tử trong Giáo Hội đều đã sẵn là những ông thánh, bà thánh.

 

Lắm khi ta nghe những kẻ ghét Giáo Hội tuyên truyền những điều này nọ, nhất là tung ra một số sự kiện cụ thể, để mong chứng minh đạo Công giáo là sai lầm. Đôi lúc những tuyên truyền này hết sức tinh vi. Một khi ta chưa nắm vững về thần học tín lý, luân lý cũng như về Giáo sử, ta rất dễ bị lung lạc tinh thần.

 

Theo thánh Phaolô, chính trong những yếu đuối khuyết điểm này mà Giáo Hội tìm ra nguồn sức mạnh, đó là niềm cậy tin vào nguồn ơn thiêng từ Thiên Chúa.

 

Khi thánh Phêrô đã ăn năn lỗi mình, nhất là sau khi đã ba lần dõng dạc tuyên xưng đức tin nơi Chúa, Phêrô đã được Chúa dặn dò : “Khi con đã chỗi dậy, hãy cố gắng làm cho các anh em của con được mạnh mẽ”.

 

Đó là ý nghĩa cao cả của ơn tha thứ mỗi lần ta tới xin lãnh nhận Bí Tích Giải Tội. Ơn sủng Chúa, qua mầu nhiệm việc tha tội và sửa cải, sẽ giúp ta hiểu hơn được về chương trình Cứu chuộc nhân loại của Chúa.

 

Ta chớ nên bỡ ngỡ vì có lầm lỗi cùng gương xấu trong Giáo Hội, nhưng hãy thán phục bàn tay Chúa gìn giữ, dù với những thiếu sót và khuyết điểm dường ấy, Giáo Hội vẫn bền vững mãi được cho tới tận thế !

 

Tất cả là dựa vào câu hứa long trọng của Chúa với Phêrô : “Con là đá, và trên đá này Ta xây dựng Hội Thánh của Ta. Dù các cửa hỏa ngục có ra sức phá hoại, Giáo Hội sẽ tồn tại mãi”.

 

Bằng cầu nguyện và hy sinh, ta sẽ góp phần thánh hóa trong Giáo Hội. Và rồi khi có thể được, ta hãy mạnh dạn và thẳng thắn góp ý để xây dựng và sửa sai. Chán nản thất vọng hay tiêu cực chỉ trích, sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho ai.

 

Thánh Augustinô đã có lần nói : “Phía bên ngoài Giáo Hội vẫn luôn có nhiều chiên ngoan và từ bên trong vẫn luôn có những bầy dê hoặc cả chó sói nữa. Hãy cùng tiếp tay với Chúa để cải thiện, làm đẹp thêm cho vườn nho của Ngài”.

 

Thế là, tiên vàn ta phải dựa vào Ơn Chúa để thánh hóa bản thân và gia đình mình, để rồi bù vào những tệ hại của gương xấu, ta hãy ra sức nêu gương lành cho mọi người khắp nơi. Dĩ nhiên, Chúa đang trông chờ ta từng ngày.

 

3. Áp lực của cuộc sống xô bồ thời mới.

 

Ai trong chúng ta cũng biết, cuộc sống càng tiến bộ văn minh thì cũng đẻ ra lắm nhu cầu, đặc biệt nhu cầu vật chất. Những nhu cầu này thường xuyên tạo áp lực trên mỗi cá nhân để rồi họ càng ngày càng khó kiếm ra những thời gian rảnh rỗi bình lặng.

 

Trừ khi đã tới tuổi già nua yếu ớt, đa số đều cố sức tranh thủ thời giờ để lao mình vào cuộc bon chen không giới hạn của xã hội chung quanh. Thế là tháng ngày phải đương đầu với điều cám dỗ xúi giục “chuyện đạo nghĩa kinh lễ rồi nay mai hãy chuyên cần chú tâm, bây giờ còn trẻ, mình chưa cần đi đâu mà vội !”

 

Khổ nỗi càng không dành thời giờ cho Chúa và linh hồn, người ta càng như sa lầy, như mất hút vào trong cơn gió lốc của bận bịu tranh đua. Mà cảng trễ nải lần lữa, người ta càng thấy ngại ngùng khi phải bắt đầu lại. Một lần bỏ lễ Chúa nhật sẽ kéo lôi theo 2 lần, 3 lần rồi trở thành thường xuyên luôn.

 

Cùng với tâm trạng chê bai lối sống đạo cũ là lỗi thời, là cổ hủ, cho rằng cách đọc kinh ngày trước là rườm rà, vô ích, họ ung dung tự cho mình là tân tiến hợp thời. Họ mượn lời kêu gọi của Chúa “hãy tôn thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý”, để miễn trừ cho mình những bổn phận nòng cốt tối thiểu của một Kitô hữu.

 

Tệ hại hơn cả là người ta đòi hỏi Giáo Hội phải cập nhật hóa cuộc sống tôn giáo cho hợp thời mới. Họ muốn thay đổi cả việc cắt nghĩa và áp dụng Phúc Âm vào đời sống. Nói khác đi, thay vì tuân lệnh Chúa để thường xuyên cải sửa đời mình cho hợp với giáo lý và đòi hỏi của Tin Mừng Nước Trời, thì họ lại đòi sửa đổi ngay chính Phúc Âm !

 

Và rồi lối sống của họ chẳng khác chi lối sống của lứa tuổi con nít, lúc nào cũng đòi cho được thỏa mãn ý thích riêng, không hề ý thức đủ được rằng, Chúa ban ơn và đòi ta mỗi ngày phải sống cho chín chắn vững vàng hơn, trong khuôn khổ của Chúa.

 

Từ chỗ coi thường việc ăn chay kiêng thịt hay những điều buộc khác của Hội Thánh, họ dần dà tiến qua chỗ bê trễ, chểnh mảng chuyện giữ Mười Giới Răn được chính Chúa ấn định. Mỗi lần bỏ qua là một lần họ tìm được một lý do để biện hộ cho mình.

 

Với những mục Chúa và Giáo Hội răn đe bằng những hình thức ra tội vạ hay hình phạt, họ thường nhẹ nhàng tránh né : Điều đó là dành để cho ông nọ, bà kia, nhất là những phường bê bối điếm đàng, chứ còn tôi, thuộc thành phần đạo gốc, chưa hề bị điều tiếng chi xấu xa, tôi phải ở ngoài cái danh sách bất hảo bị cảnh cáo răn đe đó !

 

Và cứ như thế, người ta lạc quan hão huyền về mình. Người ta tin tưởng một cách sai lạc về lòng nhân từ và kiên nhẫn của Chúa. Người ta quan trọng hóa những chuyện phụ thuộc của mình, để rồi lãng quên bổn phận chính yếu cho Chúa. Người ta cư xử mình mình có khả năng điều khiển chuyện xoay vần của thời gian, như thể đổi thay tình trạng tâm hồn mình bằng những nút bấm nơi máy điện toán. Nhưng khổ nỗi, rất nhiều khi tới lúc họ bừng tỉnh thì đã quá muộn.

 

Có một truyện biến ngôn từ thời Trung cổ, nói về kế hoạch cám dỗ nhân loại của ma quỷ nơi hỏa ngục như sau : Thủ lãnh Satan có lần không vui vì thấy loài người không hăng hái nghe lởi quỷ cám dỗ cúi giục phạm tội như trước. Hắn bèn triệu tập bộ tham mưu lại để duyệt xét kế hoạch. Một tướng quỷ đề nghị :

 

        - Kỳ này ta nên rỉ vào tai nhân loại rằng thực sự chẳng có Thiên đàng chi hết.

 

Đề nghị này được chấp thuận ; nhưng sau một thời gian thử nghiệm, kết quả chẳng khá là bao.

 

Sau đó, trong phiên họp khác, một tướng quỷ lại lên tiếng :

 

        - Thật ra ta nên bảo loài người rằng làm gì có hình phạt hỏa ngục, chắc họ không sợ và rồi sẽ đua nhau phạm tội.

 

Lần này kết quả cũng không mấy khả quan. Thành ra khi tái triệu tập hội nghị, bộ tham mưu quỷ bàn cải sôi nổi về mọi kế hoạch thực tế. Cuối cùng có ý kiến :

 

        - Tốt hơn hết, phải dỗ họ cứ điềm nhiên mà sống, đừng nên lo lắng vội vã chi, vì tháng ngày còn dài. Trái lại hãy cứ ăn chơi thỏa thích…

 

Satan đã hết sức vui mừng vì chiến thuật rỉ tai này đã đạt kết quả vượt mức : người ta ung dung phạm tội, không cần quan tâm gì đến ngày mai ra sao.

 

Quả thật, qua mọi thời đại, con người ưa lạm dụng lòng tốt và sự kiên nhẫn của Chúa. Một khi mãi chạy theo lợi lộc vật chất, người ta tìm hết lý do để thoái thác tham gia những việc lành phúc đức. Lời gọi mời của Chúa cứ hoài lạc lõng như tiếng kêu tan trong sa mạc.

 

Nơi Phúc Âm, Chúa Giêsu có giảng một dụ ngôn nói về ông vua tổ chức tiệc cưới cho con. Hầu hết các khách được mời đều tìm cớ chối từ, để rồi vua phải sai đầy tớ ra ngã ba đường, mời những kẻ qua lại hoàn toàn xa lạ. Có lẽ quá buồn nên Chúa đã lên tiếng cảnh cáo : “Sẽ có ngày đám dân ngoại từ phương tây, phương đông sẽ được vào tham dự Nước Thiên Chúa. Còn con cái trong nhà bị loại ra ngoài !”

 

Say mê việc đời suốt cả sáu ngày trong tuần đã đành, tới ngày được dành cho Chúa và linh hồn, người ta cũng vô tình lãng quên một cách xót xa. Nếu may mắn có gắng công tới nhà thờ một giờ để dự lễ, thì bao giờ cũng xem chừng có thái độ vội vã mà làm cho qua lần !

 

Quá nhiều người Kitô hữu đã cả một đời hà tiện thời giờ cho Chúa, để rồi lúc về già, họ tưởng sẽ có hoàn cảnh đền bù, nhưng thật ra hầu hết đã lâm vào thế quá muộn màng. Chúa mời gọi mỗi người đóng một vai trò trong vở tuồng nhân sinh cao cả, nếu ta lần lữa lãnh đạm, tới lúc màn sân khấu hạ xuống, tâm tư ta bỡ ngỡ sửng sốt và thường hóa thành thất vọng buông xuôi. Lúc đó dẫu có ân hận nuối tiếc, thì cũng chả cứu vãn được gì.

 

Bởi thế, các thánh thường khuyên ta phải ra sức cộng tác vào vườn nho Chúa, cũng như cố gắng lợi dụng ơn thiêng để thánh hóa bản thân, cơ hồ ngày hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của đời mình.

 

Bóng dáng của khôn ngoan chân thật xuất hiện ở tại chính chỗ này.

 


Trở về trang Mục Lục