B. PHÚC ÂM ĐÒI HỎI THẬT NHIỀU

 

1. Không phải chỉ nói lạy Chúa, lạy Chúa…

 

Chúa minh định rõ rệt rằng Nước Trời phải được mua bằng giá khá đắt, bằng sức mạnh, bằng hy sinh. Lời nói xuông sẽ chẳng đưa tới đâu, mà chỉ có việc làm mới tạo nên hiệu quả ước mong. Cái việc hàng đầu ở đây, như chúng ta quá biết, là phải làm theo ý Chúa Cha trên trời.

 

Đi tiên phong cho câu chuyện làm theo ý Chúa chính là việc tuân giữ 10 giới răn Ngài trao tự ngàn xưa. Những giới răn này thường cũng là những đòi buộc của một nền luân lý tự nhiên, được ăn rễ sâu nơi lương tâm mỗi cá nhân qua mọi thế hệ. Từ thời Maisen cho đến ngày Chúa Giêsu giáng thế, lịch sử dân riêng của Chúa, đã buồn rầu chứng minh rằng, họ liên tục coi thường và vi phạm các huấn lệnh Chúa trao. Các tiên tri được Chúa sai đến, đã liên tục phàn nàn thất vọng, vì dân chúng luôn cứng đầu ngoan cố.

 

Khi Chúa Giêsu đến đem Tin Mừng cứu độ cho nhân loại, Ngài đã dõng dạc tuyên bố : “Ta đến không phải là để phá hủy lề luật cũ, nhưng chính là để kiện toàn”. Và khi ngồi tâm sự cùng các môn đệ cũng như dân chúng, Ngài nhắn nhủ họ : “Nếu các con muốn chứng tỏ lòng các con yêu mến Ta, hãy cố gắng giữ giới răn Ta”.

 

Với Chúa, đương nhiên giới răn lớn lao trọng đại hơn cả vẫn phải là Đức Ái : Kính mến Chúa, và vì Danh Chúa, yêu thương tất cả mọi người. Tuy nhiên, để leo lên được chót đỉnh ngọn núi Đức Ái này, chúng ta phải trải qua đoạn đường gai chông của bao nhiêu thử thách cam go, thắng vượt muôn vàn khó khăn trở ngại của ích kỷ, biếng lười, của mê mải ý riêng…

 

Rồi nữa, khi quyết định lập Hội Thánh và rồi phó thác đàn chiên cho Phêrô cùng các đấng kế vị trông coi, Chúa đã phú trao đầy đủ quyền năng để các ngài điều hành mọi chuyện. Thế là buộc lòng phải nói tới những khoản giáo luật cũng như các điều răn, tối thiểu là để tạo nên những tiêu chuẩn căn bản cho cuộc sống đạo thường ngày của các tín hữu.

 

Khổ nỗi, với dấu vết tội nguyên tổ ăn sâu trong máu huyết, con người luôn chỉ muốn được tự do tuyệt đối, để rồi sẽ mặc sức đi vào chỗ hư hỏng sa đọa. Chả khác chi thuở ban sơ, Ađam đã một lần cứng cổ bất tuân lệnh Chúa, mà làm hư hỏng cả bản tính nơi đoàn con lũ cháu cho tới ngàn đời.

 

Một tích bà Lót không nghe lời thiên thần Chúa dặn mà bị phạt hóa ra tượng muối. Một chuyện Pharao bên Aicập từ chối vâng nghe sứ giả của Chúa là Maisen để rồi gánh chịu 10 tai nạn ghê gớm. Một mẫu gương vua Saolô cứng đầu bị Chúa bỏ và mất ngôi trong sầu thảm. Nhất nhất đều là những chứng tích và dịp nhắc nhở mọi người, luôn phải sẵn sàng phục tùng quyền bính và mệnh lệnh từ trên.

 

Làm theo ý Chúa Cha trên trời, thường xuyên đòi hỏi ta phải sẵn sàng với nhiều hình thức “bỏ mình” lớn nhỏ. Cái sức nặng ngàn cân của ý riêng lúc nào cũng níu kéo để ta cư xử theo ý thích cá nhân. Mà cái ý thích này cứ lăm le đòi sửa đổi, đòi tu chính bản Hiến Chương Nước Trời và biến báo luật phúc Âm tùy theo hoàn cảnh con người. Trong khi Chúa lại muốn chính tâm hồn chúng ta phải thường xuyên học thích ứng với lời giảng dạy và lề luật Chúa.

 

Đôi khi ta nản chí khi thấy bạn bè hàng xóm không chú tâm giữ luật Chúa, mà còn chế nhạo ta, như kiểu bạn bè của Mặc Tử ngày xưa tại nước Tề, cười chê ông uổng công giữ lễ nghĩa trong khi thiên hạ bỏ hết. Ở đây ta cũng phải bắt chước Mặc Tử để biện luận rằng tha nhân càng thờ ơ bê trễ, ta càng phải thay họ mà làm vui lòng Chúa qua việc tuân giữ giới răn của Ngài.

 

Chúa là Đấng Tạo Hóa và có mọi quyền năng với ta, lẽ tự nhiên đòi ta phải kính tôn vâng lệnh Ngài. Mà khi ta tôn kính Thánh Ý Ngài là ta trọng kính chính Ngài. Bình thường khi ta không thấy Chúa ra tay trừng phạt quở trách tức thời, ta dễ ỷ y coi thường luật Chúa đã ra. Rồi nữa, ta cũng bị cám dỗ khinh thường luật Giáo Hội, thầm nghĩ rằng những khoản luật đó, chỉ là do mấy vị lãnh đạo bày vẽ ra, chứ thực sự chẳng bởi ý Chúa ! Thế là cuối cùng ta sống như kẻ ở ngoài Hội Thánh.

 

Nếu như ta thực sự hiểu rõ được Chúa là ai và ta là ai, chắc hẳn ta sẽ đổi thái độ. Thật đáng buồn khi bao người chuyên cần tuân giữ lệnh của vua chúa trần gian một cách hoàn hảo, mà rồi lệnh của Vua Tối cao vũ trụ họ lại coi nhẹ ! Dịp Thế chiến II vừa qua, biết bao quân sĩ của chế độ Quốc xã Đức hay của đạo quân Nhật hoàng, đã hãnh diện được phục vụ lãnh tụ và sẵn sàng vui lòng chết để thi hành lệnh trên ! Ước gì chính ta sẽ áp dụng như thế đối với vương quốc thiêng liêng.

 

Lúc này, để thực sự sống đạo trưởng thành, ta phải lưu tâm xét lại thái độ và cung cách giữ đạo của mình. Để thoát ra khỏi tình trạng ấu trĩ trẻ con, ta cần ý thức rõ ràng và hiểu biết cho thật chu đáo, những việc mình đang làm trong đời sống tôn giáo. Ta đi xem lễ, ta lãnh các Bí Tích, đành rằng đó là theo Ý Chúa và Giáo Hội muốn, nhưng trong thực tế các việc này, chỉ là nhằm đem lại lợi ích thật sự cho linh hồn chúng ta. Mọi chi tiết liên hệ đều được liên kết, để cho mọi sinh hoạt thiêng liêng có đầy đủ ý nghĩa, nhất là trong khuôn khổ cụ thể nhân loại của chúng ta. Nếu chỉ vui vẻ tuân hành khi thấy thuận lợi theo sở thích riêng, đâu sẽ là giá trị và công phúc dành cho chương trình theo Chúa của ta !

 

Điều hệ trọng hàng đầu ở đây, là việc tuân giữ luật Chúa và Giáo Hội phải luôn được lồng trong tâm tư yêu mến chân thành. Ta vâng nghe Chúa và Hội Thánh như con cái vâng lời cha mẹ, tràn đầy mến thương và tôn kính, để rồi sẽ có sức lướt qua được những lúc thử thách chán nản.

 

Ta cần hiểu rằng những luật lệ trong Đạo đều nhằm giúp ta thăng tiến và có thể nói rằng, giúp ta được thực sự tự do hơn. Hiểu cho kỹ, chúng sẽ cho ta thoát ra khỏi cảnh nô lệ của ý riêng hẹp hòi lệch lạc, của tình trạng mê đắm ươn lười, của thói quen ích kỷ lãnh đạm.

 

Đó là tất cả cái ý nghĩa của việc làm theo Ý Cha chúng ta trên trời. Dĩ nhiên, đây là con đường bảo đảm nhất để chúng ta được phần thưởng vĩnh cửu mai sau.

 

2. Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết.

 

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, ta được ơn Đức Tin như một món quà quý giá vô vàn Chúa Trao. Món quà này được chính Chúa Giêsu ví như những nén bạc ta nhận để sinh lợi ra thêm cho Chúa, hay nói khác đi, cho Nước Trời, tức là cho tha nhân gần xa. Rõ ràng nơi Phúc Âm, Chúa tả việc ông chủ giận dữ khi trở về thấy có người đầy tớ vùi chôn nén bạc khiến không sinh lợi được chi thêm.

 

Ở chỗ khác, Chúa muốn mỗi Kitô hữu phải trở nên muối ướp đời và ánh sáng chiếu soi trần gian. Có Đức Tin đồng nghĩa với có bổn phận trở nên mặn và sáng theo ý nghĩa thiêng liêng. Cái “việc làm” theo sau Đức Tin chính là liên lỷ thánh hóa mình để rồi giúp thánh hóa kẻ khác.

 

Bao lâu còn sống, người theo Chúa phải đóng vai trò của những đồ đệ say mê học thuyết và lý tưởng của Thầy Chí Thánh, đem ngày nghiền ngẫm, cố áp dụng vào đời sống và rồi đem đi rao truyền quảng bá.

 

Công tác này của người môn đệ phải được làm với tất cả hăng nồng vồn vã, như thể mình bắt tay vào việc quá muộn màng. Một ngày uể oải biếng lười là một ngày họ làm trì hoãn sự hiện hữu của Nước Trời giữa trần gian.

 

Cái vồn vã hăng nồng đó không cho phép họ ngoái cổ quay lại phía sau để tính toán, căn cơ. Họ cũng chẳng có thời giờ để tranh cãi biện bạch xem ai là kẻ có công hơn ai. Bài học đòi ngồi bên tả, bên hữu của hai người con Giêbêđê hẳn đã được các tông đồ Chúa xưa thuộc nằm lòng, sau khi Chúa lên tiếng minh định thái độ của người theo Chúa phải ra sao.

 

Làm cho Đức Tin được sống động cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi vì lợi ích cho Nước Trời. Một khi tìm ra viên ngọc quý vùi chôn trong thửa ruộng, ta phải dứt khoát bán đi mọi của cải khác đang có để mua cho bằng được miếng đất đáng giá kia. Biết bao người chỉ vì không dứt khoát, hay bị mờ mắt với những giá trị giả tạo, đã dại dột để viên ngọc quý giá kia vuột khỏi tầm tay.

 

Việc làm của Đức Tin không phải chỉ giới hạn trong mấy câu kinh đọc sớm tối, hay chuyện đi xem lễ hoặc chịu vài phép Bí Tích, nó đòi mỗi người Kitô hữu phải biết vượt lên trên và xa hơn cả những điều tối thiểu ta thường làm do thói quen. Cơ nguyên là vì Chúa đã không đóng khung tình yêu của Ngài vào một khuôn khổ giới hạn nào. Bây giờ Ngài cũng muốn ta đền đáp lại bằng một niềm tin yêu vô hạn định như thế.

 

Vậy thì, chuyện biến đổi Đức Tin thành hiện thực trong đời mỗi tín hữu Chúa sẽ chẳng bao giờ là đủ, chẳng lúc nào là dư. Nó phải được áp dụng qua trăm ngàn hình thái và cung cách khác nhau, hoàn toàn được bộc phát từ một tâm tư chân thành và thiết tha, qua những chuyện tình nguyện hoàn toàn vì Nước Trời.

 

Với người Kitô hữu nhiệt thành, mỗi lần đối diện với một kẻ chưa được đón nhận Đức Tin, là một lần họ cảm thấy khắc khoải bồi hồi. Mỗi lần gặp phải những bóng chiên lạc bầy, là một lần họ thực sự đau đớn xót xa.

 

Cái cảm thức “Hội Thánh cùng thông công” đó thôi thúc họ ngày đêm loại bỏ những tâm tình ích kỷ, để rồi dấn thân xây đắp lợi ích chung. Họ cố gắng tiếp tay với Chúa, để biến chính bản thân mình thành những “cỗ xe lớn” như quan niệm của những người Phật giáo Đại thừa : tìm về cõi cứu độ giải thoát không chỉ cho một mình mình, nhưng muốn chở theo càng nhiều anh em đồng loại càng tốt.

 

Khi thực hành và quảng bá Phúc Âm Chúa, họ có thể gặp tai vạ như một tiên tri Êlia, bị hoàng hậu Jézabel tìm cách ám hại, nhưng tâm tư họ luôn thấy sảng khoái hãnh diện, vì đã góp phần vào việc cao cả nhất đời.

 

Họ sẽ gặp được những lúc vui sướng tột đỉnh như một Phanxicô Xaviê, quá sung sướng khi được xả thân phục vụ Nước Chúa, để rồi phải la lên giữa đêm khuya : “Đủ rồi, Chúa  ơi !”

 

Có thể khi nghĩ tới việc ra tay cộng tác vào việc tông đồ của Chúa, ta cảm thấy lo sợ về khả năng hạn hẹp của mình, như xưa tiên tri Giêrêmia muốn thoái thác lời Chúa kêu gọi lên đường làm ngôn sứ cho Ngài, viện lẽ mình còn trẻ người non dạ. Điều Chúa đã làm cho vị tiên tri này để trở nên đắc lực, Ngài cũng sẽ làm cho từng người chúng ta. Trước mặt Chúa, chúng ta sẽ chỉ là những khí cụ Chúa dùng. 12 tông đồ cả xưa đã chẳng được chọn từ những đám người thuyền chài giản dị, mộc mạc đó sao ?

 

Đừng ngần ngại để rồi chỉ sống đóng kín cho một mình mình, có ý hướng tốt chưa đủ, mà cần phải ra tay thực hiện. Thánh Bênađô xưa đã cảnh cáo nhiều lần : “Đáy hỏa ngục được lát đầy những kẻ chỉ có thiện chí xuông !”

 

Nhờ biến Đức Tin nên hành động cụ thể, ta sẽ trở thành những cuốn Kinh Thánh sống động để người đời có thể đọc và gẫm suy. Sống Đức Tin ở đây sẽ trở thành phương thế ý nghĩa và hữu hiệu nhất để bênh vực Đức Tin của mình.

 

Chúa chẳng đòi chúng ta phải giã từ gia đình, để ai nấy đều phải đi tới giảng đạo ở những phương trời xa, như các nhà truyền giáo, nhưng ít ra qua lối sống gương mẫu thường nhật, qua việc rộng lượng đóng góp vào những chương trình tông đồ bác ái, qua những hình thức tham gia đoàn thể Công giáo tiến hành nơi địa phương mình, ta có thể đem Đức Tin của chính mình ra làm như những phương tiện cho Danh Cha trên trời được cả sáng, nghĩa là cho thêm nhiều kẻ nhận biết tình yêu của Ngài qua bản thân ta.

 

3. Lòng đạo của ta phải hơn những người Biệt phái.

 

Có lần Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ và dân chúng : “Nếu lòng đạo của các con không hơn lòng đạo của nhóm Biệt phái, các con sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

 

Đọc Phúc Âm, ta thấy nhóm Biệt phái có lẽ là hạng người bị Chúa lên án chỉ trích thường xuyên suốt ba năm trời Ngài công khai truyền giáo. Họ chẳng những sống giả hình, mà còn hợm hĩnh kiêu căng, luôn tưởng mình là công chính thánh thiện, để rồi coi khinh kẻ khác và chẳng hề đặt vấn đề sửa mình hối lỗi bao giờ.

 

Khi Chúa chữa anh mù từ bẩm sinh, Chúa đã lớn tiếng cảnh cáo : “Ta đến thế gian để giúp những kẻ mù được sáng ; còn với những kẻ tưởng mình luôn sáng, sẽ hóa nên đui mù”.

 

Ta sẽ chẳng đi vào vết bước của người Biệt phái, nếu nghĩ mình chẳng cần học hỏi sửa đổi chi thêm. Căn bản lời giảng của Chúa, cũng như của vị Tiền hô Ngài là Gioan Tẩy Giả luôn là lời kêu gọi thống hối, canh tân đời sống. Nếu ta cũng chỉ theo nhóm người hợm hỉnh trong thời Chúa Giêsu đó, mà cho rằng lời kêu gọi này chỉ là để dành cho những kẻ tội lỗi không phải ta, ơn cứu độ sẽ bị chảy ra ngoài, như làn nước đổ trên nhánh lá khoai.

 

Ở đây, Chúa lại một lần nhắc nhở ta về cái hệ lụy đớn đau của hành động tự kiêu “muốn biết bằng Chúa” khi Ađam phạm tội xưa. Bây giờ, chỉ có toa thuốc khiêm nhường mới chữa được bản tính hư hỏng của loài người.

 

Câu chuyện ví dụ về hai người lên đền thờ cầu nguyện, phải được từng người chúng ta ghi nhớ để giữ mãi được tâm tư khiêm nhường, cả khi đối diện với Chúa cũng như lúc giao tiếp cùng tha nhân. Lúc đó ta sẽ biết theo Lời Chúa mà “đóng cửa phòng riêng mà cầu nguyện âm thầm với Chúa”, thay vì lớn tiếng khoe khoang mình đạo đức giữa nơi công hội. Việc làm âm thầm này cũng cần được áp dụng cho cả những chuyện tốt lành khác, tỉ như lúc ăn chay đánh tội, hay khi bố thí và giúp đỡ kẻ nghèo túng thiếu.

 

Cũng nhờ việc khiêm tốn biết mình tự nhiên yếu đuối này, mà người ta sẽ dễ cậy dựa và tin tưởng nơi bàn tay Chúa quan phòng, thay vì trông chờ ở sức riêng. Việc tin tưởng này có sức giúp ta kiên nhẫn với Chúa, bởi rất nhiều lần Chúa thực sự muốn thử thách chúng ta. Câu chuyện hấp dẫn về ông Gióp trong Thánh Kinh Cựu Ước có thể giúp ta hiểu rõ ràng hơn về mẫu mực con người khiêm hạ và cậy trông nơi Chúa, trước sau gì cũng gặp được bàn tay từ ái của Chúa.

 

Khi ta không tìm cách xa tránh cái “men” của người Do thái, ta sẽ dần dà trở nên những tiên tri giả của Nước Trời : Ta sẽ tìm vinh danh mình trước nhất, và rồi khi gặp phải nguy hiểm khó khăn, chính ta sẽ là những tên lính đào ngũ tiên khởi.

 

Lúc đó, ta sẽ hóa ra hết sức khờ dại trong cuộc sống đạo mà không biết : Chúa bảo rằng lúc đó ta sẽ giống những kẻ ra sức xây nhà trên cát, lúc mưa sa gió thổi, nhà sẽ sụp đổ tan tành.

 

Thế là, phải sẵn sàng mở rộng âm hồn ra với Phúc Âm. Hãy biến thành những phiến đất sét trong đôi tay người thợ gốm tối cao. Mỗi ngày hãy để cho hạt giống Tin Mừng ăn sâu và nảy nở trong ta, để đời ta được liên tục cải quá tự tân, để mắt ta được thường xuyên nhìn ra những lạ lùng của Chúa, để hồn ta được mỗi ngày đơn sơ thanh sạch mà đón nhận Phúc Âm được dành cho những người giống như trẻ thơ.

 

Lúc đó ta sẽ hiểu rõ lời an ủi và kêu gọi của lòng Chúa : “Hãy đến học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và rồi các con sẽ được hưởng bình an cho tâm hồn”.

 

Mà nữa, việc ta tuân giữ luật Chúa, không chỉ còn là những hình thức bên ngoài, nhưng chính thật sẽ bắt nguồn từ lòng yêu mến vâng phục nội tại của mình.

 

Cái tâm tình đó cũng kéo lôi ta luôn biết lắng nghe tiếng Chúa qua mọi biến cố và dấu chỉ của thời đại, nhất nhất đều như những nhắc nhở, khuyên răn, những ủi an khích lệ ta trên đường đến gần Chúa, và vươn lên để chiến thắng con người tội lỗi mê đắm của mình.

 

Mỗi khi thấy mình sa sẩy lầm lỡ, thay vì bực tức hờn giận với chính mình, ta nhờ ơn Chúa để tiến lên chỗ toàn thiện hơn. Lúc đó lời thánh Phaolô sẽ trở nên như kim chỉ nam cho   ta : “Khi tôi yếu nhất, chính là lúc tôi mạnh nhất”. Cơ nguyên là vì nguồn mọi sức lực do ở nơi Chúa. Người Latinh xưa thường nói : “Abyssus abyssum invocat”. Phải rồi, hố thẳm khiêm nhường sẽ chuẩn bị cho hố thẳm Phúc Âm.

 

Lúc đó ta cũng sẽ hiểu tại sao thánh Bênađô nhiều lần khuyên các môn đệ thế này : “Các con cố gắng mang lại cho Chúa và linh hồn mình nhiều hoa quả thiêng liêng, chứ đừng chỉ lo lắng đi tìm những nhánh hoa le lói màu mè”.

 

Việc tiến xa hơn lối sống kiêu hãnh của người Biệt phái sẽ làm ta đẹp lòng Chúa, như lời Thánh Kinh thường nhắc nhở : “Thiên Chúa yêu mến kẻ khiêm hạ”. Kinh Thánh cũng cho ta thấy biết bao mẫu gương Chúa nâng nhắc kẻ đơn sơ bé mọn lên : một Giuse bị bán qua Aicập, một Đavít chăn chiên hiền hậu, một Maria tự quên mình tột độ…

 

Và rồi, dẫu nhờ ơn Chúa ta góp phần được bằng nhiều công tác đáng kể, ta cũng phải theo Lời Chúa dặn để thưa lại cùng Ngài : “Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô ích mà thôi”.

 

Một khi Chúa nhận ra sự khiêm tốn và chân thành của ta, Ngài sẽ bổ túc vào tất cả những chỗ thiếu sót. Nhờ thế, ta sẽ có thể nói được như Đức Trinh Nữ Maria : “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Đấng đã đoái thương tới sự thấp hèn của tớ mọn Ngài, để thực hiện nơi tôi bao điều trọng đại”.


Trở về trang Mục Lục