I. NHÂN LOẠI KIẾM TÌM

 

 

Đọc lại lịch sử loài người, ta phải công nhận rằng nhân loại luôn thao thức kiếm tìm một cái gì khả dĩ giải đáp được ý nghĩa cuộc sống. Tìm kiếm về cái nguyên thủy cũng như cánh chung của đời người.

 

Tại sao ta hiện diện trên trần gian ? Bằng cách nào ? Và rồi ta sẽ đi về đâu sau cái chết ?

 

Bao nhiêu bí mật, bao nhiêu huyền nhiệm bao trùm tâm trí.

 

Và thế giới triết học cũng bởi thế phát sinh và triển nở ngay từ khởi thủy của nhân loại.

 

Người ta nhất định phải khám phá ra cho bằng được một cái nguyên tố siêu hình nào đó, đã hiện diện, đang vượt lên trên vạn vật và mãi mãi chi phối mọi biến chuyển của vũ trụ.

 

Tất nhiên, con người không chịu thỏa mãn với những hiểu biết thuộc về triết lý, nhưng còn đòi vươn lên, đòi hướng về một cái gì linh thiêng cao cả hơn, dẫu cho trí óc họ không khi nào thấu hiểu được. Để rồi, cái Siêu việt, cái Nhiệm mầu ấy đêm ngày ám ảnh lôi cuốn, gọi mời.

 

Đó là dấu vết của TÔN GIÁO. Nó nằm sâu trong tâm khảm mỗi cá nhân. Tiềm ẩn nhưng bền chặt, vững vàng.

 

Để rồi, người ta đã thấy quả không ngoa khi bảo rằng Tôn giáo cần cho loài người như mặt trời cần cho cây cỏ lá hoa.

 

Qua nhiều thế hệ, người ta thường tranh luận về đề tài “con gà có trước hay cái trứng có trước”. Biện luận nào xem chừng cũng có lý của nó. Nhưng rồi, dẫu cho trứng hay gà có trước, ai ai cũng phải nghiêm chỉnh mà chân nhận rằng cần có một bàn tay cao siêu nào đó tạo dựng nên trứng hay gà từ thuở đầu tiên.

 

Gần đây, người ta đua nhau đi học hỏi về thuyết tiến hóa. Họ dựa vào những chứng minh khoa học cho thấy các sinh vật, và cả con người nữa, xuất hiện trên mặt đất này đã từng cả triệu năm. Ttấ cả biến thay qua nhiều thế hệ.

 

Thế là họ lớn tiếng đả phá tôn giáo và kết án cái ý tưởng “tạo dựng từ bàn tay Thượng Đế”.

 

Họ làm như thể các sinh vật đã phát sinh từ những hạt bụi vô tri giác bay lượn trong vũ trụ cũng tình cờ mà hiện hữu !

 

Thật ra, dẫu có muốn tin rằng tất cả đã đến từ những hạt bụi nhiệm mầu đó, người ta cũng phải hỏi cho ra làm sao có được những mầm sống mầu nhiệm ẩn tàng nơi hạt bụi.

 

Trả lời “Tự nhiên mà có” thì khác nào không tìm được câu trả lời !

 

Thế là dẫu “hồ hởi” với giả thuyết “tiệm tiến đổi thay và phát triển” này cách mấy đi nữa, người ta cũng vẫn phải hiểu ngầm có một THƯỢNG TRÍ cao siêu nào đó, đã có trước và ở trên vạn vật.

 

Người vô thần, khi lần đầu phóng phi thuyền lên không gian, đã huênh hoang tuyên bố rằng dù đã lên tới chín tầng trời cũng chẳng gặp được bóng dáng Thượng Đế nào, nhưng quả thật họ đã để lộ cái chủ quan, ngu dốt của mình khi phải đề cập tới một Đấng Tạo Hóa siêu việt vô hình. Thượng Đế nào chỉ ngồi trên mấy tầng mây hay bơi lội trên đại dương ngàn dặm ! Nhưng Thượng Đế nắm toàn thể vũ trụ trong lòng bàn tay.

 

Họ tố cáo tôn giáo là như thuốc phiện mê dân, nhưng rồi chính họ đã mê hoặc dân chúng khi đưa ra cái lý tưởng thiên đàng cộng sản huyền hoặc xa vời.

 

Thế là, thiếu tôn giáo, tất cả cuộc sống nhân loại như đi vào con lộ một chiều để dẫn vào chỗ bế tắc, cùng đường.

 

Tôn giáo, với ý niệm về một Đấng thiêng liêng cao cả, sẽ cho ta khả năng giải quyết được vô vàn thắc mắc. Sẽ giúp ta hiểu được nhiệm mầu diễn tiến hằng ngày trước mắt ta : Từ những diệu kỳ của trí óc, của con tim. Của những cảm xúc vui buồn yêu ghét. Của những động tác tinh vi nơi các bộ phận của cơ thể con người. Của những phản ứng lạ lùng do bản năng bẩm sinh nơi loại vật.

 

Tư tưởng về tôn giáo thường xâm chiếm hồn ta khi ngỡ ngàng trước cảnh núi đồi hùng vĩ hay sông hồ đại dương bát ngát.

 

Tôn giáo cũng thôi thúc ta hướng lên một Vị Thiêng liêng cao cả khi ta ngồi nhìn hoàng hôn lúc chiều tà hay ngắm trăng lên giữa đêm khuya.

 

Bởi vì khi ngây ngất trước những vẻ đẹp kỳ diệu đó của thiên nhiên, tâm tư ta thường hay tự   hỏi : Đâu là nhà nghệ sĩ, nhà kiến trúc đại tài đến thế ?

 

Rồi nữa, Thượng Đế củng hiện diện trong hồn ta qua những phán quyết và cảm nghĩ của lương tâm. Những nẽo đi thầm kín đâu đó dẫn ta về một nền luân lý ẩn hiện và réo gọi đêm ngày. Này Trách nhiệm. Này Tự do. Mỗi ý niệm khơi lên bóng dáng của một HỒN THIÊNG tiềm tàng lúc nào cũng móc nối tương giao với một Đấng Thượng Đế Chí Tôn.

 

Ta ở đâu tới ? Rồi ta sẽ về đâu ? Từng câu hỏi mãi dằn vặt tâm tư cùng với cái ý nghĩ của một nền công lý tuyệt hảo, của chuyện thưởng phạt phân minh tối hậu. Lẽ nào chết lại là hết, là chấm dứt mọi sự !

 

Và, bắt buộc phải có một chân lý đang chờ đợi cuối đường.

 


Trở về trang Mục Lục