PHONG
TRÀO
TÌM
VỀ
ĐÔNG-PHƯƠNG
Nước Tàu và nước Nhật đã đưa Thiền lên ngôi, thật huy-hòang, thật
lôi cuốn.
Trong khi đó văn-minh kỹ-thuật phương Tây, một thời tung-hoành năm
châu bốn bể, bắt đầu nhận ra một số những hệ-quả tâm-linh khá bi-quan.
Người ta khởi sự đi tìm thuốc chữa tinh-thần và đưa mắt nhìn về Đông-phương,
với hy-vọng gặp được vài toa thuốc của những ‘thày lang’ đang tuyên-bố có
bửu-bối làm con người hạnh-phúc.
Trong số các kẻ đốt đuốc đi tìm thuốc ‘tiên’ này, người ta thấy có
cả các nhà tu-đức học Ky-tô giáo, Tin-lành cũng như Công-giáo. Họ sớm nhận-ra
rằng, trong khi bên Tây-phương tách-biệt 2 phần tinh-thần và thể-chất, bên Đông
chỉ thích con đường nhất-nguyên, nội ngoại phải là một, phải đồng hóa, không
chỉ như hình với bóng xuông.
Một trong những nhân-vật có tên-tuổi và thế-giá đã từng để tâm
nghiên-cứu về Thiền Đông-phương là Linh-mục Thomas Merton, nhà tu-học thuộc
dòng khổ-tu Trappist, gốc người Anh, từ chỗ mê Cộng-sản đến chỗ mê Chúa, rồi
qua Hoa-Kỳ nhập tu-viện cho tới ngày tạ-thế.
Dĩ-nhiên, trước khi viết về Thiền, cha Merton đã cho xuất bản
nhiều sách tu-đức Công-giáo giá-trị. Ngài trước sau nhận ra rằng, tuy ta có thể
lấy ra một số điểm tương-đồng giữa Thiền (Phật) và tu-đức đạo Chúa, nhưng
căn-bản thì có muôn vàn khác biệt mù xa. Đặc biệt nhất là ở điểm nhận hay không
nhận ‘ân-huệ’ của Thần thánh.
Cùng với nhiều chuyên-gia khác, ngài công-nhận gốc-gác học Thiền
khởi-thủy từ xứ Ấn đã có rất lâu , trước khi bên Ky-tô giáo có vị thánh
khai-mào cái mục chiêm-niệm sâu-thẳm tương-tự : Thánh An-tôn Tu rừng xứ Ai-cập.
Là một Linh-mục, khi đề-cập tới phần thần-học, ngài nói rõ rằng
nền-tảng của Thiền có thể ví như dầu lửa, trong khi giáo-lý đạo Chúa thì như
nước, hai thứ không thể hòa-đồng. Nhưng vì ngài cũng là một nhà khổ tu, nên
Thiền phần nào đã đóng góp vào cái tiến-trình làm trong sáng, tinh-tuyền,
đơn-gỉản và thanh-thoát giúp tâm-hồn dễ vươn lên.
Cha Merton cũng sớm nhìn thấy cái độc-đáo nơi đây là các Thiền-sư
luôn khẳng-định rằng Thiền không nên được quan-niệm là một hệ-thống, một
cấu-trúc, một tổ-chức, dù là tôn-giáo hay xã-hội.
Đi xa hơn nữa, họ còn phản-đối khi ta thử định-nghĩa Thiền là thế
này và không là thế kia. Bởi ở đây khác hẳn cách lý-luận triết tây-phương, cố
phân-biệt cái tuyệt-đối khỏi cái không tuyệt-dối.
Nghĩa là Thiền không dễ cho đại chúng hiểu theo kiểu triết
thông-thường. Ta không thể ráng khẳng-định
mà cũng khó chối bỏ cái này cái kia khi phải đề-cập tới sự việc.
Cha Merton tỏ ra thích-thú với ý-niệm Thiền tương-tự như cái
trống-rỗng êm-đềm, cho ta cái tự-do thỏai-mái để tìm chân-lý. Nó giống như
luồng sáng chiếu vào hồn ta, không mang hình-thể hay khung-khổ nào. Nó cũng tựa
như pha-lê trong suốt, không sắc màu, không tỳ ố.
Nhiều tác-giả khác cũng đồng ý với cha Merton khi ngài nêu lên
trường-hợp Mai-sen và bụi gai cháy (mà không tàn lụi) trong Cựu-ứơc : Bụi gai
và ngọn lửa là một .Thiền bảo người nghĩ và tư-tưởng suy-nghĩ sẽ đến lúc nhập
thành một. Rồi sau đó là lời Chúa phán “Ta là cái Ta là” (dịch nguyên-văn ‘I am
what I am’ của Anh-ngữ.) Chả còn chỗ nào để phân-biệt chủ-thể và khách-thể nữa
!
Nhiều người cũng thích nêu lên trường-hợp phải
tái-sanh-trong-Thánh-thần khi Chúa Giê-su đề cập tới phép Rửa-tội : Phải hóa ra
tạo-vật mới, hết còn là mình, thành hư-vô, hòan-tòan tự-do để được chuyển-hoá,
đổi-thay. Nó khác chi tình-trạng Giác-ngộ của Thiền ?
Cha Merton còn dùng
tư-tưởng của thánh Phao-lô diễn-tả Đức Ky-tô đã ‘tự hủy mình đi’ để
xuống trần cứu chuộc loài người. Nó có thể là mẫu-mực để trưng-dẫn hình-ảnh
người tu Thiền lúc làm mình tan-biến vào vũ-trụ.
Ở chỗ khác, ngài nêu lên rằng với các tín-hữu Ky-tô giáo, muốn
được trở thành đền thờ cho Chúa ngự, ta cũng phải thu-dọn sạch-sẽ mọi sự trong
ngòai, phải ‘giải-phóng’ khỏi mọi sở-hữu đã có, phải làm cho mình ra như
trần-trụi, tứ cố vô thân…..y như tiến-trình của Thiền.
Nhà tu-đức Eckhart cũng chia sẻ với cha Merton về hình-ảnh kết-hợp
tòan-vẹn với Chúa của một tâm-hồn thánh-thiện : Được thành một phần-tử của
gia-đình Chúa Ba Ngôi, sau khi được ban quyền làm nghĩa-tử, được nên giống như
Ngài. Bên Thiền-học gọi là thành Phật.
Trở về nguồn gốc của câu truyện sáng-thế và việc ông bà nguyên-tổ
phạm tội, ta có thể hình-dung trường-hợp A-dong và E-và chưa mất ân-sủng vói
Chúa, lúc đó họ chính là một thứ thần thánh, hòan-tòan tỉnh-thức và giác-ngộ.
Việc này cho phép ta đôi chút về cái mục ‘thành Phật’ của câu chuyện Thiền.
Gần đây bên Việt-Nam có Linh-Mục Hòang-sỹ-Qúy, thuộc dòng Tên, đã
nhiều năm nghiên cứu về văn-hóa và tôn-giáo Đông-phương, cũng như đã từng
tu-học bên Ấn-độ, nhiều lần đã viết trình-bày về chuyện Tu Thiền.
Một cách cụ-thể, sau khi đề cập tới những phương-pháp suy-niệm bên
Ky-tô giáo, ngài mạo-muội giới-thiệu một cách đơn-giản mới, dựa vào kinh-nghiệm
bên Thiền Đông-phương : Khi suy-niệm, ta chớ nên có nhiều ý-tửơng một lúc, hoặc
nhảy từ cái này qua cái khác. Quan-trọng là đạt tới cái ‘Cảm-nghiệm’ trong
lòng. Việc suy-niệm được ví như con đò, cảm-nghiệm mới là bến ta cần tới.
Cha Qúy đã đề-nghị một ví-dụ nhẹ-nhàng như sau : Hãy lắng nghe
trong yên-tĩnh (hoặc tưởng như nghe thấy) tiếng thác đổ hay song vỗ đều đều, để
bản-thân ta từ từ ‘cảm-giác’ được tính-cách bể-dâu, mau qua chóng tàn của đời
người và thế nhân, rồi liền sau đó là ‘nghe ra’ tiếng gọi mời hướng về chốn
vĩnh-cửu.
Ngài nói tiếp : Nếu lúc ấy trời xanh dịu, ta hãy để hồn tự-do bay
vút cao về phía thượng giới, hoặc để sự bao-la cao-cả của Thiên-Chúa thấm-nhập
vào hồn mình. Còn như khi đó trời đất u-ám
buồn-bã, ta hãy đưa lòng trí tới cảnh núi Sọ, cảnh đồi Can-vê nơi Chúa
Giê-su tắt hơi thở đế cứu chuộc nhân-lọai. Việc này giúp ta cảm-thông và
hòa-nhịp với Chúa, chia-sẻ ý-nghĩa đời người, sự sống cũng như sự chết như
Chúa, với Chúa và trong Chúa.
Đơn-giản hơn nữa, để theo sát hướng Thiền Đông-phương, ta chỉ cần
đợi lúc đêm về, khi bầu-khí thanh vắng bao trùm vạn-vật, hãy tìm cách làm cho
cái cảnh-trí thanh-bình êm-ả này ngấm sâu vào từng thớ thịt của mình một hồi
lâu, để rồi chả mấy chốc sẽ thấy cái hương-vị của bình-an thư-thái tỏa ra từ
trong sâu thẳm lòng ta.
Linh-mục họ Hòang còn nhắc tới một phương pháp mà ngài gọi là
‘Định An’, mượn của một nhóm Ky-tô giáo cũng đang theo dấu-vết Thiền như sau :
Bắt đầu ta ngồi xuống cho tâm-trí thanh-thản. Sau đó đọc một tên, ví dụ
‘Giê-su’, và cứ chậm rãi đọc đi đọc lại, dù ngòai miệng hay chỉ trong
tâm-tưởng, với tất cả niềm thành-kính và phó-thác. Ở đây, việc ‘niệm’này phải ăn nhịp với hơi
thở. Sau đó bằng trọn-vẹn tâm can, thong thả đem cái âm-thanh dịu-dàng đó vào
đáy linh-hồn. Thế là ta có một chuyện kết-hợp tuyệt-diệu.
Tác-giả Théophane le Reclus cũng nhiều lần thử kiểu ‘Thiền’ nhẹ
nhàng này, và cho biết thường lúc đầu hơi khó, nhưng từ từ nó sẽ tự-động chảy
xuôi êm-ả, tựa tiếng suối reo vui, rì-rào lướt nhẹ trong lòng. Theo ông, ta có
thực-hành cả lúc bận rộn nhất. Đáng nói là cùng với tiếng suối rì-rào này, ngọn
lửa thương-yêu kết-hợp sẽ len-lén bốc lên. Chính ngọn lửa này lại mời gọi
thúc-giục việc tiếp-tục những lời ‘niệm’ đó, tạo tình-trạng an-vui bình-thản
triền-miên.
Đây là theo dấu-vết Thiền của Ấn-giáo khi người ta niệm kinh
Mantra, hoặc Phật-giáo khi đọc lời niệm A-di-đà.
Trở lại với cha Merton, cuối cùng ngài đã nhận-định tổng-quát thế
này : Dẫu rằng ai cũng biết Ky-tô gíao trọng ‘mạc-khải’, còn Thiền ưa ‘ý-thức;
một bên qúy ‘giáo-điều’ và một bên nhằm ‘kinh-nghiệm’; một bên cần có ‘ơn
trên’, còn một bên chỉ ‘tin vào mình’; một bên cần có lời dạy bảo, một bên chỉ
muốn tỉnh-thức và thực-hành; một bên đòi suy-nghĩ để phê-phán cũng như giải-nghĩa, và một bên chỉ cần nhìn cho rõ.
Đi xa chút nữa, ta thấy trong khi Tây thích bàn về cái Hữu,
thì Đông ưa nhìn sự vật trong cái Vô. Tây ưa Động mà Đông thích
Tĩnh. Tây khóai tìm biết bằng ý-tưởng, còn Đông lại muốn cắt cái dòng tư-tưởng
vô-bổ đó đi. Tây chuộng việc niệm bằng trí, nhưng Đông bước vào Thiền bằng cả
thân lẫn tâm.
Trong thực tế, khi đã làm quen với Thiền, người ta sẽ nghiệm ra
được rằng chính ở trong cái VÔ kia mới có cái gì HỮU nhất. Tương tự lời kinh
‘Hoà-Bình của thánh Phan-xi-cô : Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời !
Cha Hòang-sỹ-Qúy đã tự thực-hành chuyện ‘Định An’ trên đây
thường-xuyên, để rồi sau khi tiến lên bậc ‘cao cấp’, ngài đã chia-sẻ với nhiều
bạn-bè và đệ-tử.
Ngài kể ra những nấc thang ‘tập-trung’ như sau đây :
---Về cảm-giác (với ngũ-quan thể-xác).
---Về trí tưởng-tượng.
---Về đối-tượng suy-niệm.
---Về việc thiêng-liêng hóa đề tài.
---Về việc hư-vô hóa : Đối tuợng sẽ tan dần cùng với bản-thân ta.
Kết quả là tâm-trí sảng-khóai thênh-thang. Niềm vui thần thánh sẽ
ngập-tràn cõi lòng.
Thế là ta có thể qua Đông-phương vay mượn được những điều qứy giá,
ít ra là về cái ‘kỹ-thuật’ tham thiền diệu-vợi.
Ta cũng biết cách gạn-lọc những yếu-tố hà-tì của mình ra, mà
thâu-thập những điểm hay ho trong truyền thống tu thiền đã hiện-diện lâu đời
bên trời Đông, để có thể thay đổi cả lối suy nghĩ và cách sống đạo, đặc biệt là
cách suy-niệm trong đời tu-đức của mình.
Cha Qúy đã mạnh-dạn lên tiếng : Nhờ học hỏi nơi Thiền, tôi đã thấy
việc cầu-nguyện cũng như suy-niệm của tôi mỗi ngày mỗi đơn-giản, dễ dàng và
kết-quả hơn. Dĩ nhiên tôi chỉ muốn đề cập tới phần phương-pháp và hình-thức.
Người theo Phật khi thiền sẽ tìm thấy những điều linh-thiêng khác hẳn với tôi.
Cha Qúy hẳn muốn ám chỉ : Với kẻ tin Chúa, tình yêu của Ngài mới
là mục-tiêu tối-hậu cho mọi sự, kể cả việc thực hành Thiền.