THÁNH  PHAO-LÔ

NHẬP  CUỘC

 

 

 

Giáo-hội quả thật đã rất may-mắn có được vị Tông-Đồ Dân-Ngọai này, để dạy-dỗ, hướng-dẫn và nêu những tấm gương tuyệt-vời cho các Ky-tô hữu thời sơ-khai, trong việc theo, hiểu và sống đạo của Chúa Giê-su. Hầu như mỗi Thánh-lễ Chủ-nhật đều có một bài đọc đo Ngài làm tác-giả để khích-lệ các giáo-dân tin, cậy và yêu-mến Chúa.

 

Thánh-Kinh Tân-Ước, qua tập sách Tông đồ Công-vụ, lần đầu cho ta gặp Ngài là một chàng thanh-niên xuất-hiện trong việc cổ-võ ném đá tới chết thánh Tê-pha-nô, vị Tử-đạo tiên-khởi của đạo Chúa.

 

Sau đó là chuyện ông, nhân danh là một thành-viên Pha-ri-siêu đầy nhiệt-huyết, dùng trát tòa đi khủng-bố và bắt giam những kẻ dám theo ‘Đấng chịu đóng đinh’.

 

Gốc-gác Ngài thuộc gia-đình Do-thái di-cư qua sống bằng nghề dệt lều vải tại thị-trấn Tar-sô, nay nằm trên bản-đồ xứ Thổ-nhĩ-kỳ, không xa biên giới Syria bao nhiêu. Vì mang giòng máu chi-tộc Ben-gia-min hăng-nồng trong nguời,  Sao-lê, tên cúng cơm thời trai trẻ của Ngài, đã quyết-tâm về Giê-ru-sa-lem thụ-huấn với vị tôn-sư nổi tiếng là Ga-ma-li-el, trong hướng-đi truyền-thống tuyệt-đối của đạo ‘Giu-dêu’, dựa trên lề-luật đã được Mai-sen ban-bố.

 

Có lẽ Phao-lô chưa một lần được diện-kiến Đức Giê-su sau khi tới Palestina. Nhưng trên đường ‘công-tác’ về hướng Damascus, thủ-đô Syria, Ngài đã hạnh-ngộ với Chúa khi bị chính Chúa quật-ngã khỏi yên ngựa. Chúa trách Phao-lô bách-hại Ngài qua việc bách-hại các Ky-tô hữu, rồi khiến ông bị mù mắt. Ông đã sợ-hãi bối-rối hỏi xem Chúa là ai và muốn ông làm gì.

 

Thế là lịch-sử đời ông đổi-thay hoàn-tòan. Ông đã vào thành, được một thày tư-tế hướng-dẫn, chữa khỏi mù, rửa tội, và hỗ-trợ trong quá-trình ‘làm lại cuộc đời’ với Chúa. Chính vị tư-tế này đã được Chúa mạc-khải” Người này sẽ được thấy tất cả những đau-khổ rồi đây sẽ hứng-chịu vì danh Ta”.

 

Dĩ-nhiên, cùng với huyết-thống hăng-nồng, Phao-lô bắt đầu rao-giảng về Đức Ky-tô ngay. Nhưng người Do-thái căm-giận thấy ngài phản-bội họ, nên nhất định tìm mưu ám-hại. Thế là ngài vào ‘tĩnh-tâm’ 3 năm liền ở sa-mạc Arabia để tu-luyện theo mẫu của Mai-sen cũng như tiên-tri E-li-sê.

 

Sau khi ra mắt và được chuẩn-nhận bởi các tông-đồ Chúa tại Giê-ru-sa-lem, ngài từ từ khẳng-định hướng-đi là rao-giảng chuyên-biệt cho dân ngoại  (không thuộc gốc Do-thái).  Đặc biệt ngài được Bar-na-ba hỗ-trợ qua việc giới-thiệu để sinh-họat tại giáo-đòan An-ti-ô-chi-a, thuộc Syria, sau khi bênh-vực ngài mạnh-mẽ trước mặt các tông-đồ.

 

Từ căn-cứ giáo-đòan nổi-danh này, Phao-lô đã ‘ra quân’ liên-tiếp 3 cuộc hành-trình truyền-giáo thời-danh, không dựa vào cái ‘mác’ công-dân La-mã của mình, nhưng vào niềm tin mến tuyệt-đối vào ân-sủng và tình-thương vô-bờ của Chúa, để rồi đem về cho nước Chúa biết bao linh-hồn, cũng như nêu những tấm gương độc-nhất-vô-nhị về lòng trung-kiên cũng như nhiệt-thành của một vị đại Tông-đồ của Chúa.

 

Phao-lô đã hướng-dẫn dân Chúa qua một khung-khổ Thần-học vững-vàng, và ở đây chúng ta biết ơn ngài về một nền-tảng Tu-đức tuyệt-hảo, chẳng những qua lời giảng-dạy, mà còn bằng chính gương sáng ngài thực-hành trong suốt quãng đời anh-hùng, với hình-ảnh một chiến-sĩ can-trường luôn sẵn-sàng với thanh kiếm thiêng-liêng chiến-đấu mở rộng nước Chúa.

 

Nền-tảng Tu-đức nói trên cho chúng ta những mẫu-mực cụ-thể để bàn về câu chuyện suy Thiền trên đường tìm và gặp Chúa trong những trang giấy này. Chính thánh Phao-lô đã là người duy-nhất trong lịch-sử Ky-tô giáo dám lên tiếng với giáo-dân : Anh chị em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Đức Ky-tô. Phao-lô nói điều này với cả cõi lòng chân-thành và khiêm-tốn nhất, bởi ngài đã thực-hiện được điều này : Tôi sống, nhưng thật ra không phải là tôi, mà là chính Chúa Giê-su sống trong tôi.

 

Theo ngôn-ngữ Thiền thì Phao-lô đã thành Phật vì ngài đã đồng-hoá mình hòan-toàn với cái mẫu-mực tối-thượng mình đang tìm về. Thánh-nhân đã coi như là bản ‘copy’ in-hệt bản gốc với nguyên-vẹn hình-hài của thày Chí Thánh, và sao-chép từ Ngài trọn-vẹn từng hơi thở và từng ý-nghĩ dù lớn hay nhỏ.

 

Đi vào chi-tiết, Phao-lô đã mời gọi chúng ta từ-bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới, là con người của chính Đức Ky-tô. Phải dứt-bỏ con-người theo cái khuôn A-dong xưa, bằng cuộc chiến-đấu truờng-kỳ chống lại những mê-muội lầm-lạc, bóng-dáng của tội-lỗi, của ham-mê xác-thịt cũng như của việc nô-lệ ý riêng.

 

Ngài mong mỏi các tín-hữu phải cởi-mở cõi lòng cho Thần-linh của Chúa, trong một tâm-thức đơn-sơ khiêm-hạ của những con-cái nhỏ bé của Chúa, sao cho mỗi ngày mỗi được biến-đổi nên giống như Ngài.

 

Khi hiểu rõ về Phao-lô, ta cũng thấy nơi ngài có một điểm khá độc-đáo và rất gần với Thiền : Ngài luôn mở rộng cõi lòng mình cho tất-cả, không trừ một ai : Tôi trở nên mọi sự cho mọi người. Muốn thông-hiệp với tất-cả. Muốn xây-đắp cho một thân-thể mầu-nhiệm rộng lớn của Chúa trong tòan-thể gia-đình nhân-loại, trước khi đề-cập tới giáo-hội Công-giáo riêng-rẽ.

 

Cũng chính bới cái ý-hướng chỉ-đạo này mà ngài hăm-hở ra đi mang tình-yêu và ân-sủng của Chúa đến cho mọi linh-hồn ‘dân ngọai’.

 

Ngay trong lá thơ đầu gửi cho tín-hữu Ro-ma, Phao-lô đã đề cập ngay tới chuyện đa số nhân-lọai sống trong u-mê lầm-lạc, mất lương-tri và thích làm điều bất-chính. Riêng với dân Do-thái cũng chẳng khá gì hơn, bởi lòng họ đã ra chai-đá, bất tuân sự thật và chạy theo điều xấu. Quen với Thiền thì đây là lúc phải tỉnh-thức và tu-sửa.

 

Thế là cần có ơn Giác-ngộ, không theo sức riêng, nhưng là dựa vào Thần-linh Chúa để được giải-thóat và tái-sinh dài lâu. Ơn cứu-độ đã trải rộng ra nhờ việc Đức Ky-tô chết cho mọi người. Khi nói với dân Co-rin-tô (nay thuộc lãnh-thổ Hy-lạp), Phao-lô nhắc ngay tới câu chuyện ‘sự khôn-ngoan chân-thật’ ta cần học biết : Bao nhân-thế đeo-đuổi sự khôn-ngoan giả-tạo qua những công việc hão-huyền, trong khi lại khinh-rể, lại cho là điên-rồ, sự khôn-ngoan thật trong Lời của Chúa, qua sự rao-giảng  về một Đấng Ky-tô chịu đóng đinh.

 

Phảng-phất đâu đó bầu khí Thiền khi chúng ta đọc tiếp : Thiên-Chúa đã chọn những điều trần-gian cho là yếu-kém để  đánh bại và hạ nhục những gì họ coi như hùng-mạnh, cũng như Ngài thích dùng  cái không có, cái không đáng kể, để hủy-diệt những cái đang có nơi họ !

 

Thế là Phao-lô sung-sướng khi bị chê là tông-đồ hạng bét, hãnh-diện khi được gọi là kẻ dại-khờ, bình-thản khi trở thành trò cười cho nhân-thế.

 

Đi xa thêm, ngài tuyên-bố tuy mình là một kẻ tự-do, nhưng tình-nguyện trở thành nô-lệ để làm tôi mọi người. Cái tâm-thức chịu làm nô-lệ cũng như cái thái-độ tự ý đón-nhận những hy-sinh kham-khổ ấy thực ra nhằm để thóat khỏi một chuyện rất đáng sợ, chuyện mà ngài đã thành-thật tâm-sự với các con chiên của giáo-đòan Co-rin-tô, đó là : “Kẻo mà sau khi rao giảng cho người khác, cuối cùng chính tôi lại bị loại ra !”

 

Ngài đón-nhận tha-nhân, ôm-ấp mọi thiếu-sót của họ làm như của mình : Có ai yếu đuối mà chính tôi không cảm thấy yếu-đuối với họ ? Và tôi cũng luôn tự-hào về những yếu-hèn của chính mình, bởi nhờ đó mà sức mạnh của Chúa sẽ được biểu-lộ trọn-vẹn trong tôi : Khi tôi yếu nhất, chính là lúc tôi được mạnh nhất.

 

Phao-lô đã thoát ra được cái ‘tôi’ nặng-nề để đồng hóa cùng tất cả, biến mình thành con số không, để mong được đầy tràn, viên-mãn. Thiền-sư nào dám coi nhẹ Phao-lô ?

 

Dân Ga-la-tia ( có giòng máu Gaulois, tổ-tiên người Pháp, lúc đó di-cư tới miền Tiểu-Á ) đã nhận được lời khuyên qúy-giá của Phao-lô về giá-trị của tình-trạng tự-do thiêng-liêng Chúa ban cho chúng ta, sau khi ngài giải-thóat mọi người khỏi ách nô-lệ : Vì thế chớ ai dại-dột mà quay trở lại tình-trạng tồi-tệ cũ, qua việc dong-dưỡng xác-thân cũng như nuôi hận chuốc thù. Hệ trọng nhất là không được quên điều này : Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Đâu có xa là bao khi trao-đổi đề-tài với nhà Phật, cửa Thiền !

 

Khi chia-sẻ với giáo-đòan Ê-phê-sô ( nay cũng thuộc đất Thổ-nhĩ-kỳ ), thánh Phao-lô chú-tâm đặc-biệt tới cái mục biến đổi nên giống Chúa (tu thiền cho mau thành Phật !) : Bởi Đức Ky-tô đã tự hạ sâu-thẳm tận cùng, nên Ngài được nâng lên cao tối thượng để làm cho vũ-trụ được viên-mãn, và có quyền-phép đưa chúng ta lên theo, đạt tình-trạng trưởng-thành, rồi sẽ tới tầm-vóc viên-mãn như Ngài.

 

Để được thế, ta cần xa-tránh sự tối-tăm mê-muội, nhưng phải bừng-tỉnh theo ánh-sáng mới :

            Tỉnh thức đi những ai còn mê ngủ,

            Từ chốn tử vong chỗi dậy đi nào…

 

Giác-ngộ chứ là chi nữa ?

 

Ngài nói chi-tiết nhiều hơn khi viết thơ cho dân Phi-líp-phê (quê đại-đế A-lịch-sơn, nay là xứ Macedonia), yêu cầu họ theo gương ngài để đành mất hết, đành chịu những thiệt-thòi nhất, đành coi mọi sự như đồ bỏ, rác rến : “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay tôi cho là thua thiệt, để được Đức Ky-tô”.

 

Ta cũng gặp cái đòi-hỏi rũ sạch con người cũ nơi Thiền khi đọc tới chỗ Phao-lô khuyên tín-hữu  Co-lô-xê ( gần thành Ê-phê-sô ) :  Hãy nhớ anh em đã cởi bỏ con người cũ đi rồi. Hết còn phân-biệt và chia-cách Do-thái hay dân ngọai, nô-lệ hay tự-do…Dĩ nhiên còn lại tinh-thần của Đức Ky-tô mà thôi. Chính qua Ngài mà chúng ta được giải-thóat khỏi quyền-lực tối-tăm, cho ta nên xứng-đáng chung hưởng phấn gia-nghiệp của các Thánh, trong cõi đầy ánh sáng.

 

Khi tâm-sự với dân thành Thê-xa-lô-ni-ca (xưa là thủ-phủ xứ Macedonia), Phao-lô mượn ý của chính Chúa Giê-su khi khuyên dân chúng phải  luôn sống trong tỉnh-thức và sẵn-sàng để được về kết-hợp với Thiên-Chúa : Chúa sẽ đến gọi ta như ‘kẻ trộm’, vào giờ ta không biết, vào ngày ta chẳng hay; đặc-biệt chớ sống trong bóng tối, kẻo ngày ấy như tên trộm bắt chợt mình. Không nên ngủ mê và say-sưa. Vẫn lại là ý Thiền mong ta hoà làm một cùng Phật đại-đồng : Dẫu là thức hay ngủ, ta hãy sống trong Chúa.

 

Lần thứ hai, ngài mong-ước giáo-dân cố giữ cho tinh-thần không bị giao-động hay hoảng-sợ, cũng không dại-dột để kẻ khác phỉnh-gạt lừa-dối. Vẫn là nẻo đường tránh u-mê, luôn tỉnh-thức.

 

Cũng với những ý-tưởng đó mà Phao-lô khuyến-cáo khi gửi thơ cho đồ-đệ là Ti-mô-thê : Con đừng để ai khinh-thường mình là còn ‘non người trẻ dạ’. Cũng chớ bận-tâm vì những chuyện hoang-đường nhảm-nhí, những điều thêu-dệt bày-đặt trong đám phàm-phu. Hãy tập-trung tâm-tư, thay vì để nó bị phân-hóa và chi-phối cuồng-lọan.

 

Đồ-đệ Ti-mô-thê cũng được nhắc phài hướng-dẫn các tín-hữu tập xa lánh những chuyện viển- vông lệch-lạc, bởi họ thường-xuyên bị cám-dỗ ngoảnh tai đi không nghe chân-lý, do ảnh-hưởng của các việc trần-tục cũng như do dục-vọng của xác-thân.

 

Một ví-dụ nữa của việc thiếu-sót tinh-thần Giác-ngộ theo hướng đi của Thiền.

 

Với môn-đồ Ti-tô, Phao-lô khích-lệ về chuyện cần luôn sống và nêu gương cho giáo-dân với cái thái-độ tỉnh-thức : Chúng ta xưa kia khờ-khạo u-mê và lầm-lạc, lại thêm những hành-vi gian-ác thù-hận, nay được ơn tái-sinh đổi mới rồi, hãy gắng bước lên mong đạt phúc trường-sinh.

 

Trong thơ gừi cho chính các tín-hữu gốc Do-thái (rất đông các nhà Thánh-kinh tin cũng là do Phao-lô viết),  tư-tưởng  rũ-bỏ những  hình-thức truyền-thống nơi các hy-lễ, tế-tự cũ rất được chú-trọng. Cần ngước lên chính Đức Ky-tô mà canh-tân tất cả. Kèm theo đó là tấm lòng khiêm-tốn cởi-mở chân-thành.

 

Với giòng-dõi dân riêng của Chúa, điều tối cần thiết là kiên-trì trong tinh-thần mới, đừng để tâm-tư bị xao-xuyến hay rung-động. Ánh sáng từ trên cao sẽ ngập-tràn, và ngày vinh-hiển dài-lâu sẽ chẳng còn bao xa.

 

 


Trở về trang Mục Lục