KẾT  LUẬN

THỰC HÀNH

 

 

 

Bây giờ, nói nôm na, ta thử bước từ chặng THIỀN VỚI PHẬT  qua chặng THIỀN TRONG CHÚA , coi xem câu chuyện có êm-xuôi hay chăng.

 

Từ lúc lịch-sử và văn-hoá xứ Ấn-độ còn mịt-mùng khói-sương, người ta đã biết tới YOGA, cái ‘tiền thân’ yêu-qúy của THIỀN. Yoga cũng liên-hệ tới chuyện đạo-giáo, nhưng xem ra chú-trọng  đến  mục luyện  thân  thể  nhiều hơn.  Cái ‘thân’ này luôn được tin giữ vai-trò đắc-lực hỗ-trợ tái ‘tâm’ trong con người.    

 

Qua bao ngàn năm, các bậc thày bên xứ ‘Thiên-trúc’ đã gìn-giữ và đào sâu thêm cái kỹ-thuật và truyền-thống cao-cả trong việc ‘Nhập Nội’ của mình, khiến gây kinh-ngạc cho khách từ phương xa.

 

Người ta hãnh-diện bởi tin rằng Yoga cũng như Thiền có năng -lực giúp con người, sau khi luyện Thân và luyện Tâm, còn hỗ-trợ chuyện luyện Đức. Thế là, theo ngôn-ngữ nhà Phật, chúng ta có sức tiến tới chỗ Đại-giác, Đại-độ, Đại-thông và dần-dà đi vào Hạnh-phúc viên-mãn ( nhờ tình-trạng Tự Ngã Tự Thân : Hoàn toàn làm chủ mình để chuẩn bị bước vào cõi siêu-nhiên, hiệp-nhất với ‘siêu-việt-thể’ ).

 

Nhà đại tư-tưởng và triết-gia J.Krishnamurti đã từng lên tiếng mời gọi như sau : “Cùng nhau chúng ta hãy trầm-tư, hãy nhẹ bước trên con đường nhỏ tịch-mịch, thinh-lặng và xinh-đẹp, rồi ngước mắt nhìn lên ngọn núi với tuyết phủ trắng xoá…và đây, trong một thoáng, bạn thấy như quên cả chính mình, quên mọi muộn-phiền, quên mọi thứ trong cả quá-khứ lẫn hiện-tại. Hồn bạn sẽ bị cuốn-hút và hoà-nhập vào cả vũ-trụ bao-la : hết còn bản-ngã, chẳng còn cái Tôi. Và sau đó hãy từ-tốn bước vào đời trong cái tâm-trạng này, với lòng trí đơn-sơ và thuần-khiết, bỏ lại sau lưng cái mớ kiến-thức được tích-lũy từ lâu nay. Đầu óc bạn sẽ thanh-thản, tự-do và tâm-hồn bạn sẽ được linh-hoạt và sống-động, cũng như cả con người bạn sẽ tràn đầy năng-lực khác thường “.

 

Tuy nhiên, ngó vào hành-trang của những vị Thiền-sư ‘thứ thiệt’, ta sẽ thấy cái mục tìm an-vui được Krishnamurti giới-thiệu trên đây chỉ là cái bước sơ-khởi ở bậc ‘mẫu-giáo’. Muốn đặt chân vào lãnh-vực Thiền cho đúng nghĩa, như chúng ta đã nói ở chương đầu, ta phải lãnh-hội cho thấu-đáo tâm-tư của Phật-tổ khi ngài tham-thiền dưới gốc cây Bồ-đề hơn 2 ngàn năm trước.

Muốn tẩy sạch lòng trí khỏi mọi ham-muốn và ước-mơ, cũng như giã-từ mọi bóng-dáng của cái Ngã nặng-nề ư ? Ta phải đi vào khuôn-khổ của giáo-lý nhà Phật.

 

Thế nghiã là ta không được hiểu Thiền chỉ đơn-thuần mang ý-nghĩa cuả chuyện tìm ‘nghỉ mệt’. Nó cũng không chỉ là việc lên chùa dự khoá tu thiền như đi tới phòng mạch bác-sĩ thần-kinh. Các bài-học qua sách vở bày  bán khắp nơi  may ra chỉ có giá-trị bằng vài viên thuốc an-thần có công-hiệu nhất thời, đặc biệt cho những con bệnh đang gặp trục-trặc tâm-lý vì cuộc sống đang quá ‘vọng động’.

 

Thiền chân-chính đòi một nấc thang đã có khả-năng ‘chứng-nhập thực-tại tuyệt-đối’ theo giáo-thuyết của Đức Như-Lai. Ở nấc thang này, con người không cần lo vượt qua những ràng-buộc hay biến-động nữa, cũng chẳng cần kiềm-chế cho cái Tâm được yên-nghỉ thêm, cũng không phải lo giải-trừ phiền-não. Bởi ta và vũ-trụ đã thành một thực-thể không phân-biệt, không biên-giới. Đây chính là hính-bóng của một trí-tuệ siêu-việt sẵn-sàng chờ chuyện giải-thoát.

 

Vậy vẫn là chuyện đã rõ từ ban đầu : Thiền là việc đưa ta đến mục-tiêu trở thành Phật. Chuyện nắm được cái ‘vô biên vô tận’ cũng như chuyện đạt đích ‘giải-thoát tối hậu’ theo Phật-tổ nó khác xa với việc ta trải qua vài giờ đồng hồ để mong giữ cho thân tâm được ‘nghỉ ngơi’.

 

Thành ra, ta phải kết-luận dứt-khoát : Thiền đến từ nhà Phật. Nó quấn-quýt lấy giáo-lý không đề-cập chi tới một đấng Tạo-hóa tối-cao có sức chi-phối mọi sinh-hoạt và biến-chuyển của vũ-trụ cũng như nhân-loại.  Có thể Đức Thích-Ca chưa muốn nhắc tới Thiên-Chúa vì chỉ tạm nhằm giúp con người mau thoát ‘bể khổ’ trần gian. Tuy nhiên, giáo-lý đạo Chúa nêu lên cái điều khác biệt từ căn-bản gốc-rễ, lớn lao và nghiêm-trọng khi phải nói về một Tôn-giáo. Người ta không thoải-mái khi dùng từ-ngữ ‘Vô Thần’, nhưng thực-sự đạo Phật không ( hoặc chưa ) công-nhận sự hiện-diện của một đấng Tối-cao như bên đạo Chúa.

 

Câu chuyện chúng ta bàn-bạc trong tập sách bé nhỏ này là chuyện THIỀN : Nó đang được nói trên cửa miệng mọi giới. Nó cũng gây sức hấp-dẫn cuốn-lôi bao cá-nhân cũng như đoàn-thể. Chúng ta đã phải công-nhận nó đang là cái ‘mốt’ thời-thượng hôm nay.

 

Cái tin vui là truyền-thống Thiền đã gây ấn-tượng và ảnh-hưởng tích-cực không nhỏ qua bao thế-hệ. Nó đã từng là động-cơ phát-triển cho bao tổ-chức và cơ-sở Phật-giáo, nhất là tại Việt-Nam

( tìm lên nương-náu cửa Thiền !). Phương-thức và kỹ-thuật của Thiền quả thật cao siêu, không mấy ai tranh-biện hay chối cãi.

 

Thế là, trong cái khung-cảnh của xã-hội ồn-ào náo-nhiệt ngày nay, chúng ta cùng nhau ‘mạo-muội’ ( hay táo-bạo )  đi tìm  một lối đi  ‘đại-kết tân-thời’ : Mượn cái ‘bao’ (vỏ) của Thiền, với những kinh-nghiệm về phương-pháp và kỹ-thuật dồi-dào, rồi thay vào bên trong (cái ruột) bằng những nội-dung, những giáo-lý, những tâm-tình đạo Chúa.

 

Nói khác đi, ta dùng toàn chất-liệu căn-bản Ky-tô giáo được lồng trong cái hình-thức Thiển theo nhà Phật. Tất cả chỉ là mượn cách tập-trung hơi thở, định-hướng nội-tâm, học thế đứng ngồi…để tiến tới trạng-thái ‘tâm an thần định’. Nó còn kèm theo cách-thức làm chủ trí tưởng-tượng và mọi cảm-quan, trước khi tìm về bậc thuần-nhất và đơn-giản-hoá cái đối-tượng ta suy-niệm, và cuối cùng siêu-thoát, không còn thấy cái ta lẻ-loi nữa : Sẽ biến tan làm một với Chúa và trở thành hư không trước thánh nhan Chúa (bên Phật gọi là tới chỗ ‘định hư’).

 

Cái yếu-tố quan-trọng hàng đầu của Thiền chính là hơi thở. Ở đây, ta thở ra hít vào chính Thần-Linh của Chúa, làm như hít thở chính khí trời. Chính việc tác-động của Thần-Linh này sẽ cho phép ta bàn tới môn ‘Thiền Ky-tô giáo’.

 

Thiền Đông-phương đã từng chú-ý một cách đặc-biệt vào mục làm chủ hơi thở : Thở chậm và đúng cách  sẽ giúp  làm  thể-chất  cũng như tinh-thần chúng ta hoạt-động hăng-say hữu-hiệu hơn, kể cả chuyện giúp các bệnh-nhân mau hồi-phục sức khỏe. Giống như bên Lão giáo dùng chuyện này để tiếp-nhận những khí-lực cuả trời đất, nhà Phật thích dùng nó để làm trọng-tâm cho công-tác Thiền-Định.

 

Thở ‘đúng cách’ thực ra là thở bằng bụng : Hít khí trời vào thật chậm và lâu rồi dồn khí xuống bụng ( đan điền ) thay vì chỉ ‘khơi khơi’ đưa vào phổi. Sau đó lại thong-thả thở ra bằng miệng. Bầu khí dồi-dào này sẽ bồi-bổ toàn thân cũng như làm trong-sáng tâm-linh : Nó giúp ta bình-thản nhìn ra thực-tại trong trí lòng mình cũng như ngoại cảnh. Cách riêng nó giúp làm bớt tâm-trạng căng-thẳng và lo-sợ cũng như sầu-buồn.

 

Lời khuyên tổng-quát cho việc thực-tập Thiền là như sau : Cần chuẩn-bị tâm-tư trước, cần gạt bỏ những ý-nghĩ giận-dữ bực-bội hay muộn-phiền, rồi tìm một khung-cảnh thanh-tịnh với làn-khí êm-nhẹ thoải-mái. Thời-gian nên ở vào lúc ta ít bị chia trí hoặc lo-lắng nhất ( ít ra để khỏi phải cố-gắng quá mức khi muốn tập-trung tư-tưởng ), và dĩ nhiên nên tránh lúc vừa ăn no hay uống nhiều rượu. Riêng về tư-thế của thân-thể, ta có thể Thiền cả khi nằm, đứng, ngồi hay qùy. Tuy nhiên thế ngồi thường là thuận-lợi và phổ-thông nhất. Đa số ngồi ‘xếp bằng’ (kiết già) và có thể kê một chiếc gối ở dưới ( nếu cần có thể ngồi trên một ghế bình-thuờng ). Tuy-nhiên luôn phải giữ cho lưng thật thẳng ( có thể bắt đầu bằng cách ngồi dựa lưng sát vào tường ).

 

Riêng về hai tay, ta có thể để ngửa hoặc úp lên đầu gối, mà cũng có thể đặt hai bàn tay ngửa lên nhau ở giữa lòng. Còn về hai mắt thì tốt nhất nên ‘lim dim’ ( mở mắt dễ chia trí từ ngoại cảnh, và nhắm mắt dễ chia trí từ nội tâm ).

 

Lý tưởng là ta nên bắt đầu ‘tham thiền’ mỗi ngày nửa tiếng đồng hồ. Dĩ nhiên khi mới thử sẽ thấy khó ‘cầm trí’ lắm. Nhưng ta cứ phải kiên-trì dài lâu. Rồi cũng sẽ quen.

 

Nào mời các bạn cùng nhập cuộc nhé. Ta ngồi thoải-mái và hít vào Thần-khí của Thiên-Chúa cho tràn ngập thân xác và tâm tư mình. Giữ thái-độ rất dịu-dàng và mở rộng, không gò bó hay gượng gạo chi hết. Hãy để cho Thần-khí này thống-lãnh và hướng-dẫn trí lòng ta, sẵn-sàng cho con người mình tan-biến trong sự  hiện-diện tuyệt-đối của Chúa trong ta.

 

Rồi tự-nhiên một tư-tưởng bất-thần xuất-hiện trong tâm-tư ta ( hoặc ta có thể tự khơi ra ), ví dụ nhớ lời Chúa nói với Martha ‘con lo-lắng bối-rối về nhiều chuyện quá, chỉ có một điều cần-thiết trên đời….’ Ta bắt đẩu để cho Thần-khí Chuá tác động giúp ta hoà-nhập vào tinh-thần của Đức Ky-tô khi Ngài phán lời này.

 

Tiến-trình tĩnh-tâm, suy-gẫm và chiêm-niệm cứ thế mà trôi đi, nó đem đến cái mục ý-thức và chứng-nghiệm cá-nhân rõ-ràng : Đó chính là trạng-thái Tỉnh-thức và Giác-ngộ chân-lý của Thiền. Nó thấu-nhập vào hồn ta và hướng ta tới chỗ đem ra sống. Thiền Đông-phương cho ta kinh-nghiệm về chuyện ‘cầu-nguyện tập-trung’ được ‘rửa tội’.

 

Trong việc này, ta không hề mở miệng đọc một lời kinh, không một lần xin sỏ thứ gì, cũng chẳng ước mơ chuyện chi. Một cách nào đó, ta quên hết không-gian lẫn thời gian, và đóng tất cả mọi giác-quan, mọi xúc-cảm, mọi suy-nghĩ, mọi lo-lắng và ràng-buộc : thế là ta chìm vào cõi im-lặng tựa-hồ của cõi hư-vô, nhưng chính là cõi  ‘trời mới đất mới’  bên Chúa.  Và cùng  một lúc, ta vẫn ý-thức mình đang được kết-hợp với Ngài.

 

Trong thực-hành, ta ‘an-trú’ bình-yên trong tình-thương ấp-ủ của Chúa, là đấng ẩn-giấu trong cõi im-lặng. Qua chuyện ‘Thiền trong Chúa’ như vậy, ta gặp được Chúa trong cái trống-vắng nhiệm-mầu, không thể tả bằng bút hay nói ra bằng lời, nhưng chỉ bằng cảm-nghiệm cá-nhân, thật giản-dị và đơn-sơ. Tất cả nhờ vào chỗ hoàn-toàn phó mặc và tin-tưởng vào tình-yêu của Ngài.

 

Linh-mục Chu-Công, cũng là bạn đồng-môn của cha Thomas Merton, đã đồng-ý với nhà tu-đức thời danh này để phát-biểu rằng : Lúc đó, ta không chủ trương đi tìm cái gì cho mình hết ( dù là sự bình-an ), mà cũng chẳng xử-dụng tới lý-trí hay suy-luận, nhưng chỉ đi tới  động-tác là có một kinh-nghiệm ‘vui sống’ trong sự hiện-diện của Chúa. Nhớ lại rằng Chúa đã tạo-dựng linh-hồn chúng ta qua việc thở hơi vào xác-phàm con người : Sự sống đến nhờ hơi thở của Thiên-Chúa. Thế là ta cứ ngồi im-lặng mà hít thở chính Thần-khí của Ngài.

 

Nơi đây    lãnh-địa của  niềm tin  và khiêm-hạ.

 

Ta trao-hiến trọn-vẹn cho tình yêu thương của Chúa, không đòi-hỏi hay giữ lại điều chi cho mình.

 

Chính những buổi chiêm-niệm ‘Định-An’ ( theo từ-ngữ của cha Hoàng-sỹ-Qúy ) như trên sẽ cho ta một ngày sống với tình-yêu sung-mãn của Chúa tràn-ngập và bao-phủ tâm-hồn ta liên-tục. Còn nếu ta Thiền vào buổi tối, ta sẽ được hưởng một giấc ngủ an-bình tuyệt-hảo. Chính vị Linh-mục này xác-quyết rằng, sau một thời-gian thực-hành, ngài đã thấy tác-động tỏ-tường của Thần-khí Chúa khi Ngài lấy những gì Chúa dạy bằng ngôn-ngữ bên ngoài để dạy lại bằng kinh-nghiệm bên trong cho ta.

 

Đây là lúc chúng ta biết vượt qua ‘Đêm đen’ tâm-hồn như thánh Gio-an Thánh-giá đề-cập : Ta phải rơi vào cõi ‘chân-không’ huyền-nhiệm, phải vượt ra khỏi cái điểm tựa xưa nay thường dành cho cảm-năng, lý-trí cũng như ký-ức, bởi hết còn thấy bóng-dáng cái Tôi của bản-thân mình. Thế là cái đầu tầu sẽ phải là chính ‘máy phản-lực’ của  Chúa Thánh-Thần.

 

Khi ta ngồi Thiền mà suy-gẫm về lời Chúa “Ai đi tìm mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai đành mất  thì sẽ gặp đuợc nó”,  chúng ta sẽ thấm hiểu rằng đây là lúc phải tập cho buông-rơi cái Tôi cố-hữu của mình, cùng với mọi sở-thích và ý riêng : Chối bỏ nó để rồi nhận lại cái Tôi mở rộng bao la trong Chúa. Cái tinh-thần của chuyện ‘bỏ mạng sống mình’ ở đây là biến đời ta thành ‘loài người mới’, với trời mới đất mới theo sách Khải-huyền Tân-Ước.

 

Nói cho rành mạch hơn, nếu Ấn-giáo bảo đời là một giấc mơ, Phật-giáo nói đời là sắc tướng, Lão-giáo nghĩ đời là  khung cảnh cho ta siêu-thoát, thì Đạo Chúa luôn nhắc-nhở ta đời chỉ là cõi phù-vân : Mọi sự mau qua chóng hết. Thế là ta cần học cách quên mình để sống theo mẫu Thày Chí Thánh, lồng trong khung-cảnh yêu-thương vượt lên trên mọi hiểu-biết bình-thường.

 

Ky-tô giáo gặp gỡ Đông-phương nơi cái kinh-nghiệm về sự huyền-nhiệm : Khi ý-thức rằng Thiên-Chúa cao và sâu hơn chỗ cao và sâu nhất của tôi, thành ra tôi cần đồng-hoá với Ngài, nhất là khi sung-sướng biết rằng Ngài đã đến với nhân-loại chúng ta, và lại chết để cứu-chuộc loài người cũng như đã phục-sinh hiển-vinh.

 

Trước sau cũng cần tiến tới bậc thang thánh Phao-lô đã từng đề ra : Tôi sống, nhưng không phải tôi,  mà là  chính Đức Ky-tô  sống trong tôi. Với cái kỹ-thuật của Thiền, ta tập nhìn và tìm gặp Thiên-Chúa ở ‘trong’ ta  thay vì ở ‘trên’ ta như trước đây ( Nước Trời ở trong tâm-hồn chúng con ). Chúng ta cũng sẽ đi theo lối đào sâu vào nội tâm để ‘đạt ngộ’ nhiều ít tùy theo khả năng chúng ta được biến-đổi và kết-hợp với Chúa. Và dĩ-nhiên một khi các mầu-nhiệm về Chúa cũng như các lời Ngài giảng-dạy, nhờ được suy-gẫm và ăn sâu vào tâm-tư ta, chúng sẽ tuần-tự được ta đem ra ứng-dụng trong đời sống thường ngày.

 

Lúc đó nền-tảng Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến của chúng ta mới thực sự có bề sâu vững-chắc, để rồi, theo lời Chúa nói, dù có mưa tuôn gió cuốn, căn nhà thiêng-liêng của chúng ta vẫn đứng vững. Ngược lại, một khi chúng ta chỉ đọc thoáng qua mấy câu kinh hay chỉ nghe vội-vã vài đoạn sách, Thần-khí của Chúa chưa có cơ-hội thấm-nhập sâu vào trí lòng ta, căn-bản linh-thiêng lúc đó sẽ chỉ là hời-hợt và nông-cạn.

 

Đầu mối câu chuyện ở đây là chính cái sự kiện chúng ta ngồi tĩnh-lặng, dẹp bỏ hết mọi trở-ngại lớn nhỏ để tạo nên một khung trời thuận-lợi cho việc tác-động của Chúa Thánh-Thần. Cái khung trời đó bao gồm cái mục  lòng trí ta trở nên mềm nhũn, tựa hồ khoảng trống hấp-dẫn gọi mời thánh-ân Chúa tiến vào. Ở đây ta thấy được sự cần-thiết phải ra khỏi cái Tôi ( nhà Phật bảo phải chối bỏ cái Ngã ) theo ý-nghĩa của một cái ‘mặt nạ’ mình thường đeo trong sinh-hoạt xã-hội hàng ngày. Thế là cần có sự Thức Tỉnh trong tình-yêu, sau cuộc hạnh-ngộ lớn với Thần-khí Chúa, tựa như một cú va-chạm cực mạnh, để ta có thể Giác-ngộ về mình. Lúc đó ‘mình’ cũng gần như là con số không.

 

Cha Sỹ-Qúy có nêu lên một cách Thiền bắt chước các anh chị em Phật tử khi liên-tục niệm lời ‘Nam mô A di đà Phật’ : Sau khi ngồi thanh-thản và thở cho đều-đặn nhẹ-nhàng, ta bắt đầu đọc nhẹ tên Giê-su, hoặc chỉ nhẩm thầm trong trí, bằng tất cả lòng thành-kính và phó-thác. Sau đó dần dần đẩy sâu cái âm-thanh đầy trìu-mến ấy vào trong trái-tim mình. Cần giữ cho lời niệm luôn ăn nhịp với hơi thở.

 

Ta có thể đổi lời niệm ‘Giê-su’ bằng một câu khác dài hơn, nhưng không nên dài quá để phải gắng công nhớ. Ví dụ “ xin Chúa biến đổi lòng con”, hoặc “ con muốn nên giống Giê-su”….Cứ niệm khoan-thai theo nhịp thở cho tới khi mệt thì nghỉ. Tới một khoảnh-khắc nào đó, ta sẽ thấy bùng lên ngọn lửa lạ trong hồn, bất thần làm ta trở thành con người cơ-hồ hoàn-toàn mới lạ.

 

Xin nhắc lại ở đây : có lẽ cái chuyện sơ-đẳng nhưng hệ-trọng nhất cho những ai muốn mon-men đi vào ‘làng Thiền’ chính là việc tập hít thở, sao cho chậm rãi và dài hơi, nhất là hít khí và dồn xuống tận bụng thay vì chỉ vào phổi. Nơi ‘đan-điền’ này là chỗ tập-trung của mọi luồng sức. Các võ sư, đạo sĩ cũng như các bậc thày Yoga đều biết xử-dụng ý và hơi thở để đả thông các huyệt-đạo, để dẫn khí đã tụ sẵn ở đan-điền đi các nơi trong cơ thể.

 

Hít thở như trên sẽ giúp ta tập trung tư-tưởng và năng-lực. Chuyện này là khởi-sự cho cái tiến-trình tham-thiền của chúng ta. Lúc đó năng-lực của xác-thân sẽ tạo nên một sức trợ-giúp hữu-hiệu cho việc chinh-phục nội-giới.

 

Cha Sỹ-Qúy cũng nhắn-nhủ thêm thế này :”Dù cố-gắng đến đâu chăng nữa trong việc Thiền, việc gặp-gỡ để yêu-mến và kết-hợp với Thiên-Chúa cao-vời trong tâm-tư của chúng ta hoàn-toàn tùy thuộc vào tác-động của Thần-khí Chúa.

Thành ra, trong khi cố-gắng áp-dụng phương-pháp, ta phải nhìn-nhận sự yếu-đuối của chính mình, để tín-thác toàn-vẹn nơi Chúa.

 

Thế là, chúng ta cùng khích-lệ nhau trong cái chuyện cầu-nguyện và suy-gẫm, tuy có vẻ mới lạ nhưng đầy thành-qủa này. Thay vì phải ‘lên Chùa’ để tìm an-vui qua các lớp tu-thiền theo định-hướng nhà Phật, chúng ta cứ ở nhà và hướng-dẫn nhau TÌM THIỀN TRONG ĐẠO CHÚA.

 

Cố-gắng tập làm quen với thinh-lặng và chiêm-niệm ( có lẽ Chúa ưa tỏ mình ra trong lặng-lẽ hơn giữa chốn ồn-ào ). Ta không tìm trốn tránh trần-đời, nhưng Thiền như thế sẽ giúp ta nhập-thế đầy ý-nghĩa và giá-trị hơn. Chả thế mà Chúa Giê-su thường-xuyên khuyên các môn-đệ phải tìm nơi vắng-vẻ mà cầu-nguyện.

 

Thiển-trong-Chúa cũng giúp ta trưởng-thành và chín-chắn hơn trong thái-độ và cung-cách sống. Nó cũng tạo cơ-hội cho ta biết Chúa và biết mình hơn.

 

Cũng nhờ lối sống Thiền-trong-Chúa mà chúng ta sẽ luôn an-bình, cũng như biết làm chủ những buồn vui thường dễ gây xáo-trộn trí lòng. Bản-thân cũng như gia-đình chúng ta sẽ được sung-mãn trong tinh-thần và ân-sủng Chúa.

 

Nguyện chúc ai nấy đạt được ý-nguyện.

 

 


Trở về trang Mục Lục