Bài Giáo Lý Thứ 42 của ĐTC Bênêđictô XVI về Cầu Nguyện
(giaoly.org/vn) September 28, 2012
“Lạy Chúa, xin dạy
chúng con cầu nguyện”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 42 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô
XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 26 tháng 9 năm 2012 tại
Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC bắt đầu loạt bài giáo lý mới về cầu
nguyện. Ngài chuyển từ Thánh Kinh sang Phụng Vụ Thánh.
* * *
Anh chị em thân mến, Trong những tháng gần đây, chúng ta đã thực
hiện một cuộc hành trình trong ánh sáng Lời Chúa, để học cầu nguyện bằng một
cách thức luôn xác thực hơn qua việc nhìn đến một số nhân vật vĩ đại của Cựu
Ước, nhìn vào Thánh Vịnh, các Thư của Thánh Phaolô và Sách Khải Huyền, nhưng
cũng nhờ chiêm ngắm kinh nghiệm độc đáo và cơ bản của Chúa Giêsu trong mối liên
hệ của Người với Cha Trên Trời. Thực ra, chỉ trong Đức Kitô, chúng ta mới
có thể hiệp thông với Thiên Chúa bằng một mối tình sâu xa và mật thiết của một
người con với người cha thương yêu mình. Chỉ trong Người chúng ta mới có
thể hoàn toàn thật tình quay trở về với Thiên Chúa trong khi trìu mến gọi Ngài
là “Abba! Cha ơi.” Như
các Tông Đồ, chúng ta cũng lặp đi lặp lại trong những tuần đó, và hôm nay chúng
ta lặp lại cùng Chúa Giêsu, “Lạy Chúa,
xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11:1).
Hơn nữa, để học sống mối liên hệ cá nhân này với Thiên Chúa một
cách mãnh liệt hơn, chúng ta đã học cầu khẩn cùng Chúa Thần Thánh, là hồng ân
tối thượng của Đức Kitô Phục Sinh ban cho các tín hữu, vì Ngài là Đấng “giúp đỡ sự yếu hèn của chúng ta: chúng ta không
biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Romans
8:26) như Thánh Phaolô nói, và chúng ta biết thánh nhân có lý thế nào.
Vào lúc này, sau một một loạt dài những bài giáo lý về cầu nguyện
trong Thánh Kinh, chúng ta có thể tự hỏi: làm sao tôi có thể để Chúa Thánh Thần
uốn nắn mình và do đó trở nên có khả năng bước vào môi trường của Thiên Chúa,
để cầu nguyện với Thiên Chúa? Trường cầu nguyện này, trong đó Người dạy
tôi cầu nguyện, giúp tôi được những gì trong cố gắng quay về với Thiên Chúa một
cách đúng đắn của tôi? Trường cầu nguyện trước hết, như chúng ta đã thấy
trong những tuần trước đây, là Lời Chúa, là Thánh Kinh. Thánh Kinh là một
cuộc đối thoại thường xuyên giữa Thiên Chúa và con người, một cuộc đối thoại
tiến bộ trong đó Thiên Chúa tỏ ra mỗi ngày một gần gũi hơn, trong đó chúng ta
có thể biết rõ hơn dung nhan của Ngài, giọng nói của Ngài, bản chất của Ngài.
Và con người học chấp nhận Thiên Chúa, thưa chuyện với Thiên Chúa. Vì vậy,
trong những tuần lễ vừa qua, nhờ việc đọc Thánh Kinh, chúng ta đã tìm cách học,
từ Thánh Kinh, từ cuộc đối thoại thường trực này, làm sao chúng ta có thể liên
lạc với Thiên Chúa.
Còn có một “nơi” quý giá khác, một “nguồn” quý báu khác để lớn lên
trong cầu nguyện, một nguồn nước hằng sống có liên hệ chặt chẽ với điều trước.
Tôi có ý nói đến Phụng Vụ, là một nơi đặc quyền, trong đó Thiên Chúa nói
với mỗi người chúng ta, ở đây và bây giờ, và đang chờ đợi sự đáp trả của chúng
ta.
Phụng Vụ là gì? Nếu chúng ta mở Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công
Giáo, mà tôi phải nói rằng sách này luôn luôn là một trợ huấn cụ quý giá và cần
thiết, chúng ta có thể đọc rằng thuật ngữ “Phụng Vụ” theo nguyên ngữ có nghĩa
là “một việc phục vụ nhân danh dân chúng và vì dân chúng” (số. 1069). Nếu
thần học Kitô giáo lấy thuật ngữ này từ thế giới Hy Lạp, nó rõ ràng là đã làm
thế khi nghĩ về Dân Mới của Thiên Chúa, được sinh ra bởi Đức Kitô, là Đấng
giang tay trên thập giá để liên kết loài người trong bình an của Một Thiên Chúa
Duy Nhất. “Việc Phục Vụ vì dân”, một dân không tự mình mà có, nhưng đã
được hình thành qua Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Chúa Giêsu Kitô. Thực ra,
Dân Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi huyết thống, lãnh thổ, quốc gia, nhưng
tiếp tục hiện hữu từ công trình của Con Thiên Chúa và từ sự hiệp thông với Chúa
Cha, mà Người đạt được cho chùng ta.
Hơn nữa, Sách Giáo Lý cũng cho biết rằng “theo truyền thống Kitô
giáo (từ “Phụng Vụ”) có nghĩa là sự tham gia của Dân Thiên Chúa vào công trình
của Thiên Chúa” (số 1069), bởi vì Dân Thiên Chúa chỉ có thể hiện hữu nhờ hành
động của Thiên Chúa.
Chính sự phát triển của Công Đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta điều
này. Công Đồng đã khai mạc công việc của mình vào đúng năm mươi năm trước
đây, với việc thảo luận dự thảo về Phụng Vụ Thánh, sau đó đã long trọng phê
chuẩn vào ngày mùng 4 tháng 12, năm 1963, văn bản đầu tiên của Công Đồng.
Việc tài liệu về Phụng Vụ là kết quả đầu tiên của Công Đồng có thể đã bị
một số người cho là việc ngẫu nhiên. Trong số nhiều đề án, bản văn về
Phụng Vụ Thánh xem ra ít gây ra bàn cãi nhất, và chính vì lý do này, và có thể
được dùng như một loại thực tập để tìm ra phương pháp làm việc của Công Đồng.
Tuy nhiên, không nghi ngờ gì cả, điều thoáng nhìn có vẻ là một việc
ngẫu nhiên lại được chứng tỏ là một chọn lựa đúng nhất, ngay cả từ thứ bậc về
chủ đề và những nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội Thánh. Thực ra, bằng
cách mở đầu với chủ đề về “Phụng Vụ” Công Đồng đã nhấn mạnh một cách rất rõ
ràng quyền tối thượng của Thiên Chúa, địa vị ưu tiên tuyệt đối của Ngài. Trên hết mọi sự là Thiên Chúa: đó chính
là điều mà việc chọn lựa bắt đầu từ Phụng Vụ của Công Đồng muốn cho chúng ta
biết. Ở nơi nào mà cái nhìn về Thiên Chúa không phải là điều quyết định,
thì mọi sự khác sẽ mất định hướng của nó. Tiêu chuẩn cơ bản cho Phụng Vụ
là hướng về Thiên Chúa, để chúng ta có thể tham gia vào công trình của Ngài.
Nhưng chúng ta có thể tự hỏi: công trình của Thiên Chúa mà chúng ta
được mời tham gia là gì? Câu trả lời mà Hiến
Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng dành cho chúng ta rõ ràng là
hai câu. Thưc thế, trong câu số 5, bản văn nói với chúng ta rằng công
trình của Thiên Chúa là hoạt động của Ngài trong lịch sử, là những điều mang
lại cho chúng ta ơn cứu độ, đạt đến tột đỉnh trong Cái Chết và sự Phục Sinh của
Đức Chúa Giêsu Kitô; nhưng ở câu số 7, Hiến Chế định nghĩa việc cử của Phụng Vụ
như là “công trình của Đức Kitô.” Trong thực tế, hai ý nghĩa này liên kết
với nhau một cách không thể phân ly được.
Nếu chúng ta tự hỏi ai là Đấng cứu thế giới và con người, thì câu
trả lời duy nhất là Chúa Giêsu thành Nazareth, là Chúa và Đức Kitô, chịu đóng
đinh và sống lại. Và ở đâu mà Mầu Nhiệm Cái Chết và sự Phục Sinh của Đức
Kitô được hiện tại hóa để đem lại sơn cứu độ cho chúng ta, cho tôi bây giờ?
Câu trả lời là hoạt động của Đức Kitô qua Hội Thánh, trong Phụng Vụ, đặc
biệt là trong Bí Tích Thánh Thể, là điều làm hy lễ của Con Thiên Chúa, Đấng cứu
độ chúng ta, được hiện diện; trong Bí Tích Hòa Giải, là nơi mà chúng ta đi từ
cái chết vì tội lỗi sang cuộc sống mới, và trong các hành vi bí tích khác, là
điều thánh hóa chúng ta (x. Presbyterorum
ordinis, 5). Như vậy, Mầu Nhiệm Vượt Qua với Cái Chết và sự
Phục Sinh của Đức Kitô là trung tâm của thần học Phụng Vụ của Công Đồng.
Chúng ta hãy bước thêm một bước nữa và tự hỏi: làm sao mà việc hiện
tại hóa Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô có thể xảy ra? Chân phước Giáo
hoàng Gioan Phaolô II đã viết nhân dịp 25 năm kỷ niệm việc ban hành Hiến Chế Sacrosanctum Concilium rằng: “Để thể hiện Mầu Nhiệm Vượt Qua của mình, Đức Kitô
luôn luôn hiện diện trong Hội Thánh của Người, đặc biệt là trong việc cử hành
Phụng Vụ. Do đó, Phụng Vụ là nơi đặc quyền của cuộc gặp gỡ của các Kitô hữu với
Thiên Chúa và Đấng mà Ngài đã sai đến, là Đức Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 17:3)”
(Vicesimus Quintus Annus, số
7). Trong cùng một quy tắc ấy, chúng ta đọc trong Sách Giáo Lý của Hội
Thánh Công Giáo như sau: “Mỗi việc cử
hành bí tích là một cuộc gặp gỡ của con cái Thiên Chúa với Chúa Cha, trong Chúa
Kitô và Chúa Thánh Thần, và cuộc găp gỡ ấy được diễn tả như một cuộc đối thoại,
qua những hành động và lời nói” (số 1153). Do đó, đòi hỏi đầu tiên
cho một cử hành Phụng Vụ tốt là nó phải là cầu nguyện, đàm đạo với Thiên Chúa,
trước hết là lắng nghe và sau đó đáp lời. Thánh Bênêđictô, trong “Luật”
của ngài, nói về cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, cho các thầy dòng biết điều này:
mens concordet voci
“tinh thần phải hòa hợp với giọng
nói.” Thánh nhân dạy rằng trong việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh,
những lời nói của chúng ta phải đi trước tinh thần của chúng ta. Thông
thường điều đó không xảy ra, vì chúng ta phải suy nghĩ trước rồi sau đó chuyển
những gì chúng ta nghĩ thành lời nói. Nhưng ở đây, trong Phụng Vụ, thì
ngược lại, các lời đi trước. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Lời và Phụng
Vụ cung cấp cho chúng ta những lời. Chúng ta phải đi vào các lời, đi vào
ý nghĩa của chúng, nhận chúng vào chính mình, trở nên đồng điệu với những lời
ấy; như thế chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, giống Thiên Chúa. Như Concilium Sacrosanctum nhắc nhở, để đảm
bảo những hiệu quả trọn vẹn của việc cử hành Phụng Vụ “điều cần thiết là tín hữu đến tham dự Phụng Vụ
Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm hồn mình với ngôn
ngữ, và cộng tác với ân sủng trên cao, để đừng nhận lãnh ân sủng đó một cách vô
ích” (số 11).
Yếu tố cơ bản, thiết yếu của cuộc đối thoại với Thiên Chúa trong
Phụng Vụ, là sự hòa hợp giữa những gì chúng ta nói bằng đôi môi của mình với
những gì chúng ta mang trong tâm hồn. Bằng cách bước vào lời của lịch sử vĩ đại
của cầu nguyện, chính chúng ta phải tự mình làm theo tinh thần của những lời
này và trở thành có khả năng thưa chuyện với Thiên Chúa.
Về chủ đề này, tôi chỉ muốn đề cập đến một trong những giây phút,
trong lúc cử hành Phụng Vụ, mời gọi chúng ta và giúp chúng ta tìm thấy sự hòa
hợp này, làm theo điều mình nghe, nói và làm trong việc cử hành Phụng Vụ.
Tôi đề cập đến lời mời gọi mà chủ tế trình bày rõ ràng trước Kinh nguyện
Thánh Thể: “Sursum Corda,”
chúng ta hãy nâng tâm hồn mình lên khỏi những vướng mắc của những bận tâm,
những mong ước, những lo lắng và những chia trí của mình. Tâm hồn chúng
ta, nơi mật thiết nhất của chính mình, phải mở ra một cách ngoan ngoãn cho Lời
Chúa, và hồi tưởng trong kinh nguyện của Hội Thánh, để nhận được sự quy hướng
về phía Thiên Chúa từ chính những lời mà chúng ta nghe và nói. Cái nhìn
của tâm hồn phải hướng về Chúa, là Đấng ngự giữa chúng ta: đó là một tâm tình
cơ bản.
Khi sống Phụng Vụ với thái độ cơ bản này, tâm hồn chúng ta như được
kéo ra khỏi sức hút của trọng lực, là điều kéo chúng xuống, và chúng được
nâng lên về phía chân lý, về phía đức ái, về phía Thiên Chúa từ bên
trong. Như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở chúng ta: “Trong Phụng Vụ của Hội Thánh, sứ mạng của Ðức Kitô
và Chúa Thánh Thần là công bố, hiện thực và thông truyền mầu nhiệm cứu độ; sứ
vụ ấy được tiếp nối nơi tâm hồn người cầu nguyện. Các linh phụ đôi khi so sánh
tâm hồn với bàn thờ” (số 2655): altare
Dei est cor nostrum.
Các bạn thân mến, chúng ta chỉ cử hành và sống Phụng Vụ một cách
tốt đẹp nếu chúng ta ở trong tâm tình cầu nguyện, chứ không phải chúng ta muốn
“làm một điều gì đó”, để cho người khác thấy chúng ta, hoặc chỉ để hành động mà
thôi, nhưng nếu chúng ta hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa và nếu chúng ta ở
trong tâm tình cầu nguyện bằng cách kết hợp với Mầu Nhiệm Đức Kitô và cuộc đàm
thoại của Người, như Chúa Con, với Chúa Cha. Chính Thiên Chúa dạy chúng
ta cầu nguyện, như thánh Phaolô quả quyết (x. Romans
8:26). Chính Ngài ban cho chúng ta những lời thích hợp để hướng về
Ngài, những lời mà chúng ta tìm thấy sách Thánh Vịnh, trong những kinh nguyện
cao cả của Phụng Vụ Thánh và trong việc cử hành Thánh Lễ. Chúng ta hãy cầu xin
Chúa ban cho chúng ta càng ngày càng ý thức hơn về điều này, là Phụng Vụ là
hành động của Thiên Chúa và con người; kinh nguyện phát sinh từ Chúa Thánh Thần
và từ chính chúng ta, hoàn toàn hướng về Chúa Cha, trong sự hợp nhất với Con
Thiên Chúa làm người (x. Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2564). Cảm ơn anh
chị em.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ