Phaolô Phạm Xuân Khôi - 4/13/2013
“Mỗi ngày chúng ta phải để Đức Kitô biến đổi
mình thành hình ảnh của Người.”
Dưới đây là bản dịch
bài Giáo Lý thứ hai của ĐTC Phanxicô về Năm Đức Tin trong buổi Triều Yết Chung
tại Quảng trường Thánh Phêrô, hôm thứ tư ngày mùng 10 tháng 4 năm 2013. Hôm nay
Ngài tiếp tục loạt bài về Kinh Tin Kính mà ĐTC Bênêđictô XVI đã bắt đầu.
* * *
Anh chị em thân mến,
kính chào anh chị em!
Trong bài giáo lý trước
chúng ta đặt trọng tâm vào biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu, trong đó các phụ
nữ đã đóng một vai trò đặc biệt. Hôm nay tôi muốn suy niệm về ý nghĩa cứu độ
của biến cố này. Phục Sinh có ý nghĩa gì đối với cuộc đời của chúng ta? Và tại
sao đức tin của chúng ta sẽ ra vô ích nếu không có nó?
Đức tin của chúng ta
dựa vào cái chết và việc Phục Sinh của Đức Kitô, như một ngôi nhà được xây trên
những nền móng: nếu những nền móng này bị lún thì toàn thể ngôi nhà sẽ sụp đổ.
Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã hiến mình, tự nguyện gánh lấy tội lỗi của chúng
ta cùng đã xuống vực thẳm của sự chết, và trong việc Phục Sinh, Người chiến
thắng, xóa tội chúng ta và mở ra cho chúng ta con đường để được tái sinh vào
một cuộc sống mới. Thánh Phêrô diễn tả điều này một cách ngắn gọn ở đầu Thư Thứ
Nhất của ngài, như chúng ta đã nghe: ”Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức
Chúa Giêsu Kitô của chúng ta. Theo lượng từ bi chan chứa của Ngài, Chúng ta
được tái sinh trong một niềm hy vọng sống động, nhờ sự Sống Lại của Ðức Giêsu
Kitô từ cõi chết để hưởng gia tài không thể hư mất, không thể bị ô nhiễm và
không thể bị phai tàn” (1:3-4).
Thánh Tông Đồ nói với
chúng ta rằng sự Sống Lại của Chúa Giêsu là một điều gì mới lạ: chúng ta được
giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và trở nên con cái Thiên Chúa, nghĩa là chúng
ta được sinh ra trong một đời sống mới. Điều này được thể hiện cho chúng ta khi
nào? Trong Bí Tích Rửa Tội. Ở thời cổ đại, người ta thường lãnh nhận Bí Tích
Rửa Tội bằng cách dìm vào nước. Người được rửa tội bước xuống một cái bồn lớn ở
nơi rửa tội, cởi y phục ra, và giám mục hay linh mục đổ nước ba lần trên đầu,
trong khi rửa tội cho người ấy nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Sau đó, người được rửa tội ra khỏi bồn và mặc áo mới màu trắng: điều này có
nghĩa là người ấy đã được sinh ra trong một đời sống mới, qua việc tự dìm mình
trong cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Người ấy đã trở nên con Thiên
Chúa. Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô viết: ”Anh em đã nhận
Thần Khí làm nghĩa tử, bởi đó cho chúng ta kêu lên, ‘Abba! Lạy Cha!’” (Rm
8:15). Chính Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận được trong Phép Rửa dạy chúng ta
và thúc đẩy chúng ta thưa cùng Thiên Chúa: ”Lạy Cha”, hay đúng
hơn, ”Abba”, có nghĩa là ”Cha”. Vì vậy, Thiên Chúa của
chúng ta cũng là một người Cha đối với chúng ta. Chúa Thánh Thần tạo ra trong
chúng ta tình trạng làm con cái Thiên Chúa mới này, và đây là món quà lớn nhất
mà chúng ta nhận được từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Và Thiên Chúa đối
xử với chúng ta như những người con, Ngài hiểu chúng ta, tha thứ cho chúng ta,
ôm ấp chúng ta và yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta lầm lỗi. Trong Cựu
Ước, ngôn sứ Isaia nói rằng mặc dù một người mẹ có thể quên con mình, Thiên
Chúa chẳng bao giờ quên chúng ta, chẳng bao giờ (xem 49:15). Và điều này tuyệt
đẹp!
Tuy nhiên, mối quan hệ
hiếu thảo này với Thiên Chúa không giống như một kho báu được cất giữ trong một
xó của cuộc đời chúng ta, nhưng phải được phát triển, phải được cho ăn mỗi ngày
bằng cách lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, tham dự các Bí Tích, đặc biệt là Bí
Tích Hòa Giải và Thánh Thể, và qua đức ái. Chúng ta có thể sống như những người
con! Và đó là phẩm giá của chúng ta - chúng ta có phẩm giá của những người con.
Hành xử như con cái thật! Điều này có nghĩa là mỗi ngày chúng ta
phải để cho Đức Kitô biến đổi mình thành hình ảnh của Người; điều ấy có nghĩa
là cố gắng sống như những Kitô hữu, cố gắng theo Người, ngay cả khi chúng ta
thấy những giới hạn và những yếu điểm của mình. Cám dỗ gạt Thiên
Chúa ra một bên để đặt mình ở tâm điểm luôn luôn rình rập chúng ta, và kinh
nghiệm về tội lỗi làm tổn thương đời sống Kitô hữu của chúng ta, việc làm con
cái Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế chúng ta phải có lòng can đảm của đức tin
và không được để cho mình bị dẫn dắt bởi một não trạng luôn nói với chúng ta: “Thiên
Chúa không cần thiết, Ngài không quan trọng đối với bạn”, vv… Chính điều ngược
lại mới đúng: chỉ qua việc hành xử như con cái Thiên Chúa, không nản lòng vì
những sa ngã của mình, vì tội lỗi của mình, và cảm thấy được Ngài yêu thương,
mà cuộc đời của chúng ta sẽ được đổi mới, được sinh động hóa bởi sự thanh thản
và niềm vui. Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta! Thiên Chúa là niềm hy vọng
của chúng ta!
Anh chị em thân mến,
chúng ta phải là những người đầu tiên giữ niềm hy vọng chắc chắn này và cần
phải là một dấu chỉ hữu hình, rõ ràng và sáng sủa của niềm hy vọng ấy cho tất
cả mọi người. Chúa Phục Sinh là niềm hy vọng không bao giờ tàn, không bao giờ
làm cho chúng ta thất vọng (x. Rm 5:5). Niềm hy vọng không bao giờ lừa dối. Đó
là niềm hy vọng đến từ Chúa! Biết bao nhiêu lần trong đời sống chúng ta những
niềm hy vọng bị tan biến, biết bao nhiêu lần những kỳ vọng mà chúng ta mang trong
lòng không thành tựu! Niềm hy vọng của chúng ta như những Kitô hữu là niềm hy
vọng mãnh liệt, chắc chắn và kiên vững trên đất này, nơi mà Thiên Chúa đã kêu
gọi chúng ta bước đi, và mở ra cho cõi vĩnh hằng, bởi vì nó được thiết lập dựa
vào Thiên Chúa, là Đấng luôn trung tín. Chúng ta không được quên rằng: Thiên
Chúa là Đấng luôn trung tín; Thiên Chúa luôn trung tín với chúng ta. Được sống
lại với Đức Kitô qua Phép Rửa, nhờ hồng ân đức tin, để thừa hưởng một di sản
bất diệt, dẫn chúng ta đến việc tìm kiếm mọi sự thuộc về Thiên Chúa, nghĩ nhiều
hơn về Ngài, cầu nguyện nhiều hơn với Ngài. Là một Kitô hữu không chỉ là tuân
giữ các giới răn, nhưng có nghĩa là sống trong Đức Kitô, suy nghĩ như Người,
hành động như Người, yêu như Người; có nghĩa là để Người làm chủ cuộc đời chúng
ta và thay đổi nó, biến đổi nó, để giải thoát nó khỏi bóng tối sự dữ và tội
lỗi.
Anh chị em thân mến,
với những ai hỏi lý do về niềm hy vọng nơi chúng ta (x. 1 Ph 3:15), chúng ta
hãy chỉ cho người khác về Đức Kitô Phục Sinh. Chúng ta hãy chỉ cho người khác
về Người qua việc công bố Lời Chúa, nhưng đặc biệt là qua cuộc sống phục sinh
của mình. Chúng ta hãy bày tỏ niềm vui được làm con cái Thiên Chúa, Đấng ban
cho chúng ta sự tự do để sống trong Đức Kitô, Đấng là sự tự do đích thực cứu chúng
ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, sự dữ và sự chết! Chúng ta hãy nhìn đến quê hương
trên trời của mình, chúng ta cũng sẽ có một ánh sáng và sức mạnh mới trong công
việc và trong những nỗ lực hàng ngày của chúng ta. Đó là một việc phục vụ có
giá trị mà chúng ta phải trả lại cho thế giới của chúng ta, là một thế giới
thường không còn khả năng nhìn lên cao, không còn có thể hướng mắt về phía
Thiên Chúa. Cám ơn anh chị em.