IL SANTO PAPA: “Thần Khí Thiên Chúa là Đấng Dẫn Đưa Anh Em Đến Sự Thật Toàn
Vẹn” (Ga 16,13)
(dongten.net)
Quý vị đọc giả thân mến!
Tiếp nối loạt bài Giáo Lý về Năm Đức Tin, phần nói về Thần Khí Thiên Chúa,
sáng nay thứ Tư, 16-5-2013, trong buổi Tiếp Kiến Chung trước hơn 100 ngàn tín hữu và du khách hành hương, ĐTC Phan-xi-cô
đã triển khai bài giáo lý kỳ thứ 25 có chủ đề “Thần Khí Thiên Chúa
là Đấng Dẫn Đưa Anh Em Đến Sự Thật Toàn Vẹn” (Ga 16,13). Một loạt những câu hỏi liên quan đến hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa trong Giáo Hội và trong đời sống người Ki-tô, được ĐTC nêu lên để giúp triển khai chủ đề giáo lý này:
“cái” chân lý có tồn tại thật không? Và “cái” sự thật là cái gì? Chúng
ta có thể biết “cái” chân lý không? Chúng ta có thể tìm gặp nó không? Ai sẽ làm cho chúng ta biết được chính Đức Giê-su là Lời chân lý, là Con Một Đức Chúa Cha? Đâu là
hoạt động của Thần Khí trong đời sống của chúng ta và đời sống của Giáo Hội để dẫn đưa chúng ta đến với chân lý? Và trong đời sống thường này tôi đã mở mình ra với hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa chưa? Tôi có cầu nguyện với Thánh Thần mỗi ngày để Ngài ban cho tôi
ánh sáng, để Ngài làm cho tôi được nhạy bén hơn với những điều thuộc Thiên Chúa chưa?… Dưới đây là phiên bản Việt-ngữ toàn bộ bài Huấn Giáo của ĐTC trong buổi Yết Kiến Chung sáng thứ Tư, ngày 16-5-2013.
Anh chị em thân mến!
Hôm nay tôi muốn nói về hoạt động mà Thần Khí Thiên Chúa
đang thực hiện trong việc dẫn dắt Giáo Hội và đưa dẫn mỗi người chúng ta tầm đến Sự Thật. Chúa Giê-su nói với các môn đệ: Thần Khí “sẽ dẫn đưa anh em đến Sự Thật toàn vẹn” (Ga 16,13), chính Người “là Thần Khí Sự Thật” (x. Ga 14,17; 15,26;
16,13).
Chúng ta đang sống trong một thời đại khá hoài nghi đối với chân lý. Đức Benedict XVI đã nhiều lần nói về thuyết tương đối, về khuynh hướng cho rằng chẳng có gì chắc chắn cả, và theo đó chân
lý là thứ xuất thân từ cái quy ước, hoặc đến từ điều mà chúng ta muốn. Vậy thì có một vấn đề nảy sinh: “cái” chân lý có tồn tại thật không? Và “cái” sự thật là cái gì? Chúng ta có thể biết “cái” chân lý không? Chúng ta có thể tìm gặp nó không? Trong đầu tôi lúc này tự nhiên lại hiện lên câu hỏi mà Tổng trấn Phi-la-tô đã có
lần hỏi Đức Giê-su, khi Chúa
Giê-su vén mở cho ông thấy ý nghĩa sâu xa về sứ mạng của Ngài. Câu hỏi ấy được thuật rằng:
Đoạn, Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su rằng: “vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp:
“Chính ngài nói rằng tôi là vua.
Tôi đã sinh ra
và đã đến thế gian vì điều này:
đó là để làm chứng cho sự thật.
Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.
Ông Phi-la-tô nói với Người: “Sự thật là gì?” (Ga 18,37-38).
Phi-la-tô không dám nhận diện “cái” Chân Lý đang hiện diện trước ông. Ông không dám nhìn nhận nơi Đức Giê-su là dung mạo của Chân Lý, là dung mạo Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su là Chân
Lý, là Đấng mà vào thời viên mãn đã “mặc lấy xác phàm” (Ga 1,1.14), và là Đấng ở giữa chúng ta để chúng ta được nhận biết Ngài. Chân lý không được nắm cầm lên như một vật, mà chân lý cần gặp gỡ. Chân lý không phải là một vật sở hữu, chân lý là một cuộc gặp gỡ với một Ngôi Vị.
Tuy nhiên ai sẽ làm cho chúng ta biết được chính Đức Giê-su là Lời chân lý, là Con Một Đức Chúa Cha? Thánh Phao-lô dạy rằng “không ai có thể tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa,
nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12,3). Chúa Giê-su nói Thần Khí Thiên Chúa
chính là “Đấng Bảo Trợ”, là “Đấng đến để nâng đỡ anh em”, Thần Khí Thiên Chúa chính là Đấng Bảo Trợ của chúng ta, đang đỡ nâng chúng ta trong hành trình nhận biết này. Và trong suốt Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã đảm bảo với các môn đệ rằng Thần Khí là Đấng sẽ dạy bảo anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Gv 14,26).
Thế thì đâu là hoạt động của Thần Khí trong đời sống của chúng ta và đời sống của Giáo Hội để dẫn đưa chúng ta đến với chân lý? Trước hết, anh chị em hãy nhớ và ghi lòng tạc dạ những lời mà Chúa Giê-su đã nói và chính khi
kinh qua những lời ấy, thì luật của Chúa – tựa như các Ngôn Sứ thời Cựu Ước đã loan bao báo – sẽ khắc ghi vào cõi lòng chúng ta, và trở thành nguyên tắc thẩm định trong các chọn lựa hằng ngày, trở thành nguyên lý hướng dẫn hành động và trở thành nguyên tắc sống của chúng ta. Và khi
đó, lời tiên báo vĩ đại của Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en được ứng nghiệm:
“Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thực hành” (Ed 36,25-27).
Kỳ thực thì chính từ thẩm sâu nơi chúng ta, vốn ẩn nấp đằng sau hành động của chúng ta, đó là
chính con tim vốn phải hoán cải về với Thiên Chúa, và
Thần Khí Thiên Chúa sẽ biến đổi nó nếu chúng ta mở mình ra với Ngài.
Vậy thì Thần Khí Thiên Chúa,
như Chúa Giê-su hứa, chính Người sẽ dẫn dắt chúng ta “tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Người sẽ dẫn đưa chúng ta không chỉ đến cuộc gặp với Giê-su không thôi, vốn là sự tròn đầy của Chân Lý, mà Thần Khí còn đưa chúng ta đến cả “đằng sau” Chân lý nữa, nghĩa là Ngài sẽ làm cho chúng ta bước vào một sự hiệp thông sâu xa với chính Chúa Giê-su, ban cho chúng ta
trí thông tuệ biết về những điều thuộc về Thiên Chúa. Và hẳn đây là điều mà chúng ta
không thể đạt đến được bằng sức riêng của mình. Nếu như Thiên Chúa không
soi sáng chúng ta nơi nội tâm, thì cái gọi là Ki-tô hữu của chúng ta cũng chỉ là phiến diện. Thánh Truyền của Giáo Hội đã khẳng đinh rằng Thần Khí sự thật hành động trong cõi lòng của chúng ta, kích hoạt “cảm thức đức tin” (sensus fidei) ngang qua điều, như Công Đồng Vaticano II đã nói trong Hiến Chế Tín Lý về Dân Thiên Chúa, rằng : “… nhờ cảm thức về đức tin được Thần Khí sự thật khơi đậy và duy trì, dưới sự hướng dẫn của giáo huấn thần linh của Giáo Hội mà họ trung thành tuân theo, Dân Thiên Chúa nhận lãnh không phải lời nói của loài người nữa, mà thực sự là lời của Thiên Chúa; họ gắn bó hoàn toàn ‘với đức tin chỉ một lần được ban bố cho các thánh’, họ tiến sâu hơn trong đức tin nhờ phán đoán đúng đắn, và sống đức tin cách hoàn hảo hơn” (x. Lumen gentium, 12).
Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình xem: tôi đã mở mình ra với hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa
chưa? Tôi có cầu nguyện với Thánh Thần để Ngài ban cho tôi
ánh sáng, để Ngài làm cho tôi nhạy bén hơn với những điều thuộc về Thiên Chúa chưa? – Đây là một lời nguyện mà chúng ta phải cầu mỗi ngày và mọi ngày : “nhờ Thần Khí Thiên Chúa, xin cho cõi
lòng con được mở ra với Lời Thiên Chúa, xin cho lòng con được mở ra với sự thiện, xin cho lòng con được mở ra với vẻ đẹp của Chúa!”. Anh chị em hãy cầu xin điều ấy mỗi ngày, mỗi ngày đó! Mà tôi cũng muốn hỏi anh chị em một điều: là trong chúng ta đây có bao nhiêu
người mỗi ngày có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần! Eh, ít người lắm phải không, eh! Ít, ít, ít lắm! Tuy nhiên chúng
ta phải thực hiện nguyện ước của Chúa Giê-su, là mỗi ngày hãy cầu xin với Thần Khí Thiên Chúa để Ngài mở lòng chúng ta ra với Chúa Giêsu.
Tôi nghĩ đến Đức Maria, Mẹ là Đấng “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc
2,19.51). Việc chào đón Lời Chúa và chân lý đức tin để chúng trở nên sức sống, phải được ứng nghiệm và lớn lên dưới sự hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa.
Theo đó, chúng ta hãy học nơi Đức Maria, sống dậy tiếng “vâng” của ngài, sống dậy tính sẵn lòng hoàn toàn để đón nhận Con Thiên Chúa vào trong đời của mình, và kể từ chính lúc ấy cuộc đời của Mẹ được biến đổi. Nhờ vào hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa, mà Chúa Cha và Chúa Con mới ngự nơi chúng ta được, nghĩa là chúng ta đang sống trong Thiên
Chúa và cho Thiên Chúa. Vậy thì, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình xem, có thực là cuộc đời tôi đang được Thiên Chúa linh hoạt làm cho sống, hay là nó bị biết bao nhiêu thứ đặt trên cả Chúa, đang điều khiển đời sống của tôi?
Anh chị em thân mến!
Chúng ta cần phải để mình được đắm chìm trong ánh
sáng của Thần Khí Thiên Chúa,
để Ngài dẫn chúng ta trong Chân Lý của Thiên Chúa, vốn là Thiên Chúa độc nhất của đời chúng ta. Trong Năm Đức Tin này, chúng ta hãy tự vấn mình một cách cụ thể rằng tôi đã tiến bước được tí nào chưa để biết Đức Ki-tô hơn và để biết chân lý đức tin hơn, tôi đã đọc và suy ngẫm Kinh Thánh hơn chưa, đã học hỏi Giáo Lý hơn chưa, đã năng nhận lãnh các Bí Tích hơn chưa. Mà trước mắt chúng ta hãy tự vấn xem những bước ấy, những việc vừa kể trên mà chúng ta
đang làm, thì đức tin có chi phối tất cả đời sống chúng ta hay chưa.
Anh chị em hãy nhớ rằng chúng ta không phải là những người Kitô hữu “thời vụ” (a tempo)!
Chúng ta không phải là Kitô hữu thời vụ tí nào cả! Chúng không phải là người là Kitô hữu chỉ thi thoảng, trong một ít hoàn cảnh, và trong vài chọn lựa của mình! Không!
Chúng ta nhất định không phải là người Ki-tô hữu như thế! Chúng ta phải là Kitô hữu trong mọi lúc, trong hết thảy mọi chốn!
Sự thật về Đức Kitô, điều mà Thần Khí chỉ dạy và ban cho chúng ta, sẽ khiến cho toàn bộ đời sống hằng ngày của chúng ta được thú vị luôn mãi. Chúng
ta hãy khẩn cầu thường xuyên hơn nữa, để Thần Khí Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta trên nẻo đường của người môn đệ Chúa Kitô!
Chúng ta hãy khẩn cầu mỗi ngày, chúng ta hãy thực hiện quyết tâm này: mỗi ngày chúng ta sẽ khẩn cầu với Thần Khí Thiên Chúa.
Anh chị em có quyết tâm không? – Thưa có!
Tôi không nghe gì hết!
Mỗi ngày đó anh chị em nha! Eh!
Có! Có! Có!
Vậy tôi nguyện xin Thần Khí Thiên Chúa mang chúng ta đến gần hơn với Chúa Giêsu.
Cám ơn anh chị em.