Phần I - Bài 2

 

THÁNH TRUYỀN VÀ KINH THÁNH

 

        Trước hết bạn hãy suy nghĩ và trả lời hai câu hỏi này:

        1.  Điều làm tôi nghĩ Kinh Thánh là do Thiên Chúa linh hứng, đó là...

        2.  Một vấn đề về Kinh Thánh đôi khi khiến tôi thắc mắc, là...

 

MẠC KHẢI

 

        Hồi đệ nhị thế chiến, một thủy thủ được phái đến đơn vị hải pháo.  Người ta phát cho anh một đôi găng tay chống nhiệt.  Nhiệm vụ của anh là phải nhặt vỏ đạn rớt ra từ nòng đại bác sau mỗi lần tác xạ.  Lý do để tránh việc vỏ đạn nằm ngổn ngang trên sàn tàu gây nguy hiểm cho các thủy thủ khác thuộc pháo đội.  Anh phải sử dụng đôi găng đặc biệt ấy là vì vỏ đạn rất nóng khi vừa rơi ra khỏi nòng súng.

        Giả như thấy một thủy thủ mang găng tay chống nhiệt cầm một vỏ đạn đại bác thì có cách nào để chúng ta có thể khẳng định được là vỏ đạn ấy thật nóng?  Có ba cách:

        Trước hết, chúng ta có thể tự mình sờ vào vỏ đạn ấy để cảm thấy được độ nóng của nó.  Thứ nhì, chúng ta có thể nhổ chút nước miếng lên nó, nếu nghe tiếng xèo xèo thì chúng ta lý luận là nó đang nóng.  Cách cuối cùng là chúng ta cứ hỏi thẳng người cầm vỏ đạn ấy, một khi chúng ta đã cho là họ biết và sẽ nói thật.

        Như vậy là có ba cách để biết vỏ đạn có nóng hay không:  do kinh nghiệm của chính mình, do suy luận, và do tin tưởng vào một người đã biết.

        Tuy nhiên chúng ta tự hỏi có thể áp dụng ba cách ấy để cảm nghiệm Thiên Chúa không?  Thí dụ, chúng ta có thể dùng những cách ấy để khẳng định Thiên Chúa hiện hữu và một vài nét về bản chất của Ngài không?  Nhiều người bảo rằng được lắm chứ.  Vậy chúng ta hãy xét cách biết đầu tiên.

 

Kinh nghiệm dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa

 

        Trong  cuốn tự thuật về đời sống tu đức của mình, Bede Griffiths người Anh đã kể lại một câu truyện thời niên thiếu.  Vào một buổi hoàng hôn mùa hè, đang khi đi dạo chơi một mình, ông đã chợt nhận ra được vẻ đẹp của muôn vật chung quanh.  Ông tự hỏi mình tại sao cũng vẫn vẻ đẹp này, thế mà từ bao lâu nay ông đã không nhận ra được.  Rồi ông tiến thêm một bước nữa:

        "Mọi sự trở nên yên tịnh khi ánh nắng vàng buổi hoàng hôn nhạt dần...  Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác sợ hãi ập lên tôi.  Chân tôi bủn rủn muốn quỵ xuống...  Lúc ấy tôi đã bất ngờ nhận thức được một thế giới tuyệt vời với vẻ huyền bí tôi chưa bao giờ thấy có."  - The Golden String

        Sau này Griffiths thuật lại là dường như Thiên Chúa đã đến và chạm tới ông ngay chính lúc ấy.  Đó là một kinh nghiệm ông không bao giờ quên được.  Ông nói:  "Bây giờ nhìn lại, tôi thấy đó quả là một trong những biến cố đổi đời của cuộc sống tôi."

        Nhiều người khác cũng thuật lại những kinh nghiệm tương tự.  Hơn thế nữa, họ còn xác tín chắc chắn mình đã cảm nghiệm được Thiên Chúa.

 

Lý trí dẫn đến Thiên Chúa

 

        Từ lâu, Whittaker Chambers là một đảng viên tiếng tăm của đảng Cộng Sản Hoa Kỳ.  Trong cuốn tự thuật, ông kể lại một câu truyện đã hoàn toàn làm thay đổi chiều hướng tư tưởng của ông.

        "Tôi đang ngồi nhìn con gái tôi ăn.  Nó ngồi ngất ngưởng trên chiếc ghế con nít.  Nó là một cái gì huyền diệu nhất đã đến trong đời tôi.  Tôi thích ngồi ngắm nó trát cháo lên mặt hoặc bình thản đổ cháo xuống sàn nhà.  Mắt tôi dừng lại trên đôi tai của nó và tôi quan sát kỹ những vòng cong của vành tai - đôi tai phức tạp và tuyệt hảo." -  The Witness

        Bất chợt, một ý nghĩ đến với Chambers:  Đôi tai này không thể nào được hình thành tình cờ do sự hội tụ của các nguyên tử được.  Nó phải là tác phẩm của một công trình sáng tạo.  Ý tưởng này đến với Chambers một cách "tự nhiên chứ không gượng ép."  Ông đã ráng xua đuổi ý tưởng đó khỏi đầu óc mình.  Vì nếu cứ tiếp tục suy luận thì ông sẽ phải đi đến kết luận rằng tác phẩm này cho thấy là phải có một Đấng phác họa ra nó.  Chambers nói:  "Lúc ấy tôi không nhận thấy, nhưng quả thực ngón tay Thiên Chúa đã chạm trên trán tôi."

        Một lần nữa, có thể kể ra nhiều trường hợp tương tự về suy luận.  Những trường hợp ấy làm cho nhiều người xác tín rằng lý trí không những dẫn đến Thiên Chúa mà còn cho thấy một điều nào đó về bản chất của Ngài.  Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết:  "Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người"  (Rm 1:20).

 

Đức tin biểu lộ Thiên Chúa

 

        Có nhiều người chưa bao giờ cảm nghiệm Thiên Chúa một cách hoàn toàn không chút nghi ngờ.  Nhiều người khác lại ngần ngại không muốn nói là lý trí có thể dẫn đến Thiên Chúa.  Họ lý luận:  Có thể ngày nào đó khoa học sẽ tiến triển thêm và sẽ tìm ra một giải thích khác chứ không phải giải thích là do Thiên Chúa, để cắt nghĩa sự phức tạp và trật tự trong vũ trụ.  Đối với những người này, chỉ có cách duy nhất để tìm biết Thiên Chúa, đó là đức tin vào sự mạc khải của Thiên Chúa dành cho con người.

        Mạc khải nghĩa là "mở tấm màn che khuất ra."  Sự mạc khải của Thiên Chúa là việc Ngài tỏ mình ra cho chúng ta.  Qua sự tỏ lộ này, Thiên Chúa không những cho chúng ta thấy bản chất của Ngài, mà còn cho thấy tình yêu và kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta nữa.

        Mạc khải của Thiên Chúa có thể được nhận biết qua hai giai đoạn:

        *  Sự mạc khải nguyên thủy của Thiên Chúa cho các ngôn sứ và các tông đồ trong thời Cựu và Tân Ước.

        *  Sự chuyển tiếp của mạc khải đó sang các thế hệ sau.

        Sự mạc khải nguyên thủy của Thiên Chúa cho các ngôn sứ và các tông đồ thường được gọi là mạc khải trực thụ.  Có nghĩa là các ngôn sứ đã tiếp nhận lời Thiên Chúa trực tiếp qua những giấc mơ, thị kiến, hoặc qua những soi sáng của Chúa về một vài biến cố lịch sử Do-thái.  Cũng thế, các tông đồ đã tiếp nhận lời Chúa tức khắc và trực tiếp từ Đức Giê-su.

        Nhưng Thiên Chúa tỏ mình ra với các ngôn sứ và các tông đồ không phải cho chính họ mà thôi, mà là cho tất cả chúng ta, kể cả những người chưa sinh ra đời.  Do đó cần phải có sự mạc khải gián thụ, tức là truyền lại lời Thiên Chúa cho các người khác.  Việc mạc khải gián thụ này dần dần trở thành Thánh Truyền, tức là truyền lại lời Chúa cho người khác.

 

THÁNH TRUYỀN

 

        Vở kịch danh tiếng Fiddler on the Roof của Broadway được soạn vào lúc người Do-thái vẫn còn tuân giữ nhiều truyền thống cổ xưa.  Trong vở kịch này, một thanh niên đến gặp người láng giềng Do-thái tên là Tevye để xin cầu hôn với con gái của ông.

        Ban đầu Tevye từ chối, vì theo truyền thống Do-thái chỉ có ông bà mai mới có thể thu xếp chuyện hôn nhân.  Nhưng rồi Tevye cũng bằng lòng và để cho đôi trẻ lấy nhau.  Màn kịch này nêu lên một vài câu hỏi về truyền thống.  Vậy truyền thống là gì và truyền thống ảnh hưởng như thế nào?

        Từ ngữ Thánh Truyền theo nguyên ngữ La-tinh nghĩa là "truyền tay cho người khác."  Nó có thể được sử dụng theo hai ý nghĩa.

        Thứ nhất, Thánh Truyền chỉ về một tiến trình theo đó một niềm tin và lối thực hành niềm tin ấy được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ kia.  Như vậy chúng ta đang nói về Thánh Truyền truyền khẩu và Thánh Truyền thành văn.

        Thứ nhì, từ ngữ Thánh Truyền có thể dùng để chỉ về nội dung của những gì được truyền lại.  Như thế chúng ta lại phân biệt Thánh Truyền thiết yếu và Thánh Truyền không thiết yếu.  Thí dụ, truyền thống về việc linh mục Công giáo không lập gia đình là một truyền thống không thiết yếu.  Do đó truyền thống ấy có thể được thay đổi.  Ngược lại, truyền thống tin Đức Ki-tô thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể là truyền thống thiết yếu.  Thánh Truyền này không thể thay đổi được.  Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần sẽ xác định truyền thống nào là thiết yếu hay không thiết yếu.

 

Thánh Truyền là một tiến trình toàn diện

       

        Thánh Truyền được truyền đạt không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng nhân chứng và việc thờ phượng.  Chúng ta có đức tin không phải vì chúng ta được dạy dỗ, mà là vì chúng ta được trao ban.  Do đó, Thánh Truyền là một tiến trình toàn diện bao gồm cả lời nói  lẫn nhân chứng và việc thờ phượng.

        Cách mô tả tuyệt hảo nhất về tiến trình "toàn diện" này gặp thấy trong sách Công Vụ Tông Đồ.  Trong đó, thánh Lu-ca đã tường thuật những hoạt động của các Ki-tô hữu tân tòng như sau:

        "Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy (lời nói), hiệp thông với nhau (nhân chứng), tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện" (thờ phượng).  (Cv 2:42).

        Tất cả những hoạt động này - lời nói, nhân chứng và việc thờ phượng - giữ vai trò rất quan trọng trong việc "truyền lại" đức tin.

 

KINH THÁNH

 

        Nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng một số lớn các đoạn Kinh Thánh đều khởi đầu từ khẩu truyền.  Nó cách khác, những đoạn Kinh Thánh này đã được truyền miệng cho nhau qua nhiều năm trước khi được ghi chép lại.

        Lấy sách Tin Mừng làm ví dụ.  Nhiều đoạn trong chính văn bản cho thấy là văn bản đã được truyền miệng qua một thời gian khá lâu trước khi được ghi chép lại.  Thí dụ, Tin Mừng Mát-thêu nói rằng sau khi Đức Giê-su sống lại, lính canh mồ đã được mua chuộc để phao tin là các môn đệ Chúa đã trộm xác Người khi họ đang ngủ.  Rồi thánh Mát-thêu ghi thêm:  "Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay" (Mt 28:15).  Những từ ngữ "cho đến ngày nay" nói lên một quá trình thời gian đáng kể từ khi biến cố ấy xảy ra cho đến lúc được ghi lại trong sách Tin Mừng.  Trở lại sách Tin Mừng một lần nữa, thánh Gio-an kết thúc sách của ngài như sau:  “Chúa Giê-su còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, nhưng không ghi chép hết trong sách này” (Ga 20:30).

        Điểm này quan trọng, vì nó chứng tỏ khẩu truyền về Đức Giê-su vẫn còn được tiếp tục trong Hội Thánh sau khi sách Tin Mừng được viết.

 

Tất cả Kinh Thánh đều do linh hứng

 

        Trong tiến trình của Thánh Truyền, vai trò của Chúa Thánh Thần là quan trọng trên hết.  Đề cập đến vấn đề này, chính Đức Giê-su đã nói:  "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn" (Ga 16:13).  Nói cách khác, Đức Giê-su khẳng định với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt và bảo vệ Hội Thánh của Người khỏi những lỗi lầm trong tiến trình truyền lại đức tin.

        Đôi khi chúng ta gọi sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần là linh hứng.  Từ ngữ này được thánh Phao-lô sử dụng, như trong Thư thứ hai gửi Ti-mô-thê:  "Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng" (2 Tm 3:16).  Nghĩa là Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt và bảo vệ các tác giả viết Kinh Thánh khỏi những sai lầm trong những vấn đề liên hệ đến việc cứu rỗi.  Điều này không có nghĩa là Thánh Thần bảo vệ các tác giả viết Kinh Thánh khỏi những sai lầm về lịch sử và khoa học.  Thiên Chúa không bao giờ có ý định linh hứng cho họ để viết sách khoa học và lịch sử.  Vì thế, Kinh Thánh không thể không có những sai lầm khoa học và lịch sử.

        Thí dụ sách Đệ Nhị Luật 14:7 liệt kê loài thỏ rừng là một trong những thú vật nhai lại, đó là điều không đúng khoa học chút nào.  Về lịch sử, chúng ta có thể lấy thí dụ sách 1 Sa-mu-en 31:4 ghi lại rằng vua Sau-lê tự vận, trong khi sách 2 Sa-mu-en 1:9-10 lại viết là một người khác đã giết nhà vua.

 

Những sách nào thuộc Kinh bộ?

 

        Công giáo và Tin lành không đồng nhất với nhau về Kinh bộ Kinh Thánh Do-thái (Cựu Ước).  Từ ngữ "Kinh bộ" có nghĩa là bản danh sách chính thức về những sách được Thiên Chúa linh hứng và do đó được dùng như là khuôn vàng thước ngọc cho đức tin.  Giáo Hội giữ lại nguyên trong Kinh bộ bảy cuốn sách mà Tin lành không thừa nhận.  Những sách này là Ma-ca-bê 1 và 2, Giu-đi-tha, Tô-bi-a, Ba-rúc, Huấn ca và Khôn Ngoan.

        Sự bất đồng này bắt nguồn từ xưa khi chính người Do-thái cũng đã không nhất trí về Kinh bộ của họ.  Nhiều người Do-thái trở lại Ki-tô giáo lúc đó đã sử dụng Kinh bộ gọi là bản Bảy Mươi.  Kinh bộ này được phiên dịch từ tiếng Do-thái sang tiếng Hy-lạp vào khoảng 250 năm trước Chúa Giê-su.  Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca, Gio-an và các tác giả Tân Ước khác đã dùng Kinh bộ này để trích dẫn hơn 300 lần khi họ viết Kinh Thánh Tân Ước.  Cuối cùng, vào khoảng 100 năm sau Chúa Giê-su, khi xác định lại Kinh bộ của họ, người Do-thái đã đồng ý loại bỏ bảy sách kể trên.  Hội Thánh Tin Lành thế kỷ 16 đã theo Kinh bộ này.  Ngày nay, nhiều người Tin Lành cũng sử dụng Kinh bộ gồm cả bảy sách này, nhưng được sắp ở một phần riêng biệt.

        Dù không thống nhất về Kinh bộ Cựu Ước, nhưng cả Công giáo lẫn Tin Lành đều nhận cùng một Kinh bộ Tân Ước.

       

Những sách Kinh Thánh khó xếp loại

 

        Bài hát "Maria" trong phim "The Sound of Music" có một câu như sau:  "Giữ sao được ánh trăng thanh, trong bàn tay nhỏ của anh suốt đời."  Câu hát này diễn tả bản chất độc đáo của Maria, không thể xếp nàng vào loại người nào.  Nhiều sách trong Kinh Thánh Do-thái cũng giống như trường hợp Maria vậy, không thể xếp vào loại nào được.  Tìm cách để xếp loại những sách này chẳng khác gì tìm cách giữ ánh trăng trong lòng bàn tay.  Nhưng để tạm có một cái nhìn tổng quát về Kinh Thánh, chúng ta cũng cố gắng xếp loại Kinh bộ Công giáo như sau:

 

KINH THÁNH DO THÁI  (46 cuốn)

Ngũ thư:                                    Những sách Khôn Ngoan:

        Sáng Thế                                    Gióp

        Xuất Hành                                   Thánh Vịnh

        Lê-vi                                          Châm Ngôn

        Dân Số                                       Giảng Viên

        Đệ Nhị Luật                                  Diễm Ca

                                                        Khôn Ngoan

                                                        Huấn Ca

Những sách Lịch sử:                    Những sách Ngôn sứ:

        Gio-suê                               Các Đại Ngôn sứ:

        Thủ Lãnh                                    I-sai-a

        1 & 2 Sa-mu-en                            Giê-rê-mi-a

        1 & 2 Các Vua                              Ai Ca

        1 & 2 Biên Niên Sử                         Ba-rúc

        Ét-ra                                          Ê-dê-ki-en

        Nơ-khe-mi-a                                 Đa-ni-en

        1 & 2 Ma-ca-bê                     Các Tiểu Ngôn sứ:

Đặc biệt:                                           Hô-sê                 Khác-gai

        Rút                                            A-mốt                 Da-ca-ri-a

        Tô-bi-a                                               Mi-kha                        Ô-va-đi-a

        Giu-đi-tha                                    Na-khum             Giô-en

        Ét-te                                          Kha-ba-cúc          Giô-na

                                                        Xô-phô-ni-a          Ma-la-khi

 

KINH THÁNH KI-TÔ  (27 cuốn)

Tin Mừng  (4)                                      

        Mát-thêu     Mác-cô       Lu-ca         Gio-an               

Công Vụ Tông Đồ  (1)

Thư  (21)

        Thánh Phao-lô:

                Những thư đầu tiên:               1 & 2 Thê-xa-lô-ni-ca

                Những thư viết trong tù: Phi-líp-phê, Cô-lô-xê, Ê-phê-xô, Phi-lê-môn

                Những thư lớn:             Ga-lát, 1&2 Cô-rin-tô, Rô-ma

                Những thư về mục vụ:    1 & 2 Ti-mô-thê, Ti-tô

        Những thư khác:

                1, 2 & 3 Gio-an, 1 & 2 Phê-rô, Gia-cô-bê, Giu-đa

        Đặc biệt:

                Do-thái

Khải Huyền  (1)

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.  Rô-ma 1:20-25                 Lý trí dẫn tới Thiên Chúa

        2.  2 Thê-xa-lô-ni-ca 2:13-17            Thánh Truyền

        3.  Ga-lát 1:6-9                     Tin Mừng được rao giảng

        4.  Lu-ca 1:1-4                     Tin Mừng được ghi chép lại

        5.  2 Ti-mô-thê 3:14-4:5         Kinh Thánh được linh hứng

 

THẢO LUẬN

 

        1.  Có ba cách để chúng ta có thể đến với Chúa.  Bạn hãy suy nghĩ và chia sẻ cách bạn đến với Chúa.

        2.  Bạn nghĩ gì về giá trị của Thánh Truyền nói chung?  Và cách riêng đối với đời sống đức tin của bạn?

 

CHIA SẺ

 

        1.  "Bạn chỉ có thể hiểu Kinh Thánh khi bạn quì gối xuống." (Maurice Zundel). Dựa trên kinh nghiệm của bạn, câu nói này có đúng không?

        2.  Giả thiết bạn có thể vượt thời gian trở về thời Chúa Giê-su để chứng kiến những biến cố đời Ngài, bạn sẽ chọn biến cố nào?  Tại sao chọn biến cố ấy?

 

 

 

The Catholic Vision   I - 2

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà