Phần I – Bài 3
Trước khi đọc
bài này, bạn hãy suy nghĩ và trả lời hai câu hỏi sau:
1. Một câu hỏi tôi muốn hỏi Chúa là...
2. Lý do tôi muốn dặt câu hỏi này là vì...
Có một cuốn
phim rất nổi tiếng là Laura. Phim nói
về một thiếu nữ bị giết một cách mờ ám ngay tại nhà cô ta.
Một thám tử
tên là Mark MacPherson được chỉ định điều tra vụ án này. Vài ngày sau, anh bỏ hằng giờ ở lại trong
căn phòng của Laura, tìm kiếm chứng tích.
Anh lục soát mọi vật trong nhà, ghi chép tỉ mỉ và rắc bụi đen đủ chỗ để
lấy dấu tay. Anh nghiên cứu những vật
dụng cá nhân của Laura, đọc cả thư từ lẫn nhật ký của cô ta. Không một viên gạch nào mà anh không lật
lên.
Ít lâu sau,
một điều bất thường xảy ra. Mark hoàn
toàn bị ám ảnh do hình ảnh Laura. Anh
bị cô ta thu hút. Anh thấy mình đang
yêu một người đã chết.
Một đêm khuya
đang lúc ngồi trong căn nhà Laura để suy tính mọi sự, ánh đèn mờ mờ và anh đã
mệt, chẳng mấy chốc anh gục đầu ngủ thiếp đi.
Bỗng nhiên có
cái gì đánh thức anh dậy. Anh mở mắt
ra, và kìa, đứng trước cửa là một thiếu nữ trẻ đẹp. Anh không tin được chính mắt mình. Chính Laura!
Một câu
truyện hứng thú đã được sáng tỏ. Laura
đã về miền quê trong một dịp cuối tuần để tìm yên tĩnh suy tính công
chuyện. Cô đã ở lại đó trọn cuối tuần,
không nghe radio hoặc đọc báo chí. Cô
không hay gì về tin tức cái chết của chính mình.
Thì ra người
đàn bà bị giết là một người quen của Laura đã sử dụng căn nhà trong khi nàng đi
vắng.
Cuốn phim kết
thúc như thế nào chắc bạn đã đoán được.
Laura và Mark bắt đầu hẹn hò, yêu nhau và kết hôn, chung sống hạnh phúc
suốt đời.
Phim Laura là
một thí dụ nói về Thiên Chúa và chúng ta.
Tựa như người thám tử trẻ tuổi, chúng ta thấy chính mình đang ở trong
"nhà" của Thiên Chúa là thế giới này.
Khi nghiên
cứu về vũ trụ, chúng ta bắt đầu có ý niệm là Tạo Hóa phải như thế nào. Bầu trời xanh, núi non cao ngất, những bãi
biển dài cát trắng, những hình ảnh rạng ngời của cây cỏ và muông thú... tất cả những sự vật này giúp chúng ta nhìn
thấy sự vĩ đại và vẻ đẹp của Thiên Chúa.
Cuối cùng,
chúng ta cũng trở nên bận tâm với Đấng mà chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy hay
gặp gỡ. Chúng ta trở nên bận tâm với
Thiên Chúa. Còn Ngài, Ngài muốn câu
truyện của chúng ta sẽ kết thúc như cuốn phim Laura. Thiên Chúa muốn chúng ta yêu mến Ngài, gặp Ngài mặt đối mặt, kết
hiệp với Ngài và sống hạnh phúc đến muôn đời.
Nhưng lý trí
chỉ có thể hiểu lờ mờ Thiên Chúa như thế nào thôi, chứ không thể họa rõ dung
mạo về Ngài. Mortimer Adler, một trong
những triết gia nổi tiếng thời chúng ta, nêu lên một điểm trong cuộc phỏng vấn
thực hiện do Bill Moyers của đài truyền hình.
Adler nói:
"Nếu lý
trí giúp tôi biết mọi sự về Thiên Chúa, thì Ngài đâu cần phải mạc khải cho tôi
biết... Lý trí tự nó không thể liên kết
một hiện thể tối cao vô hạn với một hiện thể công chính, nhân từ, quan phòng,
lo lắng, chăm sóc."
Khoảng cách
biệt đó chỉ có thể được nối lại do sự mạc khải của Thiên Chúa về chính Ngài
trong Kinh Thánh. Và như vậy, chúng ta
hãy đến với Kinh Thánh để "vẽ một khuôn mặt của Thiên Chúa."
Một trong
những điều trước tiên đánh động chúng ta khi đọc Kinh Thánh là những hình ảnh
muôn vẻ được sử dụng để mô tả Thiên Chúa.
Hãy thử xem một vài hình ảnh đó.
Thiên Chúa là
Đấng Tạo Dựng. Ngài "sắp đặt trái
đất từ khi được dựng nên" và trang hoàng cho nó bằng sông ngòi, núi non và
thung lũng (Tv 104:5-8).
Thiên Chúa là
Vua uy quyền. Trước nhan thánh Ngài,
muôn nước khắp trái đất khiếp run (Tv 24:10).
Thiên Chúa là
Thẩm Phán nhìn thấu suốt mọi sự. Ngài
không nhìn những gì biểu lộ bên ngoài, nhưng thấy những gì ẩn giấu trong tim (1
Sm 16:7).
Thiên Chúa là
Người Thợ Gốm. Ngài nắn đúc chúng ta
bằng chính tay Ngài (Is 64:7).
Thiên Chúa là
Người Chăn Chiên. Ngài tìm kiếm chúng
ta khi chúng ta lạc lối, băng bó khi chúng ta bị thương và bồi dưỡng khi chúng
ta yếu đau (Ed 34:16).
Thiên Chúa là
Gia Chủ lịch thiệp. Ngài dọn bàn cho
chúng ta, xức dầu thơm cho chúng ta và dọn mâm cỗ trước mặt chúng ta (Tv 23:5).
Thiên Chúa là
gà mẹ. Ngài ấp ủ chúng ta dưới bóng
cánh Ngài và trấn an chúng ta khi cô đơn hay lo sợ (Tv 36:8).
Thiên Chúa là
người Cha. Ngài dạy chúng ta biết đi,
bồng chúng ta dậy khi chúng ta té ngã và áp chúng ta vào má Ngài (Hs 11:1-4).
Thiên Chúa là
Đấng Thánh Thiện. Trước nhan Ngài, các
quản thần che mặt và kêu lên "Thánh, Thánh, Thánh!" (Is 6:3).
Như thế, Kinh
Thánh dùng rất nhiều hình ảnh để mô tả Thiên Chúa.
Hãy xét kỹ
hơn về hai hình ảnh: Đấng Tạo Dựng và
Cha.
Bốn ngày
trước Giáng Sinh 1968, phi thuyền Apollo 8 được phóng lên từ Cape Kennedy. Phi hành đoàn gồm có Frank Borman, Bill
Anders và Jim Lovell. Ba ngày sau, vào
đêm Giáng Sinh, Apollo 8 hoàn toàn mất liên lạc với mặt đất khi khuất sau mặt
trăng. Hàng triệu người dán mắt vào máy
truyền hình, chờ đợi và cầu nguyện cho phi thuyền trở về bình yên.
Khi ấy xảy ra
một quang cảnh ngoạn mục. Phi thuyền
Apollo 8 xoay quanh mặt trăng và hiện thấy rõ.
Phi hành đoàn đang thay nhau đọc lại câu truyện tạo dựng trái đất như
được mô tả trong sách Sáng Thế.
Câu truyện mô
tả Thiên Chúa tạo dựng muôn loài: mặt
trời, mặt trăng, tinh tú, trái đất, chim, cá và muông thú.
Câu truyện
còn mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng muôn loài một cách trật tự trong thời gian
sáu ngày, như một người thủ công làm việc.
Chủ đích của hình ảnh tuyệt diệu này là để dạy chúng ta rằng việc tạo
dựng không xảy ra do ngẫu nhiên, nhưng được thực hiện do hành động yêu thương
của một Thiên Chúa đầy yêu thương.
Cuối cùng,
sách Sáng Thế kể lại Thiên Chúa tạo dựng con người theo "hình ảnh"
Ngài (St 1:27) và Ngài thở hơi vào con người "hơi thở của sự sống"
(St 2:27). Thiên Chúa chia sẻ với loài
người một phần mật thiết của chính Ngài.
Câu truyện
Kinh Thánh về việc tạo dựng cho thấy một điều không thể tin được. Những tôn giáo cổ xưa khác nhấn mạnh đến sự
xa cách giữa các thần linh và loài người.
Còn câu truyện Kinh Thánh lại nhấn mạnh đến sự gần gũi. Thiên Chúa gần gũi với loài người hơn một
người mẹ với con mình. Điều này giải
thích tại sao Thiên Chúa nói qua ngôn sứ I-sai-a:
"Mẹ nào
lại quên con đẻ của mình,
Cạn lòng
thương đối với con dạ nó mang?
Cho dù chúng
quên được nữa,
Thì phần Ta,
Ta sẽ không hề quên ngươi!
Này Ta đã
khắc tên ngươi trên bàn tay Ta."
(Is
49:15-16)
Đây là một
tình yêu dành cho nhân loại đã khiến tác giả Thánh Vịnh nhìn lên bầu trời đêm
khuya mà thưa với Chúa rằng:
"Ngắm
tầng trời tay Chúa sáng tạo,
Muôn trăng
sao Chúa đã an bài;
Thì con người
là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là
gì mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con
người chẳng thua kém thần linh là mấy,
Ban vinh
quang danh dự làm mũ triều thiên."
(Tv 8:4-6)
Và như vậy
Kinh Thánh mô tả lúc Thiên Chúa tạo dựng muôn loài, thì cao điểm tạo dựng là
loài người. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo chính hình ảnh Ngài. Nhưng ngoài việc tạo dựng muôn loài ra, Ngài
còn làm hơn thế nữa: Ngài tiếp tục ở
lại trong tạo vật, giữ cho chúng được tồn tại.
Chúng ta hãy thử xét kỹ hơn về sự kiện huyền diệu này.
Một người con
có thể hiện diện bên cạnh người mẹ đau ốm trong bệnh viện bằng nhiều cách: một tấm hình trên bàn, một lá thư trong tay
bà, hay chính người con ngồi bên giường bà.
Nói cách khác, người con ấy có thể hiện diện bằng nhiều phương thức và
mức độ khác nhau.
Thiên Chúa
cũng hiện diện trong thế giới chúng ta qua những đường lối tương tự. Thí dụ, Thiên Chúa ở trong những vì sao mà
Ngài đã tạo nên, trong con người mang hình ảnh Ngài, trong Kinh Thánh là Lời
của Ngài, và trong cộng đồng Hội Thánh là Nhiệm Thể của Con Một Ngài (Ep
1:22-23).
Giữa tất cả
những đường lối Thiên Chúa hiện diện trong thế giới chúng ta, một khía cạnh
chúng ta thường hay quên lãng, đó là Ngài hiện diện ngay trong tạo vật. Những ai nhận ra được sự hiện diện này đều
cảm nghiệm được sức mạnh vô biên từ đó.
Thí dụ thuyền trưởng Eddie Rickenbacker và đoàn thủy thủ của ông bị đắm
tàu trên Thái Bình dương. Suốt 21 ngày
lênh đênh trên những chiếc phao cao-su, ngày nào họ cũng cầu nguyện bằng Kinh
Thánh. Sau này họ kể rằng một trong
những đoạn có ý nghĩa nhất chính là Thánh Vịnh 139, đã trấn an họ rằng Thiên
Chúa ở cùng họ.
"Đi mãi
đâu cho thoát thần trí Ngài,
Lẩn nơi nào
cho khuất được Thánh Nhan?
Con có lên
trời, Chúa đang ngự đó,
Nằm dưới âm
ty, vẫn gặp thấy Ngài.
Dù chắp cánh
bay từ phía hừng đông xuất hiện,
Đến ở nơi
chân trời góc biển phương tây,
Tại đó cũng
tay Ngài đưa dẫn,
Cánh tay hùng
mạnh giữ lấy con."
(Tv
139:7-10)
Trong màn đêm
trăng sao, những người đàn ông trên những chiếc phao cấp cứu đã cảm nhận sâu xa
sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự Ngài tạo dựng.
Sự hiện diện
của Thiên Chúa nơi tạo vật có thể so sánh với một cái máy chiếu phim rọi lại
hình ảnh trên một tấm màn. Sự hiện hữu
của hình ảnh là do ánh đèn từ cái máy chiếu tạo nên và giữ cho nó hiện
hữu. Hình ảnh chỉ có thể tồn tại bao
lâu cái máy chiếu cứ tiếp tục giữ nó ở đó.
Sự tạo dựng
cũng vậy. Thiên Chúa ban cho tạo vật sự
hiện hữu và giữ nó hiện hữu. Nếu Thiên
Chúa chấm dứt sự hiện hữu của nó bằng cách tách nó ra khỏi sự hiện hữu của
Ngài, thì hỗn độn và bóng tối sẽ bao phủ chúng ta ngay.
Và như thế,
hình ảnh Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng cho thấy Thiên Chúa:
* đã tạo dựng chúng ta vì yêu thương
* chia sẻ với chúng ta một phần mật thiết của
chính Ngài
* gần gũi với chúng ta hơn một người mẹ với
con mình, và
* giữ gìn sự tồn tại của chúng ta trong mọi
ngày.
Nhiều năm
trước, Lois Olson mắc bệnh tê liệt lúc lên 10 tuổi. Phần thân phía dưới của em phải bó trong một khung sắt. Một đêm giông bão kéo đến. Cảm giác hoàn toàn bất lực tràn ngập
em. Ngay khi ấy cha em xuất hiện trước
cửa và bồng em bước xuống những bậc thang xuống hầm. Trong lúc ông ráng đỡ sức nặng của em, Lois nhìn thấy mồ hôi lấm
tấm trên trán ông và những gân máu nổi lên hai bên thái dương.
Thiên Chúa
giống như thế. Ngài là một người Cha
nhân từ.
Đức Giê-su
dùng hình ảnh người Cha tới 177 lần để mô tả Thiên Chúa. Đúng ra, lời đầu tiên cho đến cuối cùng
trong sách Tin Mừng Lu-ca nói đến Thiên Chúa là Cha. Lúc Đức Giê-su 12 tuổi, Ngài nói với cha mẹ: "Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở
nhà của Cha con sao?" (Lc 2:49).
Tiếng Cha mà
Đức Giê-su dùng là Abba. Trẻ em
Pha-lét-tin vẫn còn dùng tiếng này để gọi cha của chúng. Nguyên văn có nghĩa là "bố" hoặc
"ba". Như vậy Đức Giê-su dạy
chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa như một đứa trẻ đối với cha mình.
Nhưng Thiên
Chúa khác những người cha thông thường rất nhiều. Thiên Chúa không có giới hạn như những người cha thông thường.
Thánh
Au-gút-tin nói: "Một người bạn là
một người biết mọi sự về chúng ta mà vẫn chấp nhận chúng ta như chúng ta là
chúng ta." Tìm một người như thế
chẳng khác đi tìm người trong mộng.
Nhưng Thiên Chúa là một người như vậy.
Ngài có thể thỏa mãn giấc mơ này hơn cả mức độ chúng ta mong đợi.
Thiên Chúa là
Cha, nhưng một cách hoàn toàn khác với những người cha phàm trần. Thiên Chúa
hết lòng yêu thương. Peter van Breemen
giải thích sự khác biệt này trong cuốn As Bread That Is Broken của ông:
"Chúng
ta bị phân chia trong tình yêu. Chúng
ta thích một người thật nhiều (90%), hoặc vừa vừa (50%), hoặc rất ít
(20%). Nhưng nơi Thiên Chúa tình yêu
không đo lường được. Thiên Chúa chỉ có
thể yêu hoàn toàn - 100%. Nếu chúng ta
nghĩ rằng Thiên Chúa phân chia tình yêu của Ngài, thì không phải là chúng ta
đang nghĩ về Thiên Chúa mà là về chính chúng ta... Chúng ta có tình yêu, còn Thiên Chúa là tình yêu."
Ý là thế
này: Thiên Chúa là Cha yêu thương với
tình yêu vô điều kiện. Ngài yêu chúng
ta vô hạn hơn chính chúng ta yêu mình.
Thiên Chúa yêu chúng ta đến độ chúng ta không thể nắm được "chiều
cao" và "chiều sâu" tuyệt diệu của tình yêu Ngài (Rm 8:39).
Nhưng hơn thế
nữa, Thiên Chúa khác một người cha phàm trần trong nhiều cách.
Có người nói
rằng: Khi chúng ta ăn năn hối lỗi mình,
thì Thiên Chúa ném tội lỗi chúng ta xuống chỗ sâu nhất ngoài biển cả. Rồi Ngài cắm tấm bảng "Cấm câu
cá!" Đó là cách nói rất ý nhị rằng
Thiên Chúa hết lòng tha thứ.
Đức Giê-su
lập đi lập lại nhiều lần rằng Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ. Thử suy gẫm một vài thí dụ:
Đức Giê-su
bảo Phê-rô phải tha thứ cho tha nhân như Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta. Không phải bảy lần, nhưng "bảy mươi lần
bảy" (Mt 18:22).
Trong kinh Lạy
Cha, Đức Giê-su dạy chúng ta phải tin tưởng tìm kiếm ơn tha thứ của Thiên Chúa
tựa như trẻ nhỏ tìm kiếm một người cha thương yêu (Mt 6:12).
Sau cùng,
trong dụ ngôn Đứa con hoang đàng, Đức Giê-su mô tả Thiên Chúa không chỉ tha
thứ, mà Người còn hành động với những vòng tay và nụ hôn âu yếm (Lc 15:20).
Đức Giê-su
không chỉ nói về tha thứ, nhưng Ngài còn thực thi điều ấy. Chúng ta thử suy nghĩ về một vài thí dụ.
Đức Giê-su
tha tội cho người đàn ông tê liệt (Lc 5:20).
Ngài tha thứ cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình (Ga 8:11). Ngài tha thứ cho người trộm lành (Lc
23:43). Ngài tha thứ cho những kẻ xử
hình Ngài (Lc 23:34).
Sách Tin Mừng
đầy những thí dụ về sự tha thứ của Thiên Chúa.
Theo lời của Dag Hammarskjold, ơn tha thứ của Thiên Chúa là "một
phép lạ làm cho những gì đổ vỡ được lành lặn" và "những gì nhơ bẩn
lại được trong sạch."
Hình ảnh
Thiên Chúa như người Cha trong Kinh Thánh cho thấy những sự thật rất cảm động:
* Thiên Chúa hết lòng yêu thương, yêu thương
chúng ta hơn chính chúng ta yêu mình.
* Thiên Chúa hết lòng tha thứ, luôn sẵn sàng
tha thứ cho chúng ta hơn chúng ta tha thứ cho chính mình.
1. Thánh Vịnh 23 Chúa Chiên Lành
2. I-sai-a 40:12-31 Thiên Chúa lịch sử
3. I-sai-a 43:1-7 Chúa biết tên tôi
4. Thánh Vịnh 139:1-16 Không nơi ẩn giấu
5. Gio-an 8:1-11 Viết trên mặt đất.
1. Gợi lại mấy hình ảnh bạn đã gặp trong Kinh
Thánh nói về Thiên Chúa.
2. Tác giả Kinh Thánh có ý gì khi mô tả Thiên
Chúa:
- tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, và
- thở "hơi thở của sự sống" vào con
người?
3. Thiên Chúa trong Kinh Thánh khác những thần
linh của các tôn giáo cổ xưa như thế nào?
4. Bạn cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện bên cạnh
bạn bằng những cách nào?
1. Thảo luận một vài tư tưởng sau đây:
- "Tôi đã lên trời và đã gặp Thiên
Chúa. Ối chao, bạn biết không? Bà ấy dân da đen!" (đọc được trên một
bức tường tại Nữu Ước)
- "Thiên Chúa là Vũ công, tạo vật của
Ngài là Vũ điệu... Khi Vũ công dừng lại
thì Vũ điệu cũng chấm dứt."
(Anthony de Mello)
- "Thiên Chúa là Vũ công, tạo vật của
Ngài là Vũ điệu... Hãy yên lặng mà coi
Vũ điệu. Cứ nhìn đi: một vì sao, một bông hoa, một chiếc lá vàng
rơi... Và hy vọng chẳng mấy chốc nữa
bạn sẽ thấy Ngài là Vũ công."
(Antholy de Mello)
2. Ngoài hình ảnh Thiên Chúa là Cha và Đấng Tạo
Dựng, bạn còn thấy hình ảnh nào trong Kinh Thánh về Thiên Chúa làm bạn thích
thú không?
Mark Link, S.J.
Chuyển ngữ: Lm
Trần đình Nhi
Về Trang Mục
Lục
Trở về trang Giáo Lý
Công Giáo
Trở Về Trang Nhà