Phần I - Bài 5

 

ĐẤNG  THÁNH  HÓA   -   THÁNH  THẦN

 

        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:

        1.  Bây giờ trong đời tôi, Chúa Thánh Thần là...

        2.  Một điều về Chúa Thánh Thần làm cho tôi thắc mắc, là...

 

THIÊN CHÚA LÀ BA NGÔI

 

        Công viên Hyde ở Luân-đôn là nơi cho những diễn giả đến để nói lên ý kiến của mình.  Trưa mỗi Chúa Nhật bạn có thể tới đó để nghe diễn thuyết, từ chính trị cho tới tôn giáo.

        Ông Frank Sheed, một cây bút nổi tiếng của Anh-quốc, thường đến đó để nói về tôn giáo.  Ông nói ông có thể giữ thính giả lại hai tiếng đồng hồ trong mưa gió để nói về Chúa Ba Ngôi.  Sheed nhận thấy dân chúng rất thích nghe về Thiên Chúa Ba Ngôi.  Họ muốn học hỏi về Thiên Chúa Ba Ngôi.  Họ muốn làm mầu nhiệm này trở nên sống động trong cuộc sống hằng ngày.

        Một cách đơn giản, mầu nhiệm Ba Ngôi được hiểu là trong Chúa có ba ngôi vị riêng biệt:  Cha, Con và Thánh Thần.  Cha là Thiên Chúa, Con là Thiên Chúa và Thánh Thần cũng là Thiên Chúa.  Tuy nhiên chỉ có một Thiên Chúa duy nhất.

 

Thiên nhiên phản ảnh Chúa Ba Ngôi

 

        Thánh Patrick lấy thí dụ lá chụm ba để giúp Ki-tô hữu xưa kia có một ý niệm về Chúa Ba Ngôi.  Trong lá chụm ba có ba lá nhỏ ghép lại thành một lá.  Thánh I-Nhã Loyola dùng ví dụ Chúa Ba Ngôi như ba nốt nhạc rung cùng một lúc.  Ba nốt, nhưng chỉ có một âm.  Một nhà thần học thời nay dùng nước làm ví dụ:  nước có thể ở thể hơi, thể đặc (đông đá) hoặc thể lỏng.  Nhưng về cấu chất, cả ba cùng như nhau.

        Đó là những so sánh lờ mờ, nhưng cũng có thể giúp chúng ta hiểu hơn về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

 

Kinh Thánh mạc khải về Chúa Ba Ngôi

 

        Trích dẫn Kinh Thánh quen thuộc nhất về Chúa Ba Ngôi gặp thấy ở cuối sách Tin Mừng Mát-thêu.  Trước khi về trời, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:  "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28:19).

        Trích dẫn mô tả mầu nhiệm Ba Ngôi một cách sống động nhất, đó là khi Đức Giê-su chịu phép rửa.  Ở cuối biến cố đáng nhớ này, "Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu.  Lại có tiếng từ trời phán rằng:  Con là Con của Cha" (Lc 3:22).  Tiếng nói, chim bồ câu và Đức Giê-su, cả ba hình ảnh này tạo nên một hình ảnh về Chúa Ba Ngôi.

        Thánh Lu-ca cũng trình bày lịch sử trong viễn tượng Chúa Ba Ngôi.  Qua cách trình bày sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca muốn nói lên tư tưởng sau:  thời Cựu Ước là thời đại của Chúa Cha, Tân Ước là của Chúa Con và sau Tân Ước (từ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống) là của Chúa Thánh Thần.

        Trích dẫn về Chúa Ba Ngôi thường gặp nhất, đó là trong Tin Mừng Gio-an là sách ghi lại Chúa Giê-su nói rất nhiều về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.  Thí dụ Đức Giê-su nói:  "Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy" (Ga 15:26).

        Và như thế, ý niệm Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần được phản ảnh qua thiên nhiên và được mạc khải qua Kinh Thánh.  Những trích dẫn về Chúa Ba Ngôi gặp trong những sách Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an.

 

THIÊN CHÚA LÀ THẦN LINH

 

        Trong sách Meditations, cha Anthony Bloom kể lại rằng:  Có một lần một người Nhật-bản nói với tôi:  "Trong Ki-tô giáo, tôi nghĩ là tôi hiểu được Chúa Cha và Chúa con, nhưng chẳng bao giờ tôi khám phá được ý nghĩa của hình chim câu đáng kính kia."

        Không phải chỉ một mình người Nhật-bản ấy, mà nhiều Ki-tô hữu cũng thấy khó mà hiểu được ý nghĩa về Thánh Thần.

        Khi nghĩ về Thánh Thần, chúng ta thường nghĩ tới lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống với các môn đệ.  Tuy nhiên, theo một ý nghĩa nào đó, cũng không nên nói "Thánh Thần hiện đến," vì như thế có thể hiểu lầm là trước khi hiện xuống với các môn đệ, Thánh Thần đã không hiện hữu.  Không phải vậy.  Nhưng Chúa Thánh Thần đã có từ muôn thuở như Chúa Cha và Chúa Con.

       

Chúa Thánh Thần hoạt động trong thời Cựu Ước

 

        Sách Công Vụ Tông Đồ không những cho chúng ta thấy rằng thánh Thần đã có từ đời đời, mà còn cho chúng ta thấy Ngài hoạt động trên trần gian trước khi hiện xuống với các môn đệ.

        Thí dụ, sách Công Vụ Tông Đồ viết rằng Chúa Thánh Thần "đã dùng miệng vua Đa-vít để nói" một ngàn năm trước Đức Giê-su (Cv 1:16).  Và thêm nữa, Chúa Thánh Thần cũng "dùng ngôn sứ I-sai-a mà phán" bảy trăm năm trước Đức Giê-su (Cv 28:25).  Sau hết, sách kể lại thánh Tê-pha-nô tố cáo dân chúng đã chống lại Thánh Thần, giống như cha ông họ đã làm trong thời Cựu Ước (Cv 7:51).

 

Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời Đức Giê-su

 

        Sách Tin Mừng mô tả hoạt động của Thánh Thần trong đời sống Đức Giê-su.

        Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su khi Ngài chịu phép rửa (Lc 3:22).  Thánh Thần đã dẫn Đức Giê-su "vào hoang địa bốn mươi ngày" (Lc 4:1-2).  Rồi chính Đức Giê-su đã nói về sự hiện diện của Thánh Thần trong đời Ngài.  Thí dụ sau khi đọc xong lời ngôn sứ I-sai-a "Thần Khí Chúa ngự trên tôi," Đức Giê-su quay về phía dân chúng và nói với họ rằng: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe" (Lc 4:18,21).

        Những đoạn này cũng như nhiều đoạn khác trong sách Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ Thánh Thần hoạt động trong đời Đức Giê-su như thế nào.  Đó là Thánh Thần đã:

                *  hướng dẫn Đức Giê-su,

                *  khuyến khích Ngài,

                *  hoạt động qua Ngài.

        Dù Thánh Thần đã hoạt động nhiều trong thời Cựu Ước và thời rao giảng Tin Mừng thì một biến cố duy nhất và vĩ đại đã xảy ra, đó là ngày lễ Hiện Xuống.  Chúng ta hãy xem biến cố đó là gì.

 

Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ

 

        Trong ngày mừng sinh nhật, một em nhỏ nhận được món quà là chiếc thuyền buồm.  Mừng quá, nó không thể ngồi yên, chạy vòng vòng để khoe với mọi người quà của nó.  Sau cùng, nó chạy lại bên cửa sổ, nhìn lên trời và nói:  "Chúa ơi!  Chúa có thấy chiếc thuyền của con không?"

        Im lặng hồi lâu, dường như nó đợi Chúa trả lời.  Sau đó, quay lại phía mẹ, nó hỏi:  "Chúa là như thế nào?"  Nhưng trước khi mẹ nó trả lời, nó đã la lên:  "Con biết rồi!  Chúa như là gió đưa chiếc thuyền của con đi!"

        Cổ nhân Do-thái chắc cũng phải khen ngợi sự thông minh của đứa bé này.  Họ cũng đã nhận ra sự tương tự giữa Thiên Chúa và gió.  Gió nhẹ như hơi thở và mạnh như bão tố, tuy không trông thấy được, nhưng nói cho người ta biết sự hiện diện vô hình và uy lực của Thiên Chúa.  Quả thật, từ "gió" trong tiếng Do-thái là ruah cũng có thể dịch ra là "thần khí" của Thiên Chúa.

        Một hình ảnh khác người Do-thái có về Thiên Chúa, đó là lửa.  Hình ảnh này có lẽ lấy từ kinh nghiệm Mô-sê thấy Chúa trong bụi gai bừng cháy và dân chúng thấy Chúa hiển dung "trong lửa" trên núi Si-nai.

        Chúng ta nên đọc về việc hiện xuống của Chúa Thánh Thần, dựa trên những tư tưởng như trên.

        Hãy nhớ lại câu truyện.  Các môn đệ đang tụ họp trong một căn nhà tại Giê-ru-sa-lem.

        "Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.  Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.  Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho" (Cv 2:2-4).

        Tiếng động của cơn gió lớn đến nỗi làm cho dân chúng tuốn đến căn nhà ấy.  Nghe tiếng dân chúng, ông Phê-rô và các Tông Đồ đi ra để giảng cho họ nghe.

 

Thánh Thần khởi sự một kỷ nguyên mới

 

        Việc đầu tiên làm cho dân chúng kinh ngạc (nhiều người là ngoại kiều), đó là họ nghe các Tông Đồ nói tiếng của họ (Cv 2:6).  Việc này làm họ bối rối và hỏi nhau:  "Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? (Cv 2:8).

        Để hiểu rõ hơn về biến cố phi thường này, hãy nhớ lại câu truyện tháp Ba-ben được kể trong Cựu Ước.  Trước khi tháp được dựng, Kinh Thánh viết là dân chúng trên địa cầu đều nói chung một ngôn ngữ (St 11:6).

        Sự kiêu căng của loài người đã thúc đẩy họ xây ngọn tháp này.  Khi Thiên Chúa thấy họ tự cao tự đại, Ngài liền làm xáo trộn ngôn ngữ của họ, nên họ không hoàn tất được việc xây tháp nữa.  Câu truyện chấm dứt bằng việc Thiên Chúa khiến dân chúng đi rải rác "khắp địa cầu" (St 11:9).

        Trong bối cảnh này, chúng ta mới giải thích được câu "Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về.  Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến.  Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình" (Cv 2:5-6).

        Có nghĩa là những gì đã xảy ra ở tháp Ba-ben thì bây giờ đổi ngược lai.  Những gì tội lỗi làm chia rẽ, bây giờ Thánh Thần hiệp nhất lại.

        Sự hiện xuống của Thánh Thần đánh dấu khởi điểm của một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.  Đó cũng là khởi đầu cho việc Chúa tái tạo thế giới đã bị tội lỗi phá hủy.

 

Thánh Thần biến chúng ta thành Nhiệm Thể Chúa Ki-tô

 

        Khi dân chúng im lặng, Phê-rô nói với họ rằng những gì đã xảy ra cho các Tông Đồ trong căn nhà ấy đều được Thiên Chúa báo trước qua ngôn sứ Giô-en:

        "Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm...

        Ta sẽ cho xuất hiện những điềm thiêng trên trời cao,

        và những dấu lạ dưới đất thấp...

        trước khi ngày của Đức Chúa đến.

        Bấy giờ hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa,

        ssẽ được ơn cứu độ."

        (Cv 2:17-21)

        Rồi Phê-rô nói tiếp với họ rằng những gì xảy ra trong căn nhà này cũng đã được Đức Giê-su tiên báo:

        "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em

        một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.

        Đó là Thần Khí sự thật...

        Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy,

        anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em."

        (Ga 14:16-17,20)

        Lời giảng của Phê-rô làm dân chúng xúc động.  Gần ba ngàn người xin được rửa tội hôm đó.  Việc họ được rửa tội đem họ vào một thân thể mà sau này thánh Phao-lô gọi là "Nhiệm Thể Chúa Ki-tô."  Không phải chỉ là nhóm người cùng một lòng tin mà thôi, nhưng còn là một thân thể mà mọi người cùng chia sẻ đời sống chung trong Thánh Thần (l Cr 12:12-14).

        Điều vĩ đại và đặc biệt trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống được tóm lại như sau:

        Như Đức Giê-su đến trong ngày Giáng Sinh đã làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách độc đáo trên trần gian (trong Ngôi Hai của Đức Giê-su) thế nào, thì cũng vậy, việc Chúa Thánh Thần đến trong ngày Hiện Xuống sẽ tiếp tục làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách độc đáo trên trần gian (qua các môn đệ Đức Giê-su).  Và cũng như Thiên Chúa đã hành động qua Đức Giê-su, thì Ngài vẫn tiếp tục hành động qua các môn đệ Đức Giê-su, tức là Giáo Hội.

 

THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG THÁNH HÓA

 

        Hôm đó, Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem để mừng Lễ Lều với các môn đệ.  Một nghi thức trong buổi lễ là người ta thỉnh nước lấy từ hồ Si-lo-am đem về Đền Thờ.  Khi đang cử hành nghi thức này, Đức Giê-su quay lại nói với các môn đệ:

        "Ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!"

        Như Kinh Thánh đã nói:

        Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.

        Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận."

         (Ga 7:38-39)

        Có người hỏi:  Tại sao Đức Giê-su chọn hình ảnh nước để biểu tượng cho Thánh Thần?  Một văn sĩ thời khai sinh Ki-tô giáo, thánh Xy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem, đã trả lời như sau:  "Vì muôn vật đều tùy thuộc vào nước."  Rồi ngài tiếp:

        "Nước là mưa từ trời xuống.  Mặc dù mỗi giọt mưa giống nhau, nhưng hiệu năng của chúng trên mỗi sinh vật lại khác nhau:  trong cây dừa, trong ngành nho, và cứ như thế trong mọi tạo vật...  Nước mưa hòa hợp với các sinh vật."

        Với Thánh Thần cũng vậy.  Chúng ta tùy thuộc vào Thánh Thần và Ngài đối xử với mỗi người chúng ta một cách đặc biệt.  Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết:

        "Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí...

        Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy...

        Kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho

        những đặc sủng để chữa bệnh.

        Người thì được ơn làm phép lạ...

        Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người."

        (1 Cr 12:4,8-11)

 

Thánh Thần thánh hóa chúng ta

 

        Mục đích của những hồng ân Thánh Thần là thánh hóa chúng ta để chúng ta trở nên thánh thiện như Cha trên trời, nhờ đó sẽ biến cả Hội Thánh nên "ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí" (Ep 2:22).

        Với tư tưởng này, thánh Au-gút-tin đã soạn một kinh nguyện về Chúa Thánh Thần như sau:

                " Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, hãy thở trong con

                để con biết suy nghĩ những điều thánh thiện.

                Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, xin thúc giục con

                để con biết làm những việc thánh thiện.

                Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, xin lôi kéo con

                để con biết yêu mến những gì thánh thiện.

                Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, xin thêm sức cho con

                để con biết gìn giữ những gì thánh thiện.

                Lạy Thần Khí của Chúa, xin hướng dẫn con

                để con đừng bao giờ đánh mất những gì thánh thiện."

        Như vậy, khi chúng ta thấy ai sống theo tinh thần của Đức Ki-tô, chúng ta biết là bàn tay của Thánh Thần đang hành động trên người ấy - dù họ nhận thấy hay không.  Mỗi khi chúng ta thấy ai đem vui mừng và bình an đến giữa tuyệt vọng và xáo trộn, chúng ta biết là Ngài đang ở đó.  Khi ai giữ được bình tĩnh và bác ái để đối phó với sự giận dữ và bạo lực, thì chúng ta biết Thánh Thần đang hoạt động trong họ.

        Và như thế, những hồng ân của Chúa Thánh Thần có hai mục đích:

                *  thánh hóa chúng ta để được trở nên thánh thiện như Cha trên trời, và

                *  xây dựng Hội Thánh nên "nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí" (Ep 2:22).

        Do đó, chúng ta phấn khởi kết luận về hoạt động của Thánh Thần nơi chúng ta như sau:  khi mỗi tín hữu trong Hội Thánh mở lòng cho Chúa Thánh Thần đến, và khi Hội Thánh như một cộng đồng trở nên cho thế giới hôm nay của chúng ta chính những gì Đức Giê-su đã trở nên cho thế giới của Ngài, thì cá nhân chúng ta và Hội Thánh sẽ là:

                *  một dấu chỉ độc đáo nói lên sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa thế giới, và

                *  một dụng cụ độc đáo Thiên Chúa dùng để biến đổi và xây dựng lại giới.

 

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.  Giô-en 3:1-5                    Những điềm mộng và thị kiến

        2.  Lu-ca 4:14-22                  Đức Giê-su và Thánh Thần

        3.  Công Vụ Tông Đồ 1:1-8              Mong đợi Thánh Thần

        4.  Ga-lát 5:16-26                  Hồng ân của Thánh Thần

        5.  Rô-ma 8:1-17                   Đời sống trong Thánh Thần.

 

THẢO LUẬN

 

        1.  Chọn và thảo luận về hai biến cố trong sách Tin Mừng cho thấy Thánh Thần hoạt động trong đời Đức Giê-su.

        2.  Tại sao lửa và gió là những hình ảnh thích hợp biểu tượng về Thiên Chúa, nhất là về Chúa Thánh Thần?

 

CHIA SẺ

 

        1.  Ngôi nào trong Ba Ngôi bạn thấy dễ liên hệ nhất?  Bạn thường cầu nguyện với Ngôi nào?  Tại sao?

        2.  Kathryn Koob, một trong số 52 người của tòa đại sứ Hoa-kỳ bị bắt làm con tin tại Iran, bị đánh thức dậy với cảm giác thấy có người bước vào phòng giam của mình.  Bà kể lại:  "Nhưng thực ra chẳng có ai cả.  Lập tức tôi nhớ đến Chúa Thánh Thần...  Rồi với cảm giác về sự hiện diện của Ngài, tôi nhận thấy một nguồn sức mạnh."  Trước đó, bà luôn luôn sợ hãi.  Nhưng sau kinh nghiệm này, bà trở nên trầm tĩnh và bình an.  Vậy điều gì nói lên rằng cảm nghiệm của bà đến từ Thiên Chúa, chứ không phải do trí tưởng tượng của bà?  Đã bao giờ bạn có cảm nghiệm giống như vậy chưa?

        3.  Đức Giê-su dạy các môn đệ đừng lo lắng khi bị chính quyền thù nghịch tra hỏi:  "Vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói" (Lc 12:12).  Có khi nào bạn nhận được sự soi sáng hoặc hướng dẫn khác thường để giải quyết một việc hết sức khó khăn hoặc phức tạp không?

        4.  Bạn sẽ làm gì để mở lòng đón nhận Thánh Thần Chúa?

 

 

 

The Catholic Vision   I - 5

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà