Trước khi đọc
tiếp, bạn hãy viết nốt hai câu sau đây:
1. Điều Hội Thánh Công Giáo hấp dẫn tôi là...
2. Một vài kinh nghiệm trong quá khứ đã cho tôi
một ấn tượng không tốt về Hội Thánh Công Giáo là...
MÔ THỨC VÀ HÌNH ẢNH
Qua một bài
thơ, John Godfrey thuật lại câu truyện năm chàng mù thành Indostan quây quần
chung quanh một chú voi và thay phiên nhau mô tả hình dáng nó.
Một người đấm
vào hông nó và tưởng con voi chắc như tường thành. Người khác mân mê đôi ngà của nó và bảo nó giống như thanh
gươm. Người thứ ba sờ cái vòi voi và
bảo hình dáng voi tựa như một con trăn.
Người thứ tư rờ đôi tai và tả voi giống cái quạt. Anh mù cuối cùng lần tay vuốt đuôi nó và
tưởng voi giống như sợi giây chão.
Godfrey kết thúc bài thơ với những lời lẽ như sau:
"Thế
là năm chàng Indostan
Lớn
tiếng cãi nhau thật là hăng
Mỗi
chàng khư khư một ý kiến
Chỉ
tôi phải, còn anh nói xằng.
Dù
cho đúng một phần thôi
Tựu
chung thì vẫn mọi người đều sai."
Hội Thánh Công Giáo cũng tựa như con voi trong bài
thơ trên. Nhiều người trong chúng ta
chẳng khác gì những anh mù Indostan. Họ
mù tịt về Hội Thánh. Tệ hơn nữa, những
gì họ biết về Hội Thánh lại đều do những người cũng lơ mơ như họ.
Nhận thấy như
vậy, thần học gia Avery Dulles đã viết một cuốn sách tựa đề là Những mô thức về
Hội Thánh. Bài học này dựa theo cuốn
sách của ngài.
Mô thức giúp chúng ta am hiểu hơn
Mô thức là
một hình ảnh giúp chúng ta am hiểu hơn về một thực tại phức tạp. Thí dụ trong bài thơ, một người mù dùng hình
ảnh bức tường để mô tả con voi. Người
khác dùng hình ảnh thanh gươm.
Đức Giê-su
cũng đã dùng nhiều hình ảnh và mô thức để giúp người ta hiểu hơn về Triều Đại
Thiên Chúa. Thí dụ Ngài bảo Triều Đại
Thiên Chúa tựa như hạt cải bé nhỏ sẽ mọc lên thành cây lớn. Hoặc nước trời giống như men trong bột làm
cho bột dậy lên. Hoặc như một hạt ngọc
toàn hảo mà một thương gia nọ, sau khi tìm gặp đã sẵn sàng bán hết mọi sự để
mua cho bằng được.
Một hình ảnh
hoặc một mô thức đơn độc tự nó có thể bóp méo sự thật, giống như những hình ảnh
về con voi theo cách hình dung của những người mù. Do đó, mô thức phải được dùng theo cách tổng hợp, như Đức Giê-su
đã sử dụng để diễn tả Triều Đại Thiên Chúa.
Các khoa học
gia cũng sử dụng mô thức rất nhiều. Thí
dụ điện tử (electron). Chưa có ai trông
thấy được điện tử. Các khoa học gia
chỉ lấy danh từ này đặt tên cho một
khối cố định gồm những biến cố xảy ra trong những hoàn cảnh cố định. Đôi khi họ coi điện tử như một làn sóng, đôi
khi như một hạt nhân. Khi không thể
giải thích bằng mô thức này, họ sẽ dùng một mô thức khác.
Đối với người
Công Giáo cũng vậy. Họ rất hay dùng mô
thức để giúp người ta hiểu hơn về Hội Thánh.
Một số mô thức này có thể diễn tả thực tại rõ hơn những mô thức kia. Điều quan trọng để hiểu về Hội Thánh là phải
nhìn những mô thức này theo một bối cảnh.
Người Công
Giáo dùng sáu mô thức để diễn tả Hội Thánh.
Mỗi mô thức cho chúng ta một hình ảnh độc đáo giúp chúng ta nhận ra thực
tại phức tạp và huyền nhiệm này. Đây là
sáu mô thức:
* Cộng đồng môn đệ
* Sứ giả Tin Mừng
* Cộng đồng ân sủng
* Tổ chức có cơ cấu
* Bí tích nền tảng
* Tôi tớ
Cuộc bách hại
tôn giáo vào năm 1980 đã đưa tới tình trạng thiếu linh mục tại một vùng lớn ở
nước Guatemala. Dù thiếu linh mục hướng
dẫn, các tín hữu Công Giáo trong vùng này vẫn tụ họp tại nhà thờ mỗi Chúa
Nhật. Fernando Bermudez mô tả những
buổi họp mặt này như sau:
"Có
những cộng đoàn tụ họp nhau lại để xưng tội ra với người khác, lớn tiếng và quì
gối, rồi tất cả cùng nhau hát cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa."
Death
and Resurrection in Guatemala
Sau nghi thức
hòa giải, một giáo dân điều khiển sẽ đọc một đoạn Kinh Thánh và cố gắng giải
thích theo khả năng hiểu biết của mình. Sau đó họ mời mọi người chia sẻ ý nghĩa
của đoạn Kinh Thánh ấy.
Mỗi tháng một
lần, mỗi cộng đoàn cử một đại diện đi tới vùng chính phủ cho phép linh mục thi
hành mục vụ. Hành trình có thể hơn 18
tiếng đi bộ, để họ thay mặt cộng đoàn dâng Thánh lễ. Bàn thờ để đầy những giỏ bánh lễ sẽ được truyền phép thành Mình
Máu Thánh Chúa. Rồi họ sẽ mang những
giỏ Mình Thánh Chúa đem về cho anh chị em tín hữu trong cộng đoàn mình."
Dần dần chính
phủ gia tăng bách hại và đóng cửa hết các nhà thờ trong nước. Nhưng các tín hữu vẫn tìm cách họp nhau cầu
nguyện. Bermudez thuật lại:
"Các
Ki-tô hữu có tinh thần cộng đoàn rất cao.
Họ dư biết nơi nào có hai hoặc nhiều người họp nhau nhân danh Đức Ki-tô
thì Ngài hiện diện nơi đó... Bởi vậy họ
bảo nhau "Nếu người ta cấm chúng mình họp nhau ở nhà thờ, thì chúng mình
đến với nhau dưới bóng cây rừng hoặc trong hang núi."
Những cộng
đoàn Hội Thánh mà Bermudez mô tả ở trên cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về mô
thức Hội Thánh là một cộng đoàn môn đệ.
Mô thức này là hình ảnh một cộng đồng môn đệ Đức Giê-su họp nhau lại
nhân danh Ngài để tuyên xưng "Đức Ki-tô đã chết, Đức Ki-tô đã sống lại,
Đức Ki-tô sẽ lại đến."
Mô thức này
gợi lại hình ảnh về các cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi được thuật lại trong sách
Công Vụ Tông Đồ. Họ cũng bị bách hại và
cũng được đầy tràn thần khí của Đức Giê-su, ít khi thấy trong những cộng đoàn
Ki-tô hiện nay. Họ đã linh động thích
nghi với một cách thức thờ phượng và lãnh đạo mới để thay thế cho những gì đã quen
thuộc theo phong tục Do-thái.
Ưu điểm của
mô thức này là cởi mở đón nhận Chúa Thánh Thần, sẵn sàng để lớn lên và đầy lòng
tin cậy phó thác nơi Chúa. Nhược điểm
là các cộng đoàn này dễ hướng theo một cơ cấu tổ chức lỏng lẻo và quá nhát sợ. Họ dễ mất ý thức về sự hướng dẫn và lãnh đạo
mà Đức Giê-su muốn Hội Thánh có.
Thần học gia
William Barclay người Cốt-len kể lại câu truyện cảm động về một tù trưởng
Phi-châu đến dự Phụng vụ sáng Chúa Nhật của Ki-tô hữu. Ông đã ứa nước mắt khi nhìn những người
thuộc các bộ lạc Ngoni, Senga và Tumbuka cùng cầu nguyện bên nhau.
Ông nhớ lại
thời thơ ấu khi chứng kiến cảnh các dũng sĩ
Ngoni, sau một ngày chiến đấu, đã rửa gươm đao và mình vấy đầy máu người
Senga và Tumbuka. Sáng hôm ấy trong
Thánh Lễ, vị tù trưởng già đã hiểu Ki-tô giáo là gì, điều mà trước đây ông
không bao giờ hiểu được. Đó là qua Đức
Giê-su và trong Ngài, Thiên Chúa đã mời gọi mọi người hãy chấm dứt tất cả hận
thù và hãy sống như một gia đình.
Hội Thánh mang đến một sứ điệp
Câu truyện
trên giúp chúng ta hiểu mô thức Hội Thánh là sứ giả Tin Mừng. Tâm điểm của mô thức này là Lời Chúa. Sứ mệnh tiên quyết là loan báo Tin Mừng rằng
Thiên Chúa đã mời gọi mọi người sống hòa thuận như gia đình của Thiên
Chúa. Qua sự chết và sống lại của Đức
Giê-su, tất cả chúng ta đã trở nên anh chị em.
Ưu điểm của
mô thức này là nhấn mạnh Lời Chúa là nguồn mạch đức tin và đời sống Ki-tô
hữu. Nhược điểm là khuynh hướng cuồng
tín khiến người ta quá chú trọng hiểu Kinh Thánh theo từng chữ, gạt bỏ truyền
thống và quên đi khía cạnh bí tích của Hội Thánh.
Mô thức này
phát sinh từ một số hình ảnh trong Kinh Thánh.
Trước hết là hình ảnh "Dân Thiên Chúa" được kêu gọi nên thánh
thiện như Thiên Chúa là Đấng Thánh (Lv 20:26).
Qua hình ảnh này, Hội Thánh được coi như dân Ít-ra-en mới trong thời Tân
Ước (1Pr 2:9-10). Một hình ảnh Kinh
Thánh nữa đó là cây và ngành nho. Đức
Giê-su phán: "Thầy là cây nho,
chúng con là ngành nho" (Ga 15:5).
Hình ảnh thứ ba là do thánh Phao-lô.
Ngài gọi Hội Thánh là thân thể của Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô là Đầu Nhiệm Thể, các tín hữu là chi thể (Ep 4:15-16).
Những hình
ảnh Kinh Thánh trên nhấn mạnh về sự liên kết, quan tâm đến nhau và sự lệ thuộc
của các phần tử Hội Thánh vào Chúa Ki-tô cũng như các tín hữu khác. Những hình ảnh này cũng nhấn mạnh đến nhiệm
vụ của Đầu là Chúa Ki-tô trên toàn Nhiệm Thể.
Ngài là nguồn ban phát sự sống và hoạt động của Hội Thánh.
Ưu điểm của
mô thức này là chú trọng đến sự thông hiệp sự sống của Thiên Chúa (ân sủng),
nguyên lý liên kết mọi phần tử với Đức Ki-tô và với nhau. Nhược điểm là quá chú ý đến sự thông hiệp sự
sống nên quên bẵng đi trách nhiệm của Hội Thánh là phải đến với những người
chưa là phần tử của cộng đồng ân sủng này.
Mô thức này
phát xuất từ một biến cố đáng nhớ xảy ra tại Xê-da-rê Phi-líp-phê khi Đức
Giê-su quay lại nói với Phê-rô:
"Anh là
Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của
Thầy... Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa
Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều
gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy;
dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như
vậy."
(Mt 16:18-19)
Đây là một
trong những đoạn Tân Ước tuyệt diệu nhất, vì nó cho thấy Đức Giê-su chia sẻ
quyền năng và quyền bính của Thiên Chúa với Phê-rô. Phê-rô được trao ban uy quyền đặc biệt trong Hội Thánh của Đức
Giê-su. Với địa vị đặc biệt này, Phê-rô
luôn đứng đầu danh sách các tông đồ (Lc 6:14-16) và ông có đặc quyền lãnh đạo
trong mọi lãnh vực của Hội Thánh (Cv 1:15).
Mô thức này
của Hội Thánh nhấn mạnh sự kiện Hội Thánh không phải là một đoàn thể dân chủ,
nhưng Hội Thánh được thiết lập như một cộng đồng có phẩm trật. Trách nhiệm lãnh đạo tối cao được trao cho
những người do Đức Giê-su đã tuyển chọn để chăn dắt đoàn chiên của Ngài.
Ưu điểm của
mô thức này là tính cách có tổ chức, danh chính ngôn thuận. Nhưng khuyết điểm là có khuynh hướng độc
tài, nặng hình thức hành chánh và quan liêu.
Đức Giê-su
nói với Phi-líp-phê: "Ai thấy Thầy
là thấy Chúa Cha" (Ga 14:9). Những
lời này của Đức Giê-su giải thích lý do tại sao một số nhà thần học gọi Ngài là
"bí tích về sự hiện diện của Thiên Chúa." Đức Giê-su đã làm cho Thiên Chúa hiện diện trong thời đại Tin
Mừng để mọi người có thể thấy, nghe và sờ được Thiên Chúa.
Cũng thế, Hội
Thánh là "bí tích về sự hiện diện của Đức Giê-su," để người ta có thể
thấy, nghe và sờ được Ngài. Chính Ngài
đã phán: "Vì ở đâu có hai ba người
họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ" (Mt 18:20). Qua Hội Thánh, Đức Giê-su tiếp tục giảng
dạy, chữa lành và tha thứ trong một phương thức loài người có thể cảm nhận
được.
Ưu điểm của
mô thức này là việc tôn trọng bản chất con người chúng ta, nhìn nhận chúng ta
có cả xác lẫn hồn. Mô thức này cũng cho
thấy là chúng ta cần đến những cách biểu lộ giúp cảm nhận được sự hiện diện của
Thiên Chúa - và những cách có thể cảm nhận khi chúng ta đáp lại sự hiện diện
này. Khuyết điểm của mô thức này là
việc sử dụng những nghi thức có thể trở thành nặng hình thức hoặc mê tín.
Mô thức này
được diễn tả rất hay trong phần mở đầu thư mục vụ của Đức Hồng y Richard
Cushing khi ngài làm Giám mục giáo phận Boston:
"Đức
Giê-su đã đến không chỉ để loan báo Nước Trời đang tới, mà còn để hiến thân
mình cho công việc ấy. Ngài đã đến để
phục vụ, chữa lành, giải hòa, băng bó những vết thương. Chúng ta có thể nói Đức Giê-su là người
Sa-ma-ri nhân hậu theo cách đặc biệt.
Ngài là Đấng đồng hành với chúng ta trong những nhu cầu và những sầu khổ
của chúng ta. Ngài tự hủy vì chúng
ta. Ngài chết thực sự để chúng ta được
sống và Ngài phục vụ chúng ta để chúng ta được chữa lành."
Hội Thánh là một cộng đồng vị tha
Mô thức này
nhấn mạnh rằng Hội Thánh loan báo Nước Thiên Chúa đang đến, không chỉ bằng rao
giảng nhưng còn bằng việc làm. Hội
Thánh đi tìm những kẻ lạc mất. Hội
Thánh ôm ấp người nghèo khổ. Hội Thánh
bênh đỡ kẻ bị đàn áp. Nói khác đi, như
Đức Giê-su là "người sống cho tha nhân" thế nào, thì Hội Thánh Ngài
phải là một "cộng đồng sống cho tha nhân" như thế. Nhất là Hội Thánh phải sẵn sàng phục vụ
những người bị ruồng bỏ và thiếu thốn trong xã hội.
Ưu điểm của
mô thức này là ưu tiên lo phục vụ tha nhân, nhất là những người thấp hèn trong
xã hội. Điểm yếu là có thể đi tới chỗ
biến việc phục vụ theo tinh thần Chúa Ki-tô thành tinh thần của trần thế và đi
theo những giá trị và mục đích của trần gian.
Tóm lại,
chúng ta có sáu mô thức giúp hiểu biết về Hội Thánh. Mỗi mô thức giống như một góc cạnh của một hạt kim cương. Góc cạnh ấy không phải là chính hạt kim
cương, nhưng chỉ là góc cạnh.
* Mô thức cộng
đồng môn đệ nhấn mạnh Hội Thánh là một cộng đồng đức tin, mở rộng cho Chúa
Thánh Thần.
* Mô thức sứ giả
Tin Mừng nhấn mạnh Hội Thánh có một sứ điệp đức tin phải đem cho thế giới.
* Mô thức cộng
đồng ân sủng nhấn mạnh đến sự kết hiệp của các phần tử Hội Thánh với Chúa Ki-tô
và với nhau.
* Mô thức tổ chức
có cơ cấu nhấn mạnh việc Chúa Thánh Thần ban cho các phần tử Hội Thánh những
đặc sủng khác nhau.
* Mô thức bí tích
nền tảng nhấn mạnh việc Hội Thánh giúp cho Đức Giê-su hiện diện một cách có thể
cảm nhận được.
* Mô thức tôi tớ
nhấn mạnh rằng Hội Thánh được kêu gọi trở nên một "cộng đồng vị tha"
như chính Đức Giê-su đã là "người sống cho tha nhân."
Hội Thánh
không giống như bất cứ cộng đồng nào trên thế giới này. Hội Thánh có hai chiều kích: một thuộc về Thiên Chúa và một thuộc về loài
người. Chiều kích thuộc Thiên Chúa
chúng ta không thấy được. Đó chính là
sự sống vô hình của Đức Ki-tô đang liên kết mọi phần tử của Hội Thánh thành một
Nhiệm Thể. Chiều kích thuộc loài người
là những gì chúng ta có thể thấy. Đó là
cộng đồng tín hữu. Vì có chiều kích
loài người nên Hội Thánh cũng là một cái gì giống với con người, nghĩa là có
những bất toàn.
Vì Hội Thánh
bất toàn, do đó Hội Thánh không phải lúc nào cũng có thể bày tỏ cho trần gian
thấy được "dung mạo Chúa Ki-tô."
Các phần tử của Hội Thánh có thể sa vào những gương xấu tai tiếng hoặc
đáng tiếc. Điều này có nghĩa là chúng
ta thường thấy Hội Thánh giống như là chúng ta: yếu đuối, tội lỗi và phấn đấu để trở nên toàn hảo như Thiên Chúa
muốn. Như thế, Hội Thánh sẽ luôn luôn
có ánh sáng lẫn bóng tối. Cộng đồng tín
hữu này tin tưởng rằng ánh sáng sẽ không bao giờ bị bóng tối che khuất được.
1. Công Vụ Tông Đồ 2:43-47 Cộng đồng môn đệ
2. Công Vụ Tông Đồ 4:1-20 Sứ giả Tin Mừng
3. 1 Cô-rin-tô 12:12-31 Cộng đồng ân sủng
4. Mát-thêu 16:13-19; 18:15-20 Tổ chức có cơ cấu
5. Gio-an 14:8-14 Bí tích nền tảng
6. Rô-ma 12:1-21 Tôi tớ
1. Qua sáu mô thức về Hội Thánh, theo nhận xét
của bạn, Hội Thánh toàn cầu và cộng đoàn địa phương nơi bạn ở hiện thời cần
sống mô thức nào mới đúng?
2. Khi chúng ta nói bóng tối sẽ không bao giờ
che khuất được ánh sáng của Hội Thánh, điều ấy có ý nghĩa gì đối với bạn?
1. "Đi vào nơi đậu xe không thể biến bạn
trở thành một chiếc xe. Cũng thế, vào
nhà thờ không làm cho bạn thành một Ki-tô hữu." (Billy Sunday)
"Điều cần thiết không phải là chúng
ta làm điều gì cho Hội Thánh, nhưng là làm điều gì cùng với Hội
Thánh." (Matin Luther King)
"Đức Giê-su không bị đóng đinh trong
nhà thờ giữa hai ngọn nến, nhưng trên thập giá giữa hai tên cướp, trên một núi
rác thành phố... tại một nơi những tên
vô lại dối trá, kẻ cắp văng tục chửi thề và lính tráng bài bạc... Đó là nơi chúng ta phải tìm đến và đó là nơi
cần có Hội Thánh." (George
MacLeod)
Bạn hãy chia
sẻ những tư tưởng trên.
2. Trong các mô thức Hội Thánh, mô thức nào bạn
thích nhất? Tại sao?
3. Một thống kê cho thấy: có 40% người Công Giáo khoảng 15 đến 29 tuổi
đã không sống đạo nữa. 70% trong số này
đã trở về với Hội Thánh. 60% trở về là
do ảnh hưởng bạn bè, gia đình hoặc láng giềng.
Bạn đã khi nào bỏ sống đạo một thời gian chưa? Tại sao? Điều gì giúp bạn
trở lại?
4. Bạn có khả năng nào để đóng góp vào công
cuộc xây dựng Nước Chúa trên trần gian này?
The Catholic Vision I - 6
Mark Link, S.J.
Chuyển ngữ: Lm
Trần đình Nhi
Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý
Công Giáo
Trở Về Trang Nhà