Phần I – Bài 7
Trước khi đọc
tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:
1. Lý do tại sao tôi nhớ lại cuộc sống của Đức
Giê-su qua một nghi lễ thờ phượng (thí dụ lễ Giáng Sinh hoặc Phục Sinh) là
vì...
2. Tưởng niệm cuộc sống của Đức Giê-su qua một
nghi lễ thờ phượng và việc xem một cuốn phim về đời Ngài khác nhau ở những điểm
này: ...
Muốn hiểu
phụng vụ là gì, chúng ta cần hiểu Hội Thánh là gì.
Hội Thánh là
thân thể Chúa Ki-tô. Hội Thánh là Đức
Giê-su được tiếp nối trong không gian và thời gian qua các tín hữu của Ngài,
tức là Nhiệm Thể của Ngài. Hội Thánh là
Đức Giê-su đang hiện diện trong thời nay qua Nhiệm Thể của Ngài y như Ngài đã
hiện diện trong thời Tin Mừng qua thân xác của Ngài.
Phụng vụ là
việc Đức Giê-su hành động trong thời nay qua Nhiệm Thể Ngài, giống như Ngài đã
hành động trong thời Tin Mừng qua thân xác Ngài.
Chúng ta có
thể nói lên sự so sánh này. Cũng như
Đức Giê-su đã hành động hai ngàn năm trước đây qua những hoạt động cơ thể của
thân xác bằng xương bằng thịt, thì ngày nay Ngài vẫn tiếp tục hành động qua
những hoạt động phụng vụ của Nhiệm Thể Ngài.
Vậy phụng vụ là việc cử hành Thánh Lễ, Bí tích Rửa Tội, Bí tích Hòa
Giải, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân... Tất
cả những việc cử hành này đều là những dấu chỉ cho thấy Đức Ki-tô đang sống và
hành động giữa dân Ngài.
Theo lời Công
Đồng chung Vatican II, phụng vụ là sự tiếp nối của "công cuộc cứu
chuộc" mà Đức Giê-su đã khởi sự khi còn ở trần gian. Chính "phụng vụ góp phần rất nhiều để
giúp các tín hữu qua cuộc sống biết diễn tả và biểu lộ cho những người khác mầu
nhiệm Chúa Ki-tô và bản tính đích thực của Hội Thánh chân chính" (Hiến chế về Phụng vụ thánh, số 2).
"Để chu
toàn công việc lớn lao ấy, Chúa Ki-tô hằng hiện diện trong Hội Thánh, nhất là
trong các hoạt động phụng vụ.
Ngài hiện
diện trong lễ Hy tế... nhất là hiện
diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể...
Ngài hiện diện trong các Bí tích nhờ quyền năng của Ngài. Vì thế ai rửa tội thì chính Chúa Ki-tô
rửa. Ngài hiện diện trong lời của Ngài,
vì chính Ngài nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Hội Thánh. Sau hết Ngài hiện diện khi Hội Thánh cầu
khẩn và hát Thánh Vịnh." (PV, số
7)
Như thế,
phụng vụ cũng là hoạt động của Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Phụng vụ là việc Đức Giê-su tiếp tục
"công cuộc cứu chuộc" qua Nhiệm Thể Ngài là Hội Thánh.
NĂM PHỤNG VỤ
"Công
cuộc cứu chuộc" Đức Giê-su đã thực hiện trong cuộc đời dương thế của Ngài
mang chiều kích vĩ đại đến nỗi trí óc hữu hạn của chúng ta không thể hiểu ngay
một lúc được. Vì thế cần phải chia
thành từng phần nhỏ.
Đó chính là
công việc của năm phụng vụ. Năm phụng
vụ chia "công cuộc cứu chuộc" (lịch sử cứu rỗi) của Đức Giê-su thành
từng phần nhỏ, để chúng ta có thể sống lại những phần ấy và nhờ sức mạnh từ đó
chúng ta dần dần được đổi mới.
Phim ảnh hoặc
vở kịch thường diễn lại cuộc đời của một vĩ nhân, thí dụ The Miracle Worker
diễn lại cuộc đời bà Helen Keller. Năm
phụng vụ cũng giống như vậy, diễn lại cuộc đời Đức Giê-su và lịch sử cứu rỗi.
Nhưng khác
biệt vô cùng giữa việc diễn lại trên sân khấu cuộc đời của Helen Keller và việc
diễn lại của phụng vụ về cuộc đời Đức Giê-su.
Vở kịch The
Miracle Worker không làm cho Helen Keller hiện hữu lần nữa. Còn việc cử hành phụng vụ làm cho Đức Giê-su
hiện diện trở lại. Trong Thánh Lễ, Đức
Giê-su hiện diện cách mầu nhiệm. Hơn
thế nữa, Đức Giê-su hiện diện trong mỗi Chúa Nhật hoặc lễ kính để thông đạt với
chúng ta một điều gì đó độc đáo mà chỉ có Chúa Nhật hoặc lễ kính ấy có mà
thôi. Cho nên trong Thông điệp Đấng
Trung Gian của Thiên Chúa (Mediator Dei), Đức Giáo Hoàng Piô XII viết:
"Năm
phụng vụ không phải là việc diễn tả một cách lạnh nhạt và vô hồn những biến cố
quá khứ, cũng không phải là một bản ghi chép lại một cách giản dị và trống rỗng
về một thời đại đã qua. Nhưng năm phụng
vụ là chính Chúa Ki-tô hằng sống động giữa Hội Thánh. Nơi đây Ngài tiếp tục cuộc hành trình của lòng từ bi bao la mà
Ngài đã khởi sự cách yêu thương trong cuộc sống trần gian của Ngài, luôn làm
điều lành thánh mong chúng ta biết đến những mầu nhiệm của Ngài và sống những
mầu nhiệm ấy."
Thử lấy một
thí dụ để giúp chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm đức tin tuyệt vời này.
Câu truyện
Thành phố bên kia bức tường (Town Beyond the Wall) của Elie Wiesel nói về sức
mạnh của tình bạn. Trong câu truyện,
Michael sống lại cơn hành hạ đau đớn bởi vì Pedro, người bạn đã khuất của anh,
đang sống lại trong ký ức anh. Sức mạnh
không đến từ chính Pedro, nhưng từ những kỷ niệm về Pedro. Ký ức của Michael về Pedro không chỉ gợi lại
người bạn trong dĩ vãng, nhưng đã làm cho bạn anh hiện diện đến độ anh nhận
thấy có một sức mạnh đến từ người bạn ấy.
Câu truyện
này giúp chúng ta hiểu một chân lý quan trọng trong Kinh Thánh.
Đối với người
Do-thái, cử hành ("nhớ đến") một biến cố từ lịch sử cứu rỗi không
phải chỉ là gợi lại một biến cố, nhưng là sống lại biến cố ấy.
Khi những
người Do-thái cử hành ("nhớ đến") lễ Vượt Qua, họ không chỉ nhớ lại
biến cố họ đã được giải thoát khỏi Ai-cập, nhưng còn đem biến cố ấy vào hiện
tại và sống lại nó. Một cách huyền
diệu, họ thực sự biến thành một phần của biến cố và lãnh nhận từ Thiên Chúa
cùng một hồng ân Ngài đã ban cho tổ tiên họ.
Cũng tương tự
như vậy khi chúng ta cử hành phụng vụ diễn lại cuộc đời Đức Ki-tô, nghĩa là ơn
cứu rỗi bởi đó mà ra. Chúng ta còn làm
một điều hơn cả việc nhớ lại quá khứ, bởi vì một cách huyền diệu, biến cố
nguyên thủy được sống lại qua việc cử hành phụng vụ.
Một đoạn
trong cuốn Mùa đông bất mãn (The Winter of Our Discontent) của John Steinbeck
làm sáng tỏ những điều chúng ta vừa nói ở trên. Steinbeck viết:
"Bà dì
Deborah đã đọc Kinh Thánh cho tôi nghe mỗi ngày giống như đọc nhật báo làm tôi
tin đó là lối suy nghĩ của bà về Kinh Thánh.
Kinh Thánh là một cái gì đang diễn tiến, cứ xảy ra mãi mãi nhưng luôn
luôn hấp dẫn và mới lạ. Mỗi lần lễ Phục
Sinh, Đức Giê-su lại thực sự sống lại từ kẻ chết, một biến cố vĩ đại người ta
mong đợi, nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ.
Đối với bà, đó không phải là một cái gì đã xảy ra hai ngàn năm trước,
nhưng đang xảy ra bây giờ."
Phụng vụ là
như thế đó, "một biến cố vĩ đại người ta mong đợi, nhưng vẫn luôn luôn mới
mẻ." Không phải chỉ là điều gì xảy
ra hai ngàn năm trước, nhưng đang xảy ra bây giờ.
Năm phụng vụ
không chỉ gợi lại những biến cố cuộc đời Đức Giê-su, nhưng một cách mầu nhiệm
nó làm cho những biến cố ấy hiện hữu để chúng ta có thể sống lại trong sức mạnh
và vinh hiển nguyên thủy của những biến cố ấy.
Năm phụng vụ
được sắp xếp dựa trên hai ngày lễ chính:
Giáng Sinh và Phục Sinh. Mỗi
ngày lễ lại tạo thành một mùa riêng:
mùa Giáng Sinh và mùa Phục Sinh.
Chúng ta có
thể hiểu mùa Giáng Sinh và mùa Phục Sinh với ba giai đoạn:
* giai đoạn chuẩn bị
* chính ngày lễ
* thời gian kéo dài sau lễ.
Chúng ta hãy
xét riêng từng mùa, bắt đầu mùa Giáng Sinh.
Chủ đề của lễ
Giáng Sinh là Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người qua con người Đức
Giê-su. Chính Thiên Chúa đã mặc lấy
thân xác (Nhập Thể) và sống giữa chúng ta như một người trong chúng ta.
Giai đoạn
chuẩn bị lễ Giáng Sinh gọi là Mùa Vọng, (Advent có nghĩa là 'đang tới'). Từ ngữ này nói lên chủ đích của mùa này là
chuẩn bị cho biến cố Đức Giê-su sắp đến.
Nhưng việc
Đức Giê-su đến mà chúng ta đang chuẩn bị không phải chỉ là diễn lại việc Ngài
đến cách đây hai ngàn năm. Đó là tiêu
điểm thứ nhất. Nhưng tiêu điểm thứ nhì
là hướng về việc Đức Giê-su đến lại lần thứ hai trong ngày tận thế.
Mùa Vọng
khiến chúng ta nhớ đến một vị thần cổ xưa của Rô-ma, tên là Janus (từ January
là do tên của vị thần này). Trong nghệ
thuật, người ta mô tả thần Janus có hai khuôn mặt, một mặt nhìn về đằng sau và
một mặt nhìn về phía trước.
Cũng thế, Mùa
Vọng có hai hướng nhìn, nhìn lại việc Đức Giê-su đến lần thứ nhất trong lịch sử
và nhìn tới hướng về việc Đức Giê-su sẽ đến lần thứ hai trong ngày thế
mạt. Còn chúng ta thì đang đứng ở đâu
đó giữa hai thời điểm ấy.
Ngày lễ Giáng
Sinh, chúng ta sống lại mầu nhiệm lạ lùng Thiên Chúa trở thành con người. Chúng ta vui mừng qua việc Ngài giáng sinh
và việc chúng ta được tái sinh cùng với Ngài trong cuộc sống mới.
Lễ Giáng Sinh
được tiếp nối với những ngày lễ liên hệ:
* Lễ Thánh Gia Thất (Chúa Nhật sau Giáng Sinh)
* Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (ngày 1 tháng 1)
* Lễ Hiển Linh (Chúa Nhật sau ngày 1 tháng 1).
Mỗi ngày lễ
liên hệ này đều liên quan tới việc Đức Giê-su đến trong lịch sử và việc Ngài
chuẩn bị rao giảng Tin Mừng.
Cử hành lễ
Giáng Sinh được nối tiếp với một giai đoạn gọi là Mùa Thường Niên (hoặc Quanh
Năm). Mùa này chia làm hai giai đoạn:
* Mùa Thường Niên sau Giáng Sinh
* Mùa Thường Niên sau Phục Sinh.
Giai đoạn thứ
nhất (sau Giáng Sinh) ngắn hơn. Giai
đoạn này tiếp tục tinh thần về việc Đức Giê-su đã đến và đưa chúng ta sang giai
đoạn chính thứ hai của năm phụng vụ, tức là Mùa Phục Sinh.
Lễ Phục Sinh
là trái tim và cao điểm của năm phụng vụ.
Lễ Phục Sinh cử hành việc Đức Giê-su sống lại từ kẻ chết, một biến cố vĩ
đại làm đảo lộn dòng lịch sử nhân loại.
Cũng như lễ
Giáng Sinh, lễ Phục Sinh được chia làm ba phần:
* giai đoạn chuẩn bị
* chính ngày lễ
* thời gian kéo dài sau lễ.
Giai đoạn
chuẩn bị cho lễ Phục Sinh gọi là Mùa Chay (Lent có nghĩa là “mùa xuân”). Thực vậy, đối với những người miền bắc xích
đạo, thời gian này là mùa xuân trong năm.
Như thế việc phục sinh của Đức Giê-su trùng hợp với việc "phục
sinh" của cây cỏ trong mùa xuân.
Mùa Chay kéo
dài bốn mươi ngày và bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro. Lễ Tro có cái tên như vậy vì theo truyền thống nhiều người Công
Giáo lấy tro bôi lên trán họ vào ngày này.
Tro biểu tượng hai dấu chỉ của Mùa Chay.
Trước hết,
tro nhắc nhở chúng ta rằng: giống như
Đức Giê-su đã chết ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta cũng sẽ chết. Thứ hai, tro nhắc nhở chúng ta là nếu chúng
ta muốn chỗi dậy trong cuộc sống mới như Đức Giê-su đã sống lại trong ngày Phục
Sinh thì chúng ta phải ăn năn sám hối tội lỗi và thực thi cuộc trở về của tâm
hồn.
Chúa Nhật
cuối cùng của Mùa Chay gọi là Chúa Nhật Lễ Lá và đánh dấu việc chúng ta bước
vào Tuần Thánh là thời gian linh thiêng nhất trong năm. Trong Tuần Thánh, qua phụng vụ chúng ta diễn
lại cuộc Khổ Nạn và sự Chết của Đức Giê-su.
Tam Nhật thánh gồm có ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ
Bảy Tuần Thánh đưa chúng ta đến biến cố tâm điểm của năm phụng vụ.
Lễ Phục Sinh
bắt đầu với phụng vụ Lễ Vọng Phục Sinh vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh. Lễ Phục Sinh cử hành việc Đức Giê-su toàn thắng
tội lỗi và quyền lực của ma quỉ trói buộc mọi người trong vòng nô lệ cho chúng
kể từ khi ông A-đam phạm tội.
Cũng như lễ
Giáng Sinh, lễ Phục Sinh được nối tiếp với những ngày lễ liên hệ:
* Lễ Thăng Thiên [Chúa Giê-su Lên Trời], (bốn
mươi ngày sau lễ Phục Sinh).
* Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (năm mươi ngày
sau Phục Sinh).
Thứ Năm Lễ
Thăng Thiên cử hành việc Đức Giê-su lên trời về với Thiên Chúa Cha (Cv 1:9) và nhắc nhở chúng ta phải tiếp tục
sứ mạng Đức Giê-su đã khởi sự ở trần gian.
Đây cũng là cách chúng ta chuẩn bị cho chính mình và cho thế giới đang
khi chờ đợi Ngài trở lại trong ngày tận thế.
Chúa Nhật Lễ
Hiện Xuống cử hành việc Chúa Thánh Thần đến trên các tông đồ, biến họ thành Hội
Thánh là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô và ban sức mạnh cho họ để tiếp tục sứ mạng của
Ngài trên trần gian. Chúng ta là tiếng
nói, là con tim, là đôi chân, là bàn tay của Đức Ki-tô trong thế giới này. Chúng ta là phương tiện để Đức Giê-su chữa
lành và tha thứ trong thời đại này như Ngài đã chữa lành và tha thứ trong thời
Tin Mừng.
Những Chúa
Nhật giữa Chúa Nhật Phục Sinh và Chúa Nhật Hiện Xuống, chúng ta vui mừng trong
sự sống mới của Đức Giê-su và sự sống mới được đem đến cho mỗi người chúng ta.
Cũng như
chính lễ Giáng Sinh và những ngày lễ liên hệ được nối tiếp bằng giai đoạn thứ
nhất Mùa Thường Niên, lễ Phục Sinh và những ngày lễ liên hệ được nối tiếp bằng
giai đoạn thứ hai Mùa Thường Niên.
Trong giai
đoạn thứ hai Mùa Thường Niên, chúng ta cố gắng sống đời sống mới Đức Giê-su đã
đem lại cho chúng ta nhờ sự sống lại của Ngài từ cõi chết.
Những Chúa
Nhật của mùa này (thường vào khoảng hai mươi tuần lễ) chú trọng đến cuộc đời và
sứ vụ của Đức Giê-su. Nhờ đó, chúng ta
được học hỏi và giúp chúng ta uốn nắn cuộc sống cũng như sứ vụ của mình theo
mẫu mực cuộc sống và sứ vụ của Đức Giê-su.
Mùa Thường
Niên kết thúc với lễ Chúa Ki-tô Vua, Chúa Tể của vũ trụ. Lễ này nhắc nhở chúng ta phải tiếp tục hoàn
thành Nước Thiên Chúa mà Chúa Ki-tô Vua đã khởi sự. Nếu chúng ta trung thành với sứ mạng này, ngày nào đó chúng ta sẽ
được ở trên trời với Chúa Ki-tô khi Ngài ngự bên hữu Chúa Cha.
Như thế,
chúng ta có thể định nghĩa phụng vụ như hoạt động của Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa
Ki-tô. Qua phụng vụ, Đức Giê-su tiếp
tục hoạt động trong thời đại này như Ngài đã hoạt động trong thời Tin
Mừng. Và chúng ta cũng có thể định
nghĩa năm phụng vụ như việc diễn lại cuộc đời và việc làm của Đức Giê-su giữa
chúng ta. Với năm phụng vụ, chúng ta
sống lại và tiếp tục cuộc sống cũng như công việc của Đức Giê-su trong quyền
năng và vinh hiển của Ngài.
1. I-sai-a 63:15-64:11 Mùa Vọng thứ nhất
2. Lu-ca 2:1-20 Lễ
Giáng Sinh đầu tiên
3. Lu-ca 24:1-49 Lễ Phục Sinh đầu tiên
4. Công Vụ Tông Đồ 1:1-11 Lễ Thăng Thiên đầu tiên
5. Công Vụ Tông Đồ 2:1-42 Lễ Hiện Xuống đầu tiên
1. Công Đồng chung Vatican II mô tả phụng vụ
thế nào?
2. Khác biệt giữa việc diễn vở kịch và việc cử
hành phụng vụ thế nào?
3. Phụng vụ và năm phụng vụ được định nghĩa thế
nào?
1. Chia sẻ về những tư tưởng sau đây:
"Sự hiện
diện hữu hình của Chúa Cứu Thế thể hiện trong Bí tích." (ĐGH Lêô I)
"Hội
Thánh là nơi để Đức Ki-tô nhập thể mãi mãi." (Louis Everly)
"Không
phải Ít-ra-en tuân giữ ngày Hưu lễ, nhưng chính ngày Hưu lễ gìn giữ
Ít-ra-en." (Sách Talmud). Áp dụng thế nào cho ngày Chúa Nhật và cho
các Ki-tô hữu?
"Phụng
thờ đích thực có nghĩa là sẽ đưa chúng ta đi tới đâu: vượt qua những biên giới
ngăn cách chúng ta với nhau để đến với Đức Ki-tô nơi những người nghèo
đói." (John Robinson)
2. Ki-tô hữu Trung-hoa kể lại câu truyện một
người đi chợ có 7 đồng xu. Thấy một
người ăn xin, người ấy cho luôn 6 đồng.
Nhưng thay vì cám ơn, người ăn xin kia lại mon men theo và tìm cách ăn
cắp nốt đồng xu cuối cùng. Vậy sáu đồng
xu tượng trưng cho điều gì? Đồng xu thứ
bảy ý nói gì? Ai là người đi chợ? Ai là kẻ ăn xin? Đây có phải là hình ảnh rất đúng về Ki-tô giáo tại Hoa-kỳ không?
3. Lễ Giáng Sinh nào đáng ghi nhớ nhất đối với
bạn?
4. Bạn và gia đình cử hành Mùa Vọng và Mùa Chay
như thế nào?
Mark Link, S.J.
Chuyển ngữ: Lm
Trần đình Nhi
Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý
Công Giáo
Trở Về Trang Nhà