Phần I – Bài 8

 

SỰ CHẾT VÀ NGÀY TẬN THẾ

 

        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:

1.      Điều làm tôi quả quyết là có sự sống đời sau, đó là…

2.      Một số câu hỏi về cuộc sống sau cái chết là…

 

NGÀY TẬN THẾ

 

        Trong cuốn Sense and Incense, Thomas Blackburn hình dung hiện tượng ngày tận thế xảy ra bất thần và không chuẩn bị.  Ông viết:

        “Tại San Francisco, một bà nội trợ nói:  ‘Tôi vừa chuẩn bị pha cà-phê thì cảm thấy cả tòa nhà rung chuyển.  Rồi một làn chớp lóe lên làm sáng rực cả bầu trời.  Tôi chợt nghĩ:  Trời ơi, mấy đứa con tôi sẽ ướt như chuột!’”

        “Một em nữ sinh ở St. Louis kể lại điều này:  ‘Tôi đang học lớp sử và ông Fenkle là giáo sư.  Tôi nghiêng người qua Sally, đứa bạn gái của tôi, và nói nhỏ “ông Fenkle bô trai quá mày ạ”.  Nhưng vừa nói với Sally xong thì mọi sự đều ngưng đọng như chết.  Rồi tôi thấy như có cái gì kỳ lạ ở trên trời.’”

        “Một thủy thủ tại Nữu Ước lại thấy khác:  ‘Tôi đang ở một quán rượu trên đường 25, uống bia với cô bé này…  Câu chuyện đang đến lúc hấp dẫn thì đột nhiên các kẽ tường và góc nhà đều nứt ra.  Một làn ánh sáng kỳ dị hiện ra trên trời.’”

        “Sau hết, một người địa ốc ở Florida nói:  ‘Khi bạn có mặt ngay trong lúc ấy, thì mọi sự sẽ xảy ra đúng như người ta tiên đoán về ngày tận thế.’”

        “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm.  Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (2 Pr 3:10).

 

Đức Giê-su sẽ trở lại

 

        Khi “ngày của Chúa” tới, Đức Giê-su sẽ thực hiện lời Ngài đã hứa với những ai theo Ngài:  “Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3).

        Đức Giê-su so sánh việc Ngài trở lại tựa như chàng rể đến nhà cô dâu.  Ngày xưa chú rể thường được các phù dâu cầm đèn rước vào nhà cô dâu.  Đức Giê-su nói:  “Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn của mình ra đón chú rể.  Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.  Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.  Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.  Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả” (Mt 25:1-5).

        Vào nửa đêm người ta đánh thức các cô dậy và nói rằng chàng rể đang trên đường tới.  Các cô dại thấy đèn dầu của mình sắp tắt vội đi mua dầu.  Đang khi họ đi ra ngoài thì chàng rể đến.  Các cô khôn cùng chàng rể nhập tiệc cưới.  Còn các cô dại khi trở về đã quá muộn.  Cửa khóa rồi.

        Kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su nói rằng ngày Ngài trở lại lần thứ hai khi tận thế cũng vậy.  Ngày ấy sẽ đến mà không một lời báo trước và nhiều người không kịp chuẩn bị.

 

SỰ PHÁN XÉT

 

        Có một vở kịch xưa tên là “Hết mọi người” (Everyman).  Theo vở kịch đó, Thiên Chúa sai Thần Chết đến báo cho một vị anh hùng biết cuộc đời ông ta chấm dứt.  Khi đã lấy lại bình tĩnh, vị anh hùng xin Thần Chêát cho mình một vài phút để hỏi bạn bè thân thiết là Tiền Tài, Danh Vọng, Quyền Thế và Việc Thiện xem có ai theo mình sang cuộc sống đời sau không.  Thần Chết chấp nhận lời yêu cầu.  Nhưng vị anh hùng vô cùng bỡ ngỡ vì chỉ có mình Việc Thiện là chịu theo ông ta, còn những người bạn khác đều từ chối.

        Vở kịch nói lên một sứ điệp quan trọng:  Khi sự chết đến, chỉ còn một điều đáng kể, đó là những việc tốt chúng ta đã làm khi còn sống.

        Nghiên cứu của tiến sĩ Elizabeth Kubler-Ross tại đại học Chicago bênh vực cho điều nói trên.  Bà đã phỏng vấn hàng trăm người đã bị bác sĩ tuyên bố là chết nhưng rồi hồi sinh.  Những người này đều có một kinh nghiệm giống nhau về một thứ hồi tưởng lại cuộc đời của họ, tựa như một thứ phán xét.  Tiến sĩ Kubler-Ross thuật lại lời những người này nói:  “Khi bạn đến thời điểm này tức là cái chết, bạn sẽ chỉ có hai điều đáng kể:  những việc bạn làm để phục vụ người khác và tình yêu.  Còn những điều ta cho là quan trọng như danh vọng, tiền bạc, uy tín và quyền thế, tất cả đều không đáng kể.”

        Đức Giê-su đã kể một dụ ngôn nói về việc Ngài trở lại lần thứ hai.

        Một thương gia sắp phải đi xa.  Ông cho gọi ba người đầy tớ thân tín đến, trao cho mỗi người một món tiền lớn và bảo họ kiếm cách sinh lợi trong thời gian ông đi vắng.  Dặn dò xong, ông ra đi.

        Sau khi trở về, thương gia ấy gọi ba người đầy tớ đến để tính toán sổ sách.  Hai người đã làm lợi rất khá.  Người thứ ba không sinh lợi gì hết.  Thương gia thưởng cho hai người đầy tớ sinh lợi và trách phạt người đầy tớ thứ ba nặng nề (Mt 25:23-30).

        Ý nghĩa dụ ngôn của Đức Giê-su rõ ràng.  Thương gia chính là Đức Giê-su.  Cuộc hành trình đi xa chỉ việc Ngài trở về với Chúa Cha.  Những đầy tớ là các người tin theo Đức Giê-su.  Món tiền lớn được trao cho họ là những tài năng Chúa ban.  Tiền lời là những việc tốt ta đã làm khi tận dụng mọi khả năng của mình.  Sự trở về của thương gia là việc Đức Giê-su trở lại trong ngày tận thế.

        Dụ ngôn này để lại một sứ điệp đơn giản.  Sau khi Đức Giê-su về trời, các môn đệ Ngài phải tận dụng mọi tài năng để hoàn thành Triều Đại Thiên Chúa trên trần gian này.  Khi Đức Giê-su trở lại, họ sẽ bị phán xét tùy theo công nghiệp của họ.

        Phán xét là một chủ đề lớn trong Kinh Thánh.  Thí dụ thánh Phao-lô viết:  “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:10).

 

        Kinh Thánh nói về phán xét theo hai cách:  phán xét riêng vào lúc cuối đời mình và phán xét chung trong ngày tận thế.

 

Cuộc phán xét riêng đang chờ chúng ta

 

        Một hôm Đức Giê-su kể cho các môn đệ Ngài một câu truyện về hai người đàn ông:  một người giàu có và một người nghèo.  Người giầu có ở nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp.  Ngược lại, người nghèo sống trong túp lều đổ nát, vài mảnh vải rách che thân và thật đói khát.  Nhưng người giàu có chẳng bao giờ lưu tâm đến người nghèo kia cả.

        Cuối cùng cả hai đều chết.  Người giàu có quăèn quại trong nơi cực hình.  Còn kẻ nghèo khó tên là La-da-rô thì sung sướng thoải mái trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham.

        Khi người giàu có thấy tình cảnh trái ngược như vậy liền xin với Áp-ra-ham rằng:  “Xin sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát;  vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16:24).

        Áp-ra-ham giải thích với người giàu có rằng một “vực thẳm lớn” cách biệt khiến bất cứ ai có muốn “từ bên này qua bên các con cũng không được.”

        Rồi người giàu có nài xin Áp-ra-ham cho La-da-rô trở lại trần gian mà khuyến cáo một số anh em của ông ta, để ít ra sau này họ không phải chung số phận như ông ta.  Nhưng Áp-ra-ham từ chối, nói rằng:  “Ông Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (Lc 16:31).

        Dụ ngôn của Đức Giê-su cho thấy ngay sau khi chết chúng ta sẽ chịu phán xét.  Chúng ta sẽ được thưởng hay bị phạt tùy theo những gì chúng ta đã làm tại thế.  Lúc đó chúng ta sẽ thấy rõ con người thật của mình và nhận ra chúng ta đã trở nên con người nào trong cuộc sống.  Thiên Chúa không xét xử chúng ta, nhưng chính chúng ta sẽ xét xử chúng ta.  Có lẽ Đức Giê-su đã nghĩ như vậy khi Ngài nói:  “Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian.  Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy:  chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết” (Ga 12:47-48).

        Ngay lúc chết, chúng ta sẽ xét xử chúng ta.  Chúng ta chẳng cần ai phải xét xử chúng ta.  Việc xấu chúng ta làm hoặc việc tốt chúng ta đã không làm sẽ rõ ràng trước mọi người, kể cả chúng ta nữa.

 

Cuộc phán xét chung cũng đang đợi ta

 

        Ngoài sự phán xét riêng vào cuối cuộc đời, Kinh Thánh cũng nói đến một cuộc phán xét chung trong ngày tận thế.  Một lần nữa, Đức Giê-su lại dùng một dụ ngôn sống động để mô tả.  Ngài nói:  “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.  Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25:31-32).

        Ngài sẽ nói với chiên:  “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn;  Ta khát, các ngươi đã cho uống;  Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;  Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc;  Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom;  Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25:34-36).

        Với dê, Ngài sẽ nói ngược lại:  “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó,  (vì các ngươi đã không làm những điều này)…  Mỗi lần các ngươi đã không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:41,45).

        Ngày phán xét chung đánh dấu việc hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa về thế giới này.

 

SỰ SỐNG ĐỜI SAU

 

        Kinh Thánh và Thánh Truyền dạy rằng ngay sau khi chết và chịu phán xét riêng, linh hồn sẽ tới thiên đàng, hoặc hỏa ngục hay luyện ngục.  Hãy xét những vấn đề này qua ánh sáng Kinh Thánh và Thánh Truyền.

 

Hỏa ngục là đời đời xa cách Thiên Chúa

 

        Một nhóm du khách Hoa Kỳ đi xem cảnh núi lửa tại nước Ý.  Khi thấy nham thạch đỏ rực phun lên từ lòng núi, một du khách từ Nữu Ước kêu lên:  “Ối chao, giống như hỏa ngục vậy!”  Một người Ý ở miền ấy đang đứng gần, quay lại phía người bạn ngoại quốc và nói:  “Trời ơi, thì ra bất cứ nơi nào cũng có mặt những du khách Hoa Kỳ này!”

        Câu truyêän trên cho thấy một điểm đáng lưu ý:  hỏa ngục là “nơi đầy lửa.”  Chính Đức Giê-su cũng dùng hình ảnh này.  Thí dụ Ngài đã ví Triều Đại Thiên Chúa giống như ruộng lúa của nông gia bị kẻ thù lén gieo cỏ lùng vào đó.  Đến mùa gặt, chủ ruộng nói với các người làm công:  “Các anh hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13:30).

        Sau đó, khi các môn đệ xin Đúc Giê-su giải thích thêm về dụ ngôn, Ngài nói:  “Ruộng là thế gian.  Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời.  Cỏ lùng là con cái Ác Thần.  Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ.  Mùa gặt là ngày tận thế.  Thợ gặt là các thiên thần” (Mt 13:38-39).

        Đức Giê-su kết thúc dụ ngôn khi Ngài nói lên hình ảnh những bó cỏ lùng bị ném vào lửa cũng giống như những kẻ ác bị ném vào “lò lửa” (Mt 13:50).  Giải thích về hình ảnh lửa, Richard McBrien nói:  “Khi dùng hình ảnh này, Đức Giê-su không những mô tả một nơi chốn, mà Ngài còn muốn nhấn mạnh đến việc khẩn thiết phải rao giảng Nước Trời và thái độ của chúng ta có chín chắn lựa chọn Nước Trời hay không.  Chúng ta phải trả bằng bất cứ giá nào…  Quay lưng không tiếp nhận Chúa tức là hoàn toàn và dứt khoát muốn mình xa lạ với Ngài…  Đó là lựa chọn sống cô đơn và chia cách.  Hỏa ngục là sống cô đơn tuyệt đối.  Kẻ tội lỗi thực sự chọn lựa điều ấy.  Thiên Chúa không đặt ra hỏa ngục để làm một hình phạt.”  (Catholicism).

        Có lẽ nếu phân tích đơn giản hơn, chúng ta sẽ thấy là chính kẻ tội lỗi, chứ không phải Thiên Chúa, đã tạo ra hình phạt.  Nếu bạn tự ý không muốn thở nữa, thì khí trời không thể trừng phạt bạn bằng cách làm cho bạn ngộp thở.  Bạn tự làm điều đó cho chính mình.  Hoặc nếu bạn đấm vào tường thì bức tường đâu có trừng phạt bạn bằng cách làm cho bạn đau tay.  Nhưng chính bạn tự làm cho mình đau.

        Như thế, trước hết hỏa ngục là muôn đời xa cách Thiên Chúa, điều mà kẻ tội lỗi đã tự ý chọn lựa.

 

Thiên đàng là mãi mãi hiệp nhất với Thiên Chúa

 

        Đức Giê-su thường nói về thiên đàng và những phương thế để vào được thiên đàng.  Thí dụ Ngài nói:  “Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở;  nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.  Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:2-3).

        Hoàn toàn trái ngược với hỏa ngục, thiên đàng là muôn đời được kết hiệp với Thiên Chúa.  Trong Bài giảng trên núi, Đức Giê-su nói:  “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8).  Và đoạn thư 1 Ga 3:2 cam kết rằng chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa và việc nhìn thấy này sẽ giúp chúng ta trở nên giống như Thiên Chúa.  Việc nhìn thấy Thiên Chúa khởi sự cho một cuộc sống mới của chúng ta, tức là cuộc sống vĩnh cửu.  Về điểm này, McBrien viết:  “Chiêm ngưỡng hạnh phúc có nghĩa là con người được hoàn toàn kết hiệp với Thiên Chúa.  Đó là điều mỗi người chúng ta phải cố gắng đạt tới…  Đấy cũng là kết thúc việc chúng ta làm con người.”  (Catholicism).

        Với một lời nguyện nổi tiếng, thánh Augustinô đã diễn tả sự cố gắng hoặc mong mỏi được kết hiệp với Chúa như sau:  “Lạy Chúa, tâm hồn chúng con được tạo dựng cho Chúa và lòng chúng con những khắc khoải khôn nguôi cho tới khi nào được an nghỉ trong Chúa.”

 

Luyện ngục là chuẩn bị để được kết hiệp với Thiên Chúa

 

        Samuel Johnson là một văn hào danh tiếng của nước Anh.  Khi người ta hỏi ông nghĩ gì về giáo lý Công Giáo dạy về luyện ngục, ông trả lời rằng giáo lý ấy rất có lý.  Ông nói rằng phần đông khi chết đâu có xấu xa đủ để phải sa hỏa ngục, cũng đâu có tốt lành đủ để lên thiên đàng.  Như vậy thật hợp lý nếu kết luận rằng phải có một tình trạng ở giữa để họ cần được tẩy rửa hoặc thanh luyện.

        Đoạn Kinh Thánh vẫn được coi là nói về luyện ngục là đoạn 2 Ma-ca-bê 12:38-46.  Trong đoạn Kinh Thánh này, tác giả minh nhiên nói đến việc “cầu nguyện” và thi hành “việc đền tội” để cầu cho người chết được giải thoát khỏi tội lỗi.

        Đức Giê-su đã dạy chúng ta phải dùng mọi tài năng để mở mang Nước Trời bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ.  Nhưng hầu hết chúng ta không chu toàn lý tưởng này vì chỉ để ý tới mình.  Sự đau khổ mà Thánh Truyền Công Giáo nói về luyện ngục được hiểu là sự đau khổ chúng ta cảm thấy khi phải dẹp đi lòng ích kỷ khó thương, để trở thành con người biết chú tâm đến Chúa và dễ thương với mọi người.  Đó chính là sự đau khổ phải chịu do việc hoàn tất tiến trình chết đi con người của chúng ta để sống lại với Đức Ki-tô.

        Quan điểm Công Giáo về đời sau có thể tóm lại như sau:  sự phán xét riêng đang chờ đợi chúng ta.  Sự phán xét này là xét xử xem chúng ta đã sử dụng tài năng thế nào để mở mang Nước Chúa tại trần gian này.  Tiếp theo sự phán xét riêng sẽ là (1) những kẻ trung thành được hiệp nhất đời đời với Chúa, và (2) kẻ bất trung sẽ phải xa cách Chúa muôn đời.  Luyện ngục là một tiến trình giúp tín hữu chuẩn bị được kết hiệp hoàn toàn với Chúa.  Việc phán xét chung vào ngày tận thế sẽ là lúc để kế hoạch của Thiên Chúa về trần gian này được hoàn tất.

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.  2 Cô-rin-tô 5:1-10                     Nhớ nhà

        2.  Rô-ma 8:18-30                 Vinh hiển trong tương lai

        3.  Công Vụ Tông Đồ      1:1-11       Ngài sẽ trở lại

        4.  Khải Huyền 20:11-21:4               Đừng khóc nữa

        5.  1 Gio-an 2:26-3:3                      Chúng ta sẽ thấy Ngài

 

THẢO LUẬN

 

1.  Những dụ ngôn sau đây dạy chúng ta điều gì:

Những trinh nữ khôn và dại

Ba người đầy tớ

2.  Trong các cuộc phán xét, ai là người phán xét và ai là người chịu phán xét?

3.   Bạn nghĩ thế nào về liên hệ giữa chúng ta, những người còn sống, với những linh hồn trong luyện ngục?

 

CHIA SẺ

 

        1.  Thảo luận những tư tưởng sau đây:

-  “Này bạn, tôi phải nói bạn nghe một điều bí mật:  đừng chờ đợi ngày phán xét chung, vì ngày đó xảy ra mỗi ngày.”  (Albert Camus)

-  “Khi vị Trọng tài Tối Cao đến để ghi điểm bạn, Ngài sẽ ghi là bạn đã chơi banh như thế nào, chứ không phải là bạn đã thắng hay thua trong trận banh ấy.”  (Grantland Rice)

-  Một chiếc tầu ngầm (tiềm thủy đĩnh) chưa thực sự là tầu ngầm nếu nó chưa lặn xuống dưới mặt nước.  Một máy bay chưa thực sự là máy bay nếu nó chưa cất cánh khỏi phi đạo.  Một con người chưa thực sự là con người nếu họ chưa chết.

        2.  Wilder Penfield, một bác sĩ giải phẫu não nổi tiếng đã nói trong một báo cáo gửi cho Viện Smithsonian:  “Bộ óc con người vĩnh viễn chứa những dữ kiện về quá khứ, giống như cuốn phim chứa hình ảnh và âm thanh…  Bạn có thể sống lại những hình ảnh quá khứ, từng hình ảnh một, khi bác sĩ dùng dòng điện thật nhẹ kích thích một vài điểm tại trung khu thần kinh khối óc bên thái dương bạn.”  Tường trình của Penfield tiếp tục nói rằng khi bạn sống lại những hình ảnh quá khứ này, bạn cũng sẽ có những cảm giác y hệt như lần đầu tiên vậy.  Vậy sự kiện về não bộ này có thể bênh vực cho mạc khải của Kinh Thánh về sự phán xét riêng sau khi chết không?

        3.  Có người bảo:  “Ai cũng muốn lên thiên đàng mà lại không muốn chết!”  Bạn trả lời họ làm sao?

4.  Ngoài những gì Thiên Chúa mạc khải, điều nào khiến bạn dễ xác tín nhất:  Thiên đàng?  Hoả ngục?  Luyện ngục?

5.  Lớn lên trong đức tin là một tiến trình.  Thói quen nào mỗi ngày giúp bạn lớn lên trong đức tin?

 

The Catholic Vision  I – 8

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà