Phần II – Bài 12

 

ĐỨC GIÊ-SU GIÁNG SINH

 

        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:

1.      Điều làm tôi phấn khởi nhất về việc Đức Giê-su giáng sinh, là…

2.      Một câu hỏi tôi muốn được trả lời về việc Đức Giê-su giáng sinh, là…

 

BỐN SÁCH TIN MỪNG

 

        Nhà văn Nathaniel Hawthorne người Hoa-kỳ đã chết.  Trên bàn giấy của ông có dàn bài của một vở kịch chưa viết xong.  Vở kịch nói về một người sẽ không bao giờ xuất hiện trên sân khấu.  Ai cũng nói về người ấy.  Ai cũng mơ về người ấy và ai cũng đợi người ấy xuất hiện.  Nhưng vở kịch kết thúc mà người ấy vẫn không xuất hiện.

        Một cách nào đó, Kinh Thánh Do-thái cũng giống như vở kịch dở dang của Hawthorne.  Kinh Thánh ấy chú ý tới một người mà ai cũng nói đến, mơ ước và chờ đợi.  Người ấy là Đức Mê-si-a đã được hứa ban.  Nhưng Kinh Thánh Do-thái kết thúc mà vẫn không có Ngài xuất hiện.

        Chính trong bối cảnh này chúng ta sẽ nói về Kinh Thánh Ki-tô, nhất là những sách Tin Mừng.

 

Sách Tin Mừng được khai triển dần dần

 

        Bốn sách Tin Mừng không được viết liền ngay, nhưng đã được khai triển trong một thời gian gồm ba giai đoạn:

        *  giai đoạn sống

        *  giai đoạn rao giảng

        *  giai đoạn thành văn.

        Giai đoạn sống là chính cuộc sống của Đức Giê-su, tức là những điều Ngài làm và những lời Ngài nói trong suốt cuộc đời.  Nói về giai đoạn này, Phê-rô viết:  “Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Ngài” (2 Pr 1:16).

        Giai đoạn rao giảng bắt đầu vào ngày Hiện Xuống.  Được tràn đầy sức mạnh Chúa Thánh Thần, các tông đồ bắt đầu rao giảng Tin Mừng.  Hễ gặp một đám đông ở đâu là họ nói về Tin Mừng.  Do lòng sốt sắng hối thúc, họ đã đem Tin Mừng qua khắp xứ Pha-lét-tin đến tận Hy-lạp và đến cả Rô-ma nữa.

        Các tông đồ đã cảm nhận một sự hối thúc, vì họ nghĩ rằng Đức Giê-su sẽ trở lại trong vinh quang (Cv 1:11) ngay khi Tin Mừng được rao giảng cho mọi dân nước (Mt 24:14).  Các tông đồ cứ tưởng là họ có thể hoàn tất công việc này đang khi họ còn sống.  Vì thế họ mới không nghĩ đến việc viết lại Tin Mừng.  Tại sao phải viết lại Tin Mừng nếu ngày Đức Giê-su trở lại đã gần kề?

        Nhưng khi các tông đồ thấy họ không thể hoàn tất việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân trong quãng đời của họ được, nên họ quyết định phải viết xuống để Tin Mừng khỏi bị sai lạc hay bị bóp méo đi sau khi họ chết.

        Vào khoảng năm 50, giai đoạn thành văn bắt đầu.  Lu-ca nhắc đến điểm này trong phần giới thiệu sách Tin Mừng của ngài:  “Có nhiều người đã ra công biên soạn bản tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta.  Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta.  Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra” (Lc 1:1-3).

 

TRÌNH BÀY TỔNG QUÁT BỐN SÁCH TIN MỪNG

 

        Chúng ta giả dụ một viên giám đốc đài truyền hình hoạch định một chương trình gọi là “Hướng dẫn du ngoạn thành phố Nữu Ước.”  Ông ta quyết định trình chiếu thành phố qua cái nhìn của bốn du khách tới thăm thành phố bằng bốn phương tiện:  tàu thủy, xe lửa, xe hơi và máy bay.  Kết quả khán thính giả có được cái nhìn về thành phố, không phải một mà là bốn cái nhìn khác nhau.  Do đó du khách thấy được thành phố hấp dẫn hơn.

        Cũng vậy, bốn sách Tin Mừng không phải chỉ cống hiến một, nhưng là bốn khuôn mặt hoặc bốn cái nhìn về Đức Giê-su.  Kết quả là chúng ta càng hiểu rõ được về Đức Giê-su nhiều hơn nữa.

        Mỗi sách Tin Mừng được viết trong thời gian, nơi chốn, cho độc giả và với mục đích riêng biệt.

        Các học giả vẫn chưa đồng ý về những chi tiết Tin Mừng được viết khi nào, ở đâu và cho ai.  Có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ đồng ý kiến.  Rồi họ cũng không đồng ý về lý do tại sao mỗi sách Tin Mừng lại nhắm một mục đích.  Nhưng nói chung, họ đồng ý về những điểm sau đây:

 

Mác-cô nhấn mạnh về Đấng Cứu Thế chịu đau khổ

 

        Mác-cô viết tại Rô-ma trước năm 70 cho các Ki-tô hữu thuộc Dân ngoại (không phải Do-thái).  Mục đích của Tin Mừng Mác-cô bị ảnh hưởng do sự kiện Ki-tô hữu tại Rô-ma đang chịu bách hại vì đức tin.  Do đó, Mác-cô đã nhấn mạnh đến Đức Giê-su chịu đau khổ.  Nếu Đấng Cứu Thế đã phải chịu đau khổ thì các môn đệ Ngài cũng sẽ phải chịu đau khổ (Mc 8:34-35).

 

Mát-thêu nhấn mạnh về Đấng Cứu Thế giảng dạy

 

        Mát-thêu đã viết tại An-ti-ô-khi-a (Xy-ri) vào khoảng giữa năm 70 và 90.  Mục đích Mát-thêu nhắm, đó là viết cho Ki-tô hữu gốc Do-thái.  Họ rất ưu tư về việc làm sao những giáo huấn của Đức Giê-su phù hợp với giáo huấn của Mô-sê và các ngôn sứ.  Vì thế, Mát-thêu đã nhấn mạnh đến sự kiện giáo huấn của Đức Giê-su đã kiện toàn giáo huấn của Mô-sê và các ngôn sứ như thế nào (Mt 5:17-48).

 

Lu-ca nhấn mạnh về Đấng Cứu Thế đầy lòng nhân hậu

 

        Lu-ca viết tại Hy-lạp khoảng giữa năm 70 và 90.  Ngài viết cho những người nghèo khổ và bị ức hiếp.  Cho nên Lu-ca đã nhấn mạnh đến ưu tư của Đức Giê-su về một xã hội bị áp bức.  Thí dụ, ngài kể bốn câu truyện về Đức Giê-su hết sức lo lắng cho giới phụ nữ (họ là những người bị áp bức trong thời sách Tin Mừng được viết) mà các sách Tin Mừng khác không nói đến (Lc 7:11-17; 8:1-3; 15:8-10; 18:1-8).

 

Gio-an nhấn mạnh về Đấng Cứu Thế ban sự sống

 

        Gio-an viết tại Ê-phê-xô (Tiểu Á) sau năm 90 và viết cho Ki-tô hữu thuộc nhiều văn hóa khác biệt.  Do đó ngài đã chú ý đến việc làm sao Đức Giê-su đã đến để làm cho mọi người được sống dồi dào hơn.  Đức Giê-su nói:  “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).

 

HAI TRÌNH THUẬT VỀ GIÁNG SINH

 

        Không như Mác-cô và Gio-an là những sách bắt đầu với việc Đức Giê-su chịu phép rửa, sách Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca bắt đầu với việc Đức Giê-su giáng sinh.  Điều này thực là nan giải vì không môn đệ nào biết về quãng đời ấy của Đức Giê-su.  Do đó Mát-thêu và Lu-ca phải tìm đến nguồn liệu khác để biết về việc Đức Giê-su giáng sinh:

        *  nguồn liệu lịch sử:  những gì bà Ma-ri-a, gia đình bà và gia đình Giu-se đã nhớ được.

        *  những lời tiên tri:  những gì các vị ngôn sứ Do-thái đã tiên báo có thể giúp soi sáng vấn đề.

        *  thần học:  những gì Chúa Thánh Thần linh hứng cho họ để ghi chép lại về biến cố ấy.

        Những trình thuật về việc giáng sinh có thể ví như những “bức thảm dệt,” được kết bằng ba loại sợi khác nhau:  lịch sử, tiên tri và thần học.  Những sợi chỉ này đã được dệt lại khéo léo đến nỗi người ta khó mà biết được sợi nào là đầu, sợi nào là cuối.

 

TRÌNH THUẬT GIÁNG SINH THEO LU-CA

 

Trình thuật Giáng Sinh theo Lu-ca phản ảnh lớp độc giả ngài muốn viết cho họ, đó là những người Dân ngoại và người nghèo.  Ngài đặt việc giáng sinh của Đức Giê-su trong hoàn cảnh một cuộc kiểm tra dân số của Dân ngoại.  Ngài nhấn mạnh sự kiện cha mẹ Đức Giê-su bị đối xử như những kẻ sống bên lề xã hội, phải trú ngụ tại một hang đá.  Những hoàn cảnh này cho thấy trước mối ưu tư của Đức Giê-su đối với người Dân ngoại và người nghèo.  Nói về việc Giáng Sinh, Lu-ca viết:

“Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ…  Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.  Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem, miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít.  Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai.  Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.  Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

“Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.  Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.  Nhưng sứ thần bảo họ:  “Anh em đừng sợ.  Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:  Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa…  Họ liền hối hả ra đi.  Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ…  Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.”  (Lc 2:1,3-11,16,20)

 

Ba điểm nổi bật

 

        Ba điểm đáng ghi nhớ trong trình thuật Giáng Sinh do Lu-ca:

        Trước hết, Lu-ca tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng đã được hứa ban, Đấng Cứu Thế mà Ít-ra-en chờ đợi từ lâu.

        Thứ hai, ngài kêu gọi người ta hãy chú ý tới những hoàn cảnh khiêm nhượng trong việc Đức Giê-su giáng sinh.  Đấng Cứu Thế sinh ra trong nghèo khó như một người bị ruồng bỏ và trong một nơi dành cho những con vật hôi hám ở.

        Thứ ba, Lu-ca muốn nói lên căn tính và sứ mệnh của Đức Giê-su:  Đức Giê-su là Con Chiên Thiên Chúa và là hy tế.  Lu-ca diễn tả điều này bằng cách nói Đức Giê-su đã sinh ra trong mùa cừu sinh sản:  “Có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.”  Bình thường các mục đồng lùa cừu vào trong hang hoặc chuồng khi đêm xuống.  Chỉ có thời gian cừu sinh sản là người ta không lùa chúng vào vì sợ cừu non bị những con lớn đạp chết.  Mùa cừu sinh sản sẽ là thời điểm tốt đối với việc Đức Giê-su giáng sinh, vì tựa như những con chiên sinh ra quanh vùng Bê-lem (nương dưới bóng Đền Thờ Giê-ru-sa-lem) được dùng để làm sinh lễ, thì Đức Giê-su cũng sẽ trở nên hy tế như vậy.

        Trình thuật Giáng Sinh theo Lu-ca để lại cho chúng ta bài ca mà ông Da-ca-ri-a đã hát lên ngày Gio-an Tẩy giả chào đời:

        “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en…

        Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,

        Người đã cho xuất hiện

        Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,

        Như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ

        Mà phán hứa tự ngàn xưa…”  (Lc 1:68-70)

 

TRÌNH THUẬT GIÁNG SINH THEO MÁT-THÊU

 

        Trình thuật Giáng Sinh do Mát-thêu trình bày Đức Giê-su như là sự thể hiện hoàn tất những lời tiên tri trong Cựu Ước.  Mát-thêu bắt đầu trình thuật bằng cách cho thấy Giu-se và Ma-ri-a đã đính hôn với nhau.  Trước khi cưới, “Ma-ri-a đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1:18).  Điều này khiến Giu-se buồn phiền cho tới khi ông biết Ma-ri-a đã chịu thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần.  Mát-thêu viết:

        “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:  Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’.” (Mt 1:22-23)

 

Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su

 

        Sau khi Đức Giê-su giáng sinh, Mát-thêu tả lại việc  “các nhà chiêm tinh từ phương Đông” theo dấu một ngôi sao để đến Giê-ru-sa-lem.  Các nhà chiêm tinh là những người học hỏi về tinh tú và quan sát sự vận hành của chúng.  Khi họ hỏi vua Hê-rô-đê về nơi vị tân vương của Do-thái sinh ra, thì các cố vấn của nhà vua trả lời họ là tân vương sinh ra tại Bê-lem.

        Sau khi các nhà chiêm tinh đi Bê-lem, vua Hê-rô-đê bắt đầu lo sợ cho ngai vàng của mình và âm mưu giết Đức Giê-su.  Trong lúc ấy các nhà chiêm tinh đã gặp được Đức Giê-su và tiến dâng Ngài những tặng vật là vàng, hương và mộc dược.  Thiên sứ dạy họ đừng quay lại Giê-ru-sa-lem, nhưng hãy tìm đường khác mà trở về nhà.  Thiên sứ cũng bảo Giu-se hãy đem Ma-ri-a và Đức Giê-su sang Ai-cập, vì vua Hê-rô-đê đang tìm cách giết Hài Nhi.

        Cũng giống như các biến cố khác trong thời thơ ấu của Đức Giê-su, trình thuật này được dựng trên ba nguồn liệu:  lịch sử, tiên tri và thần học.  Trong câu truyện các nhà chiêm tinh, ba “sợi chỉ” này không thể tách rời từng sợi.  Thí dụ lịch sử cho thấy các nhà chiêm tinh đã sống ở phương Đông.  Nhưng đồng thời lịch sử ấy cũng nói rằng họ nghiên cứu về tinh tú và ngẫm nghĩ về cuộc đời theo những vì sao ấy.

        Cũng vậy, “những sợi chỉ” lời tiên tri trong Cựu Ước không thể nhận ra được trong câu truyện các nhà chiêm tinh.  Thí dụ ngôn sứ Mi-kha đã nói tiên tri về Bê-lem:  “Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mệnh thống lãnh Ít-ra-en” (Mk 5:1).  Và tác giả Thánh Vịnh viết:  “Hàng vương giả sẽ về triều cống…  muôn dân nước thảy đều phụng sự” (Tv 72:10-11).  Sau cùng, sách Dân Số nói:  “Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc;  tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên:  một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp” (Ds 24:17).

        Sợi chỉ thần học quan trọng nhất, đó là sợi đã đan kết hai sợi kia để cho thấy ý nghĩa mà Mát-thêu muốn hiểu khi kể lại câu truyện.  Ngài muốn chúng ta hiểu rằng Đức Giê-su là:

        *  Đấng Mê-si-a đã được hứa ban,

        *  đã được tiên báo do các ngôn sứ,

        *  bị người Do-thái (Hê-rô-đê) chối bỏ, và

        *  lại được Dân ngoại (các nhà chiêm tinh) nhìn nhận.

 

Những lễ vật của các nhà chiêm tinh mang ý nghĩa biểu tượng

 

        Theo truyền thống, Ki-tô hữu đã thấu hiểu ý nghĩa của ba lễ vật các nhà chiêm tinh tiến dâng:  vàng, hương và mộc dược.

        Vàng là “vua các kim loại.”  Do đó vàng là một biểu tượng lý tưởng nói lên vương quyền của Đức Giê-su.  Hương được dùng trong việc thờ phượng.  Hương thơm và khói hương cuồn cuộn dâng lên trời đã nói lên tính cách thần thiêng, tức biểu tượng cho thiên tính của Đức Giê-su.  Mộc dược được dùng để ướp xác trước khi mai táng.  Vậy mộc dược nói về sự mỏng dòn của con người và biểu tượng cho nhân tính của Đức Giê-su.

        Một ngàn năm trăm năm trước đây, một văn sĩ Ki-tô giáo đã tóm lược câu truyện các nhà Chiêm tinh như sau:

        “Các nhà chiêm tinh hết sức bỡ ngỡ chăm chú vào những gì mắt họ thấy:  trời đang hiện diện trên trái đất, trái đất đang hiện diện trên trời, con người trong Thiên Chúa, Thiên Chúa trong con người…  Nhìn thấy như vậy thì họ tin và không còn thắc mắc gì nữa, vì các lễ vật của họ đã làm chứng:  vàng cho một vị vua, hương cho Thiên Chúa và mộc dược cho một người sẽ phải chết.”  (Phê-rô Kim Ngôn)

 

THỜI NIÊN THIẾU CỦA ĐỨC GIÊ-SU

 

        Đức Giê-su chắc chắn đã làm tất cả những gì hầu hết các trẻ em cùng lớp tuổi đã làm.  Trong những điều này, quan trọng nhất vẫn là học Kinh Thánh và học nghề của cha mình (Mc 6:3).

        Ngày hưu lễ và những ngày lễ lạc là những dịp đặc biệt đối với Đức Giê-su.  Ngài đã đều đặn đến hội đường, tại đó khi đến phiên, Ngài đã tuyên đọc Kinh Thánh Cựu Ước (Lc 4:16-17).  Cũng vạây, Ngài đã đi lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem để mừng những lễ lớn (Lc 2:41).

        Trong khi ấy giữa những bận rộn hằng ngày đã có một điều gì thật là diệu kỳ và mầu nhiệm đang diễn tiến trong tâm trí Đức Giê-su.  Con người của Ngài đang ý thức về căn tính, sứ mệnh và về Cha trên trời;  ý thức ấy đang phát triển một cách vô cùng tốt đẹp (Lc 2:49).

 

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.  Gio-an 1:1-18           Ngôi Lời tự đời đời

        2.  Châm Ngôn 8:22-31   Người Con vĩnh cửu

        3.  I-sai-a 9:1-6            Vương quốc vĩnh cửu

        4.  Mát-thêu 2:1-12               Những vị khách viếng thăm Vua

        5.  Thánh Vịnh 72:1-19   Vạn tuế Vua!

 

THẢO LUẬN

 

        Các tác giả sách Tin Mừng đã viết khi nào, ở đâu và cho ai?

        Bạn hiểu thế nào khi những sách ấy viết cho chính bạn?

 

CHIA SẺ

 

        1.  Khi thăm Thánh địa, có người mang theo một bộ tượng Giáng Sinh.  Tượng làm bằng gỗ ô-liu, khắc hình Đức Giê-su, Mẹ Ma-ri-a, thánh Giu-se và các người chăn chiên.  Nhân viên an ninh phi trường Tel Aviv rọi tia X từng tượng một và nói:  “Chúng tôi không thể bất cẩn được.  Nhưng chúng tôi phải chắc chắn là không có chất nổ đặt bên trong các tượng này.”  Chủ nhân của bộ tượng cười thầm và nghĩ rằng:  “Đúng, bộ tượng Giáng Sinh có một sức nổ mạnh nhất thế giới!”  Vậy người ấy đang nghĩ tới sức mạnh nào?  Chúng ta có thể diễn tả sức mạnh ấy thế nào?

        2.  Henry Van Dyke đã viết một câu truyện rất hay về Giáng Sinh, tựa là “Nhà chiêm tinh thứ tư” nói về Artaban là người đáng lẽ đã cùng đi với ba nhà chiêm tinh kia đến Bê-lem.  Câu truyện kể tại sao ông ta đã trễ hẹn không đi với họ được.  Bạn hãy tưởng tượng Van Dyke xin bạn giúp ông ta ý kiến muốn Artaban đem theo lễ vật gì để dâng cho Đức Giê-su.  Vậy lễ vật gì thích hợp và tại sao?

        3.  Một thi sĩ vô danh viết:  “Khi tiếng hát thiên thần vừa dứt, khi ánh sao trên trời mới tắt, khi các vua chúa đã về nhà, khi các mục đồng đã trở lại đàn chiên, thì công việc của Giáng Sinh bắt đầu:  tìm những gì lạc mất, chữa lành kẻ bị dập nát, cho người đói ăn, thả tù nhân, tái thiết các quốc gia, đem hòa bình đến cho anh em, ca hát trong tâm hồn.”  Hãy diễn tả một “công việc Giáng Sinh” mà bạn đã hoặc đang dấn thân.

 

 

The Catholic Vision  II – 12

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà