Phần II – Bài 13
Trước khi đọc
tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:
1. Nếu tôi có
mặt lúc Đức Giê-su chịu phép rửa hoặc lúc Ngài bị cám dỗ trong sa mạc, tôi sẽ…,
bởi vì…
2. Khi nghĩ về
những cám dỗ của Chúa trong sa mạc, tôi cho rằng tên quỷ giống như…, bởi vì…
Linda
Marshall sửa soạn tắm. Bà đưa tay ra
thử độ ấm của nước, một chân trong bồn tắm, còn chân kia ở ngoài. Đang đứng trong tư thế tức cười như vậy, bà
chợt nghĩ về mình: “Đây chính là một
hình ảnh về cuộc đời tôi.”
Linda vẫn ước
ao có một đời sống đạo đức hơn, nhưng bà không làm sao tiến bước được. Bà luôn luôn chân trong chân ngoài. Hình như bây giờ là lúc cho bà quyết định.
Cuối cùng bà
nín thở, rồi la lớn lên: “Lạy Chúa, con
xin chọn Chúa.” Sau lời ấy, bà bước vào
bồn tắm, tựa như một cuộc rửa tội vậy.
Nếu chúng ta
có thể hiểu được lựa chọn khó khăn của Linda thì chúng ta cũng có thể hiểu được
sự lựa chọn mà Gio-an Tẩy giả đã đề ra cho dân chúng khi ông nói với họ: “Anh chị em hãy từ bỏ tội lỗi và lãnh nhận
phép rửa” (x. Lc 3:3).
Từ ngữ Gio-an
sử dụng “Hãy từ bỏ tội lỗi” được dịch ra từ tiếng Do-thái, có nghĩa là “quay về
để khỏi đi theo con đường lầm lỗi nữa.”
Nói khác đi, ông xin dân chúng hãy nhận thực những đường lối tội lỗi của
họ và hãy thay đổi đời sống. Để tỏ ra
họ thành thực muốn làm như vậy, Gio-an mời gọi họ hãy lãnh nhận phép rửa.
Đức Giê-su xin chịu phép rửa
Khi nhìn thấy
Đức Giê-su lội xuống nước để chịu phép rửa, Gio-an hết sức ngạc nhiên. Ông phải làm gì đây? Gio-an cố xoay ngược lại tình thế, ông nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa,
thế mà Ngài lại đến với tôi!” Đức
Giê-su trả lời ông: “Bây giờ cứ thế
đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ
trọn đức công chính” (Mt 3:14-15).
Đức Giê-su đã
xin chịu phép rửa, không phải vì Ngài là kẻ tội lỗi cần hối cải, nhưng vì Ngài
là một người trong chúng ta, nghĩa là một phần tử bằng máu và thịt thuộc gia
đình nhân loại. Ngài hòa mình với chúng
ta một cách hoàn toàn đến nỗi đã chấp nhận thân phận con người của chúng ta,
ngay cả đến tình trạng tội lỗi.
Ở đây cho ta
một bài học quan trọng. Chúng ta cũng
là những phần tử của một nhân loại tội lỗi.
Chúng ta không thể đứng ngoài vòng nhân loại ấy, nhưng giữa những tội
lỗi của nhân loại. Thí dụ, chúng ta
không thể nói: “Tôi không chấp nhận
việc chối bỏ nhân quyền. Tôi cũng không
chấp nhận những sách báo, phim ảnh hoặc những chương trình truyền hình như thế
này. Nhưng tôi không thể làm gì hơn đối
với những điều tội lỗi này.” Là môn đệ
Chúa Ki-tô, chúng ta có bổn phận phải tìm ra những phương thức để làm một điều
gì chứ!
Ngay sau khi
Đức Giê-su chịu phép rửa, thì “trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người
dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có
tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của
Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”
(Lc 3:21-22).
Ba hình ảnh
qua mô tả của Lu-ca về việc Đức Giê-su chịu phép rửa là:
* trời mở ra
* chim bồ câu đáp xuống, và
* tiếng nói phát ra từ trời.
Để hiểu việc
trời mở ra trên Đức Giê-su, chúng ta cần biết người Do-thái thời xưa đã nhìn vũ
trụ như thế nào. Họ coi vũ trụ như là
ba thế giới xếp chồng lên nhau.
Bên trên là
thế giới của Thiên Chúa. Ở giữa là thế
giới của người sống và dưới cùng là thế giới của người đã chết.
Ranh giới
ngăn cách thế giới của Thiên Chúa và thế giới người sống là bầu trời. Nếu Thiên Chúa muốn đi vào thế giới người
sống, thì Ngài phải đi qua ngăn cách này.
Sau khi A-đam
phạm tội, thế giới của người sống đã trở nên mỗi ngày một xấu xa thêm. Những người thánh thiện cầu xin Thiên Chúa
“xóa bỏ” ranh giới ngăn cách với thế giới của Ngài và làm một điều gì đó cho
thế giới xấu xa của họ. Thí dụ ngôn sứ
I-sai-a đã cầu nguyện: “Ước gì Ngài xé
trời mà xuống” (Is 63:19). Tác giả
Thánh Vịnh kêu cầu: “Lạy Chúa, xin Chúa
hãy xé trời ra mà ngự xuống” (Tv 144:5).
Hình ảnh trời
mở ra có nghĩa là Thiên Chúa đã quyết định đi vào thế giới của chúng ta và làm
một điều gì đó đối với tình trạng tội lỗi trong thế giới ấy. Một “thời đại mới” trong lịch sử nhân loại
đang khởi đầu.
Hình ảnh thứ hai là hình chim bồ câu (Thánh Thần) đáp
xuống trên Đức Giê-su. Hình ảnh này gợi
lại việc thần linh Chúa xuống trên nước trong ngày tạo dựng (St 1:1-2).
Những giáo sĩ Do-thái so sánh thần linh Chúa tựa như một
chim bồ câu. Lu-ca dùng hình ảnh này để
dạy rằng một thời đại mới đang ló rạng.
Lời tiên tri của ngôn sứ I-sai-a đang được thể hiện: “Thiên Chúa phán: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới… Hãy vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo”
(Is 65:17-18).
Hình ảnh chim bồ câu đáp xuống có nghĩa là một cuộc tạo
dựng mới sắp sửa xảy ra.
Hình ảnh thứ
ba là tiếng phát ra tự trời nói về Đức Giê-su:
“Con là Con yêu dấu của Cha.”
Tiếng nói mô tả Đức Giê-su là con đầu lòng của một cuộc tạo dựng
mới. Ngài chính là “A-đam mới” trong
cuộc tạo dựng mới. Phao-lô nói lên sự
so sánh giữa “A-đam cũ” và Đức Giê-su là “A-đam mới”:
“Con người
đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng (Đức
Ki-tô) là thần khí ban sự sống… Người
thứ nhất (A-đam) bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai (Đức Ki-tô) thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi
đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời
thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì
thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng
sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.”
(1 Cr 15:45,47-49)
Hình ảnh thứ
ba chứa đựng một bài học quan trọng. Vì
chúng ta mang cả hình ảnh của “con người thuộc về đất” lẫn “con người thuộc về
trời”, nên chúng ta cảm nghiệm một sự căng thẳng nội tại giữa xác thịt (con
người thuộc về đất) và tinh thần (con người thuộc về trời). Chính thánh Phao-lô đã cảm nhận sự căng thẳng
này trong cuộc sống, nên ngài nói: “Điều
tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm
7:15).
Ba hình ảnh
trong biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa có ý nghĩa như sau:
* một thời đại mới hé mở (trời mở ra),
* một cuộc tạo dựng mới bắt đầu (chim bồ câu
đáp xuống), và
* một A-đam mới xuất hiện (tiếng nói từ trời).
Thời gian chờ
đợi từ lâu, giờ đây đã tới: Thiên Chúa
khởi sự “tái tạo” thế giới đã bị tội lỗi “hủy tạo.”
Doug Alderson
đã mô tả một kinh nghiệm thích thú trong cuốn Campus Life. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông làm một
chuyến đi bộ hai ngàn dậm trong mùa hè dọc theo đường mòn rặng
Appalachian. Ông viết:
“Tôi vừa tốt
nghiệp trung học xong. Tôi có nhiều câu
hỏi. Mục đích của tôi trong đời là
gì? Tương lai của tôi? Có Thiên Chúa không? Tôi nghĩ những câu trả lời có thể tìm thấy
ngay tại những vùng hoang dã trước mặt kia.
“Đáng lẽ phải
dành thời giờ cho sự sống hơn là cho tiền bạc, TV, chơi bời và chích
choác. Theo một ý nghĩa nào đó, cuộc đi
bộ của tôi là một cuộc tìm kiếm bình an nội tâm, một hành trình để đi tìm chính
mình.”
Doug đã nói
rằng những thời khắc lâu dài trên đường mòn đã cho ông cơ hội để biết chính
mình hơn và hoạch định cho tương lai.
Năm tháng
sau, ông trở về nhà với một con người đã thay đổi. Ngay cả con chó trong nhà cũng nhìn ông nghi ngờ như muốn
hỏi: “Anh đã ở đâu? Đã làm gì?
Anh là người khác mất rồi.”
Doug đã khác
xưa. Ông đã gặp thấy những gì ông tìm
kiếm, đó là “bình an từ nội tâm, bình an từ Thiên Chúa.” Ông tóm tắt kinh nghiệm của ông khi nói
rằng: “Tôi thành con người của chính
tôi nhiều hơn. Tôi thích những gì tôi
khám phá nơi chính tôi.”
Doug Alderson là một thí dụ về con người đã đi ra ngoài
một mình trong một thời gian để tìm lại chính mình. Ông Mô-sê đã làm điều đó;
các ngôn sứ đã làm điều đó;
Gio-an Tẩy giả đã làm điều đó.
Đức Giê-su cũng làm điều đó.
Sau khi chịu
phép rửa, Đức Giê-su đã được “Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và
khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.
Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu
ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Sau đó, quỷ
đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước
thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với
vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và
tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái
lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.”
Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời
chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa
là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
Quỷ đem Đức
Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà
gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép
rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ
lo cho bạn, để luôn luôn gìn giữ bạn.
Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ
tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại:
“Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử
thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Sau khi đã
xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.”
(Lc
4:1-18)
Những cám dỗ
Đức Giê-su chịu có ý nghĩa sâu xa hơn là chúng ta thấy bề ngoài. Để hiểu được ý nghĩa sâu xa này, hãy nghĩ
những cám dỗ đây như là duyệt trước một cuốn phim. Việc điểm phim chỉ nói cho chúng ta vừa đủ để thích cuốn phim, chứ
không phải đủ để dẹp bỏ cuốn phim.
Những cám dỗ đối với Đức Giê-su cũng tương tự. Chúng xét lại những câu trả lời cho ba câu hỏi quan trọng về Đức
Giê-su:
* Ngài là ai?
(căn tính của Ngài),
* Ngài đến để làm gì? (sứ mệnh của Ngài), và
* Ngài sẽ thi hành sứ mệnh ấy thế nào? (lối sống của Ngài).
Những cám dỗ
của Đức Giê-su cho thấy Ngài đã cảm nghiệm một cuộc chiến nội tâm giữa chính tà
mà ngay chúng ta cũng cảm nghiệm. Nói
khác đi, những cám dỗ của Ngài chứng tỏ Ngài là con người thực sự như chúng ta.
Nhưng những
cám dỗ còn cho thấy một điều gì hơn thế nữa.
Chúng cho thấy Đức Giê-su đã phản ứng lại ma quỷ như thế nào. Ngài phản ứng khác hẳn với cách của chúng
ta. Chưa có ai tỏ ra cứng rắn trước cám
dỗ như Đức Giê-su đã làm.
Phản ứng của
Đức Giê-su trước cám dỗ cho thấy Ngài không giống như những người khác. Có một điều gì đặc biệt nơi Ngài. Ma quỷ đã để lộ điểm đặc biệt ấy khi nó nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa.” Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người.
Những cám dỗ
Đức Giê-su chịu cũng xét lại câu trả lời cho câu hỏi “Đức Giê-su đến để làm
gì?” Chúng ta hãy nhớ lại hai điểm đã
nói trước đây.
Trước hết,
việc Đức Giê-su chịu phép rửa cho thấy một cuộc tạo dựng mới, hoặc tái tạo thế
giới đã bắt đầu. Thứ hai, ngay sau cuộc
tạo dựng thứ nhất, ma quỷ đã cám dỗ A-đam, con người thứ nhất, và làm cho ông
phạm tội. Tội lỗi ấy đã đem lại sự chết
thiêng liêng cho thế giới. Thánh Phao-lô
viết: “Vì một người duy nhất, mà tội
lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người,
bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5:12).
Vậy giờ đây
ma quỷ lập lại trò cũ. Nó cám dỗ Đức
Giê-su, con người đầu tiên của cuộc tạo dựng mới và cố đưa Ngài vào đường
tội. Nhưng Đức Giê-su đứng vững. Chiến thắng của Ngài trên ma quỷ phục hồi sự
sống cho nhân loại. Phao-lô nói: “Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã
sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực
hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính,
nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như
vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội
nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ
thành người công chính” (Rm 5:18-19).
Sứ mệnh của
Đức Giê-su là làm A-đam mới của cuộc tạo dựng mới. Ngài đã đến để dẫn đưa nhân loại ra khỏi vòng tội lỗi mà tiến vào
vương quốc của Cha Ngài. Ngài đã đến để
cứu họ khỏi cái chết và phục hồi sự sống cho họ. Đây chính là điều chúng ta hiểu từ ngữ cuộc tạo dựng mới nghĩa là
gì.
Sau cùng,
những cám dỗ Chúa Giê-su chịu xét lại đường lối Ngài sẽ thi hành sứ mệnh của
mình.
Trước hết,
việc Đức Giê-su từ chối không biến những viên đá trở nên bánh cho thấy Ngài sẽ
không sử dụng quyền năng của mình để mưu lợi riêng hoặc để sống thoải mái. Trái lại, Ngài sẽ phải đổ mồ hôi, đói khát,
chịu khổ cực để chu toàn công việc của Ngài trên trần gian, chẳng khác gì chúng
ta vậy.
Thứ hai, việc
Đức Giê-su từ chối gieo mình xuống từ đỉnh Đền Thờ và để cho thiên thần bảo vệ
Ngài chứng tỏ Ngài đến để phục vụ chứ không để được phục vụ (Mc 10:44-45).
Thứ ba, Đức
Giê-su từ chối bái quỳ trước ma quỷ, dù là để đổi lấy cả thế giới này, cho thấy
Ngài sẽ không đồng tình hoặc mặc cả với ma quỷ. Cám dỗ này thực ra chứng tỏ rằng vào lúc ấy thế giới này đang nằm
dưới quyền lực ma quỷ. Ma quỷ có thể
ban thế giới này cho bất cứ ai mong muốn.
Việc Đức Giê-su từ chối không muốn thần phục ma quỷ đã bẻ gẫy quyền lực
của nó. Đức Giê-su chứng tỏ rằng Thiên
Chúa là Thiên Chúa, đúng là đúng, sai là sai.
Đức Giê-su sẽ chịu đau khổ – cả đến chịu chết nữa – trong tay ma quỷ,
nhưng Ngài sẽ không thương lượng với ma quỷ.
Như vậy, khi
từ chối những cám dỗ của ma quỷ, Đức Giê-su đã xét lại Ngài sẽ thi hành sứ mệnh
của Ngài thế nào:
* Ngài muốn chịu đau khổ chứ không lẩn tránh
đau khổ.
* Ngài muốn phục vụ chứ không muốn được phục
vụ.
* Ngài muốn chịu chết chứ không muốn thương
lượng với ma quỷ.
Sau khi chịu
cám dỗ, Đức Giê-su rời sa mạc và trở về đời để thi hành thánh ý Cha trên trời.
1. Lu-ca 3:1-22 Tiếng
nói trong hoang địa
2. Đệ nhị luật 8:1-10 Bánh thôi không đủ
3. Đệ nhị luật 6:10-25 Đừng thử thách Thiên Chúa
4. Thánh Vịnh 91 Thiên thần sẽ bênh đỡ bạn
5. I-sai-a 65:17-25 Cuộc tạo dựng mới
1. Những hình ảnh và ý nghĩa của việc Đức
Giê-su chịu phép rửa và việc bạn lãnh nhận Bí tích Rửa tội có những điểm nào
giống nhau?
3. Những cám dỗ
Đức Giê-su chịu có ý nghĩa gì đối với riêng bạn?
1. Thảo luận
những tư tưởng sau đây:
-
“Bạn bị cám dỗ không phải vì bạn xấu xa, nhưng bạn bị cám dỗ vì bạn là
con người.” (ĐGM Fulton Sheen)
-
“Hầu hết những người lướt khỏi cơn cám dỗ thường để lại địa chỉ kế
tiếp.” (vô danh)
-
“Cơn cám dỗ cuối cùng chính là cơn cám dỗ mãnh liệt nhất: đó là làm điều trái với lý do phải.” (T. S. Eliot)
2. Hãy cho một thí dụ để nói lên điều Daniel
Wilson ngụ ý khi ông nói: “Khi một
người chống lại tội lỗi chỉ dựa trên những động lực loài người thôi, thì họ sẽ
không chống được lâu đâu.”
3. Quintin Hogg là một cố vấn nổi tiếng cho
giới trẻ tại Luân-đôn. Khi người ta hỏi
một em nhỏ đã rời Luân-đôn làm sao em có thể nghĩ ngay đến ông Hogg ở xa, thì
em trả lời: “Khi nào tôi bị cám dỗ, tôi
liền ngồi xuống, lấy trong ví ra tấm ảnh của Hogg và tưởng tượng ông đang nói
gì về cơn cám dỗ này.” Bạn sống xa cha
mẹ, ai sẽ là người có thể gợi ý cho bạn, hoặc ai đã ảnh hưởng lớn đối với
bạn? Hãy giải thích.
4. Bạn hãy nhớ lại lần nào đó, cũng giống như
Linda Marshall, bạn cảm thấy Thiên Chúa đang ban cho bạn ơn sủng để làm một
quyết định quan trọng trong khi bạn cứ chần chờ.
5. Hãy nhớ lại lần nào đó, cũng như Doug
Alderson, bạn đã dành một thời gian (một ngày hoặc một buổi chiều) để đối diện
với chính mình và để trả lời những câu hỏi về tương lai của bạn.
Chuyển ngữ: Lm
Trần đình Nhi
Mark Link SJ
Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý
Công Giáo
Trở Về Trang Nhà