Phần II – Bài 15

 

ĐỨC GIÊ-SU CHẾT VÀ PHỤC SINH

 

        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:

1.      Một lần tôi phải đau khổ rất nhiều, đó là…

2.      Một điều khiến tôi cảm thấy Đức Giê-su đã thực sự sống lại từ kẻ chết, đó là…

 

ĐỨC GIÊ-SU CHỊU ĐAU KHỔ

 

        Có một mảnh vườn với tám cây ô-liu cổ thụ nằm trên sườn Núi Cây Dầu.  Không ai biết những cây ấy đã có tự bao giờ.  Nhưng mọi người đều đồng ý có lẽ đó là địa điêåm Đức Giê-su bắt đầu chịu khổ nạn và chịu chết.

        Sách Tin Mừng nói rằng sau bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su cùng với tông đồ đã đi tới Núi Cây Dầu, đến một vườn nhỏ gọi là Ghết-sê-ma-ni.  Tên ấy nghĩa là “ép dầu,” vì vườn có đặt một máy ép trái ô-liu để lấy dầu.

 

Đức Giê-su chịu đau đớn về tinh thần

 

        Tại Ghết-sê-ma-ni, Đức Giê-su bắt đầu chịu một trong bốn cơn đau của cuộc khổ nạn, đánh dấu những giờ phút cuối cùng của Ngài trên trần gian.  Cơn đau thứ nhất:  hấp hối tinh thần khi thấy số phận tàn bạo sắp đến.

        Lu-ca nói rằng cơn buồn phiền tinh thần của Đức Giê-su quá lớn lao đến nỗi “mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22:44).  Trong cơn hấp hối, Đức Giê-su hướng về Cha Ngài, cầu xin:  “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này.  Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22:42).

        Sau cơn hấp hối và cầu nguyện, Đức Giê-su nghe tiếng người phía xa.  Ngài biết họ làm gì.  Chỉ ít phút sau, một đám lính đã vào Ghết-sê-ma-ni.  Giu-đa đến cùng với họ.  “Ngay lúc đó, Giu-đa tiến lại gần Đức Giê-su… và hôn Ngài” (Mt 27:49).  Lập tức bọn lính xông tới bắt Đức Giê-su.  Giờ đây cơn đau thứ hai bắt đầu.

 

Đức Giê-su chịu đau đớn về xúc cảm

 

        Sự phản bội của Giu-đa là vết cắt sâu vào trái tim Đức Giê-su.  Rõ ràng những lời Thánh Vịnh vang lên trong đầu.  “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm xẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41:9).

        Đám lính trói Đức Giê-su lại và dẫn Ngài về nhà tù.  Khi cánh cửa nhà tù sập lại, Đức Giê-su ngồi một mình trong bóng tối.  Cơn hấp hối về cảm xúc vì bị Giu-đa phản bội, Phê-rô chối bỏ và các tông đồ khác lẩn trốn đã đè dập Đức Giê-su.  Sau khi các môn đệ và bạn hữu bỏ rơi, Ngài bị  bỏ mặc chịu đau khổ và chết lủi thủi một mình.

        Đến sáng, Đức Giê-su bị đem ra tòa, bị buộc tội và đưa đến trước Phi-la-tô để chịu kết án.  Phi-la-tô liền nghị án rằng đây chỉ là vấn đề tranh chấp về tôn giáo giữa người Do-thái với nhau.  Ông xử tha bổng Đức Giê-su, trong khi những nhà lãnh đạo Giê-ru-sa-lem cương quyết đòi phải trừng phạt Ngài.  Cuối cùng Phi-la-tô đã thất vọng bỏ cuộc (Ga 18:29-19:16).  Bây giờ là cơn đau thứ ba.

 

Đức Giê-su chịu đau đớn về thể xác

 

         Phi-la-tô ra lệnh cho đánh đòn Đức Giê-su. Thi hành xong án lệnh quái ác ấy, đám lính Rô-ma đem Đức Giê-su ra làm trò hề diễu cợt.

        “Rồi chúng kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Ngài, và trao vào tay mặt Ngài một cây sậy.  Chúng quỳ gối trước mặt Ngài mà nhạo rằng: ‘Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!’  Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra và cho Ngài mặc lại áo của mình, rồi điệu Ngài đi đóng đinh vào thập giá” (Mt 27:29,31).

        Theo thói quen, các tử tội phải tự vác lấy dụng cụ hành quyết mình.  Đức Giê-su không ngoài thông lệ đó.  Sau khi đi được vài trăm thước, vì yếu sức do mất nhiều máu, Đức Giê-su đã quỵ ngã mấy lần.  Do đó đám lính bắt một người qua đường tên là Si-mon người Ky-rê-nê vác giúp Ngài.

        Khi đám rước thô bạo ấy tới ngọn đồi Gôn-gô-tha, đám lính đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá.  Đau đớn thể xác do việc đóng đinh không sao tả xiết.  Một tài liệu ngày xưa cho thấy nhiều khi những nạn nhân trở nên điên khùng trước khi chết.

 

Đức Giê-su chịu đau đớn về thiêng liêng

 

        Một trong những đau đớn dữ dội nhất chúng ta phải chịu là đau đớn về thiêng liêng, đó là cảm giác thấy mình bị bỏ rơi, ngay cả Thiên Chúa cũng không đoái hoài.  Đức Giê-su đã cảm nghiệm cơn đau đớn kinh khủng này ở trên đồi Gôn-gô-tha (Mc 15:34).  Những lời Thánh Vịnh 22 mô tả tình trạng ấy một cách tuyệt hảo:

                “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,

                Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?…

                Tưởng mình như tan dần ra nước,

                Toàn thân con xương cốt rã rời,

                Con tim đau đớn bồi hồi,

                Mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan.

                Nghe cổ họng khô ran như ngói,

                Lưỡi với hàm dính lại cùng nhau.

                Chốn tử vong, Chúa đặt vào;

                Quanh con bầy chó đã bao chặt rồi.

                Bọn ác đó trong ngoài vây bủa,

                Chúng đâm con thủng cả chân tay,

                Xương con đếm được vắn dài;

                Chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem.

                Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,

                Còn áo trong cũng bắt thăm luôn.

                Chúa là sức mạnh con nương,

                Cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa.”  (Tv 22:2,15-20)

        Nhưng Thiên Chúa đã chẳng tới để giải cứu Đức Giê-su!  Lu-ca kể lại:

        “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín.  Mặt trời tối đi.  Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa.  Đức Giê-su kêu lớn tiếng:  Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.  Nói xong, Ngài tắt thở.”  (Lc 23:44-46)

        Khi viên sĩ quan Rô-ma đứng dưới chân thập giá trông thấy mọi sự xảy ra như vậy, ông liền kêu lên:  “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15:39).

        Viên sĩ quan Rô-ma ấy là người trong đám đông nhìn lên Đức Giê-su chịu đóng đinh, ông đã tin vào Ngài và chiếm được sự sống đời đời.  Đức Giê-su đã tiên báo điều ấy trước đây khi Ngài nói:  “Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3:14-15).

 

TẠI SAO ĐỨC GIÊ-SU CHỊU ĐAU ĐỚN

 

        Việc đóng đinh kết thúc với bao nhiêu con mắt ngước nhìn lên con người chịu đau khổ trên thập giá.  Cuối cùng, sự chết đã giải thoát Đức Giê-su khỏi những đau đớn của Ngài.  Đang khi Ngài bị treo thân trên đó, chúng ta tự hỏi:  tại sao Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã phải chịu sự đau đớn tột độ ấy?  Tại sao Ngài phải chịu:

                *  đau đớn tinh thần tại Ghết-sê-ma-ni,

                *  đau đớn về cảm xúc do sự phản bội,

                *  đau đớn thể xác khi chịu đóng đinh, và

                *  đau đớn về thiêng liêng khi bị bỏ rơi?

        Sự đau đớn của Đức Giê-su có thể gây hiểu lầm.  Đức Giê-su không chịu đau khổ vì giá trị của chính sự đau khổ.  Không phải cái chết về thể xác của Đức Giê-su đã cứu chuộc chúng ta.  Nhưng chính tình yêu đã đưa Đức Giê-su đến việc sẵn sàng chịu đau khổ để cứu chuộc chúng ta.  Do đó thập giá giúp chúng ta hiểu ba điều sau đây:

 

Thập giá là dấu chỉ tình yêu

 

        Trước hết, thập giá của Đức Giê-su là một dấu chỉ tình yêu.  Nó nói lên cách cụ thể điều chính Đức Giê-su thường nói:  “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15:13).

 

Thập giá là một mặc khải về tình yêu

 

        Tiếp đến, thập giá là một mặc khải về tình yêu.  Nó nói với chúng ta rằng tình yêu đòi hỏi đau khổ.

        Thập giá nói lên cách cụ thể điều Đức Giê-su thường nói:  “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23).

 

Thập giá là lời mời gọi hãy yêu mến

 

        Sau hết, thân xác Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá là lời mời gọi chúng ta hãy yêu thương.  Một lần nữa, thập giá nói lên cách cụ thể lời Đức Giê-su:  “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12).

 

ĐỨC GIÊ-SU PHỤC SINH

 

        Một phóng viên của Liên hiệp Thông tấn xã đã tóm tắt những biến cố trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh như sau:

        “GIÊ-RU-SA-LEM (AP) -  Giê-su Na-da-rét đã bị hành quyết hôm nay tại ngoại thành của cố đô này.  Ông ta chết vào lúc ba giờ chiều.  Một cơn giông tố dị thường đã làm cho đám đông hiếu kỳ phải tản mát, và đó cũng là cao điểm thích hợp nói lên quãng đời ngắn ngủi nhưng đầy phong ba của nhà giảng thuyết được nhiều người mến nhưng cũng không thiếu kẻ ghét tại miền núi đồi Ga-li-lê.  Việc mai táng đã được thực hiện liền sau đó.  Một tiểu đội cảnh sát được phái tới canh phòng ngay tại ngôi mộ để đề phòng bất trắc.  Người Ga-li-lê này có bà mẹ còn sống.”

        Những biến cố ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã để lại cho các môn đệ của Đức Giê-su một cơn sững sờ.  Thế là giấc mơ Đức Giê-su được Thiên Chúa sai đến để làm cho thế giới này nên tốt đẹp hơn bỗng tan vỡ trong cơn mộng kinh hoàng.  Tất cả đều hết, hết rồi.  Thế là chấm dứt.

        Nhưng rồi Chúa Nhật Phục Sinh đến.

 

Đức Giê-su sống lại

 

        “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ…  Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ…  Kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ.  Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói:  “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?  Ngài không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi…”  Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy…  Nhưng các ông cho là chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tin.  Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ.  Nhưng khi cúi nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm thôi.  Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.”  (Lc 24:1-12)

 

Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ

 

        Cùng ngày hôm ấy, hai môn đệ thất vọng trở về Em-mau, bàn luận về những biến cố đau thương ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.  Bất chợt một người khách lạ (Đức Giê-su) nhập bọn với họ.  Khi người ấy hỏi tại sao họ chán nản như thế, họ liền nói cho người khách lạ biết về những gì xảy ra ngày Thứ Sáu.  Họ cũng giải thích rằng có một số môn đệ Đức Giê-su đã đến mộ vào ngày Chúa Nhật, rồi về nhà với thái độ hoảng hốt, nói là Đức Giê-su đã sống lại, nhưng chính họ cũng không tin được.

        Rồi người khách lạ ấy bắt đầu ôn lại Kinh Thánh cùng với hai môn đệ.  Ngài cắt nghĩa làm sao Kinh Thánh đã chứng tỏ việc Đấng Cứu Thế phải chịu đau khổ trước khi được vinh hiển.

        Khi tới Em-mau, hai môn đệ mời người khách lạ vào ăn tối với họ.  “Khi đồng bàn với họ, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.  Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài, nhưng Ngài lại biến mất” (Lc 24:30-31).

 

Các môn đệ không nhận ra Đức Giê-su

 

        Một đặc điểm của những lần Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại là họ không nhận ra Ngài.

        Khi Đức Giê-su hiện ra với Ma-ri-a Mác-đa-la, bà tưởng Ngài là “người làm vườn” (Ga 20:15).  Khi Ngài hiện ra với các tông đồ tại Giê-ru-sa-lem, họ nghĩ Ngài là “ma” (Lc 24:37).  Khi hiện ra với các môn đệ bên bờ hồ, họ “không nhận ra đó chính là Đức Giê-su” (Ga 21:4).

        Việc không thể nhận ra Đức Giê-su nói lên một điều gì đó về sự sống lại và thân xác sau phục sinh.

        Việc sống lại của Đức Giê-su không phải là phục hồi sự sống cũ của Ngài, như trường hợp con gái ông Giai-a, con trai bà góa thành Na-in và anh La-da-rô.  Trường hợp Đức Giê-su không chỉ là phục hồi sự sống mới cho một thân xác đã chết, nhưng còn là một điều gì vô cùng hơn thế nữa.

 

Đức Giê-su được vinh hiển

 

        Từ ngữ phục sinh nói về một điều mà không một ai trước Đức Giê-su đã làm.  Đó không phải là trở lại với sự sống, nhưng là một bước nhảy vọt đi vào một sự sống cao cả hơn.  Thân xác Đức Giê-su sống lại vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh hoàn toàn khác với thân xác của Ngài được mai táng buổi chiều Thứ Sáu.

        Thánh Phao-lô so sánh thân xác trước khi phục sinh như hạt lúa gieo xuống đất.  Còn thân xác sau phục sinh khác với thân xác trước phục sinh tự căn bản, giống như hạt lúa khác với cây lúa.  Phao-lô viết:

        “Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống.  Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác.  Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý Người muốn:  giống nào hình thể nấy…

        Việc kẻ chết sống lại cũng vậy:  gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt;   gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang;  gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ;  gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí.  Nếu có thân thể có sinh khí, thì cũng có thân thể có thần khí.”  (1 Cr 15:36-38,42-44).

 

SAI THÁNH THẦN XUỐNG

 

        Giờ đây Đức Giê-su đã sống lại nên Ngài có một quan hệ hoàn toàn mới đối với các anh chị em của Ngài trên trần gian.  Giờ đây Ngài được vinh hiển.  Giờ đây Ngài có thể sai xuôáng trên họ Thánh Thần đã được hứa ban (Ga 7:37-39; 15:26).

        Đức Giê-su bắt đầu thi hành điều này ngay.  Vào tối Phục Sinh, Ngài đã thổi hơi trên các tông đồ và nói với họ:  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20:22).  Rồi năm mươi ngày sau vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã được đổ tràn trên toàn thể Giáo Hội.

 

CHỨNG NHÂN TRƯỚC TRẦN GIAN

 

        Cùng với việc Thánh Thần đến cũng là lúc bắt đầu trách nhiệm tiếp nối công việc của Đức Giê-su.  Đây là một sứ điệp trọng đại mà Mát-thêu dùng để kết thúc sách Tin Mừng:

        “Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.  Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.  Đức Giê-su đến gần, nói với các ông:  “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.  Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em.  Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”  (Mt 28:16-20)

 

MỜI GỌI TỪNG NGƯỜI

 

        Sự phục sinh của Đức Giê-su bao hàm một lời mời gọi từng người chúng ta hãy mở lòng đón nhận sự hiện diện của Đức Giê-su Phục Sinh trong thế giới hôm nay.  Sự phục sinh của Ngài mời gọi chúng ta hãy để Ngài làm cho chúng ta những gì Ngài đã làm cho bao nhiêu người trước chúng ta.

        Mời gọi chúng ta hãy yêu thương hơn nữa, dù tình yêu của chúng ta có bị chối từ và chúng ta đang bị cám dỗ hãy ghen ghét người khác.

        Mời gọi chúng ta hãy hy vọng hơn nữa, dù niềm hy vọng của chúng ta đã tan nát và chúng ta đang thất vọng ê chề.

        Mời gọi chúng ta hãy tin thêm, dù đức tin của chúng ta đã lung lay và chúng ta đang bị cám dỗ nghi ngờ.

        Mời gọi chúng ta hãy nhặt lại từng mảnh vỡ mà tái thiết, dù thất vọng đã đè bẹp chúng ta và chúng ta sắp sửa bỏ cuộc.

        Sự phục sinh của Đức Giê-su là tin mừng vì Ngài đã đánh bại sự chết và ma quỷ, cùng chia sẻ với chúng ta quyền năng để chúng ta cũng làm được như Ngài.  Khát vọng được sống đời đời không còn là một điều viển vông nữa.  Sự phục sinh là tin mừng vì không gì có thể hủy diệt chúng ta được, dù là đau khổ, dù là ưu phiền, dù là chối bỏ, dù là tội lỗi, và ngay cả đến cái chết.

        Sự phục sinh là tin mừng vì Đức Giê-su đang sống và thực sự hiện diện trong thế giới chúng ta, sẵn sàng thực hiện những phép lạ của sự sống mới giữa chúng ta, qua chúng ta và cho chúng ta – nếu chúng ta tin vào Ngài.

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.  Gio-an 18-19            Đức Giê-su bị bắt và chết

        2.  I-sai-a 52:13-53:8             Đấng chữa lành mang thương tích

        3.  1 Cô-rin-tô 15:1-12    Hơn năm trăm người đã thấy Ngài

        4.  1 Cô-rin-tô 15:35-58  Hạt giống và sao trời

        5.  Mác-cô 12:18-37               Bà ấy là vợ của người nào?

 

THẢO LUẬN

 

        1.  Phản ứng của các môn đệ khi thoạt trông thấy Đức Giê-su phục sinh.  Giải thích phản ứng của họ.

        2.  Giải thích quan hệ mới của Đức Giê-su với môn đệ sau khi Ngài sống lại.

        3.  Sự phục sinh của Đức Giê-su mời gọi bạn làm gì?

 

CHIA SẺ

 

        1.  Thảo luận những tư tưởng sau đây:

        *  “Ai chưa từng ăn bánh trong sầu muộn, chưa từng trải qua những giờ phút đen tối, chưa từng khóc lóc và mong chờ ngày mai, thì họ chưa biết các ngài, hỡi các vị quyền năng trên trời.”  (Johann Wolfang von Goethe)

        *  “Sách Tin Mừng không giải thích sự phục sinh, nhưng sự phục sinh giải thích sách Tin Mừng.”  (J. S. Whale)

        *  “Chẳng bao lâu nữa bạn sẽ đọc trên báo loan tin Moody đã chết.  Nhưng bạn đừng tin, vì tôi sẽ sống nhiều hơn là tôi đang sống bây giờ.”  (Dwight L. Moody)

        2.  Môn đệ Đức Giê-su mai táng Ngài (Lc 23:52-53).  Họ ăn thịt Ngài (Lc 22:19).  Họ là thân thể Đức Ki-tô (1 Cr 12:27).  Ba thứ thân thể của Đức Giê-su nói về những điều gì?  Bạn gọi tên của từng thân thể ấy thế nào?  Khi nào mỗi thân thể ấy đã hiện diện?

        3.  Sau khi tổng thống Kennedy bị ám sát, một em lớp mẫu giáo nói với cô giáo:  “Tổng thống chết rồi.  Người ta chôn ông.  Ông thực sự đã chết.”  Cô giáo đưa em ra bên cửa sổ, chỗ các em để những chậu nhỏ đã gieo hạt giống tuần trước.  Bới ở dưới đất lên một hạt giống đang nảy mầm, cô giáo nói với các em:  “Tổng thống chỉ tựa như là đã chết;  những gì đang xảy ra ra cho ông thì cũng tựa như những gì đang xảy ra cho hạt giống này.”  Cô giáo muốn nói gì?  Làm sao ý tưởng về hạt giống có thể giúp diễn tả ý tưởng về sự sống lại được nói đến trong Kinh Thánh?

        4.  Bạn hãy tả lại một lần nào đó bạn đã “chết đi và sống lại” theo ý nghĩa được nói đến trong bài về lời mời gọi từng người chúng ta.

 

 

 

The Catholic Vision  II – 15

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà