Trước khi đọc
tiếp, bạn hãy hoàn tất hai câu hỏi sau đây:
1. Một cách để tôi làm chứng cho đức tin trong
đời sống hằng ngày là...
2. Một cách để tôi cố gắng mở rộng Nước Chúa
là...
“Độc-Nha” là
tên một ông già ở New Guinea, nhưng ông ta là một Ki-tô hữu tân tòng. Có cái tên độc đáo ấy bởi vì ông già chỉ còn
một cái răng duy nhất ở hàm trên. Mỗi
ngày ông già Độc-Nha bỏ ra một ít thời giờ để đọc sách Tin Mừng cho những người
đến xin chữa bệnh tại phòng đợi của bệnh viện truyền giáo ở địa phương.
Một ngày kia,
Độc-Nha không đọc nổi nữa. Ông đến gặp
bác sĩ của bệnh viện. Bác sĩ khám mắt
ông và báo cho ông một tin buồn: ông
sắp bị mù.
Ngày hôm sau
Độc-Nha không có mặt tại bệnh viện.
Ngày sau đó cũng chẳng thấy ông đâu.
Khi bác sĩ biết Độc-Nha đã đi đến một chỗ hẻo lánh tại hòn đảo, liền tới
đó gặp ông già. Độc-Nha giải thích tại
sao ông làm như vậy:
“Từ khi bác
sĩ bảo tôi sắp mù, tôi đã đọc và học thuộc lòng những phần quan trọng nhất của
sách Tin Mừng. Tôi đã thuộc lòng đoạn
thuật Chúa Giê-su giáng sinh, những phép lạ và dụ ngôn quan trọng, sự chết và sống
lại của Ngài. Tôi đã lập đi lập lại
nhiều lần để chắc chắn là mình đã thuộc nằm lòng. Bác sĩ ạ, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ trở lại nhà thương mà ông, để
kể cho bệnh nhân nghe về Chúa Giê-su!”
Câu truyện
trên rất thích hợp để dẫn vào bài học về Bí tích Thêm sức. Thêm sức theo sau Rửa tội và là giai đoạn
thứ hai trong Nghi thức Dẫn nhập để giúp một người trở thành Ki-tô hữu.
Trước khi Đức
Giê-su về cùng Chúa Cha, Ngài đã dạy các Tông đồ hãy ở lại Giê-ru-sa-lem:
“Anh em hãy ở
lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, ‘điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó
là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng
nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh
Thần’... Anh em sẽ nhận được sức mạnh
của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy... cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:4-5.8).
Những lời này
lập lại những gì Đức Giê-su đã hứa với các môn đệ trước kia:
“Thầy sẽ xin
Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn
mãi... Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa
Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh
em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”
(Ga 14:16.26).
Lời hứa này
đã được thực hiện trong ngày trong ngày Hiện Xuống. Vào lúc ấy các môn đệ đang tụ họp trong một căn nhà tại
Giê-ru-sa-lem.
“Bỗng từ trời
phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đạng
tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những
hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh
Thần” (Cv 2:2-4).
Sau khi Thánh
Thần đến, các Tông đồ đã ra khỏi nhà để nói với đám dân chúng đang tụ họp ở
đấy. Dân chúng đã nghe tiếng động,
nhưng không biết đó là gì. Phê-rô giải
thích mọi sự. Ông nói rằng đó là điều
Thiên Chúa đã hứa qua ngôn sứ Giô-en.
Ông nói: “Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần
Khí Ta trên hết thảy người phàm” (Cv
2:17).
Rồi Phê-rô
nói thêm: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin
nghe những lời sau đây: ...Anh em đã
dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người (Đức Giê-su) vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại,
giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết... Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt
Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô” (Cv 2:22-24.36).
Nghe những
lời ấy, họ đã cảm động sâu xa và hỏi:
“Vậy chúng tôi phải làm gì?”
Phê-rô trả lời:
“Anh em hãy
sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn
tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ
là Thánh Thần” (Cv 2:38).
Dân chúng
hăng say đáp lại lời giảng của Phê-rô.
“Hôm ấy có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo” (Cv 2:41).
Chính trong
bối cảnh ấy, chúng ta sẽ suy nghĩ về Bí tích Thêm sức. Qua bí tích này chúng ta lãnh nhận việc đổ
xuống ơn Thánh Thần, y như các Tông đồ và những người khác đã được trong ngày
Hiện Xuống. Mục đích của việc lãnh nhận
này là để ban cho chúng ta những gì đã được ban cho các Ki-tô hữu tiên khởi, đó
là sai chúng ta đi và cho chúng ta được dũng mạnh để đóng một vai trò tích cực
hoạt động trong công cuộc của Giáo Hội, nhất là:
* để làm chứng cho đức tin, và
* để làm cho Nước Chúa được mở mang.
Trong đêm
Vọng Phục Sinh, Bí tích Thêm sức được cử hành ngay sau Bí tích Rửa tội. Phụng vụ Bí tích Thêm sức có ba phần:
* gọi tên các ứng viên
* đặt tay trên các ứng viên
* xức dầu các ứng viên.
Chúng ta hãy
xét kỹ hơn về ba phần này.
Bí tích khởi
đầu với việc gọi các ứng viên cùng cha mẹ đỡ đầu hay người bảo trợ tiến
lên. Khi họ đã đứng trước mặt cộng đoàn
Ki-tô hữu, chủ tế nói với họ:
“Được tái
sinh nhờ Đức Ki-tô trong Bí tích Rửa tội, anh chị em trở nên chi thể của Đức
Ki-tô và của dân tư tế Người. Giờ đây
anh chị em sắp được thông phần lãnh nhận ơn thánh tuôn tràn của Chúa Thánh
Thần...
“Sức mạnh
được hứa ban của Chúa Thánh Thần mà anh chị em sắp lãnh nhận sẽ tăng sức cho
anh chị em để anh chị em trở thành một phần tử sống động của Hội Thánh và để
anh chị em xây đắp Nhiệm Thể Chúa Ki-tô trong đức tin và tình thương mến.”
Tiếp đến, chủ
tế mời cộng đoàn cùng với ngài yên lặng cầu nguyện cho các ứng viên.
Sau khi yên
lặng cầu nguyện, chủ tế chuẩn bị cho phần thứ hai của phụng vụ.
Cử chỉ đặt
tay đã có tử thời Kinh Thánh. Đó là
cách một người được trao phó thi hành một sứ vụ đặc biệt đối với cộng
đồng. Thiên Chúa phán với Mô-sê:
“Ngươi hãy
đem theo Giô-suê, con của Nun, là người có thần khí nơi mình, và ngươi sẽ đặt
tay trên nó... Ngươi sẽ chia cho nó một
phần uy quyền của ngươi, để toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en nghe lời nó...
“Ông Mô-sê đã
làm như Đức Chúa truyền cho ông: Ông đã
đem theo Giô-suê và cho ông này đứng trước mặt tư tế E-la-da và trước mặt toàn
thể cộng đồng. Ông đặt tay trên ông
Giô-suê và ra lệnh cho ông ấy như Đức Chúa đã dùng ông Mô-sê mà phán” (Ds
27:18.20.22-23).
Cũng vậy,
cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi đã ủy nhiệm cho các phó tế một sứ vụ đặc
biệt. Sách Công Vụ Tông Đồ viết: “Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông
Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt
tay trên các ông” (Cv 6:6).
Cộng đồng
Ki-tô hữu tiên khởi cũng thường dùng cử chỉ đặt tay để thông ban Thánh
Thần. Sách Công Vụ Tông Đồ viết:
“Các Tông Đồ
ở Giê-ru-sa-lem nghe biết dân miền Sa-ma-ri đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử
ông Phê-rô và ông Gio-an đến với họ.
Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ,để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong
nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân
danh Chúa Giê-su. Bấy giớ hai ông đặt
tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8:14-17).
Dựa trên căn
bản Kinh Thánh nên chúng ta có việc đặt tay trên các ứng viên.
Giang tay
trên các ứng viên, chủ tế cầu nguyện:
“Lạy Thiên
Chúa toàn năng là Cha Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con, bởi nước và Chúa Thánh
Thần, Chúa đã giải thoát những người con của Chúa khỏi tội lỗi và ban cho họ
được sự sống mới. Xin Chúa sai Thánh
Thần của Chúa ngự xuống trên họ, để Người sẽ giúp đỡ và hướng dẫn họ. Xin ban cho họ được trần trí khôn ngoan và
thông hiểu, thần trí lo liệu và can đảm, thần trí hiểu biết và kính sợ. Xin đổ tràn trong tâm hồn họ ơn biết kính sợ
Chúa. Chúng con nguyện xin, nhờ Đức
Ki-tô, Chúa chúng con.”
Cử chỉ đặt
tay chuẩn bị cho phần thứ ba của phụng vụ Thêm sức.
Ứng viên được xức dầu
Nghi thức xức
dầu cho một người đã có từ thời bắt đầu có Kinh Thánh. Thiên Chúa phán với Mô-sê:
“Đây là những
việc ngươi sẽ thực hiện để thánh hiến họ làm tư tế phục vụ Ta... Ngươi sẽ lấy các phẩm phục mặc cho
A-ha-ron... Ngươi sẽ lấy mũ tế đội lên
đầu ông... Ngươi sẽ lấy dầu tấn phong
mà đổ trên đầu A-ha-ron và xức dầu cho ông...
Chức tư tế sẽ thuộc về họ, đó là điều luật vĩnh viễn. Và ngươi sẽ làm lễ tấn phong A-ha-ron và các
con ông” (Xh 29:1.5-7.9).
Khi Đa-vít,
con của Gie-sê, xuất hiện thì Chúa nói với Sa-mu-en:
“’Đứng dậy,
xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó
đó!’’ Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và
xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu.
Thần khí Đức Chúa nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi. Ông Sa-mu-en đứng dậy và đi Ra-ma” (1 Sm
16:12-13).
Sau hết, Kinh
Thánh Cựu Ước nói về các ngôn sứ như là những người “được xức dầu.” Thiên Chúa phán cùng Ê-li-a: “Ê-li-sa con Sa-phát, người A-vên Mơ-khô-la,
ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi” (1 V 19:16).
Tóm lại, nghi
thức xức dầu đã được thực hành trong thời Kinh Thánh để phong một người làm
ngôn sứ, làm tư tế và làm vua.
Dựa trên căn
bản Kinh Thánh ấy, chúng ta có việc xức dầu cho những ứng viên Bí tích Thêm
sức.
Nghi thức xức
dầu bắt đầu với việc các cha mẹ đỡ đầu hoặc người bảo trợ đặt tay phải trên vai
ứng viên. Khi chủ tế đến gần ứng viên,
họ xướng tên của ứng viên.
Chủ tế tấm
dầu thánh (dầu ô-liu pha thuốc thơm) vào ngón cái bàn tay phải, đọc tên ứng
viên rồi xức dầu trên trán ứng viên đang khi ngài nói:
“Hãy nhận lấy
ấn tin ơn Chúa Thánh Thần.”
Truyền thống
Ki-tô giáo coi việc xức dầu như là cách chia sẻ với tân tòng những sứ vụ của
Chúa Ki-tô là ngôn sứ, tư tế và vua.
Chia sẻ sứ vụ
ngôn sứ của Chúa Ki-tô nghĩa là lãnh nhận trách nhiệm chia sẻ Tin Mừng với
người khác.
Chia sẻ sứ vụ
tư tế của Chúa Ki-tô nghĩa là lãnh nhận quyền tự hiến với Chúa Ki-tô để dâng
lên Chúa Cha mỗi lần cử hành Thánh Thể.
Chia sẻ sứ vụ
vua của Chúa Ki-tô nghĩa là tham gia vào cộng đồng đức tin để xây dựng vương
quốc của Thiên Chúa trên mặt đất này.
Từ nay trở đi
tân tòng sẽ được gọi là Ki-tô hữu (“những người được xức dầu”). Suy niệm về địa vị của “những người được xức
dầu,” Phê-rô nói với họ:
“Còn anh em,
anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân
riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh
em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2:9).
Phụng vụ Bí
tích Thêm sức kết thúc với việc các giáo dân mới này được cộng đoàn đón nhận và
họ được gia nhập cộng đoàn.
Giờ đây tới
giây phút cảm động khi mọi người trong cộng đoàn đứng dậy, tay cầm nến sáng,
lập lạilời hứa Rửa tội. Chủ tế hỏi cộng
đoàn ba câu hỏi:
“Anh chị em
có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?
“Anh chị em
có tin kính Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức
Trinh Nữ Ma-ri-a, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang
ngự bên hữu Chúa Cha không?
“Anh chị em
có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công giáo, tin các thánh cùng
thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không?”
Giai đoạn thứ
ba của Nghi thức Dẫn nhập giờ đây bắt đầu.
Những đại diện tân tòng mang lễ vật là bánh và rượu dâng lên. Đây là giây phút đáng ghi nhớ.
Một nghệ sĩ
họa kiểu cửa ra vào rất đặc biệt cho một nhà thờ tại Cologne bên Đức. Ông chia cửa thành bốn cánh, mỗi cánh có một
biểu tượng nói về một biến cố trong Tin Mừng.
Cánh thứ nhất
có vẽ sáu chum nước, biểu tượng phép lạ Ca-na, nơi Đức Giê-su biến nước thành
rượu. Cánh thứ hai là năm chiếc bánh và
hai con cá, biểu tượng phép lạ tại Ca-phác-na-um, nơi Đức Giê-su khiến bánh và
cá hóa nhiều để nuôi dân chúng. Cánh
thứ ba vẽ mười ba người chung quanh một cái bàn, biểu tượng Bữa Tiệc ly. Cánh thứ bốn vẽ ba người chung quanh một cái
bàn, biểu tượng bữa ăn tại Em-mau vào tối Phục Sinh.
Cửa do nghệ
sĩ họa kiểu thực là một tổng hợp tuyệt hảo Kinh Thánh nói về Thánh Thể, hoặc
Bữa Tiệc của Chúa. Nó nói lên Thánh Thể
khởi sự từ Ca-na, hình ảnh báo trước về Thánh Thể (Ga 2:6-9), tới
Ca-phác-na-um, nơi Thánh Thể được hứa ban (Ga 6:8-11.24-27), đến Giê-ru-sa-lem,
nơi Thánh Thể được cử hành (Mc 14:22), cuối cùng tới Em-mau, nơi Thánh Thể được
cử hành lần đầu tiên sau Phục Sinh (Lc 24:30).
Trong hai bài
tới, chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về Thánh Thể, bí tích vĩ đại nhất trong các bí
tích.
1. Thung lũng đầy xương khô Ê-dê-ki-en 37
2. Thánh Thần ngự đến Công vụ Tông đồ 8:4-25
3. Một Thánh Thần, nhiều ân sủng 1 Cô-rin-tô 12:1-11
4. Một thân thể, nhiều chi thể 1 Cô-rin-tô 12:12-27
5. Được Thánh Thần dạy dỗ 1 Cô-rin-tô 2:7-16
1. Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể liên
hệ với nhau như thế nào?
2. Trong thời Kinh Thánh, việc đặt tay trên
một người biểu tượng điều gì?
CHIA SẺ
1. Hãy thảo luận những tư tưởng sau đây:
* “Có người chết vì bom đạn, có kẻ chết do lửa
hỏa hào. Nhưng hầu hết là chết dần chết
mòn khi đắm mình vào cuộc chơi.” (vô danh)
* “Những ai xây dựng chỉ bên dưới những vì
sao, thì đúng là còn xây thấp quá.”
(Edward Young)
* “Bạn nhìn thấy những gì đang có và hỏi ‘Tại
sao?’ Còn tôi thì mơ những gì không bao
giờ có và hỏi ‘Tại sao lại không?’”
(George Bernard Shaw)
2. Khoảng đầu thập niên 1900, Ernest
Shackleton, nhà thám hiểm Nam cực, đã cho đăng quảng cáo sau đây trên tờ
Luân-đôn Thời Luận, không có hình ảnh, tuyên truyền hay phiếu thẻ gì cả. Thế mà có không biết bao nhiêu người khắp
nước Anh đã nộp đơn. “Cần đàn ông cho
một chuyến đi mạo hiểm. Lương ít, rất
lạnh lẽo, nhiều tháng trời trong tối đen, luôn gặp nguy hiểm, không bảo đảm trở
về bình yên vô sự. Nếu thành công sẽ
vinh dự và được tri ân.” Tại sao những
người này nay lại sẵn sàng hoặc không sẵn sàng để thách đố như những người ngày
xưa?
3. Nếu bạn có tài chánh vững chắc và có thể
dành tất cả thời giờ còn lại để làm bất cứ gì bạn muốn làm cho Chúa Ki-tô, thì
bạn sẽ làm gì và tại sao bạn làm như vậy?
The Catholic Vision III – 20
Mark Link, S.J.
Chuyển ngữ: Lm
Trần đình Nhi
Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý
Công Giáo
Trở Về Trang Nhà