PHẦN III – Bài 26
Trước khi đọc
tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:
1. Một công tác phục vụ cộng đồng hoặc một
sinh hoạt của Giáo Hội rất thoải mái mà tôi đã tham gia, đó là...
2. Một lý do tại sao ngày nay thiếu linh mục,
tôi nghĩ đó là...
Bác sĩ Tom
Dooley đã có trong đầu hình ảnh về thế giới thập niên 1950. Vừa tốt nghiệp trường y khoa, ông xin gia
nhập hải quân với tính cách là một bác sĩ.
Giờ phút quan
trọng nhất trong cuộc đời của Dooley là một buổi chiều tháng bảy ở ngoài khơi
bờ biển Việt-Nam. Đó là lúc con tàu của
ông tiếp cứu một ngàn đồng bào di cư đang trôi dạt trên một chiếc thuyền. Nhiều người bị bệnh tật và ốm đau. Vì Dooley là bác sĩ duy nhất trên tàu, nên
ông phải lãnh trách nhiệm điều trị cho họ.
Thực là một
công việc quá nặng nhọc, nhưng nó dạy cho ông biết chỉ một chút thuốc men cũng
có thể cứu giúp người ta. Nó cũng dạy
cho ông biết rằng cứu giúp người đang bị thiếu thốn đã làm cho ông hạnh phúc
như chưa từng thấy trên đời.
Kinh nghiệm
ấy đã thay đổi cuộc đời của Dooley vĩnh viễn.
Sau khi mãn hạn hải quân, ông đã trở lại vùng rừng núi Á-châu và thiết
lập một bệnh viện nhỏ để phục vụ người nghèo.
Một trong những đoạn Kinh Thánh mà Dooley thích nhất, đó
là “Phúc thay ai sầu khổ” (Mt 5:4).
Giải thích tại sao, ông nói:
“Sầu khổ là biết ý thức nỗi đau buồn của thế giới hơn là sự vui
thú. Nếu bạn thật nhạy cảm trước đau
buồn thì bạn hãy làm một điều gì đó, nhỏ bé cũng được, miễn là giúp cho tình
huống sáng sủa hơn. Bạn sẽ thấy hạnh phúc
vô cùng. Sống là như vậy đó.”
Tom Dooley đã khám phá ra sự mãn nguyện sâu xa có được là
do phục vụ những người thiếu thốn. Ông
đã tìm thấy niềm vui của thừa tác vụ.
Từ thừa tác
vụ có nghĩa là “phục vụ.” Thừa tác vụ
Ki-tô có nghĩa là bắt chước Đức Ki-tô, Đấng đã phán: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để
phục vụ” (Mc 10:45).
Thừa tác vụ
Ki-tô nghĩa là đi theo bước chân của Đức Giê-su, bắt chước Ngài phục vụ tha
nhân và tiếp tục công việc Ngài đã khởi sự.
Đó là thi hành sứ mệnh rao giảng và xây dựng vương quốc Ngài trên trần
gian (Mt 28:16-20).
Thừa tác vụ
Ki-tô không phải là một chọn lựa. Nhưng
đó là một trách nhiệm (Mt 28:16-20; 25:31-46).
Qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, tất cả chúng ta được kêu gọi lãnh nhận
thừa tác vụ.
Để chuẩn bị
cho chúng ta thi hành trách vụ này, Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta
những ân sủng đặc biệt. Bàn về những ân
sủng này, thánh Phao-lô nói:
“Thần Khí tỏ
mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng
dạy... Kẻ thì được Thần Khí ban cho
những đặc sủng để chữa bệnh... Nhưng
chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi
người mỗi cách” (1 Cr 12:7-9.11).
Do đó, mọi
người Công giáo đều được kêu gọi và được ban ân sủng để thi hành thừa tác vụ
Ki-tô. Mọi người Công giáo có trách
nhiệm phải rao giảng và xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô một cách thực tiễn – như
làm cha mẹ Công giáo tại gia đình, đọc Sách Thánh trong Thánh lễ, hoặc sống
những giáo huấn của Chúa Giê-su trong nơi mình làm việc.
Cùng với lời
gọi chung lãnh nhận thừa tác vụ dành cho mọi người, cũng có lời gọi đặc biệt
chỉ dành cho một ít người thôi. Đó là
lời gọi lãnh nhận thừa tác vụ do chức thánh, tức là lời gọi hãy lãnh nhận Bí
tích Truyền chức thánh.
Từ “Chức
thánh” (Holy Orders) lấy từ Thư gửi tín hữu Do-thái, trong đó chúng ta đọc thấy
câu “Muôn thuở, con là Thượng Tế theo phẩm trật (order) Men-ki-xê-đê” (Dt 5:6).
Tân Ước sử
dụng ba từ Hy-lạp để nói đến những thừa tác vụ do chức thánh:
* episcopoi (Cv
20:28),
* presbyteroi (Cv
14:23),
* diakonoi (Cv
6:1-6).
Do những từ
Hy-lạp này, chúng ta có những từ Anh ngữ như episcopate (chức giám mục),
presbyterate (linh mục), diaconate (phó tế).
Việc truyền
chức trao cho giám mục, linh mục và phó tế quyền và trách nhiệm thi hành việc
mục vụ trong Giáo Hội.
Giám mục là
những vị trực tiếp kế vị các Tông đồ.
Việc truyền chức trao cho các ngài vai trò lãnh đạo trong tác vụ giảng
dạy, hành động và thờ phượng mà Đức Giê-su đã để lại cho Giáo Hội. Bí tích Truyền chức thánh ban cho các ngài
quyền bính và trách nhiệm để:
* chăn dắt đoàn chiên của Đức Giê-su,
* hướng dẫn họ trong việc phụng tự và phục vụ,
và
* dạy dỗ họ theo đường lối ơn cứu rỗi.
Các giám mục
chia sẻ trách nhiệm này theo tính cách cá nhân cũng như tập đoàn.
Vai trò lãnh
đạo giữa các Tông đồ đã được Phê-rô nắm giữ và thi hành. Sau đây là một số ví dụ cho thấy Phê-rô:
* đứng đầu danh sách Tông đồ (Lc 6:14, vv.),
* hành động như phát ngôn viên (Cv 2-5),
* giữ chìa khóa (nước Trời) (Mt 16:19),
* chữa lành nhiều người (Cv 3:7; 5:15),
* chỉ dạy những người lãnh đạo (Gl 1:18).
Phê-rô nắm
giữ vai trò lãnh đạo đặc biệt giữa các Tông đồ thế nào, thì người kế vị ngài là
giám mục Rô-ma cũng nắm giữ vai trò lãnh đạo đặc biệt giữa các giám mục như
vậy. Vai trò đặc biệt này đã khiến cho
Ki-tô hữu thế kỷ mười một gọi giám mục Rô-ma bằng một danh xưng độc đáo: giáo hoàng, papa, pope, nghĩa là “cha của
những người cha.” Kể từ đó, Ki-tô hữu
tiếp tục gọi ngài với danh xưng ấy.
Đang khi còn
tại thế, Đức Giê-su hứa với các môn đệ Ngài là Chúa Thánh Thần, Đấng Ngài sẽ
sai đến (Ga 15:26), sẽ dẫn họ “tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13). Truyền thống Công giáo trân trọng lời hứa
này như ân sủng vĩ đại nhất Đức Giê-su ban cho Giáo Hội.
Lời hứa này
bảo đảm với chúng ta rằng trong một thế giới đầy nghi ngờ và hỗn độn, Giáo Hội
được Chúa ban một hồng ân đặc biệt (đặc sủng) để làm “thầy dạy và mục tử của
mọi Ki-tô hữu.” Lời hứa ấy giúp chúng
ta vững tâm vì giữa những tiếng nói đối nghịch và sai lầm của thời đại, Giáo
Hội của Đức Giê-su vẫn được Chúa trợ giúp để nói lên tiếng nói với tất cả quyền
bính của Thiên Chúa. Lời hứa ấy cũng
bảo đảm là Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt Giáo Hội khi các tín hữu, cá nhân cũng
như tập thể, cố gắng “mặc lấy” tâm tình của Đức Giê-su và bước theo sát với
Ngài giữa thế giới hôm nay.
Một khía cạnh của giáo huấn, đó là ơn bất
khả ngộ (không thể sai lầm)
Một khía cạnh
của đặc sủng mục vụ trong Giáo Hội, đó là điều truyền thống Công giáo gọi là ơn
bất khả ngộ. Nói cách cụ thể, ơn đó có
nghĩa là khi Giáo Hội dạy dỗ với tất cả quyền bính Đức Giê-su ban cho (Mt
16:18-19), thì Chúa Thánh Thần sẽ gìn giữ Giáo Hội để khỏi xa rời những giáo
huấn của Đức Giê-su, trong những vấn đề liên quan tới sự cứu rỗi (đức tin và
luân lý). (Chúng ta sẽ bàn thêm về vấn
đề này trong chương (bài) 29, “Quyết định luân lý”).
Khi Giáo Hội
sơ khai đã phát triển thêm đông đảo thì giám mục không thể nào một mình phục vụ
tất cả mọi người được nữa. Do đó, ngài
truyền chức cho những người phụ tá để họ giúp ngài. Được gọi là các kỳ lão (linh mục), họ được trao trách nhiệm coi
sóc những đơn vị nhỏ hơn (các giáo xứ) thuộc lãnh địa do giám mục đảm
trách. Từ đó, linh mục coi giáo xứ đã
trở thành thừa tác viên được truyền chức mà chúng ta thấy quen thuộc nhất.
Nhờ Bí tích
Truyền chức thánh, linh mục lãnh nhận việc chia sẻ đặc biệt vào tác vụ linh mục
của chính Đức Ki-tô (Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống các Linh mục, số 1). “Vì mỗi linh mục đều là hiện thân của Đức
Ki-tô theo cách thức riêng của mình, nên ngài nhận được những ơn riêng”, và bởi
vậy, được vững mạnh để hành động nhân danh Đức Ki-tô theo đường lối đặc biệt
(số 12). Là “cộng sự viên” của giám
mục, nên cũng như giám mục, linh mục coi sóc đoàn chiên được trao phó, hướng
dẫn họ trong việc thờ phượng và dạy bảo họ theo đường lối ơn cứu độ.
“Vậy qua tay
giám mục, các linh mục được Thiên Chúa hiến thánh, để đặc biệt tham dự vào chức
Linh mục của Chúa Ki-tô... Nhờ Bí tích
Rửa tội, các ngài dẫn đưa người ta vào Dân Chúa; nhờ Bí tích Hòa giải, các ngài giao hòa tội nhân với Thiên Chúa
và Giáo Hội; nhờ xức dầu bệnh nhân, các
ngài xoa dịu người đau ốm; nhất là nhờ
việc cử hành Thánh lễ, các ngài hiến dâng Hy tế của Chúa Ki-tô cách bí tích”
(Số 5).
Cũng như giám mục, linh mục sống độc thân. Truyền thống sống độc thân đã có từ thời
Ki-tô giáo sơ khai, nhưng chưa trở nên phổ quát trong Giáo Hội Tây phương mãi
cho tới thế kỷ mười hai.
Bậc sống độc thân là muốn theo gương Đức Giê-su, Đấng đã
sống độc thân suốt đời. Trong Giáo Hội
Công giáo ngày nay, linh mục là dấu chỉ độc đáo nói lên thực tại Đức Ki-tô ở
giữa chúng ta. Sống độc thân nhắm mục
đích thực tiễn là để được tự do hơn mà phục vụ (1 Cr 7:32-34).
Sống đời độc thân không nhất thiết làm cho linh mục thành
một người thánh thiện hơn. Nó chỉ khẳng
định sự dấn thân độc đáo của một linh mục cho Đức Ki-tô và Giáo Hội. Đoạn trích “Con là linh mục đời đời” của cha
Lacordaire cố gắng diễn tả sự dấn thân ấy như thế nào:
“Sống giữa thế giới mà không màng thú vui.
Trở nên một phần tử của từng gia đình mà vẫn không
thuộc về gia đình nào.
Chia sẻ mọi khổ đau, xâm nhập mọi bí mật,
chữa lành mọi vết thương...
Có một trái tim bừng cháy lửa bác ái,
và một trái tim sắt đá để sống khiết tịnh.
Giảng dạy, tha thứ, an ủi,
và luôn chúc lành.
Chúa ơi!
Thật là cuộc sống tuyệt vời!
Cuộc sống ấy chính là của ngài, hỡi linh mục của
Đức Giê-su Ki-tô!”
Chẳng có linh
mục nào đạt được lý tưởng đó cả. Nhưng
đó không phải là mục đích của lý tưởng.
Carl Schurz nói: “Lý tưởng giống
như những vì sao. Bạn sẽ không chạm tới
chúng với đôi tay của bạn đâu. Nhưng
như những thủy thủ trên măït nước mênh mông, bạn lấy những vì sao đó mà dẫn
đường cho mình.”
Có hai loại
linh mục: thuộc giáo phận (linh mục triều)
và thuộc dòng tu (linh mục dòng).
Các linh mục
thuộc giáo phận làm việc dưới sự điều khiển của giám mục trong một giáo
phận. Còn linh mục thuộc dòng tu thuộc
về một cộng đồng tu sĩ và thường chung sống với nhau trong cộng đoàn.
Các linh mục
trong những cộng đồng tu sĩ thường giữ những lời khấn sống khó nghèo (không sở
hữu tiền bạc của cải), khiết tịnh và vâng lời bề trên của cộng đoàn mình.
Giữ những lời
khấn hoặc những lời hứa này không đưa người tu sĩ lên một địa vị cao cả và
thánh thiện hơn những người khác trong Giáo Hội. Nó chỉ giúp cho họ sống một lối sống Ki-tô khác biệt, một cách cố
gắng đạt tới sự hoàn thiện mà tất cả các Ki-tô hữu đều được kêu gọi tiến đến
(Mt 5:48).
Mỗi cộng đồng
tu sĩ có một tinh thần hoặc một linh đạo riêng. Tinh thần ấy được nắn đúc để giúp các phần tử của cộng đồng thi
hành sứ vụ đặc biệt mà cộng đồng chủ trương dấn thân: thí dụ giáo dục thanh thiếu niên, phục vụ người nghèo, rao giảng
Tin Mừng tại những nơi truyền giáo.
Ngoài những
cộng đồng tu sĩ linh mục ra, cũng có những cộng đồng tu sĩ của nữ giới (các nữ
tu hoặc các sơ). Họ cũng có một lối
sống, một linh đạo và sứ vụ riêng trong Giáo Hội, giống như các tu sĩ linh mục
vậy.
Sau hết, có
những cộng đồng tu sĩ của các tu huynh (các thầy dòng). Tu huynh là người sống đời tu sĩ nhưng không
làm linh mục. Những cộng đồng tu huynh
cũng có một tinh thần hoặc linh đạo riêng biệt. Họ đáp ứng một nhu cầu đặc biệt nào đó của Giáo Hội.
Những cộng
đồng tu sĩ được ví như những tấm biển chỉ dẫn.
Lối sống của họ đưa họ ra ngoài dòng lưu của xã hội, nhưng lại vẫn phục
vụ cho xã hội. Kết quả là họ chỉ đường
cho người ta tới Thiên Chúa một cách sống động và rõ ràng hơn. Chứng từ và phục vụ của họ là một tiếng nói
quan trọng của Đức Ki-tô cho thế giới.
Các phó tế
được truyền chức thi hành việc mục vụ do việc truyền chức ấn định. Họ là những người độc thân hoặc lập gia
đình, nhưng cảm nhận lời gọi của Chúa muốn họ phục vụ bất cứ nơi nào cần tới họ
(Cv 6:1-6).
Ngày nay, các
phó tế tham gia vào rất nhiều công tác phục vụ cộng đồng. Họ giảng trong Thánh lễ, rửa tội, chủ sự
nghi thức hôn phối và an táng. Họ không
cử hành Thánh Thể, Bí tích Giải tội, hoặc Bí tích Xức dầu bệnh nhân.
Thánh đô
Vatican là một quốc gia biệt lập trong thành phố Rô-ma. Về phương diện chính trị, quốc gia nhỏ xíu
này có địa vị như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, đầy đủ cơ quan ngoại giao. Về phương diện thiêng liêng, đó là trái tim
và linh hồn của cộng đồng Công giáo toàn cầu.
Đức Giáo hoàng và các nhân viên của ngài cư ngụ tại Vatican.
Như vị tổng
thống Hoa-kỳ có một nội các để giúp ông điều hành quốc gia, thì cũng thế, Đức
Giáo hoàng có một nội các được gọi là Giáo triều. Giáo triều có trách nhiệm phối trí và xem xét những hoạt động
từng ngày của cộng đồng Công giáo trên toàn thế giới. Những bộ hoặc văn phòng thuộc Giáo triều thường được đứng đầu do
một giám mục hay hồng y.
Hồng y là một
tước hiệu danh dự thường dành cho một giám mục đặc biệt. Một trong những bổn phận của hồng y là bỏ
phiếu bầu Giáo hoàng. Một tước hiệu
danh dự khác, đó là đức ông (monsignor), được dành cho một linh mục đặc biệt.
Một sơ đồ về
cơ cấu Giáo Hội Công giáo có thể như sau đây:
* Giáo xứ:
là cộng đồng Công giáo địa phương.
Nó được quản trị do một linh mục chính xứ, cùng với một ban mục vụ gồm
những phụ tá đã được truyền chức và một số giáo dân.
* Giáo phận: là một đơn vị gồm nhiều giáo xứ thuộc một ranh giới địa lý. Nó được điều hành do một giám mục, cùng với
một ban mục vụ thuộc giáo phận gồm những phụ tá đã được truyền chức và những
giáo dân.
* Hội đồng Giám mục quốc gia: là một cơ cấu tổ chức gồm những giám mục của
một quốc gia. Nó xúc tiến những công
việc của Giáo Hội trên bình diện quốc gia.
* Giáo Hội toàn cầu: gồm mọi người Công giáo thuộc Giáo Hội Đông
phương cũng như Giáo Hội Tây phương.
Giáo Hội toàn cầu được phục vụ do Đức Giáo hoàng và Giáo triều, để xúc
tiến và phối trí những hoạt động của Giáo Hội trên bình diện thế giới.
1. Chúa Giê-su Linh Mục Do-thái 4:14-5:10
2. Các giám mục và phó tế 1 Ti-mô-thê 3:1-13
3. Truyền chức linh mục 1 Ti-mô-thê 4:6-16
4. Phao-lô nói về bậc sống độc thân 1 Cô-rin-tô 7:32-35
5. Phê-rô, người lãnh đạo Công Vụ Tông Đồ 1:15-26.
1. Trước những nhu cầu của Giáo Hội và hoàn
cảnh xã hội hiện thời, bạn nghĩ việc huấn luyện và đào tạo linh mục phải dựa
trên những tiêu chuẩn nào?
2. Đặc sủng bất khả ngộ là gì? Áp dụng đặc sủng ấy cho Đức Giáo hoàng và
giám mục đoàn của toàn cầu như thế nào?
Tìm hiểu căn bản Kinh Thánh nói về vấn đề này.
1. Trong cuốn nhật ký về Nội chiến Hoa-kỳ,
tổng thống Lincoln viết: “Trong tất cả
những công cuộc từ thiện... trong những
phòng bệnh nhân đầy người tại các bệnh viện, những nữ tu Công giáo là những
người đắc lực nhất. Tôi chẳng biết họ
từ đâu tới hoặc tên dòng tu của họ là gì...
Nhưng dịu dàng và chu đáo, rồi với lòng can đảm của người lính
chiến... họ thực là những thiên thần
đầy lòng cảm thương.” Tại sao bạn nghĩ
các dòng nữ thiếu ơn gọi ngày nay?
2. John Catoir viết trong cuốn That Your Joy
May Be Full: “Khi còn là một thanh
niên, tôi cảm thấy rất muốn làm linh mục, nhưng tôi đã không dám tiến
tới... Phải mất bảy năm chiến đấu nội
tâm, từ trung học lên tới đại học và thi hành nghĩa vụ quân sự xong, tôi mới
thưa ‘xin vâng’ trước lời gọi của Chúa.
Tôi chẳng bao giờ hối tiếc về quyết định này cả.” Bạn nghĩ tuổi nào thích hợp nhất để quyết
định làm linh mục?
3. Hãy nhớ lại một “cảm nghiệm đẹp” bạn có với
một linh mục. Một “cảm nghiệm
xấu.” Bạn mong đợi điều gì nhất nơi một
linh mục và tại sao? Nơi một phó tế?
Mark Link, S.J.
Chuyển ngữ: Lm
Trần đình Nhi
Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý
Công Giáo
Trở Về Trang Nhà