Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ
và hoàn tất hai câu sau đây:
1.
Điểm rẽ trong hành trình đức
tin của tôi là...
2.
Điều làm cho tôi hết sức vui
mừng trong giai đoạn này của hành trình đức tin là...
SOI
ĐƯỜNG
Cha William Anderson bắt đầu cuốn sách
In His Light (Trong ánh sáng của Người) bằng một câu truyện
vui. Truyện kể lại một cậu bé sợ bóng
tối. Một buổi tối cha của đứa nhỏ bảo
nó đi ra ngoài chuồng ngựa để cho ngựa ăn.
Đứa nhỏ sợ tái mặt. Thấy vậy,
cha nó mới bước ra hè nhà, thắp lên một ngọn đèn và giơ cao lên.
Ông ta nói: “Này con, con nhìn thấy xa được bao nhiêu?” Cậu bé thưa: “Con thấy được nửa đường tới chuồng ngựa.” Ông bố đưa đèn cho cậu bé và bảo: “Con đi nửa đường từ đây tới chuồng ngựa
thôi.”
Khi cậu bé đã tới nửa đường, ông bố
gọi: “Bây giờ con nhìn xa được bao
nhiêu?” Cậu bé trả lời: “Con thấy được cả chuồng ngựa.” Ông bố nói:
“Tốt lắm. Con đi tới cửa chuồng
ngựa.”
Khi cậu bé gọi lại cho bố biết cậu đã
tới cửa chuồng ngựa, ông liền bảo cậu:
“Con hãy mở cửa ra và cho bố biết con nhìn thấy gì.” Cậu bé mở cửa và la lên: “Con thấy ngựa!” Ông bố nói: “Tốt lắm, nào
cho chúng ăn đi.”
Câu truyện nêu lên một điểm thật
hay. Cái đèn không thắp sáng được tất
cả khu vực chuồng ngựa. Nó chỉ soi được
một phần con đường đưa tới chuồng ngựa.
Nhưng thế cũng đủ cho cậu bé bắt đầu bước đi. Rồi khi đi trên đường, cậu tự mình nhận ra nốt quãng đường còn
lại.
Tập sách Nhìn theo Đức tin Công giáo cũng
giống như cái đèn. Nó không soi sáng
tất cả những gì cần phải biết về đức tin Công giáo. Nó chỉ làm sáng lên “một khúc đường.” Nhưng thế cũng đủ để chúng ta bắt đầu lên đường. Đang khi đi, chúng ta sẽ tự mình khám phá ra
đoạn đường còn lại.
NĂM
ĐIỀU NÊN NHỚ
Bài đầu tiên của tập sách Nhìn theo Đức tin Công giáo đã đưa ra năm đề nghị về cuộc hành trình đức tin:
Tới đây thiết nghĩ cũng ích lợi nếu chúng ta tóm
lược lại từng đề nghị trên.
Mỗi hành trình đức tin là một tác phẩm của ân sủng
Chúa. Nó khởi đầu với lời gọi của Chúa
và tiếp tục với sự hiện diện của Chúa đi bên cạnh chúng ta từng giai đoạn của
hành trình. Chúa soi dẫn đường đi khi
gặp đêm tối. Chúa làm phấn khởi tinh
thần khi tâm hồn chúng ta đuối sức.
Chúa nâng chúng ta dậy khi chúng ta sa ngã. Chúa “ban ân sủng” cho mỗi đoạn đường của chúng ta.
Một cách Chúa ban ân sủng cho chúng
ta, đó là qua người khác. Chúng ta
không một mình đến với Chúa, nhưng chúng ta ra đi như một cộng đồng. Mỗi cuộc hành trình đức tin đều có sự trợ
giúp của cộng đoàn.
Chúng ta có cơ hội và trách nhiệm phải
đến với cộng đoàn khi cần thiết. Thật
là tốt đẹp nếu anh chị em nhận ra chúng ta cần gì và chúng ta cũng không cần
xin họ giúp đỡ. Nhưng không phải lúc
nào cũng như vậy. Tất cả chúng ta giống
như bà Mác-ta trong Tin Mừng: bận rộn
trăm bề. Vì thế chúng ta thường coi nhẹ
những nhu cầu của người khác. Cho nên
chúng ta phải cho cộng đoàn biết khi nào chúng ta đau khổ hoặc cần giúp đỡ.
Ngoài cách ban ân sủng cho chúng ta
qua cộng đoàn, Chúa cũng ban ân sủng cho chúng ta qua lời Người.
Kinh Thánh được mệnh danh là bức thư
tình của một người cha gửi cho con cái.
Khi một đứa nhỏ lắng nghe bức thư của người cha hay bà mẹ vắng mặt thì
đứa bé sẽ lắng nghe với tất cả con tim yêu thương.
Đó cũng là cách chúng ta lắng nghe
Kinh Thánh. Chúa ta phải lắng nghe một
cách thật yêu dấu, với hết cả con người chúng ta: thể xác, tâm trí, con tim và linh hồn.
Hành trình đức tin cũng giống như hành
trình cuộc sống. Nó đầy những lúc thăng
trầm. Trong cuốn Turning (Ngã
rẽ), nhà văn phê bình Emilie Griffin nói về những thăng trầm trong hành trình
đức tin của bà.
Thí dụ, bà nhớ lại ngay sau khi trở
lại Công giáo, bà cảm nhận “một tâm tình cảm tạ bừng lên, tựa như một thứ phấn
khởi, một lòng mến bộc phát đối với mọi sự và mọi người.” Bà Emilie nói: “Tôi muốn đứng trên mái nhà mà hét lên!” Bà so sánh những sung sướng với điều Charles
Dickens đã nói về Ebenezer Scrooge sau khi ông ta trở lại đạo.
“Ông ta đến nhà thờ... xoa đầu trẻ em, hỏi han những người ăn
xin... ông ta thấy mọi sự đều có thể
làm cho mình vui. Chẳng khi nào ông ta
dám mơ rằng mỗi bước đi – mọi sự – lại có thể đem lại nỗi vui sướng cho ông như
vậy.” (The Christmas Carol).
Tuy nhiên những vui sướng cao độ và
xúc động như thế không thể kéo dài mãi mãi.
Chúng ta không thể cứ sống hoài như thế đâu. Bà Emilie nói:
“Sẽ có một ngày... ý nghĩa của một biến cố đặc biệt bắt đầu
phai nhòa, một ngày nhàm chán và chẳng còn gì hấp dẫn giống y như những ngày
trước khi trở lại đạo... Những bổn phận
thiêng liêng lại tựa như những gánh nặng trĩu vai.
“Điều làm chán nản hơn, đó là người
trở lại đạo thấy rằng đang khi là con người mới trong Đức Ki-tô thì họ lại nhớ
lại những thoải mái với con người cũ.
Những tội lỗi và cám dỗ nho nhỏ đang len lén trở lại trong cuộc sống và
không để cho họ nhận thấy chúng.”
Thần học gia Karl Barth nêu lên một
điểm quan trọng về việc trở lại đạo.
Ông ghi nhận là “con người mới” không thay thế “con người cũ.” Nhưng cả hai đều ở trong chúng ta và luôn
đối nghịch nhau cho tới hết cuộc sống của chúng ta. Trở lại đạo không phải là một biến cố tĩnh, nhưng là một tiến
trình năng động. Nó không bao giờ kết
thúc cả. Chúng ta được biến đổi trở nên
giống Đức Ki-tô chậm chậm và dần dần.
Điều quan trọng cần nhớ trên hết, đó
là đừng bao giờ chán nản khi tuần trăng mật của cuộc trở lại đã tan biến rồi.
Trong cuốn sách hài hước The Screwtape Letters, C. S. Lewis đã kể lại cảnh thằng quỷ lớn dạy một
“thằng quỷ nhỏ học việc” cần phải “làm việc thật hăng” để cám dỗ một Ki-tô hữu
tân tòng đang phấn khởi sau cuộc trở lại.
Đó chính là lúc người ta dễ bị tổn thương nhất.
Có người hỏi một bà Công giáo lớn tuổi
muốn khuyên những người Công giáo tân tòng điều gì, bà liền nói: “Tôi sẽ bảo họ hãy tiếp tục liên kết với
Chúa, với cộng đoàn và với chính họ.”
Lời khuyên đó hết sức khôn ngoan.
Một cách thực tế để “tiếp tục liên
kết” với Chúa, đó là qua cầu nguyện mỗi ngày.
Tiến sĩ Alexis Carrel, người đã được giải Nobel, nói về cầu nguyện như
sau:
“Cầu nguyện là phương thức mạnh mẽ
nhất tạo năng lực mà người ta có thể làm.
Trong cầu nguyện, chúng ta liên kết mình với quyền năng bất tận đã tạo
nên vũ trụ. Cầu nguyện là một sức mạnh
nặng như trọng lượng trái đất... Chỉ
trong cầu nguyện chúng ta mới thực hiện được sự kết hợp hài hòa và toàn hảo
giữa thể xác, tâm trí và tinh thần, để giúp cho con người yếu đuối mỏng dòn có
được sức mạnh không thể chuyển lay.” (Man, the Unknown)
Đề tài cầu nguyện đã được bàn đến trong bài 27, “Cầu nguyện
cá nhân.” Chúng ta đã đặc biệt thảo
luận trong bài đó về những cách cầu nguyện để suy niệm về cuộc sống, Kinh Thánh
và những kinh nguyện đã có từ xưa.
NHỮNG
KINH NGUYỆN THUỘC LÒNG
Ngoài việc cố gắng suy ngắm hằng ngày,
nhiều người Công giáo còn cố gắng sống thói quen cầu nguyện mỗi khi có cơ hội,
thí dụ:
Vào những dịp này, người Công giáo thường sử dụng
những kinh nguyện cổ truyền họ đã thuộc lòng.
Sau đây là một số kinh nguyện người Công giáo đều thuộc.
Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên
trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể
hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin
Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người
có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng
con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. A-men.
Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức
Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giê-su, Con lòng Bà,
gồm phúc lạ. Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa
Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. A-men.
Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa
Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có
trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có đời đời chẳng cùng. A-men.
Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép
tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô là
Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng con.
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Đức Bà
Ma-ri-a đồng trinh, chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên
cây thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ
chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng, ngày sau
bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này,
các thánh thông công. Tôi tin phép tha
tội. Tôi tin xác loài người ngày sau
sống lại, tôi tin hằng sống vậy. A-men.
Lạy Chúa, xin chúc lành cho chúng con
và cho những của ăn chúng con sắp lãnh nhận do lòng nhân lành Chúa ban. Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì
những của ăn chúng con vừa lãnh nhận do lòng nhân lành Chúa ban. Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.
XÉT
MÌNH
Một cách khác để chúng ta “tiếp tục
liên kết” đó là duyệt xét lại quan hệ giữa chúng ta với Chúa, với cộng đoàn và
với chính mình, theo một thời biểu đều đặn.
Cách “xét mình” sau đây được soạn ra
để giúp người Công giáo chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Nhưng việc xét mình này cũng có thể dùng như
phương thức giúp chúng ta “tiếp tục liên kết” với Chúa, với cộng đoàn và với
chính mình. Chỉ cần đọc và suy nghĩ về
ba câu hỏi sau:
Đức Giê-su nói: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi” (Lu-ca
10:27).
1
Chúa có chỗ đứng ưu tiên trong
cuộc sống tôi đến mức độ nào? Tôi có
trung thành thờ phượng Chúa vào các ngày Chúa Nhật và những ngày lễ buộc trong
năm phụng vụ không?
-
Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (1
tháng 1)
-
Thứ Năm lễ Thăng Thiên (bốn
mươi ngày sau lễ Phục Sinh)
-
Lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên
trời (15 tháng 8)
-
Lễ Các Thánh nam nữ (1 tháng
11)
-
Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội
(8 tháng 12)
-
Lễ Giáng Sinh (25 tháng 12)
2
Tôi có chăm chú tham dự Phụng
vụ Lời Chúa không? Tôi có tham dự Phụng
vụ Thánh Thể trong tinh thần cầu nguyện không?
3
Tôi tin tưởng Chúa đến mức độ
nào? Tôi có thực sự tin Chúa yêu thương
tôi với tình thương vô điều kiện không?
Tôi có thực sự tin Chúa sẵn sàng tha thứ cho tôi mỗi khi tôi đứng dậy
trở về sau khi đã phạm tội không? Tôi
có tránh những hoàn cảnh đưa tôi tới tình trạng xa Chúa không?
4
Tôi cầu nguyện với Chúa ở mức
độ nào? Cảm tạ Chúa không? Hướng về Chúa trong lúc thiếu thốn, bị cám
dỗ, hoặc khi chán nản không? Có can đảm
làm chứng cho lòng tin vào Chúa không?
Có chia sẻ đức tin, đặc biệt với những người đang tìm kiếm Chúa không?
Đức Giê-su nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu
thương anh em” (Gio-an 15:12).
1
Tôi có yêu thương gia đình tôi
một cách thực tiễn: giúp đỡ, tha thứ,
khích lệ, cố gắng nhìn theo quan điểm của họ không? Là vợ hay chồng, tôi có cố tình hoặc vô tâm không muốn biểu lộ
lòng yêu thương hay âu yếm không? Là
bậc cha mẹ, tôi đã trung thành với bổn phận làm cha mẹ như thế nào? Tôi có cảm thông được với con cái
không? Là con cái, tôi đã vâng lời và
kính trọng cha mẹ như thế nào? Tôi cởi
mở với cha mẹ như thế nào trong những vấn đề quan trọng?
2
Tôi có yêu mến gia đình giáo xứ
của tôi không? Tôi có đem khả năng, thì
giờ và tiền bạc để hỗ trợ những công việc và tác vụ của giáo xứ không?
3
Tôi có vượt ra ngoài gia đình
tôi và gia đình giáo xứ để yêu thương người khác, ngay cả những kẻ thù (Lu-ca
6:27-28) không? Tôi có làm gương xấu,
giữ lòng thù hận, gian dối, trộm cắp, nói dối, nói xấu nói hành không? Là một công nhân, tôi có làm việc đàng hoàng
trong ngày cho người chủ không? Là chủ
hoặc người giám thị, tôi có công bằng và tế nhị đối với những nhu cầu và quyền
lợi của những người thuộc quyền không?
4
Tôi có đặc biệt yêu thương
những người cùng khổ thiếu thốn trong xã hội:
người nghèo, già cả, yếu đau, cô đơn, bị bóc lột, nạn nhân của kỳ thị
(Mát-thêu 25:35-46) không? Một cách
thực tế, tôi đang làm gì trong những lãnh vực này?
Đức Giê-su nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh
em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mát-thêu 5:48).
1
Tôi có chấp nhận chính mình
không? Tôi có sử dụng tài năng của tôi
đúng cách không? Tôi có chủ động trong
việc xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian không?
2
Tôi có cố gắng phát triển về
phương diện thiêng liêng không? Tôi có
sử dụng Bí tích Hòa giải để chữa lành những yếu đuối của tôi không? Tôi có cố gắng phát triển trong việc biết
mình và nhạy cảm đối với ơn Chúa Thánh Thần không? Tôi có cố gắng gắn bó hơn với Chúa và với gia đình của Chúa
không?
3
Tôi có coi thân xác tôi như đền
thờ cho Chúa hiện diện (1 Cô-rin-tô 3:16) không? Tôi có kính trọng thân xác người khác giống như vậy không? Tôi có sử dụng những khả năng tính dục chỉ
trong phạm vi hôn nhân không? Tôi có sử
dụng chúng một cách đúng đắn trong phạm vi hôn nhân không? Tôi có ăn uống điều độ không? Tôi có tránh ma túy và những chất có thể làm
hại sức khỏe không?
HÃY
ĐẠP XE ĐI
Để kết thúc cho tập Nhìn theo Đức tin Công giáo, thích hợp nhất đó là lập lại bài thơ đã ghi trong
bài 1. Bài thơ ấy so sánh hành trình
đức tin của chúng ta với hai người trên chiếc xe đạp đôi.
"Thoạt tiên, tôi ngồi đằng trước, Chúa đằng
sau.
Biết Ngài ở đó, dù chẳng thấy
Ngài đâu.
Rồi những khi gặp đoạn đường
lên dốc,
Tôi mới thấy đôi chân Chúa
nhiệm mầu.
Một ngày kia, Chúa đổi chỗ
cho tôi
Là mọi sự bỗng đảo ngược hết
rồi.
Xưa tôi lái, chiếc xe đi
chính xác
Cứ tà tà lăn, thấy chán quá
đi thôi.
Nhưng khi Chúa lái, ôi loạn
vô cùng!
Tôi không biết mình có chịu
nổi hay không,
Vội kêu lên: "Kìa, Chúa điên rồi hả?"
Chúa chỉ cười bảo: "Đạp nữa đi cưng!"
Thế là tôi chợt hiểu, lặng
yên và đạp,
Vững lòng tôi tín thác người
bạn cùng đi.
Đời con người còn nhiều lúc
lắm khi
Vì hoảng sợ nên sẵn sàng bỏ
cuộc.
Nhưng lúc đó Chúa quay lại
nhìn tôi,
Nắm lấy tay tôi, Chúa mỉm
cười,
Và Ngài nói: "Đạp tiếp đi, con ơi!"
ĐỌC
VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH
1. Lu-ca 1:
46-55 Bài ca ngợi khen của Đức
Ma-ri-a
2. Gio-an
17 Lời nguyện của Chúa
Giê-su
3. Cô-lô-xê
3: 1-17 Sống đích thực với con người
mình!
4.
Gia-cô-bê 1: 22-25 Lắng nghe lời
Chúa
5.
Phi-líp-phê 1: 3-11 Lời nguyện
của thánh Phao-lô
THẢO
LUẬN
1. Xét
lại năm điều nên nhớ về hành trình đức tin của bạn.
2. Suy nghĩ
về lời khuyên của một bà lão khuyên người mới trở lại đạo, bạn có phương thức
cụ thể nào giúp thực hành lời khuyên ấy không?
CHIA
SẺ
1. Hãy chia sẻ những tư tưởng sau đây:
2. Nói về cuộc trở lại của mình, E. Stanley Jones viết: “Tôi cảm nhận một thúc giục và một ước muốn
bất ngờ muốn đưa tay ra ôm lấy thế giới và chia sẻ kinh nghiệm với người khác. Ít phút trước đó tôi không có ước muốn như
vậy, vì tôi đâu đã có gì để chia sẻ.”
Ông Jones muốn nói gì? Tại sao
việc chia sẻ với người khác những hồng ân Chúa (thí dụ việc trở lại đạo) lại
quan trọng? Đâu là cảm nghĩ gần nhất
của bạn với cảm nghĩ ông Jones đã diễn tả?
3. Bạn hãy nhớ lại kinh nghiệm của Emilie
Griffin. Cao điểm xúc cảm sau khi bà
trở lại đạo đã xẹp dần xuống, để lại nơi bà một cảm giác “nhàm chán và chẳng
còn gì hấp dẫn giống y như những ngày trước khi trở lại đạo.” Bạn hãy chia sẻ một số thăng trầm trong hành
trình đức tin của bạn.
The Catholic Vision IV – 31
Mark Link, S.J.
Chuyển ngữ: Lm
Trần đình Nhi
Về Trang Mục
Lục
Trở về trang Giáo Lý
Công Giáo
Trở Về Trang Nhà