Mục 2

Mầu nhiệm Vượt Qua
trong các bí tích của Hội Thánh

Articulus 2
Mysterium paschale in Ecclesiae sacramentis





1113. Toàn bộ đời sống phụng vụ của Hội Thánh xoay quanh Hy tế Thánh Thể và các bí tích[1]. Trong Hội Thánh có bảy bí tích: Rửa Tội, Thêm Sức hay Xức Dầu Thánh, Thánh Thể, Thống Hối, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối[2]. Trong mục này, sẽ bàn đến đặc tính chung về tín lý của bảy bí tích của Hội Thánh. Những đặc tính chung về việc cử hành sẽ được trình bày ở chương II, và những điểm đặc thù của từng bí tích sẽ được trình bày ở đoạn II.



I. CÁC BÍ TÍCH CỦA ĐỨC KITÔ

CHRISTI SACRAMENTA



1114. “Dựa vào giáo lý của các Sách Thánh, vào các truyền thống Tông Đồ… và sự đồng tâm nhất trí của các Giáo phụ”[3], chúng tôi tuyên xưng rằng “tất cả các bí tích của Luật Mới… đều do Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta thiết lập”[4].


1115. Những lời nói và hành động của Chúa Giêsu, trong quãng đời ẩn dật cũng như trong thừa tác vụ công khai của Người, đều có tính chất cứu độ. Chúng tham dự trước vào quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Chúng loan báo và chuẩn bị những gì Người sẽ ban cho Hội Thánh khi mọi sự được hoàn tất. Các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô là nền tảng cho những gì Người ban phát trong các bí tích nhờ các thừa tác viên của Hội Thánh Người, bởi vì “điều hữu hình nơi Đấng cứu độ chúng ta được chuyển vào trong các bí tích”[5].


1116. Là “những năng lực phát ra” từ thân thể Đức Kitô[6], Đấng hằng sống và ban sự sống, là những hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong thân thể Đức Kitô là Hội Thánh, các bí tích là “những kỳ công của Thiên Chúa” trong Giao Ước mới và vĩnh cửu.



II. CÁC BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH

ECCLESIAE SACRAMENTA


1117. Nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn đưa Hội Thánh vào “sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13), Hội Thánh dần dần nhận ra kho tàng này mà mình đã lãnh nhận từ Đức Kitô và xác định việc “ban phát” kho tàng ấy, cũng như Hội Thánh đã làm với Thư Quy các Sách Thánh và giáo lý đức tin, với tư cách là người quản lý trung tín các mầu nhiệm của Thiên Chúa[7]. Vì vậy, theo dòng thời gian, Hội Thánh xác định trong số các cử hành phụng vụ của mình, có bảy cử hành là những bí tích, theo nghĩa hẹp của từ này, do Chúa thiết lập.


1118. Các bí tích là “của Hội Thánh” theo hai nghĩa: chúng là “do Hội Thánh” và “cho Hội Thánh”. Các bí tích là “do Hội Thánh” bởi vì Hội Thánh là bí tích của hành động của Đức Kitô Đấng đang hoạt động trong Hội Thánh nhờ sứ vụ của Chúa Thánh Thần. Và các bí tích là “cho Hội Thánh”, “nhờ chúng mà Hội Thánh được xây dựng”[8] bởi vì chúng biểu lộ và truyền thông cho con người, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của sự hiệp thông của Thiên Chúa-Tình Yêu, Đấng là Một Chúa Ba Ngôi.


1119. Hội Thánh, cùng với Đức Kitô là Đầu làm nên như “một con người mầu nhiệm”[9], hành động trong các bí tích với tư cách là “cộng đoàn tư tế” “có tổ chức”[10]. Nhờ bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, dân tư tế có khả năng cử hành phụng vụ; ngoài ra, có một số Kitô hữu, được lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, “được thiết đặt nhân danh Đức Kitô để chăn dắt Hội Thánh bằng lời và ân sủng của Thiên Chúa”[11].


1120. Thừa tác vụ có chức thánh hay “chức tư tế thừa tác”[12] là để phục vụ chức tư tế do bí tích Rửa Tội. Chức tư tế thừa tác bảo đảm rằng trong các bí tích, chính Đức Kitô hành động nhờ Chúa Thánh Thần cho Hội Thánh. Sứ vụ cứu độ mà Chúa Cha ủy thác cho Chúa Con khi xuống thế làm người, được trao cho các Tông Đồ và qua các ngài cho những người kế nhiệm các ngài: những vị này lãnh nhận Thánh Thần của Chúa Giêsu để hành động nhân danh Người và trong cương vị của Người[13]. Như vậy, thừa tác vụ có chức thánh là sợi dây mang tính bí tích nối kết hành động phụng vụ với những gì các Tông Đồ đã nói và đã làm, và qua các Tông Đồ, với những gì Đức Kitô, Đấng là nguồn mạch và nền tảng của các bí tích, đã nói và đã làm.


1121. Ba bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh, ngoài việc trao ban ân sủng, còn ban một dấu ấn bí tích hoặc “ấn tín”, nhờ đó, Kitô hữu được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và là thành phần trong Hội Thánh theo những bậc sống và những phận vụ khác nhau. Việc đồng hình đồng dạng như vậy với Đức Kitô và với Hội Thánh, do Chúa Thánh Thần thực hiện, là không thể bị tẩy xóa[14], nhưng tồn tại mãi mãi trong Kitô hữu, với tính cách một sự chuẩn bị tích cực để đón nhận ân sủng, với tính cách một lời hứa và bảo chứng được Thiên Chúa che chở, và với tính cách một ơn gọi để phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh. Vì vậy các bí tích này không bao giờ có thể được tái ban.



III. CÁC BÍ TÍCH CỦA ĐỨC TIN

SACRAMENTA FIDEI



1122. Đức Kitô đã sai các Tông Đồ của Người đi để “nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19). Sứ vụ làm Phép Rửa, tức là sứ vụ bí tích, được bao hàm trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, bởi vì bí tích được chuẩn bị bằng Lời Chúa và bằng đức tin, là sự ưng thuận vâng theo Lời đó:

“Dân Thiên Chúa được quy tụ trước tiên bằng Lời của Thiên Chúa hằng sống… Chính thừa tác vụ bí tích đòi phải có việc rao giảng Lời Chúa, bởi vì các bí tích là bí tích của đức tin, một đức tin được sinh ra và được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa”[15].


1123. “Các bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Đức Kitô và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa; là những dấu chỉ, chúng còn có mục đích giáo huấn nữa. Các bí tích không những giả thiết phải có đức tin trước, mà chúng còn nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin bằng các lời đọc và các nghi thức; bởi vậy, chúng được gọi là các bí tích của đức tin”[16].


1124. Đức tin của Hội Thánh có trước đức tin của tín hữu, là người được mời gọi gắn bó với đức tin của Hội Thánh. Khi cử hành các bí tích, Hội Thánh tuyên xưng đức tin đã lãnh nhận từ các Tông Đồ. Từ đó có câu thành ngữ cổ: “Lex orandi, lex credendi”, nghĩa là “Luật cầu nguyện, luật đức tin” (hay như lời Ông Prospêrô Aquitanô, vào thế kỷ thứ 5: “Legem credendi lex statuat supplicandi”, nghĩa là “Luật của việc khẩn cầu ấn định luật của đức tin”)[17]. Luật của việc cầu nguyện là luật của đức tin. Hội Thánh tin như Hội Thánh cầu nguyện. Phụng vụ là yếu tố cấu thành của Truyền Thống thánh thiện và sống động[18].


1125. Vì vậy, không một nghi thức bí tích nào có thể được sửa đổi hay tuỳ tiện thêm bớt theo sở thích của thừa tác viên hay cộng đoàn. Chính thẩm quyền tối cao của Hội Thánh cũng không thể thay đổi phụng vụ theo sở thích của mình, nhưng chỉ được làm vậy trong sự vâng phục đức tin và tôn kính cách đạo hạnh mầu nhiệm của phụng vụ.


1126. Ngoài ra, bởi vì các bí tích diễn tả và phát huy sự hiệp thông đức tin trong Hội Thánh, nên luật cầu nguyện (lex orandi) là một trong những tiêu chuẩn cốt yếu của việc đối thoại nhằm tái lập sự hợp nhất các Kitô hữu[19].



IV. CÁC BÍ TÍCH CỦA ƠN CỨU ĐỘ

SACRAMENTA SALUTIS



1127. Khi được cử hành cách xứng đáng trong đức tin, các bí tích ban ân sủng mà chúng biểu lộ[20]. Các bí tích đều hữu hiệu, bởi vì chính Đức Kitô hành động trong chúng: chính Người là Đấng rửa tội, chính Người là Đấng hành động trong các bí tích của Người để truyền thông ân sủng mà bí tích biểu lộ. Chúa Cha luôn nhận lời cầu nguyện của Hội Thánh của Con Ngài, vì trong kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis) của mỗi bí tích, Hội Thánh biểu lộ đức tin của mình vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Cũng như lửa biến đổi mọi thứ nó chạm tới thành lửa, Chúa Thánh Thần cũng biến đổi những gì được trao phó cho quyền năng của Ngài thành sự sống thần linh.


1128. Đây là ý nghĩa của điều Hội Thánh khẳng định[21]: các bí tích hữu hiệu “do sự” - ex opere operato – (do chính hành động bí tích được thực hiện) nghĩa là chúng hữu hiệu nhờ công trình cứu độ của Đức Kitô đã được hoàn thành một lần cho mãi mãi. Từ đó, có hệ luận này là: “Bí tích không mang lại hiệu quả nhờ sự công chính của người trao ban hay người lãnh nhận, nhưng nhờ quyền năng của Thiên Chúa”[22]. Khi một bí tích được cử hành theo đúng ý hướng của Hội Thánh, thì quyền năng của Đức Kitô và của Thần Khí Người hành động trong và qua bí tích ấy, chứ không lệ thuộc vào sự thánh thiện bản thân của thừa tác viên. Tuy nhiên, các hoa trái của các bí tích cũng tuỳ thuộc vào sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận.


1129. Hội Thánh khẳng định rằng, đối với các tín hữu, các bí tích của Giao Ước Mới là cần thiết cho ơn cứu độ[23]. “Ân sủng bí tích” là ân sủng của Chúa Thánh Thần được Đức Kitô ban cho riêng từng bí tích. Chúa Thánh Thần chữa lành và biến đổi những ai đón nhận Ngài bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa. Hoa trái của đời sống bí tích là, Thần Khí của ơn làm nghĩa tử làm cho các tín hữu được tham dự bản tính Thiên Chúa bằng cách kết hợp họ một cách sống động với Người Con duy nhất, là Đấng Cứu Độ[24].



V. CÁC BÍ TÍCH CỦA ĐỜI SỐNG VĨNH CỬU

SACRAMENTA VITAE AETERNAE



1130. Hội Thánh cử hành mầu nhiệm của Chúa mình “cho tới khi Chúa đến” (1 Cr 11,26), lúc “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28). Ngay từ thời các Tông Đồ, phụng vụ đã được hướng đến cùng đích của mình qua lời rên xiết của Thần Khí trong Hội Thánh: “Marana tha! – Lạy Chúa, xin ngự đến!” (1 Cr 16,22). Như thế, Phụng vụ chia sẻ nỗi khát khao của Chúa Giêsu: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em... cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22, 15.16). Trong các bí tích của Đức Kitô, Hội Thánh đã nhận được bảo chứng gia tài của mình, đã được dự phần vào đời sống vĩnh cửu, đang khi “trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu Độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2,13). “Thần Khí và Tân Nương nói: Xin Ngài ngự đến... Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22, 17.20).

Thánh Tôma tóm lược các chiều kích khác nhau của dấu chỉ bí tích như sau: “Bí tích là dấu chỉ nhắc nhớ điều đã xẩy ra trước nó, tức là cuộc khổ nạn của Đức Kitô; là dấu chỉ cho thấy điều được thực hiện nơi chúng ta nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tức là ân sủng; là dấu chỉ tiên báo, tức là báo trước vinh quang tương lai”[25].



TÓM LƯỢC


1131. Các bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh; qua các bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta. Các nghi thức khả giác được dùng để cử hành bí tích, biểu thị và thực hiện ân sủng riêng của từng bí tích. Các bí tích mang lại hoa trái nơi những người lãnh nhận có sự chuẩn bị nội tâm cần thiết.


1132. Hội Thánh cử hành các bí tích với tư cách là một cộng đoàn tư tế có tổ chức, gồm chức tư tế do bí tích Rửa Tội, và chức tư tế của các thừa tác viên có chức thánh.


1133. Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho các bí tích bằng Lời Chúa và bằng đức tin đón nhận Lời Chúa nơi những tâm hồn đã chuẩn bị tốt. Lúc đó các bí tích củng cố và diễn tả đức tin.


1134. Đời sống bí tích đem lại hoa trái vừa cho cá nhân vừa cho Hội Thánh. Một đàng, đối với mọi tín hữu, hoa trái này là đời sống cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô; đàng khác, đối với Hội Thánh, hoa trái này là sự tăng trưởng trong đức mến và trong sứ vụ làm chứng của Hội Thánh.



Nguồn: http://giaolyductin.net


[1] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 6: AAS 56 (1964) 100.

[2] X. CĐ Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris : DS 860; CĐ Florentinô, Decretum pro Armenis: DS 1310; CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Canones de sacramentis in genere, canon 1: DS 1601.

[3] CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Decretum de sacramentis, Prooemium: DS 1600.

[4] CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Canones de sacramentis in genere, canon 1: DS 1601.

[5] Thánh Lêô Cả, Sermo 74, 2: CCL 138A, 457 (PL 54, 398).

[6] X. Lc 5,17; 6,19; 8,46.

[7] X. Mt 13,52; 1 Cr 4,1.

[8] Thánh Augustinô, De civitate Dei, 22, 17: CSEL 40/2, 625 (PL 41, 779); x. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 64, a. 2, ad 3: Ed. Leon. 12, 43.

[9] ĐGH Piô XII, Thông điệp Mystici corporis: AAS 35 (1943) 226.

[10] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11: AAS 57 (1965) 15.

[11] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11: AAS 57 (1965) 15.

[12] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.

[13] X. Ga 20,21-23; Lc 24,47; Mt 28,18-20.

[14] CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Canones de sacramentis in genere, canon 9: DS 1609.

[15] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 4: AAS 58 (1966) 995-996.

[16] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum concilium, 59: AAS 56 (1964) 116.

[17] Indiculus, c. 8 : DS 246 (PL 51, 209).

[18] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 8: AAS 58 (1966) 821.

[19] X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 2: AAS 57 (1965) 91-92 ; Ibid., 15: AAS 57 (1965) 101-102.

[20] X. CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Canones de sacramentis in genere, canon 5: DS 1605; Ibid., canon 6: DS 1606.

[21] X. CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Canones de sacramentis in genere, canon 8: DS 1608.

[22] X. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 68, a. 8, c.: Ed. Leon. 12, 100.

[23] X. CĐ Triđentinô, Sess. 4a, Canones de sacramentis in genere, canon 8: DS 1604.

[24] X. 2 Pr 1,4.

[25] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 60, a. 3, c.: Ed. Leon. 12,6.