CHƯƠNG HAI
CỬ HÀNH MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
TRONG CÁC BÍ TÍCH
CAPUT SECUNDUM
SACRAMENTALIS CELEBRATIO MYSTERII PASCHALIS
1135. Việc dạy giáo lý về phụng vụ đòi hỏi trước hết phải hiểu biết
Nhiệm cục bí tích (Chương một). Dưới ánh sáng đó, tính chất mới mẻ
của việc cử hành các bí tích được tỏ hiện. Vì vậy, chương này
sẽ bàn đến việc cử hành các bí tích của Hội Thánh. Chúng ta sẽ trình bày điểm
chung của việc cử hành bảy bí tích trong các truyền thống phụng vụ khác nhau;
sau đó sẽ là điểm đặc thù của từng bí tích. Việc dạy giáo lý căn bản về các cử
hành bí tích sẽ trả lời những câu hỏi đầu tiên mà các tín hữu đặt ra về vấn đề
này:
– Ai cử hành?
– Cử hành như thế
nào?
– Cử hành khi nào?
– Cử hành ở đâu?
*******
Mục 1
Cử hành phụng vụ của Hội Thánh
Articulus 1
Ecclesiae liturgiam celebrare
I. AI CỬ HÀNH?
QUIS CELEBRAT?
1136. Phụng vụ là “hành động” của Đức Kitô toàn thể
(Christus totus). Những ai giờ đây cử hành phụng vụ vượt quá các dấu
chỉ, là những người đang ở trong phụng vụ thiên quốc, ở đó, việc cử hành hoàn
toàn là hiệp thông và lễ hội.
Những người cử hành Phụng vụ thiên quốc
1137. Sách Khải Huyền của thánh Gioan, được đọc trong phụng vụ của Hội
Thánh, trước tiên cho chúng ta thấy một cái ngai được đặt trên trời; và Đấng
ngự trên ngai[1]:
đó là “Chúa” (Is 6,1)[2].
Rồi đến “Một Con Chiên trông như thể đã bị giết” (Kh 5,6)[3]:
đó là Đức Kitô bị đóng đinh và đã sống lại, là vị Thượng Tế duy nhất của cung
thánh đích thực[4],
chính Người “vừa là người dâng vừa là lễ vật được dâng lên, vừa là người tặng
vừa là quà được hiến tặng”[5].
Cuối cùng là “con sông có nước trường sinh, … chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và
của Con Chiên” (Kh 22,1), đó là một trong những biểu tượng đẹp nhất về Chúa
Thánh Thần[6].
1138. “Những ai được quy tụ” trong Đức Kitô tham dự vào việc phục
vụ là ca ngợi Thiên Chúa và việc chu toàn kế hoạch của Ngài là: các Quyền thần
trên trời[7],
toàn thể thụ tạo (tượng trưng bằng bốn Con vật), các thừa tác viên thời Cựu và
Tân Ước (24 Kỳ mục), dân mới của Thiên Chúa (144 ngàn người)[8],
đặc biệt là các vị tử đạo “những người đã bị giết vì đã rao giảng lời Thiên
Chúa” (Kh 6,9), và Mẹ chí thánh của Thiên Chúa (Người Phụ nữ[9];
Hiền thê của Con Chiên[10]),
cuối cùng là “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân,
mọi chi tộc, mọi nước, và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9).
1139. Chúa Thánh Thần và Hội Thánh cho chúng ta được tham dự vào
Phụng vụ vĩnh cửu này, khi chúng ta cử hành mầu nhiệm cứu độ trong các bí tích.
Những người cử hành phụng vụ bí tích
1140. Toàn thể Cộng đoàn, Thân Thể của Đức Kitô kết hợp
với Đầu của mình, cử hành phụng vụ. “Các hoạt động phụng vụ không phải là những
hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Hội Thánh, là ‘bí tích của sự
hợp nhất’, nghĩa là dân thánh được quy tụ và điều hành dưới quyền các Giám mục.
Vì vậy, các cử hành đó thuộc về thân thể phổ quát của Hội Thánh, chúng làm tỏ
hiện và ảnh hưởng đến toàn thân thể; tuy nhiên các cử hành đó cũng liên quan
đến từng chi thể theo những cách khác nhau, tùy theo sự khác biệt về phẩm trật,
phận vụ và sự tham dự hiện thực”[11].
Vì vậy, “mỗi khi các nghi thức, theo bản chất riêng của từng nghi thức, được cử
hành chung, với sự tham dự đông đảo và tích cực của các tín hữu, thì phải nhấn
mạnh rằng việc cử hành chung như vậy, bao nhiêu có thể, phải được quý chuộng
hơn việc cử hành các nghi thức đó một cách đơn độc và có vẻ riêng tư”[12].
1141. Cộng đoàn cử hành phụng vụ là cộng đoàn của những người đã
lãnh nhận bí tích Rửa Tội, “nhờ sự tái sinh và sự xức dầu bằng Chúa Thánh Thần,
họ được thánh hiến để trở thành ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh, để
dâng lên những của lễ thiêng liêng qua tất cả các công việc của Kitô hữu”[13].
“Chức tư tế cộng đồng” này là chức tư tế của Đức Kitô, vị Tư Tế duy nhất, mà
tất cả các chi thể của Người đều được tham dự vào[14]:
“Mẹ Hội Thánh tha
thiết ước mong mọi tín hữu đều được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ
cách đầy đủ, ý thức và tích cực. Việc tham dự như vậy do chính bản chất phụng
vụ đòi hỏi, và dân Kitô giáo, ‘là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế
vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa’ (1 Pr 2,9)[15],
do bí tích Rửa Tội, có quyền lợi và nhiệm vụ trong việc tham dự như vậy”[16] .
1142. “Nhưng mọi chi thể không có cùng một chức năng” (Rm 12,4).
Một số chi thể đã được Thiên Chúa kêu gọi, trong và qua Hội Thánh, để đặc biệt
phục vụ cộng đoàn. Những thừa tác viên này được tuyển chọn và được thánh hiến
nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, qua đó, Chúa Thánh Thần làm cho họ có khả năng
hành động trong cương vị của Đức Kitô là Đầu (in persona Christi-Capitis)
để phục vụ mọi chi thể của Hội Thánh[17].
Thừa tác viên có chức thánh là như “họa ảnh” của Đức Kitô Tư Tế. Bởi vì, trong
bí tích Thánh Thể, bí tích của Hội Thánh được biểu lộ cách đầy đủ, nên thừa tác
vụ giám mục nổi bật nhất trong việc chủ sự Thánh Lễ, và hiệp thông với ngài, là
thừa tác vụ linh mục và phó tế.
1143. Để giúp các phận vụ của chức tư tế cộng đồng của các tín hữu,
còn có những tác vụ đặc biệt khác, không được thánh hiến nhờ
bí tích Truyền Chức Thánh, và nhiệm vụ của những tác vụ này được các Giám mục
quy định theo các truyền thống phụng vụ và các nhu cầu mục vụ. “Cả những người
giúp lễ, đọc sách, dẫn giải và các ca viên, cũng thật sự đảm nhận một tác vụ
phụng vụ”[18].
1144. Như vậy, trong việc cử hành các bí tích, toàn thể cộng đoàn
đều là “người cử hành phụng vụ”, mỗi người tùy theo phận vụ của mình, nhưng
“trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần”, Đấng hoạt động trong mọi người. “Trong
các cử hành phụng vụ, thừa tác viên hay tín hữu, mỗi người theo phận vụ của
mình, chỉ làm và làm trọn vẹn những gì thuộc phận vụ của mình
theo bản chất của sự việc và các quy tắc phụng vụ”[19].
II. CỬ HÀNH THẾ NÀO?
QUOMODO
CELEBRANDUM?
Các dấu chỉ và biểu tượng
1145. Việc cử hành bí tích được dệt bằng các dấu chỉ và các biểu
tượng. Theo đường lối sư phạm của Thiên Chúa trong việc cứu độ, ý nghĩa của các
dấu chỉ và các biểu tượng được bén rễ trong công trình tạo dựng và trong văn
hoá nhân loại, được xác định trong các biến cố của Giao Ước cũ, và được bày tỏ
cách đầy đủ trong con người và công trình của Đức Kitô.
1146. Những dấu chỉ của thế giới loài người. Trong đời
sống con người, các dấu chỉ và các biểu tượng chiếm một vị trí quan trọng. Con
người, một hữu thể vừa thể xác vừa tinh thần, diễn tả và cảm nhận các thực tại
tinh thần nhờ các dấu chỉ và các biểu tượng vật chất. Với tính cách là một hữu
thể có tính xã hội, con người cần các dấu chỉ và các biểu tượng để giao tiếp
với tha nhân nhờ ngôn ngữ, các cử chỉ, các hành động. Về tương quan của con
người với Thiên Chúa cũng thế.
1147. Thiên Chúa nói với con người qua thụ tạo hữu hình. Vũ trụ vật
chất được phô diễn trước trí tuệ con người, để họ đọc được nơi vũ trụ các dấu
vết của Đấng Tạo Hoá của họ[20].
Ánh sáng và đêm tối, gió và lửa, nước và đất, cây cối và hoa trái đều nói về
Thiên Chúa; chúng nói lên một cách biểu tượng cả sự cao cả lẫn sự gần gũi của
Ngài.
1148. Vì được Thiên Chúa tạo dựng, những thực tại khả giác này có
thể trở thành phương tiện diễn tả hành động của Thiên Chúa, Đấng thánh hóa loài
người, và diễn tả hành động của con người, những kẻ phụng thờ Thiên Chúa. Về
các dấu chỉ và biểu tượng trong đời sống xã hội của con người cũng vậy: tắm rửa
và xức dầu, bẻ bánh và chia sẻ một chén có thể diễn tả sự hiện diện tác thánh
của Thiên Chúa và lòng tri ân của con người đối với Đấng Tạo Hoá của mình.
1149. Các tôn giáo lớn của nhân loại cho thấy rõ, một cách thường
rất ấn tượng, ý nghĩa về vũ trụ và về các biểu tượng của các nghi thức tôn
giáo. Phụng vụ của Hội Thánh đón nhận, hội nhập và thánh hoá các yếu tố của
công trình tạo dựng và của văn hóa nhân loại, khi mang lại cho chúng phẩm tính
là trở thành những dấu chỉ của ân sủng, của công cuộc tạo dựng mới trong Chúa
Giêsu Kitô.
1150. Những dấu chỉ của Giao Ước. Dân Chúa chọn lãnh nhận từ
Thiên Chúa những dấu chỉ và những biểu tượng đặc biệt phân biệt đời sống phụng
vụ của họ: đây không chỉ là những cử hành long trọng các chu kỳ vũ trụ và các
cử chỉ xã hội, nhưng còn là những dấu chỉ của Giao Ước, những biểu tượng của
các kỳ công của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Trong số các dấu chỉ phụng vụ này
của Giao Ước cũ, có thể kể việc cắt bì, việc xức dầu và việc thánh hiến các vua
và các tư tế, việc đặt tay, các hy lễ, và nhất là lễ Vượt Qua. Hội Thánh coi
các dấu chỉ đó như hình ảnh tiên báo các bí tích của Giao Ước mới.
1151. Những dấu chỉ được Đức Kitô sử dụng. Khi giảng dạy,
Chúa Giêsu thường sử dụng những dấu chỉ của công trình tạo dựng để giúp nhận
biết các mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa.[21] Người
chữa lành và minh hoạ lời giảng dạy của Người bằng những dấu chỉ vật chất hay
những cử chỉ có tính biểu trưng[22].
Người ban một ý nghĩa mới cho các sự kiện và các dấu chỉ của Giao Ước cũ, nhất
là cho cuộc Xuất Hành và lễ Vượt Qua[23],
bởi vì chính Người là ý nghĩa của tất cả các dấu chỉ đó.
1152. Các dấu chỉ bí tích. Từ sau Lễ Ngũ Tuần, Chúa
Thánh Thần thực hiện việc thánh hóa qua các dấu chỉ bí tích của Hội Thánh của
Ngài. Các bí tích của Hội Thánh không xóa bỏ, nhưng thanh luyện, đón nhận tất
cả sự phong phú của các dấu chỉ và các biểu tượng của thế giới vật chất và đời
sống xã hội. Hơn nữa, các bí tích còn hoàn tất những tiên trưng và hình bóng
của Giao Ước cũ, biểu thị và thực hiện ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại, và cho
thấy trước cũng như cho nếm trước vinh quang thiên quốc.
Các lời nói và các hành động
1153. Việc cử hành bí tích là cuộc gặp gỡ của các con cái Thiên
Chúa với Cha mình, trong Đức Kitô và Chúa Thánh Thần, và cuộc gặp gỡ này diễn
ra như một cuộc đối thoại, qua các hành động và các lời nói. Tuy các hành động
biểu tượng chính là một thứ ngôn ngữ, nhưng cần có Lời Chúa và lời đáp lại của
đức tin đi kèm theo và làm sống động các hành động ấy, để hạt giống của Nước
Chúa mang lại hoa trái nơi thửa đất tốt. Các hành động phụng vụ nói lên điều
Lời Chúa diễn tả: đó là sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa, đồng thời là lời
đáp lại của đức tin của dân Ngài.
1154. Phụng vụ Lời Chúa là phần không thể thiếu trong
các cử hành bí tích. Để nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu, các dấu chỉ của Lời
Chúa phải được đề cao: Sách Lời Chúa (sách Bài Đọc hay sách Tin Mừng), việc tôn
kính Lời Chúa (rước kiệu, xông hương, ánh sáng), vị trí công bố Lời Chúa (giảng
đài), việc tuyên đọc Lời Chúa cho dễ nghe dễ hiểu, bài giảng của thừa tác viên
làm sáng tỏ Lời Chúa vừa được công bố, những lời đáp lại của cộng đoàn (những
lời tung hô, các Thánh vịnh để suy niệm, các kinh cầu, việc tuyên xưng đức
tin).
1155. Lời phụng vụ và hành động phụng vụ, không thể tách biệt nhau
xét như những dấu chỉ và giáo huấn, cũng không thể tách biệt nhau xét như cả
hai thực hiện điều chúng biểu thị. Chúa Thánh Thần không những giúp hiểu được
Lời Chúa qua việc khơi dậy đức tin, chính Ngài còn thực hiện, qua các bí tích,
“những kỳ công” của Thiên Chúa đã được Lời Chúa loan báo: Ngài làm cho hiện
diện và truyền thông công trình của Chúa Cha đã được Con yêu dấu thực hiện.
Bài ca và âm nhạc
1156. “Truyền thống âm nhạc của Hội Thánh phổ quát đã tạo nên một
kho tàng vô giá, vượt trên các hình thức nghệ thuật khác, nhất là vì thánh ca
gắn liền với các lời nói, nên đã trở thành một phần cần thiết hoặc không thể
thiếu của phụng vụ trọng thể”[24].
Việc sáng tác và ca hát các Thánh vịnh được linh hứng, thường có các nhạc cụ
phụ họa, đã gắn chặt với các cử hành phụng vụ của Cựu Ước. Hội Thánh tiếp tục
và phát huy truyền thống này: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài Thánh vịnh,
thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc
tụng Chúa” (Ep 5,19)[25].
“Hát là cầu nguyện hai lần”[26].
1157. Bài ca và âm nhạc chu toàn chức năng làm dấu chỉ của
mình một cách có ý nghĩa hơn, “khi chúng liên kết chặt chẽ hơn với hành động
phụng vụ”[27],
theo ba tiêu chuẩn chính sau đây: vẻ đẹp diễn cảm của lời cầu nguyện, sự đồng
thanh tham dự của cộng đoàn vào những lúc đã được quy định, và tính cách long
trọng của cuộc cử hành. Như vậy, bài ca và âm nhạc dự phần vào mục đích của các
lời nói và các hành động phụng vụ: đó là làm vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa
các tín hữu[28]:
“Bao lần con đã rơi
lệ khi nghe các thánh thi, thánh ca của Chúa, những âm thanh dịu dàng vang lên
trong thánh đường của Chúa, con đã xúc động biết bao! Các âm thanh đó rót vào
tai con, và chân lý được tinh luyện trong trái tim con, từ đó niềm hưng phấn
đạo đức sục sôi lên và nước mắt tuôn tràn, những điều đó làm cho con hạnh phúc”[29].
1158. Sự hòa hợp của các dấu chỉ (ca hát, âm nhạc, lời nói và hành
động) sẽ càng có ý nghĩa hơn và mang nhiều hoa trái hơn nếu càng được diễn tả
trong sự phong phú về văn hóa đặc thù của dân Thiên Chúa đang
cử hành[30].
Vì vậy, “những bài thánh ca mang tính dân tộc phải được cổ võ cách khéo léo, để
giọng các tín hữu có thể vang lên trong những buổi thực hành đạo đức và linh
thánh và trong chính các hành động phụng vụ” theo các quy tắc của Hội Thánh[31].
Tuy nhiên “lời ca trong các bài thánh ca phải phù hợp với giáo lý Công giáo và
tốt nhất là nên được rút ra từ Thánh Kinh và từ các nguồn mạch phụng vụ”[32].
Các ảnh tượng thánh
1159. Ảnh tượng thánh, ảnh tượng phụng vụ, chủ yếu trình bày Đức
Kitô. Ảnh tượng không thể trình bày Thiên Chúa vô hình và khôn tả; việc
Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã mở đầu một “nhiệm cục” mới của các ảnh tượng:
“Xưa kia Thiên
Chúa, Đấng không có thân xác và diện mạo, không bao giờ được trình bày bằng ảnh
tượng. Nhưng nay, sau khi Người đã tự trở nên hữu hình trong xác phàm và sống
giữa loài người, tôi có thể họa một hình ảnh về điều tôi thấy nơi Thiên Chúa…
Vậy sau khi dung nhan được mạc khải, chúng ta chiêm ngắm vinh quang của Chúa”[33].
1160. Nghệ thuật ảnh tượng Kitô giáo dùng hình ảnh để truyền đạt sứ
điệp Tin Mừng, sứ điệp mà Sách Thánh lưu truyền bằng lời. Hình ảnh và lời nói
làm sáng tỏ lẫn nhau:
“Chúng tôi tuyên bố
cách vắn tắt rằng, chúng tôi gìn giữ nguyên vẹn mọi truyền thống hoặc thành
văn, hoặc bất thành văn của Hội Thánh, đã được ký thác cho chúng tôi. Một trong
những truyền thống này là việc sử dụng ảnh tượng, vốn phù hợp với việc rao
giảng lịch sử Tin Mừng. Việc sử dụng ảnh tượng góp phần nói lên sự chắc chắn
xác thực, chứ không phải chỉ là dáng vẻ, của việc Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể,
và góp phần mang lại lợi ích cho chúng tôi. Những gì soi sáng cho nhau, thì
chắc chắn có những ý nghĩa hỗ tương”[34].
1161. Tất cả các dấu chỉ của việc cử hành phụng vụ đều quy hướng về
Đức Kitô: kể cả các ảnh tượng của Mẹ Thiên Chúa và của các thánh. Thật vậy, các
ảnh tượng này nói về Đức Kitô, Đấng được tôn vinh nơi các ngài. Các ảnh tượng
này cho thấy “ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” (Dt 12,1), các
ngài đang tiếp tục tham dự vào công trình cứu độ trần gian và chúng ta được
liên kết với các ngài, nhất là khi cử hành các bí tích. Qua ảnh tượng của các
ngài, điều được mạc khải cho đức tin của chúng ta là, con người, được tạo dựng
“theo hình ảnh Thiên Chúa”, cuối cùng được biến hình nên “giống như Thiên Chúa”[35],
và cả các Thiên thần, là những vị đã được quy tụ lại trong Đức Kitô:
“Theo giáo huấn của
các Thánh Giáo phụ được Thiên Chúa linh hứng, và theo truyền thống của Hội
Thánh Công giáo (mà chúng ta biết rằng đó là truyền thống của Chúa Thánh Thần,
Đấng chắc chắn đang ngự trong Hội Thánh), chúng tôi ấn định với tất cả sự chắc
chắn và chính đáng rằng, cũng như hình tượng cây Thánh Giá quý trọng và ban sự
sống, các ảnh tượng đáng kính và thánh thiện, hoặc được vẽ và lắp ghép, hoặc
bằng những chất liệu thích hợp khác, phải được đặt trong các thánh đường của
Thiên Chúa, trên các bình thánh và y phục thánh, trên các bức tường và các bức
hoạ, trong nhà và trên các đường phố: đó là ảnh tượng của Chúa Giêsu Kitô, là
Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta, cũng như ảnh tượng của Đức Bà tinh
tuyền, là Mẹ thánh của Thiên Chúa, ảnh tượng của các Thiên thần đáng kính, của
tất cả các Thánh và những người công chính”[36].
1162. “Vẻ đẹp và màu sắc của các ảnh tượng kích thích việc cầu
nguyện của tôi. Đó là một bữa tiệc làm no thoả mắt tôi, cũng như quang cảnh
đồng quê kích thích trái tim tôi ca tụng Thiên Chúa”[37].
Việc chiêm ngắm các ảnh tượng thánh, cùng với việc suy niệm Lời Chúa và việc ca
hát các thánh thi phụng vụ, sẽ tạo nên một sự hoà hợp các dấu chỉ trong cuộc cử
hành, làm cho mầu nhiệm được cử hành in sâu vào tâm khảm các tín hữu, rồi được
biểu lộ ra trong đời sống mới của họ.
III. CỬ HÀNH KHI NÀO?
QUANDO CELEBRANDUM?
Thời gian phụng vụ
1163. “Hội Thánh là Mẹ hiền, ý thức mình có bổn phận cử hành công
trình cứu độ của Phu Quân thần linh của mình, bằng một sự tưởng niệm thánh
thiêng, vào những ngày cố định trong suốt cả năm. Mỗi tuần, vào ngày được gọi
là ngày của Chúa (Chúa nhật), Hội Thánh tưởng niệm cuộc phục sinh của Chúa,
điều mà mỗi năm một lần Hội Thánh còn cử hành trong đại lễ Vượt Qua, cùng với
cuộc khổ hình hồng phúc của Người. Hội Thánh trình bày toàn bộ mầu nhiệm Đức
Kitô qua chu kỳ một năm… Khi cử hành các mầu nhiệm cứu chuộc như vậy, Hội Thánh
mở ra cho các tín hữu kho tàng quyền năng và công nghiệp của Chúa mình, khiến
các mầu nhiệm này một cách nào đó luôn hiện diện trong mọi lúc; các tín hữu
tiếp xúc với các mầu nhiệm đó, và được đầy tràn ơn cứu độ”[38].
1164. Dân Thiên Chúa, theo luật Môisen, đã có những lễ mừng cố định
khởi từ cuộc Vượt Qua để ghi nhớ những hành động kỳ diệu của Thiên Chúa Cứu độ,
để tạ ơn Ngài vì những kỳ công đó, để nhớ mãi những kỳ công đó và để dạy cho
các thế hệ sau sống xứng đáng với những kỳ công đó. Đến thời Hội Thánh, trong
khoảng thời gian từ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, được thực hiện một lần cho mãi
mãi, cho đến ngày cuộc Vượt Qua được hoàn tất trong Nước Thiên Chúa, phụng vụ
được cử hành vào những ngày đã ấn định, được đóng ấn bằng tính cách mới mẻ của
mầu nhiệm Đức Kitô.
1165. Khi Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, có một từ luôn được
nhắc đến trong kinh nguyện của Hội Thánh: đó là từ “Hôm nay”, là âm
vang Lời Kinh Chúa dạy[39],
và âm vang tiếng gọi của Chúa Thánh Thần[40].
Ngày “hôm nay” này của Thiên Chúa hằng sống mà con người được mời gọi bước vào,
chính là “Giờ” của cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, Giờ đó xuyên suốt và hướng dẫn
toàn bộ lịch sử:
“Sự sống được mở ra
cho vạn vật và tất cả được đầy tràn ánh sáng vĩnh cửu, và Đấng là Vầng Đông của
các vầng đông xâm chiếm vũ trụ: Đấng được sinh ra trước Sao Mai, bất tử và cao
cả, là Đức Kitô chiếu soi vạn vật hơn cả mặt trời. Vì vậy, ngày bừng sáng, lâu
dài, vĩnh cửu và không thể tàn lụi đã xuất hiện cho chúng ta là những kẻ tin
vào Người: đó là cuộc Vượt Qua thần bí”[41].
Ngày của Chúa
1166. “Theo truyền thống Tông Đồ bắt nguồn từ chính ngày Đức Kitô
sống lại, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Vượt Qua vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật
xứng đáng được gọi là ngày của Chúa hoặc Chúa Nhật”[42].
Ngày phục sinh của Đức Kitô vừa là “ngày thứ nhất trong tuần” gợi lại ngày đầu
tiên của công trình tạo dựng, vừa là “ngày thứ tám”, trong ngày đó Đức Kitô,
sau khi “an nghỉ” trong ngày sabat vĩ đại của Người, đã khởi đầu ngày “Chúa đã
làm ra” (Tv 118,24), “ngày không có chiều tà”[43].
“Bữa tiệc của Chúa” là trung tâm của ngày này, bởi vì trong đó, toàn thể cộng
đoàn các tín hữu được gặp Chúa phục sinh, Đấng mời họ vào bàn tiệc của Người[44]:
“Ngày của Chúa,
ngày Phục Sinh, ngày của các Kitô hữu, là ngày của chúng ta. Vì thế ngày này
được gọi là ngày của Chúa, bởi vì trong ngày đó Chúa, là Đấng chiến thắng, lên
với Chúa Cha. Nếu người ngoại giáo gọi ngày này là ngày của mặt trời, chúng ta
cũng sẵn sàng công nhận như vậy: vì hôm nay, ánh sáng của trần gian đã mọc lên,
hôm nay mặt trời công chính đã xuất hiện, các tia sáng của mặt trời này mang
lại ơn chữa lành”[45].
1167. Ngày Chúa Nhật đặc biệt là ngày họp mặt để cử hành phụng vụ,
trong đó, các tín hữu quy tụ lại “để, khi nghe Lời Chúa và tham dự bí tích
Thánh Thể, họ kính nhớ cuộc khổ nạn, sự sống lại và vinh quang của Chúa Giêsu,
đồng thời họ cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã tái sinh họ trong niềm hy vọng sống
động, nhờ sự sống lại từ cõi chết của Chúa Giêsu Kitô”[46]:
“Lạy Đức Kitô, khi
chúng con suy ngắm những kỳ công vinh quang và những dấu chỉ lạ lùng được thực
hiện trong ngày Chúa Nhật của cuộc phục sinh thánh và vinh hiển của Chúa, chúng
con thốt lên: Chúc tụng ngày của Chúa, bởi vì trong ngày này công trình tạo
dựng đã được khởi đầu, … trần gian được cứu chuộc, … nhân loại được canh tân….
Trong ngày này, trời đất bừng sáng lên và cả trần gian ngập tràn ánh sáng. Chúc
tụng ngày của Chúa, bởi vì trong ngày này các cửa thiên đàng được mở ra để ông
Ađam và mọi kẻ bị lưu đày tiến vào đó mà không sợ hãi”[47].
Năm phụng vụ
1168. Khởi từ Tam Nhật Vượt Qua, như từ nguồn ánh sáng của mình,
thời đại mới của cuộc phục sinh tuôn đổ sự rực rỡ của nó trên suốt năm phụng
vụ. Dần dần, nhờ hết phần này đến phần khác của nguồn mạch này, trọn cả năm
được biến hình nhờ phụng vụ. Đó quả thật là “năm hồng ân của Chúa”[48].
Nhiệm cục cứu độ hoạt động trong khung thời gian, nhưng từ khi nhiệm cục đó
được hoàn tất trong cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu và trong việc tuôn ban Chúa
Thánh Thần, thì lúc tận cùng của lịch sử đã được tiền dự như “sự nếm trước” và
Nước Thiên Chúa bước vào thời gian của chúng ta.
1169. Vì vậy, Lễ Phục Sinh không chỉ đơn giản là
một ngày lễ giữa bao lễ khác: nó chính là “Ngày Lễ của các ngày lễ”, “Lễ Trọng
của các lễ trọng”, cũng như Thánh Thể là bí tích của các bí tích (bí tích trọng
đại). Thánh Athanasiô gọi lễ Phục Sinh là “Chúa Nhật vĩ đại”[49],
cũng như Tuần Thánh được Giáo Hội Đông phương gọi là “Tuần Lễ vĩ đại”. Mầu
nhiệm Phục Sinh, trong đó Đức Kitô tiêu diệt sự chết, thấm nhập vào thời gian
già cỗi của chúng ta bằng sức mạnh đầy quyền năng của Người, cho đến khi mọi sự
phải quy phục Người.
1170. Tại Công đồng Nicêa (năm 325), tất cả các Giáo Hội đồng ý
mừng lễ Phục Sinh Kitô giáo vào Chúa Nhật sau ngày trăng tròn (14 tháng Nisan),
sau ngày xuân phân. Vì có những phương pháp khác nhau để tính ngày 14 tháng
Nisan, nên ngày mừng lễ Phục sinh trong các Giáo hội Đông phương và Tây phương
đã không luôn trùng khớp với nhau. Vì vậy, ngày nay các Giáo Hội này đang tìm
cách thỏa thuận để ngày đại lễ Phục sinh của Chúa lại có thể được mừng chung
trong cùng một ngày.
1171. Năm phụng vụ là sự triển khai những khía cạnh khác nhau của
mầu nhiệm Vượt Qua duy nhất. Điều này đặc biệt đúng cho chu kỳ các lễ xoay
quanh mầu nhiệm Nhập Thể (Truyền Tin, Giáng Sinh, Hiển Linh), để tưởng niệm
việc khởi đầu ơn cứu độ của chúng ta và truyền thông cho chúng ta những hoa
trái đầu mùa của mầu nhiệm Vượt Qua.
Việc kính các Thánh trong năm Phụng vụ
1172. “Trong khi cử hành các mầu nhiệm của Đức Kitô theo chu kỳ
hằng năm, Hội Thánh tôn kính với một tình yêu đặc biệt Đức Maria diễm phúc, Mẹ
Thiên Chúa, Đấng được nối kết với Con mình trong công trình cứu độ bằng mối dây
bất khả phân ly. Nơi Mẹ, Hội Thánh ngưỡng mộ và tán dương hoa trái tuyệt vời
nhất của ơn cứu chuộc, và vui mừng chiêm ngắm nơi Mẹ như trong một hình ảnh rất
tinh tuyền, mọi điều mà chính Hội Thánh ước mong và hy vọng trở thành”[50].
1173. Trong chu kỳ hằng năm, khi kính nhớ các Thánh tử đạo và các
vị Thánh khác, Hội Thánh “công bố mầu nhiệm Vượt Qua” nơi các người nam và
người nữ đó, là “những vị đã cùng chịu đau khổ và cùng được vinh hiển với Đức
Kitô, và Hội Thánh trình bày cho các tín hữu những mẫu gương của các ngài, để
lôi kéo tất cả đến với Chúa Cha nhờ Đức Kitô, và nhờ công nghiệp của các ngài, Hội
Thánh nhận được những ơn lành của Thiên Chúa”[51].
Các Giờ Kinh phụng vụ
1174. Mầu nhiệm của Đức Kitô, cuộc Nhập Thể và Vượt Qua của Người,
mà chúng ta cử hành trong bí tích Thánh Thể, đặc biệt nơi cộng đoàn quy tụ ngày
Chúa nhật, thấm nhập và biến đổi thời gian của từng ngày nhờ việc cử hành các
Giờ Kinh phụng vụ, còn gọi là kinh “Thần Vụ”[52].
Trung thành với những lời khuyên của các Tông Đồ là “hãy cầu nguyện không
ngừng”[53],
việc cử hành này “đã được thiết lập để suốt cả ngày đêm được thánh hiến bằng
việc ca ngợi Thiên Chúa”[54].
Các Giờ Kinh phụng vụ là “kinh nguyện công khai của Hội Thánh”[55],
trong đó các tín hữu (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) thực thi chức tư tế vương giả
của những người đã lãnh bí tích Rửa Tội. Khi được cử hành “theo hình thức được
Hội Thánh phê chuẩn”, các Giờ Kinh phụng vụ “thật sự là tiếng của chính Hiền
Thê nói với Phu Quân; thậm chí còn là lời cầu nguyện của Đức Kitô cùng với Thân
thể Người dâng lên Chúa Cha”[56].
1175. Các Giờ Kinh phụng vụ phải trở thành kinh nguyện của toàn thể
Dân Chúa. Trong các giờ kinh đó, chính Đức Kitô “tiếp tục thực thi phận vụ tư
tế qua Hội Thánh của Người”[57];
mỗi người, theo phận vụ riêng biệt của mình trong Hội Thánh và theo hoàn cảnh
sống, đều tham dự vào các giờ kinh này: các linh mục, bởi vì, là những người
chuyên lo việc mục vụ, họ được kêu gọi chuyên cần cầu nguyện và phục vụ Lời
Chúa[58];
các tu sĩ nam nữ vì đặc sủng của đời sống thánh hiến[59];
mọi tín hữu theo khả năng của mình. “Các mục tử của các linh hồn phải liệu sao
để các Giờ Kinh chính yếu, nhất là giờ Kinh Chiều, các ngày Chúa nhật và lễ
trọng, được cử hành chung trong nhà thờ. Khuyên các giáo dân hãy đọc Kinh Thần
vụ, hoặc cùng với các linh mục, hoặc khi họ họp nhau, và kể cả đọc riêng một
mình nữa”[60].
1176. Việc cử hành các Giờ Kinh phụng vụ đòi hỏi không những phải
hòa hợp tiếng nói với tâm hồn cầu nguyện, mà còn “phải lo cho mình có kiến thức
dồi dào hơn về phụng vụ và Thánh Kinh, nhất là về các Thánh vịnh”[61].
1177. Các thánh thi và kinh cầu của các Giờ Kinh phụng vụ đã đưa
lời cầu nguyện của các Thánh vịnh vào thời gian của Hội Thánh, khi chúng diễn
tả tính biểu tượng của thời khắc trong ngày, của thời gian phụng vụ hoặc của
ngày lễ được cử hành. Hơn nữa, bài đọc Lời Chúa trong mỗi Giờ Kinh (với các câu
Xướng Đáp theo sau) và, trong một số Giờ Kinh, việc đọc các tác phẩm của các
Giáo phụ và các tôn sư linh đạo, cho thấy một cách sâu sắc hơn ý nghĩa của mầu
nhiệm được cử hành, giúp thấu hiểu các Thánh vịnh và chuẩn bị cho việc cầu
nguyện trong thinh lặng. Phương pháp Lectio divina (Đọc về
Chúa), trong đó Lời Chúa được đọc, được suy niệm để trở thành lời
cầu nguyện, như vậy cũng đã có gốc rễ từ việc cử hành phụng vụ.
1178. Các Giờ Kinh phụng vụ, được coi như sự nối dài của việc cử
hành thánh lễ, không loại trừ, nhưng xét như một bổ sung, kêu gọi các việc đạo
đức khác nhau của Dân Chúa, đặc biệt là việc thờ phượng và tôn sùng Thánh Thể.
IV. CỬ HÀNH Ở ĐÂU?
UBI CELEBRANDUM?
1179. Việc phụng tự của Giao Ước Mới “trong Thần Khí và sự thật”
(Ga 4,24) không bị ràng buộc vào một nơi duy nhất. Toàn thể trái đất là thánh
và được ủy thác cho con cái loài người. Khi các tín hữu được quy tụ tại một
nơi, thì điều quan trọng nhất là, chính họ là “những viên đá sống động”, được
gom lại để “xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng” (1 Pr 2,5). Thân Thể của Đức
Kitô Phục Sinh là ngôi đền thờ thiêng liêng, từ đó mạch nước hằng sống tuôn
trào. Được tháp nhập vào Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, chính chúng ta là “đền
thờ của Thiên Chúa hằng sống” (2 Cr 6,16).
1180. Khi việc thực hành tự do tôn giáo không bị ngăn cản[62],
các Kitô hữu xây dựng những tòa nhà dành riêng cho việc phụng thờ Thiên Chúa.
Những thánh đường hữu hình này không chỉ đơn giản là những nơi tụ họp, nhưng
chúng cho thấy và làm tỏ hiện Hội Thánh sống động ở nơi đó, là nơi lưu ngụ của
Thiên Chúa với những người đã được hòa giải và kết hợp trong Đức Kitô.
1181. “Nhà cầu nguyện là nơi bí tích Thánh Thể cực thánh được cử
hành và cất giữ, nơi các tín hữu được quy tụ, nơi sự hiện diện của Con Thiên
Chúa, Đấng Cứu độ chúng ta, được hiến dâng trên bàn thờ hy tế vì chúng ta, được
tôn thờ để phù trợ và an ủi các tín hữu, nhà đó phải đẹp, phải thích hợp cho
việc cầu nguyện và cho các nghi thức thánh thiêng”[63].
Trong “ngôi nhà của Thiên Chúa”, sự chân thật và hài hòa của các dấu chỉ tạo
nên ngôi nhà này, phải biểu lộ Đức Kitô đang hiện diện và hành động ở chính nơi
này[64].
1182. Bàn thờ của Giao Ước Mới là Thập Giá của Chúa[65],
từ đó tuôn trào các bí tích của mầu nhiệm Vượt Qua. Trên bàn thờ, là trung tâm
của thánh đường, hy tế thập giá được hiện tại hóa dưới những dấu chỉ bí tích.
Bàn thờ cũng là bàn tiệc của Chúa mà dân Thiên Chúa được mời đến tham dự[66].
Trong một số phụng vụ Đông phương, bàn thờ còn là biểu tượng của ngôi mộ (Đức
Kitô đã thật sự chết và thật sự sống lại).
1183. Nhà Tạm phải được đặt “ở nơi cao quý nhất
và một cách tôn kính nhất trong các nhà thờ”[67].
Sự cao quý, vị trí và sự an toàn[68] của
nhà tạm Thánh Thể phải tạo sự thuận lợi cho việc thờ phượng Chúa đang hiện diện
thực sự trong bí tích cực thánh trên bàn thờ.
Dầu Thánh (myron), mà
việc xức dầu này là dấu chỉ bí tích cho ấn tín ơn Chúa Thánh Thần, theo truyền
thống được bảo quản và tôn kính tại một nơi an toàn trong cung thánh. Dầu Dự
tòng và Dầu Bệnh nhân có thể được đặt chung ở đó.
1184. Ghế ngồi của giám mục (toà) hay của linh mục
“phải nói lên phận vụ của vị đó là chủ tọa cộng đoàn và hướng dẫn việc cầu
nguyện”[69].
Giảng đài: “Phẩm giá của Lời
Chúa đòi phải có một nơi thích hợp trong nhà thờ, để công bố Lời Chúa và, trong
phần phụng vụ Lời Chúa, sự chú ý của các tín hữu tự nhiên hướng về đó”[70].
1185. Việc quy tụ dân Thiên Chúa bắt đầu bằng bí tích Rửa Tội; nên
thánh đường phải có nơi để cử hành bí tích Rửa Tội (giếng rửa tội) và giúp
người ta nhớ đến các lời hứa trong bí tích Rửa Tội (nước thánh).
Việc canh tân đời
sống theo bí tích Rửa Tội đòi hỏi việc thống hối. Thánh đường phải
là nơi thích hợp để bày tỏ lòng thống hối và lãnh nhận ơn tha thứ, nghĩa là
phải có nơi thích hợp để đón tiếp các hối nhân.
Thánh đường cũng
phải là một không gian mời gọi người ta hồi tâm và cầu nguyện trong thinh lặng,
điều đó kéo dài kinh nguyện cao cả là bí tích Thánh Thể và nội tâm hoá kinh
nguyện cao cả đó.
1186. Sau cùng, thánh đường có một ý nghĩa cánh chung. Để tiến vào
Nhà Chúa, người ta phải bước qua ngưỡng cửa, điều này là biểu tượng
của việc vượt qua thế giới đầy thương tích vì tội lỗi để bước vào thế giới của
đời sống mới mà mọi người được kêu gọi bước vào. Thánh đường hữu hình là biểu
tượng của nhà Cha mà dân Thiên Chúa đang tiến về; nơi đó, Cha “sẽ lau sạch nước
mắt họ” (Kh 21,4). Vì vậy, thánh đường còn là nhà của tất cả các con
cái Thiên Chúa, luôn mở rộng và chào đón mọi người.
TÓM LƯỢC
1187. Phụng vụ là công trình của Đức Kitô toàn thể - gồm Đầu và
Thân Thể. Vị Thượng Tế của chúng ta không ngừng cử hành Phụng vụ ấy trong Phụng
vụ trên trời, cùng với Mẹ Thiên Chúa, các Tông Đồ, các thánh và đông đảo những
người đã được vào Nước Trời.
1188. Trong một cử hành Phụng vụ, toàn thể cộng đoàn đều là
“người cử hành phụng vụ”, mỗi người theo chức năng của mình. Chức tư tế của bí
tích Rửa Tội là chức tư tế của toàn Thân Thể Đức Kitô. Nhưng một số tín hữu
được truyền chức do bí tích Truyền Chức Thánh để đại diện Đức Kitô như là Đầu
của Thân Thể.
1189. Cử hành phụng vụ bao gồm các dấu chỉ và biểu tượng lấy từ
công trình tạo dựng (ánh sáng, nước, lửa), từ đời sống con người (tắm giặt, xức
dầu, bẻ bánh), và từ lịch sử cứu độ (các nghi thức Vượt Qua). Được đưa vào lãnh
vực đức tin và được quyền năng Chúa Thánh Thần tác động, những yếu tố vũ trụ,
những nghi thức của loài người, những cử chỉ gợi nhớ đến Chúa sẽ trở thành
phương thế mang các hoạt động cứu độ và thánh hóa của Đức Kitô.
1190. Phụng vụ Lời Chúa là phần thiết yếu của phụng vụ. Ý nghĩa
của việc cử hành được diễn tả qua Lời Chúa được công bố và qua việc đồng thuận
của đức tin trong lời đáp lại...
1191. Bài ca và âm nhạc nối kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ.
Để sử dụng tốt phải chú ý đến các điều này: “vẻ đẹp diễn cảm của
lời cầu nguyện, việc tham gia cách đồng tâm nhất trí của cộng đoàn và đặc tính
thánh thiêng của cuộc cử hành”.
1192. Các ảnh tượng thánh, hiện diện trong các thánh đường và
trong nhà của chúng ta, có mục đích khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin vào mầu
nhiệm của Đức Kitô. Qua hình ảnh của Đức Kitô và các công trình cứu độ của
Người, chúng ta tôn thờ chính Người. Qua các ảnh tượng thánh của Mẹ Thiên Chúa,
của các Thiên thần và của các Thánh, chúng ta tôn kính những vị mà các ảnh
tượng này biểu thị.
1193. Chúa nhật, “Ngày của Chúa”, là ngày chính yếu để cử hành
bí tích Thánh Thể vì là ngày của mầu nhiệm Phục Sinh. Đó là ngày quy tụ cộng
đoàn phụng vụ, ngày của gia đình Kitô giáo, ngày của niềm vui và ngày nghỉ
việc. Ngày Chúa nhật là “nền tảng và cốt lõi của cả năm phụng vụ”[71].
1194. “Hội Thánh triển khai toàn bộ mầu nhiệm Đức Kitô qua chu
kỳ một năm, từ mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh đến Thăng Thiên, đến ngày lễ
Ngũ Tuần, và cho đến việc mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và cuộc Ngự đến của
Chúa”[72].
1195. Khi kính nhớ các Thánh, trước hết là Mẹ Thiên Chúa, kế đến
là các Thánh Tông Đồ, các Thánh Tử đạo và các Thánh khác, vào những ngày nhất
định trong năm Phụng vụ, Hội Thánh nơi trần thế biểu lộ sự hiệp thông với phụng
vụ thiên quốc. Hội Thánh tôn vinh Đức Kitô, vì ơn cứu độ Người đã hoàn thành
nơi những chi thể đã được tôn vinh của Người. Gương sáng của các ngài khích lệ
Hội Thánh trên đường về với Chúa Cha.
1196. Các tín hữu cử hành các Giờ Kinh phụng vụ, được kết hợp
với Đức Kitô, vị Thượng Tế của chúng ta, qua lời cầu nguyện các Thánh vịnh, suy
niệm Lời Chúa, các bài thánh ca và những lời chúc tụng. Nhờ đó, họ được liên
kết với lời nguyện liên lỉ và phổ quát của Đức Kitô mà tôn vinh Chúa Cha và cầu
xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên khắp trần gian...
1197. Đức Kitô là Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa, là “nơi vinh
quang của Chúa Cha ngự trị”. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, các tín hữu cũng trở
nên đền thờ của Chúa Thánh Thần, nên những viên đá sống động xây nên Hội Thánh.
1198. Trong tình trạng tại thế, Hội Thánh cần có những nơi để
cộng đoàn tập họp: các thánh đường hữu hình của chúng ta là những nơi thánh, là
hình ảnh của Thành thánh Giêrusalem thiên quốc, nơi chúng ta là những lữ khách
đang tiến về.
1199. Chính trong những thánh đường này, Hội Thánh cử hành việc
thờ phượng công khai để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, lắng nghe Lời Chúa, ca hát
những lời chúc tụng, dâng lên lời cầu nguyện của mình và dâng hy tế của Đức
Kitô, Đấng hiện diện cách bí tích giữa cộng đoàn. Những thánh đường nầy còn là
nơi giúp tín hữu hồi tâm và cầu nguyện riêng.
Nguồn: http://giaolyductin.net
[1] X. Kh 4,2.
[2] X. Ed 1,26-28.
[3] X. Ga 1,29.
[4] X. Dt 4,14-15; 10,19-21; etc.
[5] Liturgia Byzantina. Anaphora Iohannis Chrysostomi:
F.E. Brightman, Liturgies Eastern and Western (Oxford 1896)
378 (PG 63, 913).
[6] X. Ga 4,10-14; Kh 21,6.
[7] X. Kh 4-5; Is 6,2-3.
[8] X. Kh 7,1-8; 14,1.
[9] X. Kh 12.
[10] X. Kh 21,9.
[11] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 26: AAS 56 (1964) 107.
[12] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 27: AAS 56 (1964) 107.
[13] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen
Gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.
[14] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen
Gentium, 10: AAS 57 (1965) 14; Ibid., 34: AAS 57 (1965)
40; Id., Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 2: AAS 58 (1966)
991-992.
[15] X. 1 Pr 2,4-5.
[16] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 14: AAS 56 (1964) 104.
[17] X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum
ordinis, 2: AAS 58 (1966) 992; Ibid., 15: AAS 58
(1966) 1014.
[18] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 29: AAS 56 (1964) 107.
[19] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 28: AAS 56 (1964) 107.
[20] X. Kn 13,1; Rm 1,19-20; Cv 14,17.
[21] X. Lc 8,10.
[22] X. Ga 9,6; Mc 7,33-35; 8,22-25.
[23] X. Lc 9,31; 22,7-20.
[24] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 112: AAS 56 (1964) 128.
[25] X. Cl 3,16-17.
[26] X. Thánh Augustinô, Enarratio in
Psalmum 72, 1: CCL 39, 986 (PL 36, 914).
[27] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 112: AAS 56 (1964) 128.
[28] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 112: AAS 56 (1964) 128.
[29] Thánh Augustinô, Confessiones, 9,
6, 14: CCL 27, 141 (PL 32, 769-770).
[30] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 119: AAS 56 (1964) 129-130.
[31] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 118: AAS 56 (1964) 129.
[32] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 121: AAS 56 (1964) 130.
[33] Thánh Gioan Đamascênô, De sacris imaginibus
oratio, 1, 16: PTS 17, 89 et 92 (PG 94, 1245 et 1248).
[34] CĐ Nicêa II (năm 787), Terminus: COD
135.
[35] X. Rm 8,29; 1 Ga 3,2.
[36] CĐ Nicêa II, Definitio de sacris imaginibus:
DS 600.
[37] Thánh Gioan Đamascênô, De sacris imaginibus
oratio, 1, 47: PTS 17, 151 (PG 94, 1268).
[38] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 102: AAS 56 (1964) 125.
[39] X. Mt 6,11.
[40] X. Dt 3,7-4,11; Tv 95,8.
[41] Pseuđô-Hippôlytô Roma, In sanctum
Pascha, 1, 1-2: Studia patristica mediolanensia 15, 230-232 (PG 59,
755).
[42] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 106: AAS 56 (1964) 126.
[43] X. Matutinum in die Paschatis ritus
Byzantini, Oda 9, troparium: Pentekostarion (Romae 1884)
11.
[44] X. Ga 21,12; Lc 24,30.
[45] Thánh Hiêrônimô, In die Dominica Paschae
homilia: CCL 78, 550 (PL 30, 218-219).
[46] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 106: AAS 56 (1964) 126.
[47] Fanqýth, Breviarium iuxta ritum Ecclesiae
Antiochenae Syrorum, v. 6 (Mossul 1886) 193b.
[48] X. Lc 4,19.
[49] Thánh Athanasiô Alexandria, Epistula
festivalis, 1 (năm 329), 10: PG 26, 1366.
[50] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 103: AAS 56 (1964) 125.
[51] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 104: AAS 56 (1964) 126; x. Ibid., 108: AAS
56 (1964) 126; Ibid., 111: AAS 56 (1964) 127.
[52] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, IV, 83-101: AAS 56 (1964) 121-125.
[53] X. 1 Tx 5,15; Ep 6,l8.
[54] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 84: AAS 56 (1964) 121.
[55] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 98: AAS 56 (1964) 124.
[56] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 84: AAS 56 (1964) 121.
[57] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 83: AAS 56 (1964) 121.
[58] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 86: AAS 56 (1964) 121; Ibid., 96: AAS 56
(1964) 123; Id., Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 5: AAS 58
(1966) 998.
[59] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 98: AAS 56 (1964) 124.
[60] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 100: AAS 56 (1964) 124.
[61] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 90: AAS 56 (1964) 122.
[62] X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Dignitatis humanae, 4:
AAS 58 (1966) 932-933.
[63] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum
ordinis, 5: AAS 58 (1966) 998; x. Id., Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 122-127: AAS 56 (1964) 130-132.
[64] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 7: AAS 56 (1964) 100-101.
[65] X. Dt 13,10.
[66] X. Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, 259: Sách
Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 75.
[67] ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei:
AAS 57 (1965) 771.
[68] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 128: AAS 56 (1964) 132.
[69] Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, 271: Sách
Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 77.
[70] Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, 272: Sách
Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 77.
[71] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 106: AAS 56 (1964) 126.
[72] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 102: AAS 56 (1964) 125.