CHƯƠNG HAI
CÁC BÍ TÍCH CHỮA
LÀNH
CAPUT SECUNDUM
SACRAMENTA SANATIONIS
1420. Nhờ các bí tích khai tâm Kitô giáo, con người lãnh nhận được
sự sống mới trong Đức Kitô. Nhưng chúng ta mang sự sống này “trong những bình
sành” (2 Cr 4,7). Sự sống này hiện nay còn “đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi
Thiên Chúa” (Cl 3,3). Chúng ta còn sống trong ngôi nhà ở dưới đất của chúng ta[1],
vẫn còn gánh chịu khổ đau, bệnh tật và cái chết. Sự sống mới này của con cái
Thiên Chúa có thể bị suy yếu và thậm chí bị mất đi do tội lỗi.
1421. Chúa Giêsu Kitô, vị thầy thuốc chữa lành linh hồn và thân xác
chúng ta, Đấng đã tha tội cho người bại liệt và ban ơn cứu độ cho cả thân xác
của người ấy[2],
đã muốn Hội Thánh Người, bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, tiếp tục công cuộc
chữa lành và cứu độ của Người, cả cho các chi thể của Người. Đó là mục đích của
hai bí tích chữa lành: bí tích Thống Hối và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.
*******
Mục 4
Bí tích Thống Hối và Giao Hòa
Articulus 4
Sacramentum Poenitentiae et Reconciliationis
1422. “Những ai đến với bí tích Thống Hối đều nhận được, do lòng
khoan dung của Thiên Chúa, sự tha thứ cho việc họ đã xúc phạm đến Ngài và đồng
thời, được giao hoà với Hội Thánh, vốn đã bị tội lỗi làm tổn thương, nhưng vẫn
nỗ lực lấy tình yêu, gương mẫu và kinh nguyện mà làm cho họ được hối cải”[3].
I. BÍ TÍCH NÀY ĐƯỢC GỌI THẾ NÀO?
QUOMODO HOC
SACRAMENTUM APPELLATUR?
1423. Bí tích này được gọi là bí tích của sự hối cải:
bởi vì nó thực hiện cách bí tích lời kêu gọi hối cải của Chúa Giêsu[4],
sự trở về với Chúa Cha, Đấng mà người ta đã lìa xa khi phạm tội[5].
Bí tích này được
gọi là bí tích Thống Hối, bởi vì nó cống hiến một tiến trình hối
cải, có chiều kích cá nhân và giáo hội, cho tội nhân Kitô hữu thống hối và đền
tội.
1424. Bí tích này được gọi là bí tích xưng tội: bởi vì
việc thú nhận, xưng thú các tội lỗi trước một tư tế là yếu tố căn bản của bí
tích này. Theo một ý nghĩa thâm sâu hơn, bí tích này cũng là một việc “tuyên
xưng”, nhận biết và ca ngợi sự thánh thiện của Thiên Chúa và lòng khoan dung
của Ngài đối với con người là tội nhân.
Bí tích này được
gọi là bí tích ban ơn tha thứ, vì nhờ lời xá giải bí tích của vị tư
tế, Thiên Chúa ban cho hối nhân ơn “tha thứ và bình an”[6].
Bí tích này được
gọi là bí tích Giao Hoà, vì ban cho tội nhân tình yêu của
Thiên Chúa, Đấng giao hoà: “Anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20). Ai
sống bởi tình yêu thương xót của Thiên Chúa, sẽ sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa mời
gọi: “Hãy đi làm hoà với người anh em ấy đã” (Mt 5,24).
II. TẠI SAO CẦN BÍ TÍCH GIAO HOÀ
SAU KHI ĐÃ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH RỬA TỘI?
CUR SACRAMENTUM
QUODDAM
RECONCILIATIONIS POST BAPTISMUM?
1425. “Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính
nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta” (1 Cr 6,11).
Phải ý thức sự cao cả của hồng ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong các bí
tích khai tâm Kitô giáo, thì mới hiểu được rằng tội lỗi là một điều đối nghịch
lại với một người đã mặc lấy Đức Kitô[7].
Nhưng thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội,
chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8). Chính
Chúa cũng đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin tha tội cho chúng con” (Lc 11,4), và
Người kết hợp việc chúng ta tha thứ cho nhau những xúc phạm lẫn nhau với ơn
Thiên Chúa tha thứ các tội lỗi chúng ta.
1426. Việc hối cải trở về với Đức Kitô, việc tái
sinh trong bí tích Rửa Tội, hồng ân của Chúa Thánh Thần, Mình và Máu Đức Kitô
được lãnh nhận làm lương thực, làm cho chúng ta trở nên “tinh tuyền thánh thiện
trước thánh nhan Thiên Chúa” (Ep 1,4), cũng như chính Hội Thánh, là Hiền Thê
của Đức Kitô, cũng “thánh thiện và tinh tuyền” trước mặt Người (Ep 5,27). Tuy
nhiên, sự sống mới được lãnh nhận trong cuộc khai tâm Kitô giáo không tiêu huỷ
sự mỏng giòn và yếu đuối của bản tính con người, cũng như sự hướng chiều theo
tội lỗi, mà truyền thống gọi là dục vọng (concupiscentia), vốn
tồn tại nơi những người đã chịu Phép Rửa, để với sự trợ lực của ân sủng của Đức
Kitô, họ vượt qua được những thử thách trong cuộc chiến đấu của đời sống Kitô
hữu[8].
Đây là cuộc chiến đấu của sự hối cải nhằm đạt tới sự thánh
thiện và đời sống vĩnh cửu mà Chúa không ngừng mời gọi chúng ta[9].
III. SỰ HỐI CẢI CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHỊU PHÉP RỬA
BAPTIZATORUM
CONVERSIO
1427. Chúa Giêsu kêu gọi hối cải. Lời kêu gọi này là một phần cốt
yếu của việc loan báo Nước Thiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa
đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong việc rao
giảng của Hội Thánh, lời kêu gọi này trước hết nhằm đến những người chưa biết
Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Như vậy, bí tích Rửa Tội là vị trí đầu tiên và
căn bản của việc hối cải. Chính nhờ tin vào Tin Mừng và nhờ bí tích Rửa Tội[10] mà
người ta từ bỏ sự dữ và đạt được ơn cứu độ, nghĩa là được ơn tha thứ mọi tội
lỗi và được hưởng hồng ân sự sống mới.
1428. Lời kêu gọi hối cải của Đức Kitô vẫn tiếp tục vang vọng trong
đời sống các Kitô hữu. Cuộc hối cải thứ hai này là một nhiệm
vụ liên tục của toàn thể Hội Thánh vì “mang trong lòng mình những tội nhân, vừa
thánh thiện vừa luôn cần được thanh luyện, Hội Thánh phải không ngừng thống hối
và canh tân”[11].
Nỗ lực hối cải này không chỉ là công việc của con người. Việc thống hối là hành
động của một “tâm hồn tan nát”[12] được
ân sủng lôi kéo và thúc đẩy[13],
để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta
trước[14].
1429. Có thể lấy cuộc hối cải của thánh Phêrô, sau khi chối Thầy
mình ba lần, làm bằng chứng cho điều đó. Cái nhìn của lòng thương xót vô biên
của Chúa Giêsu khiến ông khóc lóc thống hối[15] và,
sau khi Chúa sống lại, ông đã ba lần khẳng định tình yêu của ông đối với Người[16].
Cuộc hối cải thứ hai cũng mang chiều kích cộng đoàn. Điều này
được thấy rõ trong lời kêu gọi của Chúa với toàn thể Hội Thánh: “Hãy hối cải!”
(Kh 2,5.16).
Thánh Ambrôsiô nói
về hai cuộc hối cải: “Hội Thánh có nước và nước mắt, nước của bí tích Rửa Tội,
và nước mắt của bí tích Thống Hối”[17].
IV. THỐNG HỐI NỘI TÂM
INTERIOR
POENITENTIA
1430. Cũng như các tiên tri thuở trước, lời kêu gọi hối cải và
thống hối của Chúa Giêsu không nhằm trước tiên đến những việc bên ngoài, “mặc
áo vải thô, rắc tro trên đầu”, giữ chay và khổ chế, nhưng nhằm đến sự
hối cải tâm hồn, sự thống hối nội tâm. Nếu không có sự hối cải nội tâm, các
việc thống hối bên ngoài sẽ vô hiệu và dối trá; ngược lại, sự hối cải nội tâm
thúc đẩy diễn tả tâm tình ấy bằng những dấu chỉ hữu hình, bằng những cử chỉ và
những việc làm thống hối[18].
1431. Thống hối nội tâm là định hướng mới cách triệt để cho cả cuộc
đời, là trở về, là trở lại cùng Thiên Chúa với cả tâm hồn, đoạn tuyệt với tội
lỗi, quay lưng với sự dữ, và ghê tởm những hành động xấu xa chúng ta đã phạm.
Đồng thời thống hối nội tâm cũng bao gồm ước muốn và quyết tâm thay đổi đời
sống, với niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng tin tưởng vào
sự trợ giúp của ân sủng của Ngài. Cuộc hối cải nội tâm này được kèm theo bằng
sự đau khổ và buồn phiền hữu ích được các Giáo phụ gọi là nỗi thống khổ
của tâm hồn, sự cắn rứt của trái tim[19].
1432. Lòng người nặng nề và cứng cỏi. Con người phải được Thiên
Chúa ban cho một trái tim mới[20].
Hối cải trước hết là công trình của ân sủng của Thiên Chúa, Đấng làm cho lòng
chúng ta trở lại với Ngài: “Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Chúa, để chúng
con trở về” (Ac 5,21). Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta bắt đầu
lại. Tâm hồn chúng ta, một khi khám phá ra sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa,
sẽ bị chấn động vì sự khủng khiếp và nặng nề của tội lỗi và bắt đầu sợ không
dám phạm tội xúc phạm Thiên Chúa và sợ bị xa lìa Ngài. Lòng người hối cải, khi
nhìn lên Đấng đã bị tội lỗi chúng ta đâm thâu[21].
“Hãy chiêm ngắm Máu
Đức Kitô và nhận biết rằng Máu ấy quý giá biết bao đối với Thiên Chúa là Cha
Người, Máu ấy, khi đổ ra để cứu độ chúng ta, đã mang lại cho toàn thế giới ơn
thống hối”[22].
1433. Khởi từ cuộc Vượt Qua, Chúa Thánh Thần tố cáo thế gian về tội
lỗi, vì thế gian đã không tin vào Đấng[23] Chúa
Cha đã sai đến. Nhưng cũng chính Chúa Thánh Thần, Đấng tố cáo tội lỗi, lại là
Đấng An Ủi[24],
Đấng ban cho tâm hồn con người ân sủng để họ thống hối và hối cải[25].
V. NHIỀU HÌNH THỨC THỐNG HỐI
TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU
MULTIPLICES
POENITENTIAE FORMAE IN VITA CHRISTIANA
1434. Việc thống hối nội tâm của Kitô hữu có thể được biểu lộ bằng
nhiều cách rất khác nhau. Kinh Thánh và các Giáo phụ nhấn mạnh nhất ba hình
thức: giữ chay, cầu nguyện và bố thí[26] là
những cách diễn tả sự hối cải đối với bản thân, đối với Thiên Chúa và đối với
tha nhân. Bên cạnh sự thanh tẩy triệt để bằng bí tích Rửa Tội hoặc bằng việc tử
đạo, các ngài còn nói đến những phương thế để đạt được ơn tha thứ tội lỗi, đó
là cố gắng giao hoà với anh em, những giọt lệ thống hối, chăm lo cho ơn cứu độ
của tha nhân[27],
khẩn cầu các thánh và thực hành bác ái, “vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn
tội lỗi” (1 Pr 4,8).
1435. Việc hối cải được thực hiện trong đời sống hằng ngày bằng
những hành động giao hoà, quan tâm đến người nghèo, thực thi và bảo vệ công lý
và lẽ phải[28],
bằng việc thú nhận lỗi lầm với anh em, sửa lỗi cho nhau, kiểm điểm đời sống, tự
vấn lương tâm, linh hướng, chấp nhận đau khổ, kiên trì khi bị bách hại vì lẽ
công chính. Con đường chắc chắn nhất của sự thống hối là vác thập giá mình hằng
ngày mà đi theo Chúa Giêsu[29].
1436. Bí tích Thánh Thể và bí tích Thống Hối. Việc hối
cải và thống hối hằng ngày gặp được nguồn mạch và lương thực của mình nơi bí
tích Thánh Thể, bởi vì nơi Thánh Thể, hy lễ của Đức Kitô hiện diện, hy lễ này
giao hoà chúng ta với Thiên Chúa; nhờ bí tích Thánh Thể, những ai sống bởi sức
sống của Đức Kitô sẽ được nuôi dưỡng và được bổ sức; bí tích này là “thuốc giải
độc, giải thoát chúng ta khỏi các lỗi phạm hằng ngày và gìn giữ chúng ta khỏi
các tội trọng”[30].
1437. Việc đọc Kinh Thánh, đọc các Giờ Kinh phụng vụ và kinh Lạy
Cha, bất cứ hành vi chân thành nào trong việc phụng tự và đạo đức, đều khơi dậy
nơi chúng ta tinh thần hối cải và thống hối và góp phần đem lại ơn tha tội cho
chúng ta.
1438. Những thời gian và những ngày thống hối trong năm
phụng vụ (mùa Chay, mỗi ngày thứ sáu tưởng niệm Chúa chịu chết), là những thời
điểm đặc biệt để thực hành việc thống hối trong Hội Thánh[31].
Những thời gian này đặc biệt thích hợp cho các cuộc linh thao, các buổi cử hành
phụng vụ thống hối, các cuộc hành hương thống hối, những việc hãm mình tự
nguyện như giữ chay và bố thí, chia sẻ huynh đệ (các công tác từ thiện và
truyền giáo).
1439. Chúa Giêsu đã mô tả tiến trình hối cải và thống hối một
cách tuyệt vời trong dụ ngôn quen được gọi là dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” mà
trọng tâm của nó là “Người cha nhân hậu”[32]:
sự quyến rũ của một thứ tự do sai lạc, việc rời bỏ nhà cha; sự đau khổ cùng cực
sau khi phung phí tất cả tài sản; sự nhục nhã sâu xa khi thấy mình phải đi chăn
heo, và còn tệ hơn nữa, ước muốn ăn cám heo mà không được; việc suy nghĩ lại về
những điều thiện hảo đã bị đánh mất; sự hối hận và quyết định nhận mình có lỗi
trước mặt cha; con đường trở về; việc đón nhận bao dung của người cha; niềm vui
của người cha: Đó là những nét tiêu biểu của tiến trình hối cải. Áo đẹp, nhẫn
và tiệc mừng là những biểu tượng của một đời sống mới, thanh sạch. xứng đáng,
tràn ngập niềm vui, đó là đời sống của người trở về cùng Thiên Chúa, giữa lòng
gia đình của Ngài, là Hội Thánh. Chỉ trái tim Đức Kitô, Đấng thấu suốt các tầng
sâu thẳm của tình yêu của Cha Người, mới có thể mạc khải cho chúng ta tận đáy
lòng thương xót của Thiên Chúa một cách đơn sơ và đầy vẻ đẹp như vậy.
VI. BÍ TÍCH THỐNG HỐI VÀ GIAO HOÀ
SACRAMENTUM
POENITENTIAE ET RECONCILIATIONIS
1440. Trước hết, tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, là cắt đứt sự
hiệp thông với Ngài. Đồng thời tội làm tổn thương cho sự hiệp thông với Hội
Thánh. Vì vậy, việc hối cải vừa mang lại ơn tha thứ của Thiên Chúa và đồng
thời, vừa mang lại sự giao hoà với Hội Thánh, đó là điều bí tích Thống Hối và
Giao hoà diễn tả và thực hiện trong phụng vụ[33].
Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội
1441. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội[34].
Bởi vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nên Người nói về mình: “Ở dưới đất này,
Con Người có quyền tha tội” (Mc 2,10), và Người thực thi quyền thần linh này:
“Con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5)[35].
Hơn nữa, dựa vào quyền bính thần linh của mình, Đức Kitô còn ban quyền đó cho
những con người[36] để
họ thực thi quyền tha tội nhân danh Người.
1442. Đức Kitô đã muốn toàn thể Hội Thánh của Người, trong kinh
nguyện, đời sống và các hoạt động của mình, là dấu chỉ và dụng cụ cho ơn tha
thứ và giao hoà mà Người đã thủ đắc cho chúng ta, bằng máu châu báu của Người.
Tuy nhiên, Người đã ủy thác việc thực thi quyền tha tội cho thừa tác vụ Tông
Đồ. Chính thừa tác vụ này đã lãnh nhận “chức vụ giao hoà” (2 Cr 5,18). Vị Tông
Đồ được sai đi nhân danh Đức Kitô; và chính Thiên Chúa, qua vị Tông Đồ, khuyên
bảo và nài xin: “Hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20).
Giao hoà với Hội Thánh
1443. Trong đời sống công khai của Người, Chúa Giêsu không những đã
tha tội, mà còn biểu lộ hiệu quả của việc tha tội này: Người đã đưa các tội
nhân được tha thứ về lại với cộng đoàn dân Thiên Chúa, cộng đoàn mà tội lỗi đã
khiến họ phải xa lìa, hay thậm chí khiến họ bị loại trừ. Một dấu chỉ tỏ tường
của việc này là, Chúa Giêsu đã đón nhận các tội nhân vào bàn tiệc của Người,
hơn nữa, chính Người ngồi đồng bàn với họ, cử chỉ này, một cách hùng hồn, vừa
diễn tả ơn tha thứ của Thiên Chúa[37] và
đồng thời, vừa nói lên sự trở về giữa lòng dân Thiên Chúa[38].
1444. Khi Chúa ban cho các Tông Đồ được tham dự vào quyền riêng của
Người là quyền tha tội, Người cũng ban cho họ quyền giao hoà các tội nhân với
Hội Thánh. Chiều kích giáo hội của nhiệm vụ này của các Tông Đồ được diễn tả
cách đặc biệt trong những lời long trọng Đức Kitô nói với ông Phêrô: “Thầy sẽ
trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời
cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ
tháo cởi như vậy” (Mt 16,19). “Nhiệm vụ cầm buộc và tháo cởi, đã được ban cho
thánh Phêrô, cũng được ban cho tập thể các Tông Đồ, kết hợp với vị thủ lãnh của
mình (x. Mt 18,18; 28,16-20)”[39].
1445. Các thuật ngữ cầm buộc và tháo cởi có
nghĩa là: ai bị anh em loại ra khỏi sự hiệp thông với anh em, thì người ấy cũng
bị loại ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa; ai được anh em đón nhận lại vào
sự hiệp thông với anh em, thì Thiên Chúa cũng đón nhận lại người ấy vào sự hiệp
thông với Ngài. Việc giao hoà với Hội Thánh không thể
tách biệt khỏi sự giao hoà với Thiên Chúa.
Bí tích của sự tha thứ
1446. Đức Kitô đã thiết lập bí tích Thống Hối này cho tất cả các
chi thể của Hội Thánh Người, là những tội nhân, trước hết cho những kẻ, sau bí
tích Rửa Tội, lại rơi vào tội trọng, và như thế đánh mất ân sủng Phép Rửa và
làm tổn thương cho sự hiệp thông của Hội Thánh. Bí tích Thống Hối cho những
người này cơ hội mới để hối cải và tìm lại được ơn công chính hoá. Các Giáo phụ
trình bày bí tích này như “cái phao (cứu độ) thứ hai sau khi đắm tàu, tức là
sau khi đánh mất ân sủng”[40].
1447. Qua các thế kỷ, hình thức cụ thể, qua đó Hội Thánh thực thi
quyền tha tội đã lãnh nhận từ Chúa, đã có nhiều thay đổi. Trong các thế kỷ đầu,
việc giao hoà cho các Kitô hữu nào đã phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng sau
khi họ đã lãnh Phép Rửa (thí dụ thờ ngẫu tượng, giết người hay ngoại tình),
được liên kết với một kỷ luật rất khắt khe; theo kỷ luật này, hối nhân phải làm
việc đền tội công khai vì các tội lỗi của họ, thường kéo dài nhiều năm, trước
khi họ được lãnh nhận ơn giao hoà. Thật ra cũng rất ít người bị liệt vào “hàng
hối nhân” (chỉ liên quan tới một số tội nặng nề) và trong một số miền, hối nhân
chỉ được nhận ơn giao hoà một lần trong đời. Vào thế kỷ thứ 7, các nhà truyền
giáo người Ailen, dựa theo truyền thống các đan viện Đông phương, đã mang vào
lục địa Châu Âu hình thức “thống hối riêng”, không đòi hỏi những việc thống hối
công khai và kéo dài trước khi được giao hoà với Hội Thánh. Từ đó, bí tích được
thực hiện cách kín đáo giữa hối nhân và tư tế. Cách thực hành mới này dự liệu
người ta có thể được giao hoà nhiều lần và như vậy mở đường cho việc năng lãnh
nhận bí tích này. Cách thực hành này cũng cho phép gom vào trong cùng một cử
hành bí tích, việc tha thứ các tội trọng và các tội nhẹ. Trong những nét chính,
Hội Thánh vẫn còn thực hành hình thức thống hối này cho tới ngày nay.
1448. Mặc dầu có những thay đổi về kỷ luật và việc cử hành qua các
thế kỷ, người ta nhận thấy bí tích này vẫn giữ nguyên một cấu trúc căn
bản. Bí tích này gồm hai yếu tố cốt yếu như nhau: một đàng, là các
hành động của con người hối cải dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần: thống
hối, thú tội và đền tội; đàng khác, là hành động của Thiên Chúa qua sự can
thiệp của Hội Thánh. Hội Thánh, qua Giám mục và các linh mục của ngài, nhân
danh Chúa Giêsu Kitô, ban ơn tha tội và ấn định việc đền tội, Hội Thánh cũng
cầu nguyện cho tội nhân và cùng làm việc thống hối với họ. Như vậy tội nhân
được chữa lành và được hiệp thông lại với Hội Thánh.
1449. Công thức giải tội trong Giáo Hội La tinh diễn tả những yếu
tố cốt yếu của bí tích này: Chúa Cha hay thương xót là nguồn mạch của ơn tha
thứ. Ngài thực hiện việc giao hoà với các tội nhân nhờ cuộc Vượt Qua của Con
Ngài và nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần, qua lời cầu nguyện và thừa tác vụ của
Hội Thánh:
“Thiên Chúa là Cha
hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa, mà giao hoà thế gian
với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội; xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh, mà
ban cho anh (chị) ơn tha thứ và bình an. Vậy, tôi tha tội cho anh (chị) nhân
danh Cha, và Con, và Thánh Thần”[41].
VII. CÁC HÀNH VI CỦA HỐI NHÂN
POENITENTIS ACTUS
1450. “Việc thống hối đòi buộc tội nhân tự nguyện chịu đựng mọi sự;
ăn năn tội trong trái tim, xưng tội ra ngoài miệng, khiêm tốn trong việc làm và
đền tội một cách có hiệu quả”[42].
Ăn năn tội
1451. Trong các hành vi của hối nhân, đầu tiên là ăn năn tội. Đó là
“đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm
tội nữa”[43].
1452. Khi sự ăn năn tội xuất phát từ lòng yêu mến Chúa trên hết mọi
sự, thì được gọi là ăn năn tội “cách trọn” (ăn năn do đức mến). Cách ăn năn tội
này xoá bỏ các tội nhẹ; và cũng đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nếu hối nhân
quyết tâm đi xưng tội càng sớm càng tốt[44].
1453. Ăn năn tội “cách chẳng trọn” (hoặc hối hận) cũng là một hồng
ân của Thiên Chúa, một thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Nó phát sinh khi thấy sự
xấu xa của tội lỗi hoặc vì sợ bị luận phạt đời đời và sợ các hình phạt khác mà
kẻ tội lỗi phải chịu (ăn năn do sợ hãi). Sự khích động lương tâm như vậy có thể
là khởi đầu của một tiến trình nội tâm, tiến trình này sẽ được hoàn tất dưới
tác động của ân sủng nhờ ơn xá giải bí tích. Việc ăn năn tội cách chẳng trọn tự
nó không đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nhưng chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn
tha tội trong bí tích Thống Hối[45].
1454. Để lãnh nhận bí tích Giao Hoà, hối nhân cần chuẩn bị bằng
việc xét mình dưới ánh sáng Lời Chúa. Những bản văn thích hợp
nhất cho việc này được tìm thấy trong Mười Điều Răn và trong giáo huấn luân lý
của các sách Tin Mừng và các Thư Tông Đồ: trong Bài giảng trên núi, trong những
giáo huấn của các Tông Đồ[46].
Xưng tội
1455. Việc xưng tội (cáo mình), ngay trên bình diện thuần túy nhân
loại, giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta giao hoà với người khác cách dễ
dàng hơn. Qua việc xưng tội, con người nhìn thẳng vào tội lỗi mình đã phạm,
nhận lấy trách nhiệm về các tội đó, và từ đó một lần nữa mở lòng cho Thiên Chúa
và cho sự hiệp thông với Hội Thánh để có thể có một tương lai mới.
1456. Việc xưng tội với một tư tế là phần cốt yếu của bí tích Thống
Hối: “Khi xưng tội, các hối nhân phải kể tất cả các tội trọng mà họ ý thức được
sau khi xét mình kỹ lưỡng, dù những tội trọng này rất thầm kín và chỉ phạm đến
hai điều cuối của Thập Giới[47],
vì những tội này làm tổn thương linh hồn cách trầm trọng hơn, và chúng còn nguy
hiểm hơn những tội phạm cách tỏ tường”[48]:
“Mỗi khi các Kitô
hữu cố gắng xưng thú tất cả các tội lỗi mà họ nhớ được, chắc chắn là họ đã
trình bày tất cả cho lòng thương xót Chúa để được tha thứ. Còn những ai làm
khác đi và cố tình giấu một số tội, thì họ đã chẳng trình bày điều gì cho lòng
nhân hậu Chúa để được tha thứ qua vị tư tế. ‘Vì nếu bệnh nhân xấu hổ không cho
thầy thuốc coi vết thương, thì thuốc không chữa được điều mà nó không biết’”[49].
1457. Theo luật Hội Thánh, “mọi tín hữu, sau khi đến tuổi khôn,
buộc phải xưng các tội trọng của mình một cách trung thực, một năm ít là một
lần”[50].
Ai ý thức mình đã phạm tội trọng, thì không được rước lễ, mặc dầu đã hết sức ăn
năn, trước khi lãnh nhận ơn xá giải bí tích[51],
trừ khi có lý do hệ trọng để rước lễ và không thể đến với một cha giải tội[52].
Trẻ em phải lãnh nhận bí tích Thống Hối trước khi rước lễ lần đầu[53].
1458. Việc xưng các lỗi phạm hằng ngày (các tội nhẹ), tuy không
thật sự cần thiết, vẫn được Hội Thánh thiết tha khuyến khích[54].
Quả thật, việc năng xưng các tội nhẹ giúp chúng ta rèn luyện lương tâm, để
chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, để cho Đức Kitô chữa lành chúng ta,
và để chúng ta tiến tới trong đời sống theo Chúa Thánh Thần. Năng hưởng nhờ
hồng ân của lòng thương xót của Chúa Cha qua bí tích này, chúng ta được thúc
đẩy để trở nên hay thương xót như Ngài[55]:
“Ai thú nhận và
xưng tội mình là đã cộng tác với Thiên Chúa. Thiên Chúa tố cáo các tội của bạn;
nếu chính bạn cũng cáo tội mình, thì bạn được kết hợp với Thiên Chúa. Con người
và tội nhân là như hai thực tại: khi nói về con người, thì đó là việc Thiên
Chúa làm; khi nói về tội nhân, thì đó là chuyện chính con người làm. Bạn hãy
phá đi điều bạn đã làm, để Thiên Chúa cứu độ điều Ngài đã làm…. Khi bạn bắt đầu
ghét điều bạn đã làm, lúc đó những việc tốt đẹp của bạn khởi sự, bởi vì bạn đã
cáo mình về các việc xấu của bạn. Xưng thú các việc xấu là bắt đầu các việc
tốt. Bạn đang thực hiện sự thật và bạn đang đến cùng Ánh sáng”[56].
Việc đền tội
1459. Có nhiều tội gây thiệt hại cho tha nhân. Phải làm hết sức có
thể, để sửa sai lại (thí dụ, trả lại đồ vật đã lấy cắp, phục hồi danh dự cho người
mình đã vu khống, bồi thường các thương tích). Riêng đức công bằng đã đòi hỏi
điều đó. Nhưng hơn nữa, tội lỗi gây thương tổn và làm suy yếu chính tội nhân,
và cả mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa và với tha nhân. Việc xá giải xoá bỏ
tội lỗi, nhưng không mang lại phương dược cho mọi xáo trộn do tội lỗi gây nên[57].
Được giải thoát khỏi tội lỗi, tội nhân còn phải hồi phục đầy đủ sức khoẻ thiêng
liêng. Vì vậy, họ còn phải làm một việc gì đó để sửa lại tội lỗi của họ: phải
“đền bù” cách thích hợp hoặc “đền tạ” về các tội lỗi của mình. Việc đền tội này
cũng được gọi là “thống hối”.
1460. Việc đền tội, mà vị giải tội ấn định, phải chú ý đến
tình trạng riêng của hối nhân và mưu cầu điều thiện hảo thiêng liêng cho họ.
Bao nhiêu có thể, việc đền tội phải tương xứng với sự trầm trọng và bản chất
của các tội đã phạm. Có thể đền tội bằng cách cầu nguyện, dâng cúng, bằng những
việc từ thiện, phục vụ tha nhân, bằng các việc hãm mình, hy sinh, và nhất là
kiên trì đón nhận thánh giá chúng ta phải vác. Những việc đền tội như thế giúp
chúng ta nên giống Đức Kitô, Đấng duy nhất, đã đền bù tội lỗi chúng ta[58] một
lần cho mãi mãi. Chúng sẽ làm cho chúng ta trở nên đồng thừa tự với Đức Kitô
phục sinh, bởi vì “chúng ta cùng chịu đau khổ với Người” (Rm 8,17)[59]:
“Chúng ta không thể
làm việc đền tội để đền vì tội lỗi chúng ta, nếu không nhờ Chúa Giêsu Kitô: tự
sức mình chúng ta không thể làm được gì, nhưng cùng với Người là ‘Đấng ban sức
mạnh cho chúng ta, chúng ta làm được mọi việc’[60].
Con người không có gì để tự phụ, nhưng tất cả vinh quang của chúng ta là ở nơi
Đức Kitô, … trong Người, chúng ta đền tội, bằng cách ‘làm ra những hoa quả xứng
đáng của lòng thống hối’[61],
do Người, những hoa quả ấy có sức mạnh; bởi Người, chúng được dâng lên Chúa
Cha; và nhờ Người, chúng được Chúa Cha chấp nhận”[62].
VIII. THỪA TÁC VIÊN CỦA BÍ TÍCH THỐNG HỐI
HUIUS SACRAMENTI
MINISTER
1461. Bởi vì Đức Kitô đã trao cho các Tông Đồ của Người thừa tác vụ
giao hoà[63],
nên các giám mục, những người kế nhiệm các ngài, và các linh mục, là những cộng
sự viên của các giám mục, tiếp tục thi hành thừa tác vụ này. Thật vậy, các giám
mục và các linh mục, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, có quyền tha tất cả tội lỗi
“nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
1462. Việc xá giải tội lỗi giao hoà chúng ta với Thiên Chúa và cũng
giao hoà với Hội Thánh. Vì vậy, Giám mục, vị thủ lãnh hữu hình của Giáo Hội địa
phương, từ rất xa xưa, vẫn được coi là người có quyền và có thừa tác vụ giao
hoà một cách chính yếu: ngài là người điều phối kỷ luật thống hối[64].
Các linh mục, là cộng sự viên của ngài, thi hành thừa tác vụ này trong phạm vi
năng quyền mà họ lãnh nhận hoặc do giám mục của mình (hay do bề trên dòng tu)
hoặc do Đức Giáo Hoàng, theo luật Hội Thánh[65].
1463. Có một số tội nặng đặc biệt, ai phạm sẽ bị vạ tuyệt thông, là
hình phạt nặng nhất theo giáo luật, cấm không cho nhận lãnh các bí tích và
không được thi hành một số tác vụ trong Hội Thánh[66],
và việc xá giải hình phạt này chỉ có thể được ban, theo giáo luật, do Đức Giáo
Hoàng, do Giám mục giáo phận hay do các linh mục được các vị trên ủy quyền[67].
Trong trường hợp nguy tử, bất cứ linh mục nào, dù không có năng quyền giải tội,
vẫn có thể tha hết mọi tội và mọi vạ tuyệt thông[68].
1464. Các tư tế phải khuyến khích các tín hữu đến với bí tích Thống
Hối, và phải tỏ ra luôn sẵn sàng cử hành bí tích này mỗi khi các Kitô hữu yêu
cầu một cách hợp lý[69].
1465. Khi cử hành bí tích Thống Hối, tư tế chu toàn thừa tác vụ của
vị Mục tử nhân lành đi tìm chiên lạc, của người Samaritanô nhân hậu băng bó các
vết thương, của người Cha chờ đợi đứa con hoang đàng và đón nhận nó khi nó trở
về, của vị thẩm phán công chính không thiên vị ai, và xét xử vừa công bằng vừa
hay thương xót. Tắt một lời, tư tế là dấu chỉ và là dụng cụ của tình yêu thương
xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.
1466. Vị giải tội không phải là chủ nhân, nhưng là thừa tác viên
của ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thừa tác viên của bí tích này phải gắn bó mình
với ý hướng và tình yêu của Đức Kitô[70].
Ngài phải có một sự hiểu biết đã được kiểm chứng về luân lý Kitô giáo, có kinh
nghiệm về các vấn đề nhân bản, biết tôn trọng và dịu dàng đối với người sa ngã;
ngài phải yêu mến sự thật, trung thành với Huấn Quyền của Hội Thánh và kiên trì
giúp hối nhân được chữa lành và trưởng thành đầy đủ. Ngài phải cầu nguyện và
đền tội cho hối nhân, trong khi phó thác họ cho lòng thương xót của Chúa.
1467. Vì sự thánh thiêng và cao cả rất hiển nhiên của thừa tác vụ
này và vì sự tôn trọng phải có đối với con người, Hội Thánh tuyên bố rằng mọi
tư tế nghe xưng tội, bắt buộc phải giữ bí mật tuyệt đối về các tội mà hối nhân
đã xưng với họ, nếu lỗi phạm sẽ bị những hình phạt nghiêm khắc nhất[71].
Các linh mục cũng không được sử dụng những hiểu biết do việc xưng tội cung cấp
cho họ về đời sống của các hối nhân. Bí mật này, không chấp nhận các luật trừ,
được gọi là “ấn tín bí tích”, bởi vì tất cả những gì hối nhân đã bày tỏ với
linh mục, đều được “niêm ấn” bởi bí tích.
IX. CÁC HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH THỐNG HỐI
EFFECTUS HUIUS
SACRAMENTI
1468. “Tất cả hiệu quả của bí tích Thống Hối là đưa chúng ta về lại
trong ân sủng của Thiên Chúa và kết hợp chúng ta với Ngài bằng tình thân nghĩa
thắm thiết”[72].
Vì vậy, mục đích và hiệu quả của bí tích này là sự giao hoà với Thiên
Chúa. Nơi những người lãnh nhận bí tích Thống Hối với lòng ăn năn và sự
chuẩn bị đạo đức, “bí tích này sẽ mang lại sự bình an và thư thái trong lương
tâm, kèm theo là niềm an ủi dào dạt trong tâm hồn”[73].
Thật vậy, bí tích Giao Hoà với Thiên Chúa mang lại một “cuộc phục sinh thiêng
liêng” thật sự, hoàn trả lại phẩm giá và những điều thiện hảo cho đời sống làm
con Thiên Chúa, mà cao qúi nhất là tình thân nghĩa với Thiên Chúa[74].
1469. Bí tích này giao hoà chúng ta với Hội Thánh. Tội
lỗi làm suy yếu hay cắt đứt sự hiệp thông huynh đệ. Bí tích Thống Hối canh tân
hoặc tái tạo sự hiệp thông đó. Theo nghĩa này, bí tích không những chữa lành
hối nhân, làm cho họ được hiệp thông lại với Hội Thánh, mà còn có một hiệu quả
mang lại sức sống cho đời sống Hội Thánh, vốn đã phải chịu đựng tội lỗi của một
trong các chi thể của mình[75].
Tội nhân, một khi đã được phục hồi hay được củng cố trong mầu nhiệm các thánh
thông công, thì được tăng cường nhờ sự hiệp thông các gia sản thiêng liêng giữa
mọi chi thể sống động của Thân Thể Đức Kitô, hoặc còn đang trên đường lữ hành,
hoặc đã ở nơi quê hương thiên quốc[76]:
“Nhưng phải thêm
rằng việc giao hoà này với Thiên Chúa như còn dẫn tới những sự giao hoà khác,
để hàn gắn nhiều đổ vỡ khác do tội gây ra: khi được tha thứ, hối nhân giao hoà
với chính mình nơi phần thâm sâu nhất của hữu thể mình, nơi người đó tìm lại
được sự thật nội tại của mình; hối nhân được giao hoà với anh em mà một cách
nào đó họ đã xúc phạm và gây thương tổn; hối nhân được giao hoà với Hội Thánh;
hối nhân được giao hoà với tất cả các thụ tạo”[77].
1470. Trong bí tích này, khi phó mình cho sự phán xét đầy thương
xót của Thiên Chúa, một cách nào đó, tội nhân tham dự trước vào sự phán
xét mà họ phải chịu khi cuộc đời ở trần gian của họ kết thúc. Vì bây
giờ, trong cuộc đời này, chúng ta còn được chọn lựa giữa cõi sống và cõi chết:
nếu không nhờ con đường hối cải, chúng ta không thể vào được Nước Thiên Chúa,
nơi mà vì tội trọng chúng ta bị loại trừ ra khỏi đó[78].
Khi ăn năn trở lại với Đức Kitô nhờ Thống Hối và đức tin, tội nhân sẽ từ cõi
chết bước vào cõi sống và “khỏi bị xét xử" (Ga 5,24).
X. CÁC ÂN XÁ
INDULGENTIAE
1471. Giáo lý và việc thực hành về các ân xá trong Hội Thánh liên
hệ mật thiết với các hiệu quả của bí tích Thống Hối.
Ân xá là gì?
“Ân xá là việc tha
thứ trước mặt Thiên Chúa khỏi những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã
phạm, dù những tội đó đã được tha thứ. Để hưởng nhờ ân xá, Kitô hữu phải hội đủ
những điều kiện được thẩm quyền của Hội Thánh quy định, vì với tư cách là thừa
tác viên của Ơn cứu chuộc, Hội Thánh có thẩm quyền phân phát và chia sẻ kho
tàng công phúc của Đức Kitô và các Thánh”[79].
“Ân xá có thể là
từng phần hay toàn phần, tuỳ theo mức độ giải thoát từng phần hay trọn vẹn các
hình phạt tạm đáng phải chịu vì tội”[80].
“Tín hữu nào cũng có thể hưởng các ân xá … cho chính mình, hay cho những người
đã qua đời”[81].
Những hình phạt do tội
1472. Để hiểu giáo lý và việc thực hành này của Hội Thánh, chúng ta
phải biết tội lỗi có hậu quả kép. Tội trọng làm cho chúng ta
không được hiệp thông với Thiên Chúa, và do đó làm cho chúng ta không còn khả
năng hưởng sự sống muôn đời; sự mất mát này được gọi là “hình phạt đời đời” do
tội lỗi. Mặt khác, bất cứ tội nào, dù là tội nhẹ, đều kéo theo nó một sự quyến
luyến lệch lạc với các thụ tạo, nên cần được thanh tẩy, hoặc ngay ở đời này,
hoặc sau khi chết, trong tình trạng được gọi là luyện ngục. Sự thanh tẩy này
giải thoát khỏi điều được gọi là “hình phạt tạm” do tội. Hai hình phạt này
không được coi như một cách báo thù nào đó do Thiên Chúa giáng xuống từ bên
ngoài, nhưng đúng hơn phải coi như là xuất phát từ chính bản chất của tội. Việc
hối cải do đức mến nồng nàn có thể đưa đến một sự thanh tẩy trọn vẹn cho tội
nhân, đến độ không còn hình phạt nào tồn tại nữa[82].
1473. Sự tha thứ tội lỗi và tái lập hiệp thông với Thiên Chúa khiến
chúng ta được tha các hình phạt đời đời do tội. Nhưng những hình phạt tạm do
tội vẫn còn. Kitô hữu, trong khi nhẫn nại chịu đựng những đau khổ và thử thách
đủ loại, và trong việc đón nhận cái chết với tâm hồn thanh thản khi ngày đó
đến, phải cố gắng đón nhận những hình phạt tạm do tội như là một ân sủng; họ
phải cố gắng cởi bỏ hoàn toàn “con người cũ” và mặc lấy “con người mới”[83],
nhờ những công việc đầy tình thương xót và bác ái, cũng như nhờ cầu nguyện và
nhiều việc thống hối khác nhau.
Trong mầu nhiệm “các thánh thông công”
1474. Kitô hữu không đơn độc khi cố gắng thanh tẩy mình khỏi tội
lỗi và thánh hóa bản thân với sự trợ giúp của ơn Chúa. “Đời sống của mỗi con
cái Thiên Chúa được kết hợp một cách lạ lùng, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô,
với đời sống của tất cả các anh em Kitô hữu trong sự hợp nhất siêu nhiên của
Nhiệm Thể Đức Kitô, như trong một con người huyền nhiệm”[84].
1475. Trong mầu nhiệm “các thánh thông công”, “giữa các tín hữu, cả
những vị đã đạt tới quê hương thiên quốc, cả những người còn đền tội nơi luyện
ngục, cả những người đang lữ hành trên trần gian, có một dây liên kết vững bền
trong tình yêu và một sự trao đổi dồi dào tất cả các điều thiện hảo”[85].
Trong sự trao đổi kỳ diệu này, sự thánh thiện của một người sinh lợi cho những
người khác, vượt xa sự thiệt hại mà tội lỗi của một người có thể gây ra cho
những người khác. Như vậy, sự trở về với mầu nhiệm “các thánh thông công” cho
phép tội nhân thống hối được thanh tẩy khỏi các hình phạt do tội một cách nhanh
chóng và hữu hiệu hơn.
1476. Chúng ta gọi những điều thiện hảo thiêng liêng của mầu nhiệm
“các Thánh thông công” là kho tàng của Hội Thánh, “thật ra đây
không phải là như tổng số các điều thiện hảo giống như tổng số của cải vật chất
được tích lũy qua bao thế kỷ, nhưng là giá trị vô cùng vô tận trước nhan Thiên
Chúa của những việc đền tội và những công phúc của Chúa Kitô, tất cả được dâng
lên để toàn thể nhân loại được giải thoát khỏi tội lỗi và được hiệp thông với
Chúa Cha; chính Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc, trong Người có, và có một cách dư
dật, những việc đền tội và những công phúc do Ơn cứu chuộc của Người”[86].
1477. “Ngoài ra, kho tàng này còn bao gồm giá trị vô lượng vô biên
và luôn luôn mới trước nhan Thiên Chúa của những lời cầu nguyện và những việc
lành của Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc và của tất cả các Thánh. Là những người
bước theo chân Chúa Kitô nhờ ân sủng của Người, các ngài đã thánh hoá bản thân,
và chu toàn công việc được Chúa Cha chấp nhận; đến độ, khi hành động để chính
mình được cứu độ, các ngài cũng góp phần làm cho các anh em mình được cứu độ
trong sự hợp nhất của nhiệm thể”[87].
Nhận được ân xá của Thiên Chúa nhờ Hội Thánh
1478. “Người ta nhận được ân xá nhờ Hội Thánh; Hội Thánh, nhờ quyền
cầm buộc và tháo cởi do Chúa Giêsu Kitô ban, can thiệp vì lợi ích của một Kitô
hữu nào đó và mở cho họ kho tàng công phúc của Đức Kitô và của các thánh, để họ
nhận được nơi Chúa Cha giàu lòng thương xót ơn tha thứ những hình phạt tạm họ
đáng phải chịu do tội. Như vậy, Hội Thánh không những muốn giúp đỡ tín hữu đó,
mà còn thúc đẩy họ làm những việc đạo đức, thống hối và bác ái”[88].
1479. Bởi vì các tín hữu đã qua đời đang chịu thanh luyện cũng là
những thành viên trong mầu nhiệm các thánh thông công, nên chúng ta có thể giúp
họ, ngoài các cách khác, bằng cách lãnh nhận các ân xá (để nhường) cho họ, nhờ
đó, họ được tha các hình phạt tạm họ đang phải chịu do tội lỗi của họ.
XI. CỬ HÀNH BÍ TÍCH THỐNG HỐI
CELEBRATIO
SACRAMENTI POENITENTIAE
1480. Cũng như tất cả các bí tích, bí tích Thống Hối là một hành
động phụng vụ. Đây là những yếu tố thông thường của việc cử hành: Lời chào hỏi
và chúc lành của tư tế, việc đọc Lời Chúa để soi sáng lương tâm và khơi dậy
lòng ăn năn, và việc khuyên nhủ thống hối; việc xưng tội gồm nhìn nhận tội lỗi
và xưng ra với tư tế; tư tế ấn định và hối nhân chấp nhận việc đền tội; lời xá
giải của tư tế; hối nhân ca ngợi tạ ơn và ra về với phép lành của tư tế.
1481. Phụng vụ Byzantin có nhiều công thức xá giải, mang hình thức
cầu khẩn, diễn tả cách tuyệt vời mầu nhiệm tha thứ: “Thiên Chúa đã dùng tiên
tri Nathan mà tha thứ cho Đavid khi ông xưng thú tội mình. Ngài đã tha thứ cho
ông Phêrô khi ông khóc lóc đau đớn, đã tha thứ cho người kỹ nữ khi cô nhỏ lệ
trên chân Chúa, đã tha thứ cho người thu thuế và cho đứa con hoang đàng. Xin
chính Thiên Chúa tha thứ cho bạn, qua tôi, là kẻ tội lỗi, ở đời này và đời sau,
và không kết án bạn, khi đòi bạn phải ra trước toà phán xét khủng khiếp của
Ngài, Ngài là Đấng được chúc tụng muôn đời. Amen”[89].
1482. Bí tích Thống Hối cũng có thể diễn ra trong khung cảnh
một cử hành cộng đoàn, trong đó các hối nhân cùng nhau chuẩn bị
xưng tội và cùng nhau cảm tạ sau khi được ơn tha thứ. Ở đây, việc xưng tội cá
nhân và việc xá giải từng người được chen vào trong một cử hành phụng vụ Lời
Chúa, với các bài đọc và bài giảng, xét mình chung, cùng nhau xin ơn tha thứ,
đọc kinh Lạy Cha và cùng nhau tạ ơn. Việc cử hành cộng đoàn này diễn tả rõ nét
hơn chiều kích Hội Thánh của việc thống hối. Tuy nhiên, dầu cử hành cách nào,
bí tích Thống Hối, tự bản chất của nó, vẫn luôn luôn là một hành động phụng vụ,
vì vậy luôn có chiều kích Hội Thánh và có tính công khai[90].
1483. Trong những trường hợp có nhu cầu nghiêm trọng, có thể cử
hành bí tích Giao Hoà tập thể tức là xưng tội chung và xá giải chung. Trường
hợp có nhu cầu nghiêm trọng như vậy có thể xảy ra, là khi trong cơn nguy tử mà
một hay nhiều tư tế không đủ thời giờ nghe từng hối nhân xưng tội. Trường hợp
có nhu cầu nghiêm trọng cũng có thể là, khi có đông hối nhân mà không có đủ cha
giải tội để nghe từng người xưng tội đúng cách trong một thời gian thích hợp,
đến nỗi các hối nhân không được lãnh ơn của bí tích hoặc không được rước lễ
trong thời gian lâu dài mà không do lỗi của họ. Trong trường hợp này, để việc
xá giải được thành sự, các tín hữu phải quyết tâm là sẽ đi xưng tội riêng những
tội trọng của mình vào thời gian thích hợp[91].
Giám mục giáo phận có quyền thẩm định những điều kiện cần thiết để giải tội tập
thể[92].
Số lượng đông đảo các tín hữu trong những dịp lễ lớn hay các cuộc hành hương,
không được coi là trường hợp có nhu cầu nghiêm trọng[93].
1484. “Việc xưng tội riêng và xưng tội đầy đủ cùng với việc xá giải
tạo thành phương cách thông thường duy nhất, nhờ đó các tín hữu được giao hoà
với Thiên Chúa và với Hội Thánh; chỉ có sự bất lực thể lý hay luân lý mới miễn
chuẩn việc xưng tội như trên”[94].
Điều này có những lý do sâu xa. Đức Kitô hành động trong mỗi bí tích. Người
đích thân nói với từng tội nhân: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5);
Người là thầy thuốc cúi mình trên từng bệnh nhân đang cần Người chữa lành[95];
Người nâng họ dậy và dẫn họ về hiệp thông lại với anh em. Vì vậy, việc xưng tội
riêng là hình thức có ý nghĩa nhất trong việc giao hoà với Thiên Chúa và với
Hội Thánh.
TÓM LƯỢC
1485. Chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ
và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy
được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
1486. Việc tha thứ tội lỗi đã phạm sau bí tích Rửa Tội được trao
ban nhờ một bí tích riêng được gọi là bí tích Hối cải, bí tích Giải tội, bí
tích Thống Hối, hoặc bí tích Giao hoà.
1487. Ai phạm tội, đều xúc phạm đến danh dự và tình yêu của
Thiên Chúa, xúc phạm đến phẩm giá riêng của mình, là người được mời gọi làm con
Thiên Chúa và xúc phạm đến giá trị linh thiêng của Hội Thánh mà mỗi Kitô hữu
phải là viên đá sống động.
1488. Trong ánh sáng đức tin, không có gì xấu hơn là tội lỗi;
không có hậu quả nào thảm hại hơn cho chính tội nhân, cho Hội Thánh và cho cả
thế giới.
1489. Việc trở về hiệp thông với Thiên Chúa, sự hiệp thông đã bị
đánh mất do tội, xuất phát từ ân sủng của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng nhân từ
luôn quan tâm cứu độ con người. Phải van xin hồng ân quý giá này cho bản thân
cũng như cho mọi kẻ khác.
1490. Động thái trở về với Thiên Chúa được gọi là hối cải và
thống hối, gồm sự đau buồn và ghê tởm các tội đã phạm và quyết tâm không phạm
tội nữa. Vì vậy, sự hối cải bao trùm cả quá khứ lẫn tương lai, được nuôi dưỡng
bằng sự trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
1491. Bí tích Thống Hối bao gồm ba hành vi của hối nhân và sự xá
giải của tư tế. Ba hành vi của hối nhân là: thống hối; xưng tội với tư tế;
quyết tâm làm việc đền tội và các việc đền bù.
1492. Thống hối (hay ăn năn tội) phải do động lực đức tin thúc
đẩy. Nếu thống hối phát xuất từ lòng yêu mến Chúa, thì đó là ăn năn tội “cách
trọn”; nếu phát xuất từ những động lực khác, thì đó là ăn năn tội “cách chẳng
trọn”.
1493. Ai muốn được giao hoà với Thiên Chúa và với Hội Thánh,
phải xưng thú cùng tư tế tất cả những tội trọng chưa xưng và nhớ được sau khi
đã xét mình kỹ lưỡng. Hội Thánh tha thiết khuyên xưng các tội nhẹ, mặc dù điều
này không bắt buộc.
1494. Vị giải tội chỉ định cho hối nhân thi hành một số việc
“đền tội” hoặc “thống hối” nào đó, để đền bù những thiệt hại do tội gây ra, và
để tái lập những tập quán riêng của người môn đệ Đức Kitô.
1495. Chỉ các tư tế được Hội Thánh ban năng quyền giải tội, mới
có thể tha tội nhân danh Đức Kitô.
1496. Những hiệu quả thiêng liêng của bí tích Thống Hối là:
– được giao
hoà với Thiên Chúa, và như vậy, hối nhân được nhận lại ân sủng;
– được giao
hoà với Hội Thánh;
– được tha
thứ hình phạt đời đời đáng phải chịu vì các tội trọng đã phạm;
– được tha
thứ, ít nhất một phần, các hình phạt tạm là hậu quả của tội;
– được bình
an thư thái trong lương tâm và được an ủi thiêng liêng;
– được gia
tăng sức mạnh thiêng liêng để chiến đấu trong cuộc đời Kitô hữu.
1497. Việc xưng thú cá nhân và xưng thú tất cả các tội trọng,
tiếp theo là việc xá giải, là phương thức thông thường duy nhất để lãnh nhận ơn
giao hoà với Thiên Chúa và với Hội Thánh.
1498. Nhờ các ân xá, các tín hữu có thể đạt được cho chính mình
và cả cho các linh hồn trong luyện ngục, ơn tha thứ các hình phạt tạm, là hậu
quả của tội.
Nguồn: http://giaolyductin.net
[1] X. 2 Cr 5,1.
[2] X. Mc 2,1-12.
[3] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen
Gentium, 11: AAS 57 (1965) 15.
[4] X. Mc 1,15.
[5] X. Lc 15,18.
[6] X. Nghi thức Thống Hối, 46, 55
(Typis Polyglottis Vaticanis 1974) 27. 37.
[7] X. Gl 3,27.
[8] X. CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de
peccato originali, c. 5: DS 1515.
[9] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de
iustificatione, c. 16: DS 1545; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen
Gentium, 40: AAS 57 (1965) 44-45.
[10] X. Cv 2,38.
[11] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen
Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.
[12] X. Tv 51,19.
[13] X. Ga 6,44; 12,32.
[14] X. 1 Ga 4,10.
[15] X. Lc 22,61-62.
[16] X. Ga 21,15-17.
[17] Thánh Ambrôsiô, Epistula extra
collectionem, 1 [41], 12: CSEL 82/3, 152 (PL 16, 1116).
[18] X. Ge 2,12-13; Is 1,16-17; Mt 6,1-6. 16-18.
[19] X. CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de
sacramento Paenitentiae, c. 4: DS 1676-1678; Id., Sess. 14a, Canones
de Paenitentia, canon 5: DS 1705; Catechismus Romanus, 2, 5, 4:
ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 289.
[20] X. Ed 36,26-27.
[21] X. Ga 19,37; Dcr 12,10.
[22] Thánh Clêmentê Rôma, Epistula ad Corinthios, 7,4:
SC 167, 110 (Funk 1, 108).
[23] X. Ga 16,8-9.
[24] X. Ga 15,26.
[25] X. Cv 2,36-38; ĐGH Gioan Phalô II, Thông điệp Dominum
et vivificantem, 27-48: AAS 78 (1986) 837-868.
[26] X. Tb 12,8; Mt 6,1-18.
[27] X. Gc 5,20.
[28] X. Am 5,24; Is 1,17,
[29] X. Lc 9,23.
[30] X. CĐ Triđentinô, Sess. 13a, Decretum de ss.
Eucharistia, c. 2: DS 1638.
[31] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 109-110: AAS 56 (1964) 127; Bộ Giáo Luật, các
điều 1249-1253; Bộ Giáo Luật Đông phương, các điều 880-883.
[32] X. Lc 15,11-24.
[33] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen
Gentium, 11: AAS 57 (1965) 15.
[34] X. Mc 2,7.
[35] Lc 7,48.
[36] X. Ga 20,21-23.
[37] X. Lc 15.
[38] X. Lc 19,9.
[39] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen
Gentium, 22: AAS 57 (1965) 26.
[40] CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de
iustificatione, c. 14: DS 1542; x. Tertullianô, De paenitentia,
4, 2: CCL 1, 326 (PL 1, 1343).
[41] Nghi thức Thống Hối, 46. 55 (Typis
Polyglottis Vaticanis 1974) 27. 37.
[42] Catechismus Romanus, 2, 5, 21 : ed. P.
Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 299; x. CĐ Triđentinô, Sess.
14a, Doctrina de sacramento Paenitentiae, c. 3: DS 1673.
[43] CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de
sacramento Paenitentiae, c. 4: DS 1676.
[44] CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de
sacramento Paenitentiae, c. 4: DS 1677.
[45] X. CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de
sacramento Paenitentiae, c. 4: DS 1678 ; Id., Sess. 14a, Canones
de sacramento Paenitentiae, c. 5: DS 1705.
[46] X. Rm 12-15; 1 Cr 12-13 ; Gl 5 ; Ep 4-6.
[47] X. Xh 20,17; Mt 5,28.
[48] CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento
Paenitentiae, c. 5: DS 1680.
[49] CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de
sacramento Paenitentiae, c. 5: DS 1680; x. Thánh Hiêrônimô, Commentarius
in Ecclesiasten, 10,11 : CCL 72, 338 (PL 23, 1096).
[50] Bộ Giáo Luật, điều 989; x. CĐ
Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento Paenitentiae, c.
5: DS 1683 ; Id., Sess. 14a, Canones de sacramento Paenitentiae, c.
8: DS 1708.
[51] X. CĐ Triđentinô, Sess. 13, Decretum de ss.
Eucharistia, c. 7: DS 1647; Ibid., canon 11: DS 1661.
[52] X. Bộ Giáo Luật, điều 916; Bộ
Giáo Luật Đông phương, điều 711.
[53] X. Bộ Giáo Luật, điều 914.
[54] X. CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de
sacramento Paenitentiae, c. 5: DS 1680; Bộ Giáo Luật, điều
988, 2.
[55] X. Lc 6,36.
[56] Thánh Augustinô, In Iohannis evangelium
tractatus, 12,13: CCL 36, 128 (PL 35, 1491).
[57] X. CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Canones de
sacramento Paenitentiae, canon 12: DS 1712.
[58] X. Rm 3,25; 1 Ga 2,1-2.
[59] X. CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de
sacramento Paenitentiae, c. 8: DS 1690.
[60] X. Pl 4,13.
[61] X. Lc 3,8.
[62] CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de
sacramento Paenitentiae, c. 8: DS 1691.
[63] X. Ga 20,23; 2 Cr 5,18.
[64] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen
Gentium, 26: AAS 57 (1965) 32.
[65] X. Bộ Giáo Luật, các điều 844.
967-969. 972; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 722, 3-4.
[66] X. Bộ Giáo Luật, điều 1331; Bộ
Giáo Luật Đông phương, các điều 1431. 1434.
[67] X. Bộ Giáo Luật, các điều
1354-1357; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 1420.
[68] X. Bộ Giáo Luật, điều 976; pro
peccatorum vero absolutione, Bộ Giáo Luật Đông phương, điều
725.
[69] X. Bộ Giáo Luật, điều 986; Bộ
Giáo Luật Đông phương, điều 735; CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum
ordinis, 13: AAS 58 (1966) 1012.
[70] X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum
ordinis, 13: AAS 58 (1966) 1012.
[71] X. Bộ Giáo Luật, các điều 983-984.
1388,1; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 1456.
[72] Catechismus Romanus, 2, 5, 18: ed. P.
Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 297.
[73] X. CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de
sacramento Paenitentiae, 3: DS 1674.
[74] X. Lc 15,32.
[75] X. 1 Cr 12,26.
[76] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen
Gentium, 48-50: AAS 57 (1965) 53-57.
[77] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio
et paenitentia, 31, V: AAS 77 (1985) 265.
[78] X. 1 Cr 5,11; Gl 5,19-21; Kh 22,15.
[79] ĐGH Phaolô VI, Tông hiến Indulgentiarum
doctrina, Normae 1: AAS 59 (1967) 21.
[80] ĐGH Phaolô VI, Tông hiến Indulgentiarum
doctrina, Normae 2: AAS 59 (1967) 21.
[81] Bộ Giáo Luật, điều 994.
[82] X. CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Canones de
sacramento Paenitentiae, canones 12-13: DS 1712-1713; Id., Sess. 25a, Decretum
de purgatorio: DS 1820.
[83] X. Ep 4,24.
[84] ĐGH Phaolô VI, Tông hiến Indulgentiarum
doctrina, 5: AAS 59 (1967) 11.
[85] ĐGH Phaolô VI, Tông hiến Indulgentiarum
doctrina, 5: AAS 59 (1967) 12.
[86] ĐGH Phaolô VI, Tông hiến Indulgentiarum
doctrina, 5: AAS 59 (1967) 11.
[87] ĐGH Phaolô VI, Tông hiến Indulgentiarum
doctrina, 5: AAS 59 (1967) 11-12.
[88] X. ĐGH Phaolô VI, Tông hiến Indulgentiarum
doctrina, 8: AAS 59 (1967) 16-17; CĐ Triđentinô, Sess. 25a, Decretum
de indulgentiis: DS 1835.
[89] Eukologion to mega (Athens 1992) 222.
[90] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 26-27: AAS 56 (1964) 107.
[91] X. Bộ Giáo Luật, điều 962,1.
[92] X. Bộ Giáo Luật, điều 961,2.
[93] X. Bộ Giáo Luật, điều 961,1-2.
[94] Nghi thức Thống Hối, Praenotanda, 31
(Typis Polyglottis Vaticanis 1974) 21.
[95] X. Mc 2,17.