SÁCH GIÁO LÝ CỦA
HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO (SECTIO
SECUNDA FIDEI CHRISTIANAE PROFESSIO) - CÁC TÍN BIỂU (SYMBOLA FIDEI) (giaolyductin.org04/03/13)
185. Ai nói “Tôi tin”, tức là nói “Tôi gắn bó với
những điều chúng tôi cùng tin”. Sự hiệp thông trong đức tin đòi hỏi một
ngôn ngữ chung của đức tin, làm chuẩn mực cho mọi người và liên kết mọi người
trong cùng một lời tuyên xưng đức tin.
186. Ngay từ đầu, Hội Thánh thời các Tông Đồ đã
diễn tả và lưu truyền đức tin của mình bằng những công thức ngắn và có giá trị
chuẩn mực đối với mọi người[1].Không lâu sau đó, Hội
Thánh lại muốn thu thập những điểm cốt yếu của đức tin vào những bản tóm lược
mạch lạc và rõ ràng, chủ yếu dành cho những người chuẩn bị lãnh bí tích Rửa
Tội.
“Bản tóm lược đức tin này được soạn thảo không phải để làm
vừa lòng người ta; nhưng trong toàn bộ Thánh Kinh, đã chọn lấy những điều quan
trọng nhất để làm thành một giáo huấn đức tin duy nhất. Như trong một hạt cải
nhỏ bé đã chứa đựng nhiều cành lá, cũng vậy trong một ít lời, bản tóm lược đức
tin này chứa đựng toàn bộ tri thức đạo đức của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước”[2].
187. Các bản tổng hợp đức tin đó được gọi là các “Bản
tuyên xưng đức tin”, vì chúng tóm lược đức tin mà các Kitô hữu tuyên xưng.
Chúng được gọi là “Kinh Tin Kính” vì thường bắt đầu bằng thuật ngữ “Tôi tin
kính.” Chúng cũng còn được gọi là các “Tín biểu” (Symbola fidei).
188. Symbolon là một từ Hy Lạp dùng để chỉ phân nửa
của một vật được bẻ ra (chẳng hạn, của một ấn tín) mà người ta đưa ra làm dấu
chỉ để nhận ra nhau. Những phần đã bị bẻ ra được đặt khớp lại với nhau để xác
minh căn tính của người mang nó. Tín biểu (Symbolum fidei) là một dấu chỉ để
các tín hữu nhận ra nhau, hiệp thông với nhau. Symbolon sau đó được dùng
để chỉ một bản toát yếu, bản sưu tập, hoặc bản tóm lược. Tín biểu là bản toát
yếu những chân lý chủ yếu của đức tin. Từ đó, nó được coi là điểm đầu tiên và
căn bản mà việc dạy giáo lý phải quy chiếu.
189. Việc “tuyên xưng đức tin” đầu tiên được thực
hiện khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. “Tín biểu” trước hết là Tín biểu củaPhép
Rửa. Bởi vì Phép Rửa được ban “nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt
28,19), nên các chân lý đức tin được tuyên xưng trong Phép Rửa đã được sắp xếp
theo tương quan của chúng với Ba Ngôi Chí Thánh.
190. Do đó Tín biểu được chia làm ba phần: “Phần
đầu nói về Thiên Chúa Ngôi Thứ Nhất và về công trình tạo dựng kỳ diệu; phần
tiếp sau nói về Ngôi Hai và về mầu nhiệm Cứu chuộc loài người; phần cuối cùng
nói về Ngôi Ba, là nguyên lý và nguồn mạch của việc thánh hóa chúng ta”[3]. Đó là “ba chương của ấn tín [rửa tội] của chúng ta”[4].
191. Tín biểu “được chia làm ba phần, gồm những câu
khác biệt nhưng liên kết rất chặt chẽ với nhau. Dựa theo một hình ảnh các Giáo
phụ quen dùng, chúng ta gọi các câu đó là articuli [nghĩa đen là các
khúc, ở đây dịch là “mục”].Như các chi thể trong một thân thể được phân
chia thành nhiều khúc, thì cũng vậy, trong việc tuyên xưng đức tin, từng điều
riêng rẽ chúng ta phải tin cũng được gọi cách thích hợp và chính đáng là một articulum”[5]. Theo một truyền thống cổ xưa, được thánh Ambrôsiô xác
nhận, người ta quen liệt kê mười hai mục trong kinh Tin Kính, để nói lên
một cách tượng trưng, dựa theo số các Tông Đồ, kinh đó bao gồm đức tin tông
truyền[6].
192. Qua các thế kỷ, để đáp ứng những nhu cầu của
các thời đại khác nhau, đã có nhiều Bản tuyên xưng đức tin hoặc Tín biểu: những
Tín biểu của các Giáo Hội thời các Tông Đồ và thời cổ xưa[7],
Tín biểu “Quicumque” được coi là của thánh Athanasiô[8],
những Bản tuyên xưng đức tin của một số Công đồng (như Tôlêđô[9];
Latêranô[10]; Lyon[11];
Triđentinô[12]), hay của một số vị Giáo Hoàng như “Bản
tuyên xưng đức tin” của Đức Giáo Hoàng Đamasô[13], hoặc
“Kinh Tin Kính của dân Thiên Chúa” do Đức Phaolô VI soạn thảo (1968)[14].
193. Không một Tín biểu nào xuất phát từ những thời
đại khác nhau của đời sống Hội Thánh có thể bị coi là lỗi thời và vô ích. Các
Tín biểu này giúp chúng ta ngày nay biết được và thấu hiểu đức tin ngàn đời của
Hội Thánh, thông qua các bản tóm lược đã được thực hiện.
Trong tất cả các Tín biểu, có hai bản chiếm một địa vị rất
đặc biệt trong đời sống Hội Thánh:
194. Tín biểu của các Tông Đồ: bản này được gọi như
vậy bởi vì được coi, một cách chính xác, như bản tóm lược trung thành đức tin
của các Tông Đồ. Đây là Tín biểu dùng khi rửa tội, được Giáo Hội Rôma sử dụng
từ thời xa xưa. Do đó, bản này có một uy thế lớn lao: “Đây là Tín biểu mà Giáo
Hội Rôma bảo tồn, đó là nơi thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, đã đặt tông tòa
và là nơi ngài đã đem đức tin chung của Hội Thánh đến”[15].
195. Tín biểu được gọi là Nicêa-Constantinôpôli
có một uy thế lớn lao vì phát xuất từ hai Công đồng chung đầu tiên (năm 325 và
năm 381). Chođến nay, bản này vẫn còn là gia sản chung của tất cả các Giáo Hội
lớn của Đông phương và Tây phương.
196. Sách Giáo Lý này trình bày đức tin theo Tín
biểu của các Tông Đồ, vì bản này có thể nói được là “giáo lý Rôma cổ xưa nhất”.
Tuy nhiên, phần trình bày sẽ được bổ túc bằng cách thường xuyên tham chiếu Tín
biểu Nicêa–Constantinôpôli vì bản này thường rõ ràng và chi tiết hơn.
197. Cũng như trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội,
khi trọn cuộc sống của chúng ta được ủy thác cho “quy luật đạo lý” (Rm 6,l7), chúng
ta hãy đón nhận Tín biểu, để nhờ đó chúng ta được sống. Khi đọc kinh Tin Kính
với lòng tin, chúng ta được hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần, và cũng được hiệp thông với Hội Thánh phổ quát, là người lưu truyền đức
tin cho chúng ta, và chính trong lòng Hội Thánh mà chúng ta tin:
“Tín biểu là dấu ấn thiêng liêng, là điều chúng ta tâm
niệm, và như là người canh giữ luôn hiện diện, chắc chắn đó là kho tàng của
linh hồn chúng ta”[16].
[1] X. Rm 10,9; 1 Cr
15,3-5.
[2] Thánh Cyrillô
Giêrusalem, Catecheses illuminandorum, 5, 12: Opera, v.1, ed.
G.C. Reischl (Monaci 1848) 150 (PG 33, 521-524).
[3] Catechismus Romanus,
1, 1,4: Ed. P. Rodriguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 20.
[4] Thánh Irênê,
Demonstratio apostolicae predicationis, 100; SC 62, 170.
[5] Catechismus Romanus,
1, 1, 4: Ed. P. Rodriguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 20.
[6] X. Thánh Ambrôsiô, Explanatio
Symboli, 8: CSEL 73, 10-11 (PL 17, 1196).
[7] X. Symbola fidei ab
Ecclesia antiqua recepta: DS 1-64.
[8] X. DS 75-76.
[9] CĐ Tôlêđô XI: DS
525-541.
[10] CĐ Latêranô IV: DS
800-802.
[11] CĐ Lyon II: DS
851-861.
[12] Professio fidei
Tridentina: DS 1862-1870.
[13] X. DS 71-72.
[14] ĐGH Phaolô VI, Solemnis
Professio fidei: AAS 60 (1968) 433-445.
[15] Thánh Ambrôsiô, Explanatio
Symboli, 7: CSEL 73, 10 (PL 17, 1196).
[16] Thánh Ambrôsiô, Explanatio
Symboli, 1: CSEL 73, 3 (PL 17, 1193).