SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO -
TIẾT 2: CHÚA CHA
(http://giaolyductin. org)
Paragraphus 2
Pater
“IN NOMINE PATRIS ET
FILII ET SPIRITUS SANCTI”
232. Các Kitô hữu được rửa tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt
28,19). Trước đó họ đã ba lần trả lời “Tôi tin” để đáp lại ba câu hỏi yêu cầu
họ tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. “Đức tin của
mọi Kitô hữu cốt tại Chúa Ba Ngôi”[1].
233. Các Kitô hữu được rửa tội “nhân danh” Cha và Con và Thánh Thần, chứ
không “nhân các danh” của các Ngài[2], bởi vì chỉ có một
Thiên Chúa, Cha toàn năng, Con duy nhất của Ngài và Thánh Thần: Đó là Thiên
Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
234. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và
đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm của Thiên Chúa trong chính bản thể của Ngài.
Vì vậy đây là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng
chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo lý căn bản nhất và chủ yếu nhất trong
“phẩm trật các chân lý” đức tin[3]. “Lịch sử cứu độ
chính là lịch sử của đường lối và phương thế, mà Thiên Chúa thật và duy nhất là
Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mạc khải cho con người, và
giao hoà và kết hợp với Ngài những ai từ bỏ tội lỗi”[4].
235. Trong tiết này sẽ vắn tắt trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
được mạc khải thế nào (I), Hội Thánh đã trình bày giáo lý đức tin về mầu nhiệm
này thế nào (II), và sau cùng, Chúa Cha, nhờ sứ vụ thần linh của Chúa Con và
Chúa Thánh Thần, thực hiện “kế hoạch nhân hậu” của Ngài trong việc tạo dựng,
cứu chuộc và thánh hoá như thế nào (III).
236. Các Giáo phụ phân biệt Theologia với Oikonomia. Thuật
ngữ thứ nhất chỉ mầu nhiệm sự sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuật ngữ
thứ hai chỉ mọi công trình của Thiên Chúa, qua đó Ngài tự mạc khải và truyền
thông sự sống của Ngài. Nhờ Oikonomia mà Theologia được mạc khải cho chúng ta,
nhưng ngược lại, Theologia soi sáng toàn thể Oikonomia. Các công trình của Thiên
Chúa mạc khải cho chúng ta biết Ngài trong bản thể của Ngài, và ngược lại, mầu
nhiệm bản thể nội tại của Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu tất cả các công
trình của Ngài. Trong các tương quan nhân loại, sự việc cũng diễn ra tương tự
như vậy. Con người biểu lộ mình qua hành động và càng biết rõ một người nào đó,
chúng ta càng hiểu rõ hành động của họ.
237. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm đức tin theo nghĩa hẹp, là một
trong những mầu nhiệm được ẩn giấu nơi Thiên Chúa, “mà nếu Thiên Chúa không mạc
khải thì không ai có thể biết được”[5]. Chắc chắn Thiên
Chúa đã để lại những dấu vết nào đó về thực thể Ba Ngôi của Ngài trong công trình
tạo dựng và trong việc Ngài mạc khải suốt dòng Cựu Ước. Nhưng đời sống nội tại
của thực thể Ngài, là Ba Ngôi Chí Thánh, vẫn là một mầu nhiệm mà lý trí thuần
tuý của con người không thể nào đạt đến được, và ngay cả đức tin của Israel
cũng không thể biết mầu nhiệm đó, trước khi Con Thiên Chúa nhập thể và Chúa
Thánh Thần được sai đến.
DE REVELATIONE DEI
TAMQUAM TRINITATIS
Chúa Cha được mạc
khải nhờ Chúa Con
238. Việc khẩn cầu Thiên Chúa với tước hiệu là “Cha” đã được biết đến
trong nhiều tôn giáo. Thượng Đế thường được coi như “cha của các vị thần và của
người phàm”. Trong dân
239. Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên
hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc thứ nhất và là Đấng uy quyền siêu việt
trên hết mọi sự, đồng thời là Đấng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái
của Ngài. Tình phụ tử này của Thiên Chúa cũng có thể được diễn tả qua hình ảnh
tình mẫu tử[9]. Hình ảnh tình mẫu tử nói lên rõ hơn sự
gần gũi của Thiên Chúa và sự thân mật giữa Thiên Chúa với thụ tạo của Ngài. Như
vậy, ngôn ngữ đức tin múc nguồn nơi kinh nghiệm phàm nhân về cha mẹ, các vị này
một cách nào đó, là những đại diện đầu tiên của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng
kinh nghiệm đó cũng cho thấy rằng, cha mẹ phàm nhân có thể phạm sai lầm và họ
có thể làm méo mó dung mạo của tình phụ tử và mẫu tử. Vì vậy phải nhớ rằng,
Thiên Chúa siêu việt hẳn trên sự phân biệt phái tính của phàm nhân. Ngài không
là nam mà cũng không là nữ. Ngài là Thiên Chúa. Ngài cũng siêu việt hẳn trên sự
làm cha làm mẹ của người phàm[10], mặc dù Ngài là nguồn
gốc và là chuẩn mực[11] của chức năng làm cha làm mẹ: không ai
là cha như Thiên Chúa là Cha.
240. Chúa Giêsu đã mạc khải Thiên Chúa là “Cha” theo một nghĩa chưa từng
có: Ngài là Cha không những vì Ngài là Đấng Tạo Hoá, nhưng từ đời đời Ngài là
Cha trong tương quan với Con duy nhất của Ngài, Đấng từ đời đời là Con trong
tương quan với Cha của Người: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng
như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải
cho” (Mt 11,27).
241. Vì vậy các Tông Đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là “Ngôi Lời”, “lúc khởi
đầu … vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1), là “hình
ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), và là “phản ánh vẻ huy hoàng, là hình
ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3).
242. Sau các ngài, Hội Thánh tiếp nối Truyền thống Tông Đồ, trong Công
đồng chung thứ nhất họp tại Nicêa năm 325, đã tuyên xưng Chúa Con “đồng bản thể
với Chúa Cha”[12], nghĩa là, Người là một Thiên Chúa
duy nhất cùng với Chúa Cha. Công đồng chung thứ hai họp tại Constantinôpôli năm
381, vẫn duy trì cách diễn tả trong công thức của tín biểu Nicêa và đã tuyên
xưng: “Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là
Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà
không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”[13].
Chúa Cha và Chúa Con
được mạc khải nhờ Chúa Thánh Thần
243. Trước cuộc Vượt Qua của Người, Chúa Giêsu báo tin sẽ sai đến một
“Đấng Bào Chữa (Đấng Bảo Vệ) khác”, là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần, Đấng
đã hoạt động trong công trình tạo dựng[14] và sau khi “đã dùng các Tiên tri mà
phán dạy”[15], nay Ngài sẽ đến với và ở trong các môn
đệ[16], để dạy bảo họ[17], và
dẫn họ tới “sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Như vậy Chúa Thánh Thần được mạc khải
như một Ngôi Vị thần linh khác, trong tương quan với Chúa Giêsu và với Chúa Cha.
244. Nguồn gốc vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần được mạc khải trong ‘sứ vụ
trong thời gian’ của Ngài. Chúa Thánh Thần được sai đến với các Tông Đồ và với
Hội Thánh, hoặc do Chúa Cha nhân danh Chúa Con, hoặc do chính Chúa Con, sau khi
Người trở về với Chúa Cha[18]. Sứ vụ của Ngôi Vị Chúa
Thánh Thần sau khi Chúa Giêsu được tôn vinh[19] mạc khải một cách đầy đủ mầu nhiệm Ba
Ngôi Chí Thánh.
245. Đức tin tông truyền về Chúa Thánh Thần đã được Công đồng chung thứ
hai họp tại Constantinôpôli năm 381 tuyên xưng: Chúng tôi tin kính “Chúa Thánh
Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống; Ngài bởi Chúa Cha mà ra”[20]. Bằng lời tuyên xưng đó, Hội Thánh nhìn nhận Chúa Cha
như “nguồn mạch và cội nguồn của tất cả thần tính”[21].
Nhưng cội nguồn vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần không phải không có liên hệ với
cội nguồn của Chúa Con: “Chúng tôi tin rằng Chúa Thánh Thần, Ngôi Thứ Ba trong
Ba Ngôi, là Thiên Chúa duy nhất và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con, cùng một
bản thể, cùng một bản tính;... Ngài được gọi là Thần Khí không phải chỉ của
Chúa Cha cũng không phải chỉ của Chúa Con, nhưng một trật là của Chúa Cha và
của Chúa Con”[22]. Tín biểu Constantinôpôli của Hội
Thánh tuyên xưng: “Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức
Chúa Con”[23].
246. Tín biểu theo truyền thống La tinh tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần
“bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con
(Filioque) mà
ra”. Công đồng Florentina, năm 1439, giải thích: “Chúa Thánh Thần … có bản tính
và hữu thể của Ngài bởi Chúa Cha và một trật bởi Chúa Con, và từ đời đời Ngài
xuất phát bởi Hai Ngôi như bởi một nguyên lý duy nhất và bởi một hơi thở duy
nhất…. Và bởi vì mọi sự, vốn là của Chúa Cha, chính Chúa Cha đã ban cho Con Một
khi sinh ra Con Một, trừ cương vị làm Cha, nên việc Thần Khí xuất phát bởi Chúa
Con, thì từ đời đời Chúa Con có việc xuất phát đó là bởi Chúa Cha, Đấng cũng
sinh ra Chúa Con từ đời đời”[24].
247. Lời khẳng định “và bởi Đức Chúa Con” (Filioque) không có trong Tín biểu công bố năm
381 tại Constantinôpôli. Nhưng thánh Giáo Hoàng Lêô, dựa theo truyền thống cổ
xưa của La tinh và
248. Truyền thống Đông phương trước hết diễn tả rằng Chúa Cha là cội
nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần. Khi tuyên xưng Chúa Thánh Thần “xuất phát từ
Chúa Cha” (Ga 15,26), truyền thống đó xác quyết Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa
Con (a Patre per Filiumprocedere)[26].
Còn truyền thống Tây phương trước hết xác quyết sự hiệp thông đồng bản thể giữa
Chúa Cha và Chúa Con, khi nói rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con(ex Patre Filioque procedere). Truyền thống này
nói như vậy là “hợp pháp và hợp lý”[27], bởi vì theo
trật tự vĩnh cửu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa trong sự hiệp thông đồng bản thể,
Chúa Cha, với tư cách là “nguyên lý không có khởi đầu”[28],
là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần, nhưng còn với tư cách là Cha của Con
duy nhất, thì Chúa Cha là nguyên lý duy nhất cùng với Con của Ngài, từ đó, Chúa
Thánh Thần xuất phát “như từ một nguyên lý duy nhất”[29].
Sự bổ túc hợp pháp này, nếu không bị thổi phồng, thì không tác động gì đến sự
đồng nhất của đức tin vào thực tại của cùng một mầu nhiệm được tuyên xưng.
SANCTISSIMA TRINITAS
IN DOCTRINA FIDEI
Sự hình thành tín
điều Chúa Ba Ngôi
249. Ngay từ buổi đầu, chân lý được mạc khải về Ba Ngôi Chí Thánh đã có
trong những điều căn bản của đức tin sống động của Hội Thánh, chủ yếu qua bí
tích Rửa Tội. Chân lý đó được diễn tả trong quy luật đức tin về phép Rửa, được
công thức hoá trong việc rao giảng, trong việc dạy giáo lý và trong kinh nguyện
của Hội Thánh. Người ta đã gặp những công thức như vậy trong các tác phẩm của
các Tông Đồ, như lời chào sau đây làm chứng, lời chào này đã được sử dụng lại
trong Thánh lễ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của
Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr
13,13)[30].
250. Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh đã cố gắng trình bày minh bạch
hơn đức tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa để đào sâu sự hiểu biết của
chính mình về đức tin, vừa để bảo vệ đức tin khỏi những sai lạc muốn bóp méo
đức tin. Đó là công trình của các Công đồng đầu tiên, được trợ lực bởi hoạt
động thần học của các Giáo Phụ và được đón nhận bởi cảm thức đức tin của dân
Kitô giáo.
251. Để công thức hoá tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, Hội Thánh phải triển
khai một thuật ngữ riêng, dựa vào những khái niệm bắt nguồn từ triết học, như:
“bản thể” (substantia),
“ngôi” hoặc “ngôi vị” (persona hoặc hypostasis), “tương quan” (relatio) v. v….
Làm như vậy, Hội Thánh đã không giao phó đức tin cho sự khôn ngoan phàm nhân, nhưng
đã cho các từ ngữ này một ý nghĩa mới, chưa từng biết đến, những từ ngữ này từ
nay sẽ được sử dụng để nói lên mầu nhiệm khôn tả, vốn “vô cùng vượt trên mọi
điều chúng ta có thể hiểu được theo cách thức phàm nhân”[31].
252. Hội Thánh sử dụng từ “bản thể” (substantia) (hoặc “yếu tính”,essentia hoặc “bản tính”, natura) để chỉ Hữu Thể thần linh trong
sự duy nhất của Ngài, từ “ngôi” hoặc “ngôi vị” (persona hoặchypostasis) để chỉ Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong sự phân biệt thật sự với nhau giữa các Ngài,
còn từ “tương quan” (relatio) để chỉ sự phân biệt của các Ngài trong vấn đề các
Ngài quy chiếu về nhau.
Tín điều Ba Ngôi Chí
Thánh
253. Tam Vị Nhất Thể. Chúng ta không
tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: “Ba Ngôi
đồng bản thể”[32]. Các Ngôi Vị Thiên Chúa không chia
nhau một thần tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn:
“Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy,
Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy, nghĩa là một Thiên
Chúa duy nhất theo bản tính”[33]. “Ba Ngôi Vị đều là
thực thể đó, nghĩa là bản thể, yếu tính hoặc bản tính thần linh”[34].
254. Các Ngôi Vị Thiên Chúa thật sự phân biệt với nhau. “Chúng tôi tôn thờ và tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất nhưng
không đơn độc”[35]. “Chúa Cha”, “Chúa Con”, “Chúa Thánh
Thần”, không phải đơn thuần là những danh xưng chỉ các dạng thức của “Hữu Thể”
thần linh, bởi vì Ba Ngôi thật sự phân biệt với nhau: “Chúa Con không phải là
Chúa Cha, và Chúa Cha không phải là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần không phải là
Chúa Cha hoặc Chúa Con”[36]. Ba Ngôi phân biệt nhau qua
các tương quan về nguồn gốc: “Chúa Cha là Đấng sinh thành, Chúa Con là Đấng
được sinh ra, Chúa Thánh Thần là Đấng xuất phát”[37]. Thiên Chúa Nhất Thể Tam
Vị.
255. Các Ngôi vị Thiên Chúa có tương quan với nhau. Bởi vì sự phân biệt thật sự giữa các Ngôi Vị với nhau không phân
chia thần tính duy nhất, nên sự phân biệt đó chỉ cốt tại các mối tương quan quy
chiếu các Ngôi Vị với nhau. “Trong các danh xưng nói lên mối tương quan giữa
các Ngôi vị, Chúa Cha có tương quan với Chúa Con, Chúa Con có tương quan với
Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần có tương quan với Hai Ngôi kia. Khi xét về tương
quan thì chúng ta nói là Ba Ngôi, nhưng chúng ta tin vào một bản tính hay một
bản thể”[38]. Thật vậy, giữa Ba Ngôi “mọi sự … đều là
một, khi không nói đến sự đối lập về tương quan”[39]. “Vì
sự duy nhất đó, Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con, hoàn toàn ở trong Chúa
Thánh Thần; Chúa Con hoàn toàn ở trong Chúa Cha, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh
Thần; Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Cha, hoàn toàn ở trong Chúa Con”[40].
256. Thánh Grêgôriô Nazianzênô, có biệt danh là “Nhà thần học”, cống hiến
cho các dự tòng tại Constantinôpôli bản toát yếu đức tin về Ba Ngôi như sau:
“Trên hết mọi sự,
tôi yêu cầu, bạn hãy gìn giữ kho tàng quý giá này, kho tàng đó là lý do để tôi
sống và chiến đấu, là điều tôi muốn đem theo khi chết, là điều giúp tôi chấp nhận
tất cả mọi gian khổ và khinh chê mọi lạc thú: tôi muốn nói đến đức tin, đến
việc tuyên xưng vào Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hôm nay tôi trao
lời tuyên xưng đó cho bạn. Với lời tuyên xưng đức tin đó, tôi sắp dìm bạn xuống
nước thanh tẩy, rồi kéo bạn lên. Tôi trao cho bạn để làm người bạn đường, người
bảo trợ suốt đời, lời tuyên xưng vào một Thần Tính và một Quyền Năng duy nhất,
cùng gặp được trong Ba Ngôi, và gồm Ba Ngôi một cách phân biệt, không hơn kém
về bản thể hoặc bản tính, không tăng giảm về sự cao hơn hoặc thấp hơn…. Ba Ngôi
vô cùng, kết hợp với nhau vô cùng. Nếu xét riêng, mỗi Ngôi đều là Thiên Chúa. Nếu
suy tưởng một trật, Ba Ngôi vẫn là một Thiên Chúa…. Tôi vừa suy tưởng đến Thiên
Chúa Duy Nhất, thì lập tức hào quang của Ba Ngôi tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi vừa
bắt đầu phân biệt Ba Ngôi, thì bị kéo trở lại Thiên Chúa Duy Nhất”[41].
DE DIVINIS OPERIBUS
ET MISSIONIBUS TRINITARIIS
257. “Ôi nguồn sáng, Ba Ngôi diễm phúc, là Căn Nguyên Độc Nhất vũ hoàn!”[42] Thiên
Chúa là hạnh phúc vĩnh cửu, là sự sống bất tử, là ánh sáng không tàn lụi. Thiên
Chúa là tình yêu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa tự ý muốn
truyền thông vinh quang của sự sống hạnh phúc của Ngài. Đó là “kế hoạch yêu
thương” (Ep 1,9) mà Ngài đã cưu mang từ trước khi tạo dựng trần gian trong Con
yêu dấu của Ngài, và quả thật “Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa
Giêsu Kitô” (Ep 1,5), nghĩa là, Ngài đã tiền định cho chúng ta “nên đồng hình
đồng dạng với Con của Ngài” (Rm 8,29) nhờ “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa
tử” (Rm 8,15). Kế hoạch này là ân sủng “Ngài đã ban cho chúng ta từ muôn thuở”
(2 Tm 1,9), xuất phát trực tiếp từ tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Kế hoạch đó được
thể hiện trong công trình tạo dựng, và sau khi con người sa ngã, trong toàn bộ
lịch sử cứu độ, trong các sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được tiếp nối
trong sứ vụ của Hội Thánh[43].
258. Toàn bộ Nhiệm cục thần linh là công trình chung của Ba Ngôi Thiên
Chúa. Vì cũng như Ba Ngôi chỉ có một bản tính, Ba Ngôi cũng chỉ có cùng một
hoạt động[44]. “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
không phải là ba nguyên lý của thụ tạo nhưng là một nguyên lý duy nhất”[45]. Tuy nhiên mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa thực hiện công
trình chung theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi. Cho nên, theo sau Tân Ước[46], Hội Thánh tuyên xưng: “Một Thiên Chúa là Cha, mọi sự
đều bởi Ngài; Một Chúa Giêsu Kitô, mọi sự đều nhờ Người; và Một Chúa Thánh
Thần, mọi sự đều trong Ngài”[47]. Các sứ vụ thần linh
là việc Nhập thể của Chúa Con và việc trao ban Chúa Thánh Thần biểu lộ cách đặc
biệt các đặc tính riêng của các Ngôi Vị Thiên Chúa.
259. Toàn bộ Nhiệm cục thần linh là công trình vừa có tính chung, vừa có
tính riêng, nên vừa cho thấy đặc tính của từng Ngôi Vị Thiên Chúa vừa cho thấy
bản tính duy nhất của Ba Ngôi. Toàn bộ đời sống Kitô hữu cũng là sự hiệp thông
với mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa mà không hề phân biệt Ba Ngôi. Ai tôn vinh Chúa Cha,
là làm điều đó nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Kitô, là
làm điều đó bởi vì Chúa Cha lôi kéo người ấy[48] và Chúa Thánh Thần thúc đẩy người ấy[49].
260. Cùng đích của toàn bộ Nhiệm cục thần linh là đưa các thụ tạo đến
hợp nhất trọn vẹn với Ba Ngôi Diễm Phúc[50]. Nhưng ngay
từ bây giờ, chúng ta được kêu gọi trở nên nơi cư ngụ của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa
nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha
Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23):
“Lạy Thiên Chúa của
con, lạy Ba Ngôi con tôn thờ, xin giúp con quên hẳn mình để an trú trong Chúa,
bất động và thanh thản như thể linh hồn con đã ở trong cõi vĩnh hằng; xin đừng
để điều gì có thể quấy phá sự bình an của con, và làm con phải ra khỏi Chúa, ôi
Đấng Bất Biến của con, nhưng mỗi giây phút xin đem con vào sâu hơn nữa trong
mầu nhiệm thẳm sâu của Chúa! Xin ban bình an cho linh hồn con; xin biến linh
hồn con thành thiên đàng của Chúa, thành nơi cư ngụ mà Chúa ưa thích, và nơi
nghỉ ngơi của Chúa. Ước gì con không bao giờ bỏ mặc Chúa một mình, nhưng ước gì
con ở đó với trọn vẹn bản thân, hoàn toàn tỉnh thức trong đức tin, hoàn toàn
thờ lạy, và hoàn toàn phó thác cho hoạt động sáng tạo của Chúa”[51].
261. Mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và
đời sống Kitô hữu. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho ta biết được mầu
nhiệm ấy khi Ngài tự mạc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
262. Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa mạc khải rằng Thiên Chúa là Cha từ
muôn thuở, và Chúa Con là Đấng đồng bản thể với Chúa Cha, nghĩa là, Chúa Con là
Thiên Chúa duy nhất trong Chúa Cha và cùng với Chúa Cha.
263. Sứ vụ của Chúa Thánh Thần, Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con[52], và Chúa Con sai
đến “từ nơi Chúa Cha” (Ga 15,26), mạc khải rằng Chúa Thánh Thần cùng với Chúa
Cha và Chúa Con là một Thiên Chúa duy nhất. “Ngài được phụng thờ và tôn vinh
cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”[53].
264. “Chúa Thánh Thần chủ yếu xuất phát từ Chúa Cha, mà từ đời đời Chúa
Cha ban tặng cho Chúa Con, nên Chúa Thánh Thần xuất phát chung từ Hai Ngôi”[54].
265. Nhờ ân sủng của bí tích Rửa Tội “nhân danh Cha và Con và Thánh
Thần” (Mt 28,19), chúng ta được kêu gọi để tham dự vào sự sống của Ba Ngôi Diễm
Phúc, “ở trần thế này trong bóng tối của đức tin và sau khi chết trong ánh sáng
vĩnh cửu”[55].
266. “Đức tin công giáo là thế này, chúng ta thờ kính Một Thiên Chúa
trong Ba Ngôi, và Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa, mà không lẫn lộn các Ngôi Vị,
không phân chia bản thể:thật vậy, Ngôi Cha là khác, Ngôi Con là
khác và Ngôi Thánh Thần là khác; nhưng thần tính, sự vinh quang ngang nhau và
uy quyền vĩnh cửu của Chúa Cha, của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần là một”[56].
267. Các Ngôi vị thần linh không thể tách rời nhau trong cùng một bản
thể duy nhất, thì cũng không thể tách rời nhau trong các hoạt động của mình. Nhưng
trong hoạt động thần linh duy nhất này, mỗi Ngôi vị hiện diện theo cách đặc thù
của mình trong Ba Ngôi, nhất là trong các sứ vụ thần linh là việc Nhập Thể của
Chúa Con và việc trao ban Chúa Thánh Thần.
[1]Thánh Cêsariô Arêlatensê, Expositio vel traditio Symboli (Sermo 9): CCL 103, 47.
[2]X. Vigiliô, Professio fidei (552): DS 415.
[3]X. Thánh bộ Giáo sĩ, Directorium catechisticum generale, 43:
AAS 64 (1972) 123.
[4]Thánh bộ Giáo sĩ, Directorium catechisticum generale, 47:
AAS 64 (1972) 125.
[5]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 4: DS 3015.
[6]X. Đnl 32,6; Ml 2,10.
[7]X. 2 Sm 7,14.
[8]X. Tv 68,6.
[9]X. Is 66,13; Tv 131,2.
[10]X. Tv 27,10.
[11]X. Ep 3,14-15; Is 49,15.
[12]Tín biểu Nicêa: DS 125.
[13]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[14]X. St 1,2.
[15]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[16]X. Ga 14,17.
[17]X. Ga 14,26.
[18]X. Ga 14,26; 15,26; 16,14.
[19]X. Ga 7,39.
[20]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[21]CĐ Tôlêđô VI (năm 638), De Trinitate et de Filio Dei Redemptore incarnato:
DS 490.
[22]CĐ Tôlêđô XI (năm 675), Tín biểu: DS 527.
[23]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[24]CĐ Florentina, Decretum pro Graecis: DS 1300-1301.
[25]X. Thánh Lêô Cả, Epistula Quam laudabiliter: DS 284.
[26]X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2: AAS 58 (1966) 948.
[27]CĐ Florentina, Decretum pro Graecis (năm 1439): DS 1302.
[28]CĐ Florentina, Decretum pro Iacobitis (năm 1442): DS 1331.
[29]CĐ Lyon II, Constitutio de Summa Trinitate et fide catholica (1274): DS 850.
[30]X. 1 Cr 12,4-6; Ep 4,4-6.
[31]ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 9: AAS 60
(1968) 437.
[32]CĐ Constantinôpôli II (năm 553), Anathematismi de tribus Capitulis, 1:
DS 421.
[33]CĐ Tôlêđô XI (năm 675), Tín biểu: DS 530.
[34]CĐ Latêranô IV (năm 1215), Cap. 2, De errore abbatí Ioachim: DS 804.
[35]Fides Damasi: DS 71.
[36]CĐ Tôlêđô XI (năm 675),Tín biểu: DS
530.
[37]CĐ Latêranô IV (năm 1215), Cap. 2, De errore abbati Ioachim: DS 804.
[38]CĐ Tôlêđô XI (năm 675), Tín biểu: DS 528.
[39]CĐ Florentina, Decretum pro Iacobitis (năm 1442) DS 1330.
[40]CĐ Florentina, Decretum pro Iacobitis (năm 1442) DS 1331.
[41]Thánh Grêgôriô Nazianzênô, Oratio, 40, 41: SC 358, 292-294 (PG 36,
417).
[42]Thánh thi Kinh Chiều II Chúa nhật, Tuần
2 và 4: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v. 3 (Typis
Polyglottis Vaticanis 1973) 684 và 931; v. 4 (Typis Polyglottis Vaticanis 1974)
632 và 879.
[43]X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2-9: AAS 58 (1966) 948-958.
[44]X. CĐ Constantinôpôli II (năm 553) Anathematismi de tribus Capitulis, 1:
DS 421.
[45]CĐ Florentina, Decretum pro Iacobitis (năm 1442) DS 1331.
[46]X. 1 Cr 8,6.
[47]CĐ Constantinôpôli II (năm 553) Anathematismi de tribus Capitulis, 1:
DS 421.
[48]X. Ga 6,44.
[49]X. Rm 8,14.
[50]X. Ga 17,21-23.
[51]Chân phước Êlisabet Chúa Ba Ngôi, Lời
nguyện dâng Chúa Ba Ngôi:Ecrits spirituels, 50, ed. M. M. Philipon (
[52]X. Ga 14,26.
[53]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[54]Thánh Augustinô, De Trinitate, 15, 26, 47: CCL 50A, 529
(PL 42, 1095).
[55]ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 9: AAS 60
(1968) 436.
[56]Tín biểu “Quicumque”: DS 75.